Cột cờ Hà Nội

Trong Khu Di tích thành cổ Hà Nội mới được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, theo nhận định của nhiều cơ quan, các nhà nghiên cứu khác nhau, Di tích Cột cờ Hà Nội có niên đại xây dựng khá muộn, khoảng đầu thế kỷ XIX thuộc Niên hiệu Vua Gia Long.

Mặc dù Di tích đã được Bộ Văn hóa -Thông tin xếp hạng từ năm 1989 - sớm nhất trong các di tích trong khu thành cổ, nhưng những tư liệu nghiên cứu về Cột cờ lại rất ít, hồ sơ di tích chỉ giới thiệu thông tin chung. Trong tài liệu “Hồ sơ lý lịch Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” do Trung tâm bảo tồn Khu Di tích Cổ Loa - thành phố Hà Nội tổ chức biên soạn nhằm đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Khu Di tích thành cổ Hà Nội là di tích cấp quốc gia đặc biệt, các thông tin về Di tích Cột cờ - Kỳ đài cũng chỉ được đề cập đến hơn nửa trang viết với những thông tin vắn tắt trong phần khảo tả di tích. Vì vậy, bài viết này xin được trình bày một số nội dung tuy còn mang tính suy xét chủ quan nhưng cũng rất tâm huyết để các đồng nghiệp cùng suy ngẫm.

Mỗi khi nghĩ về Cột cờ Hà Nội, trong tôi lại vang lên câu thơ trong sách giáo khoa cấp I trước đây:

“Ai đã đến Hà Nội,

Đi trên đường Điện Biên,

Hẳn nhìn thấy vút lên

Cột cờ cao vời vợi...”

Theo tôi, có lẽ đây là cách giới thiệu vị trí cô đọng nhất của Di tích Cột cờ Hà Nội cho công chúng. Tuy nhiên, vị trí chính xác của Cột cờ trong khu vực Khu Di tích thành cổ Hà Nội hiện tại nằm ở điểm cực Nam, cách Di tích cổng Đoan Môn khoảng 200m, có tim công trình nằm lệch trục Bắc Nam của thành phố cổ Hà Nội xưa khoảng hơn 200m, có cốt nền tương đối cao so với khu vực (cao hơn mặt đường Điện Biên Phủ khoảng 1m). Căn cứ những dấu tích còn lại đến nay, Cột cờ Hà Nội có cấu trúc 3 tầng xây gạch hình vuông theo kiểu “thượng thu hạ thách”, trên chính giữa của sàn tầng 3 là tháp “Kỳ đài” có mặt bằng hình bát giác. Phải chăng đây là ẩn dụ của câu “Bốn phương - tám hướng” nhưng với độ cao của sàn Kỳ đài là khoảng hơn 33m thì trong thế kỷ XIX, chắc chắn đây là kiến trúc cao nhất của Hà Nội, do vậy, khi quân Pháp tấn công, chiếm thành Hà Nội thì Cột cờ đã bị quân Pháp sử dụng làm chòi quan sát pháo binh...

Căn cứ theo vật liệu tạo tác, Cột cờ có kết cấu xây dựng gạch đá, tại di tích, chúng ta có thể xác định được nhiều chủng loại gạch khác nhau, ngoại trừ một số cấu kiện đá như bậc thềm, cạnh cửa và một số chi tiết khác, trên Cột cờ hiện tại có các loại gạch vồ thời Lê, gạch chỉ thời Nguyễn... lát sàn 3 tầng là gạch Bát phục chế.

Toàn cảnh khu vực Cột cờ Hà Nội (Ảnh: TL)

