“Cứ đi rồi sẽ thành đường...”

“Một bộ sưu tập với nhiều loại hình hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học, thể hiện ở số lượng hiện vật, loại hình đa dạng, hình thức độc đáo, tính nguyên gốc và toàn vẹn…” là đánh giá chung của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về bộ sưu tập cổ vật An Biên - Hải Phòng của Nhà Sưu tập Trần Đình Thăng tại cuộc Tọa đàm do Hội DSVH Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng tổ chức tại TP Hải Phòng với sự tham dự của lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Hải Phòng, Hội Cổ vật Hải Phòng…

Đề xuất chọn hiện vật lập hồ sơ Bảo vật quốc gia

Tại tọa đàm, các nhà khoa học, khảo cổ học cùng làm sáng tỏ khẳng định giá trị bộ sưu tập An Biên, coi đây là tinh hoa hồn cốt văn hóa dân tộc, là cứ liệu lịch sử trung thực, khách quan nhất phản ánh đời sống, nhân sinh quan xã hội của mỗi thời kỳ, từng triều đại đồng thời thảo luận những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hồ sơ khoa học cho bộ sưu tập; biện pháp giới thiệu, quảng bá và giáo dục di sản phát huy giá trị sưu tập; những kinh nghiệm từ quốc tế cũng như những bài học kinh nghiệm và biện pháp phối hợp được rút ra từ thực tiễn...

TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Ủy viên BCH Hội DSVH Việt Nam, thông tin: “Sưu tập cổ vật An Biên đã cho những người chiêm ngắm một cảm nhận phấn khích. 234 cổ vật Việt Nam trên 136 cổ vật Trung Quốc và Thái Lan, đủ thấy tỷ lệ lấn lướt, sức cuốn hút, sự nặng lòng với cổ vật Việt Nam của chủ nhân bộ sưu tập. Đó là hồn cốt văn hóa của cha ông để lại mà những thế hệ tiếp nối cần phải trân trọng, giữ gìn, không thể để chúng phải «chảy máu», như một số quốc gia, ở một thời nghèo khó, di sản phải đội nón ra đi, nay muốn hồi hương phải trả một giá quá đắt....”

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, UVBCH Hội DSVH Việt Nam khẳng định, với quá trình sưu tập lâu dài, ông Trần Đình Thăng đã sở hữu được một bộ sưu tập khá đồ sộ với nhiều loại hình hiện vật độc đáo, đặc sắc đại diện cho các thời kỳ, phản ánh lịch sử, văn hóa đa dạng và sinh động.

Trên cơ sở cùng khẳng định những giá trị của cổ vật An Biên, nhiều ý kiến thống nhất đề xuất cần lựa chọn hiện vật trong Bộ sưu tập này để lập hồ sơ Bảo vật quốc gia.

“Cứ đi rồi sẽ thành đường…”

Các hiện vật sẽ được lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị như thế nào sau giám định là vấn đề các đại biểu dự Tọa đàm đặc biệt quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến. 

Sau khi phân loại kiểm kê, đánh giá giám định, lập hồ sơ hiện vật, chụp ảnh, nhà sưu tập có đủ cơ sở đăng ký sưu tập cổ vật này với Sở VHTT Hải Phòng. Nhà sưu tập cũng cần đánh số đăng ký chính thức trên mỗi hiện vật, tiến hành gắn chắp các trường hợp vỡ sứt, sắp xếp hiện vật vào vị trí an toàn, ổn định; và phát huy giá trị hiện vật bằng nhiều hình thức, tiến tới thành lập bảo tàng tư nhân là quan điểm của TS Nguyễn Đình Chiến - Ủy viên Hội đồng Giám định cổ vật Bộ VHTTDL.

Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, nhận định: “Cổ vật An Biên là bộ sưu tập quý giá, cần được hoàn thiện thuyết minh về hiện vật, tiếp tục nghiên cứu và phát huy rộng rãi. Tuy nhiên, hiện vật được giám định sẽ không thể phát huy đầy đủ giá trị nếu chỉ nằm mãi trong kho, không được ai biết tới. Cách ứng xử phù hợp là cần đưa hiện vật tới cộng đồng, thời gian tới, chủ sưu tập nên kết hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia và các cơ quan liên quan tổ chức trưng bày sưu tập này tại Bảo tàng, tiến tới lựa chọn 1 hoặc 2 hiện vật lập Hồ sơ công nhận Bảo vật quốc gia”.

Cũng theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, từ giám định đến trưng bày, Tọa đàm này đã mở đường cho một hướng đi mới, trong phương thức giám định và tôn vinh cổ vật tư nhân, trong việc phối hợp giữa các nhà khoa học với các nhà sưu tập nghiên cứu, xác minh, tuyên truyền giới thiệu các sưu tập cổ vật. Giám định cổ vật là công việc cần mẫn, lâu dài, không phải ngày một, ngày hai được làm sáng tỏ hoàn toàn. Với tình hình thực tế hoạt động của giới cổ vật hiện nay, Hội DSVH Việt Nam sẽ nghiên cứu để tiến tới việc tổ chức đào tạo giám định cổ vật…

Đồng tình với ý kiến của các nhà khoa học về phương thức phát huy giá trị bộ sưu tập, dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Trịnh Văn Tú, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, đánh giá cao bộ sưu tập, theo ông, ngay tên gọi của sưu tập đã thể hiện tình yêu quê hương đất nước, yêu di sản của chủ sưu tập. “Sở VHTT sẽ đồng hành ở mức độ cao nhất để tuyên truyền sưu tập của ông Trần Đình Thăng và di sản của các nhà sưu tập khác. Tôi cũng ủng hộ việc lựa chọn hiện vật đăng ký, làm hồ sơ bảo vật quốc gia...” - ông Tú khẳng định.

TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam, cho rằng, bộ sưu tập An Biên được gìn giữ, bảo quản chu đáo, cẩn thận nhiều thập kỷ qua, đã đến lúc cần được giới thiệu, tiếp cận với công chúng và nhất là cần được nghiên cứu bảo vệ trong khuôn khổ của Luật Di sản Văn hoá. Không những thế, sưu tập này cần được phát huy giá trị để tiếp tục tạo ra những giá trị mới của hôm nay và mai sau.

“Bảo vệ và phát huy các sưu tập cổ vật ngoài công lập trong đời sống đương đại là một biện pháp hữu hiệu góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá Việt Nam, lan toả giá trị vì sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, để một hồ sơ được công nhận Bảo vật quốc gia không hề đơn giản, nhưng cứ đi thì sẽ thành đường…”,  TS Lý nhận định.

Triển lãm 326 hiện vật thuộc sưu tập cổ vật An Biên

Trước đó, tại khu Vincom Lê Thánh Tông (Hải Phòng), Hội DSVH Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hải Phòng phối hợp với Nhà sưu tập Trần Đình Thăng tổ chức triển lãm giới thiệu Bộ sưu tập cổ vật An Biên.

Tại triển lãm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam đề nghị các nhà khoa học, khảo cổ học phối hợp giám định chính xác niên đại để khẳng định giá trị các hiện vật. Dựa trên kết quả giám định, đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao lựa chọn các hiện vật đủ điều kiện để thực hiện các thủ tục đề nghị công nhận bảo vật quốc gia. Phó Chủ tịch cũng đề nghị Nhà sưu tập Trần Đình Thăng đầu tư mở rộng không gian trưng bày, biên soạn sách và video giới thiệu về từng cổ vật, đồng thời có chú thích cụ thể tại các hiện vật để người tham quan có thể hiểu được giá trị lịch sử quan trọng của hiện vật được trưng bày.

Bài và ảnh: Hoàng Quỳnh Hương

Top