Theo các số liệu khảo sát đo đạc thực tế, tầng 1 của Cột cờ có dạng hình vuông, cạnh đáy có kích thước là 42,5m; cao 3,1m; xây thu nhỏ ở phía trên nền mặt sân trên tầng 1 có dạng hình vuông mỗi cạnh khoảng 40m, tầng này không có cửa (xây đặc) và chỉ có đường lên tại 2 phía Đông - Tây, hiện cầu thang phía Tây bị chắn tạm do dẫn xuống vườn ngôi nhà biệt thự xây liền kề, từ sân của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, du khách đi lên 18 bậc gạch xây vỉa nghiêng tới sân tầng 1, qua 2 khẩu thần công, sẽ đến cửa vòm phía Đông của tầng 2; đối diện bên phía Tây của tầng này cũng bày 2 khẩu thần công; hai cửa vòm này được xây chắc chắn với cạnh cửa bằng đá vôi màu trắng, vòm cuốn gạch vồ thời Lê, kiểu vòm được sử dụng tại Di tích Đoan Môn; cạnh đáy của tầng 2 có kích thước mỗi chiều là 27m, cao 3,7m; tầng này chỉ có 2 cửa (nhiều tài liệu mô tả có 4 cửa). Đi theo hành lang vòm, trèo lên theo cầu thang dốc về 2 phía, chúng ta sẽ lên sàn tầng 3, kích thước mỗi cạnh sàn khoảng 25,5m; chính giữa sàn là tầng 3 của Cột cờ có kích thước mỗi cạnh đáy khoảng 12,8m; cao 5,1m; chính giữa mỗi mặt là 4 cửa vòm; trên cửa phía Đông có 2 chữ Hán đắp nổi “Ngênh húc”, có nghĩa là đón ánh sáng ban mai; trên cửa vòm phía Nam được đắp chữ “Hồi quang”, có nghĩa là ánh sáng phản chiếu; trên cửa vòm phía Nam được đắp chữ “Hướng minh”, có nghĩa là hướng về nơi sáng rõ; riêng cửa phía Bắc không đắp chữ. Các cửa này liên thông với nhau bởi hệ vòm xây gạch chỉ, trát vữa vôi, luyện giấy bản... tại hành lang thẳng cửa mặt Nam của tầng 3, có cầu thang dốc đứng đi lên 2 phía Đông và Tây, đoạn trên của cầu thang hướng phía Nam, trên mặt sân mái tầng 3 trổ 2 lỗ để làm cầu thang lên xuống, xung quanh có lan can gỗ, kích thước mỗi chiều sân mái này khoảng 10,5m; chính giữa là thân tháp Cột cờ dạng mặt bằng 8 cạnh “bát giác”, mỗi cạnh đáy dài khoảng 2,1m; tháp xây kiểu “thượng thu hạ thách”, cao 18m cửa vào tại mặt hướng Bắc, phía trên cửa đắp nổi chữ Hán “Kỳ đài”. Lên 2 bậc tại cửa vào, chúng ta sẽ trông thấy 2 cầu thang xây cuốn tròn xoáy trôn ốc ôm theo tường tháp dày và cột gạch xây lõi tháp, nhánh thang phía trái lối vào đã bị xây bịt, do vậy, chúng ta chỉ lên được theo vế thang phải, qua 52 bậc thang chúng ta lên đến sàn trên của kỳ đài. Để lấy ánh sáng và thông khí cho cầu thang, tại chính giữa các cạnh nơi cầu thang đi qua đều được trổ cửa sổ tròn trang trí dạng hoa 8 cánh, riêng cửa trên cùng của mỗi cạnh có dạng hình rẻ quạt; trên đỉnh tháp kỳ đài là gian phòng nhỏ có 8 cạnh đúng theo thân tháp, mỗi cạnh đều có cửa sổ hình chữ nhật để nhìn ra 8 hướng. Trên mái phòng được đổ bê tông cốt thép để che mưa, nắng, mái bê tông này được trổ cửa nhỏ để làm chỗ trèo lên treo cờ, hệ mái này được đỡ bởi 1 cột bê tông chính giữa và 8 bức tường xung quanh, trên đỉnh cao nhất là cột thép để treo cờ, đồng thời cũng là cọc thu sét cho công trình, toàn bộ chiều cao phần xây của công trình là khoảng 33,4m; nếu tính cả cột thép treo cờ là 41,4m.

Cột cờ Hà Nội (Ảnh: TL)

Theo một số tư liệu và nhà nghiên cứu lịch sử, Cột cờ Hà Nội được xây dựng vào năm Gia Long thứ 4 (1805), theo tấm bia đá còn ghi tại bức tường xây bịt cầu thang trong tháp kỳ đài do Viện Kỹ thuật Công binh khảo sát và xác nhận có ghi thời điểm đoạn cầu thang xây đặc là khoảng năm 1805 - 1812. Tuy nhiên, theo vật liệu xây dựng và phong cách tạo tác, chúng ta có thể nhận thấy rõ là Di tích Cột cờ đã được xây dựng và hoàn chỉnh trong nhiều thời kỳ, biểu hiện qua sự tồn tại của rất nhiều chủng loại gạch, kỹ thuật xây dựng không đồng nhất và nhiều chỗ thể hiện sự chắp vá vụng về. Tầng 1 và 2 được xây dựng chủ yếu bằng gạch vồ, loại gạch xây dựng đặc trưng của thời Lê, kỹ thuật xây dựng gạch vồ này thể hiện đây là những bức tường được xây bằng gạch mới, biểu hiện qua kỹ thuật xây mạch liên kết nhỏ (khe giữa 2 viên gạch khoảng 2-5mm) thống nhất với kiểu cách xây dựng của thời kỳ xây dựng cổng Ô Quan Chưởng - là công trình được ghi rõ niên đại xây dựng thế kỷ XVIII (theo sách Tuyển tập văn bia Hà Nội, tập 1, cửa Đông Hà được xây dựng từ năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), sửa chữa năm Gia Long thứ 15 (Đinh Sửu 1817). Đây là phong cách xây dựng cùng thời với kiểu vòm cuốn bằng gạch vồ tại tầng 2 thì chí ít vòm hành lang này phải được xây trong thế kỷ XVIII, sang đến thế kỷ XIX, kỹ thuật xây dựng này không còn thấy được sử dụng nữa. Nếu vật liệu xây dựng chủ yếu tại tầng 1 là gạch vồ thì tầng 2 lại được xây khoảng 3/5 chiều cao tường bằng gạch vồ, phía trên được xây nối bằng loại gạch chỉ nung già - loại gạch được sử dụng ở những công trình có niên đại đầu thời Nguyễn, bề mặt tường để trần, không có dấu hiệu của vữa trát. Trên tầng 3, gạch vồ vẫn được sử dụng ở phía chân tường nhưng chỉ còn 8 hàng (cao khoảng 1,5m), phía trên được xây nối bằng gạch chỉ già và bắt đầu có dấu hiệu của vữa trát mặt tường, các mạch vữa tương đối đều, dày khoảng dưới 1cm; lên đến tháp Cột cờ, vật liệu xây dựng đã khác hẳn các tầng dưới, đó là loại gạch chỉ nung non, kỹ thuật xây dựng là mạch vữa rộng hơn 1cm, toàn bộ bề mặt tường được trát vữa... Về kích cỡ, các loại gạch chỉ cũng chưa đồng nhất về chi tiết xây dựng cạnh cửa, 2 cửa tại tầng 2 xây theo kiểu có cạnh cửa bằng đá, gạch vồ nhưng cạnh cửa trên tầng 3 được xây gạch chỉ, trát vữa tầng 1 và 2 gần như được xây tường đặc, ít không gian rỗng, nhưng tầng 3 được xây dựng các vách tường mỏng hơn, các vòm hành lang rộng hơn để tăng diện tích sử dụng. Căn cứ trên những dấu tích đã phân tích, có thể toàn bộ 2 tầng dưới, một tầng 3 được xây dựng trong thế kỷ XVIII nhưng chưa xong, đến thời Gia Long mới được sửa sang, hoàn chỉnh và dựng thêm “Kỳ đài”, tức phần tháp của Cột cờ, những điều này cũng có thể khảo tại sách Đại Nam nhất thống chí - phần chép về thành Hà Nội “ thành lâu năm sụp đổ, đến thời Tây Sơn, theo nền cũ đắp quanh từ Đông Hoa đến Đại Hưng. Bản triều đầu đời Gia Long lấy làm trị sở của Bắc thành, năm thứ 3, triều thần bàn rằng thể chế xây thành của Tây Sơn không hợp quy củ, xin tâu sửa đổi, năm thứ 4 sai quân đốc sức việc xây đắp, trong thành dựng Kỳ đài và Hành cung...” Có lẽ chúng ta chưa thể xác định được nhà Tây Sơn cho dựng 3 tầng dưới và nhà Nguyễn dựng Kỳ đài là toàn bộ từ 3 tầng dưới lên đến tháp Kỳ đài, việc này cần nghiên cứu để làm rõ thêm nhưng phần mái của Cột cờ bằng bê tông cốt thép thì chắc chắn là sản phẩm của thế kỷ XX, chỉ có điều là cần xác định rõ năm nào, do ai dựng mà thôi.

Bên trong Cột cờ Hà Nội (Ảnh: zing.vn)

Trong các sách sử ghi chép về thời kỳ Tây Sơn, không thấy có việc cho xây dựng công trình mới nào trong khuôn viên thành Thăng Long. Tuy nhiên, sử sách cũng đã ghi nhận, trong đợt Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhất có việc đắp lại tường thành phía Nam từ cửa Đông Hoa đến cửa Đại Hưng, sau đó rút quân về Nam. Sau này lên ngôi vua, Quang Trung đã vào Phú Xuân chứ không ở Thăng Long, nên việc nhà Tây Sơn cho xây dựng các tầng dưới của cột cờ là không có cơ sở chắc chắn. Để làm rõ hơn về vấn đề này, cần phải có thời gian nghiên cứu thêm nhằm có câu trả lời chính xác hơn sự thể, sự tình mà chúng tôi đã đưa ra. Việc này góp phần làm rõ thêm Di tích Cột cờ Hà Nội, rõ thêm được giai đoạn lịch sử chuyển tiếp từ thành Thăng Long sang thành Hà Nội.

KTS Trường Thành

Top