Công ty thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đạt giải Đặc biệt giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí

(TGDS). Ngày 9/9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức lễ trao giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt 1 (giai đoạn 2021-2023). Công ty TNHH Một thành viên Bảo tồn Di sản văn hóa (thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) đạt giải Đặc biệt.

Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục tổ chức Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021-2025 với 2 đợt tổng kết, trao giải thưởng. Đợt I từ 2021 đến tháng 5/ 2023, đợt II từ tháng 5/2023 đến tháng 5/2025.

Theo Ban Tổ chức, trong đợt 1, 13 Hội đồng sơ khảo chuyên ngành đã nhận được 1.292 tác phẩm; 48 hồ sơ thành tích quảng bá của tập thể, cá nhân từ các địa phương, cơ quan, đơn vị. Hội đồng sơ khảo nhận được nhiều tác phẩm nhất (từ trên 100 tác phẩm, hồ sơ) là Hội đồng chuyên ngành Báo chí với 279 tác phẩm và hồ sơ; Hội đồng chuyên ngành Văn học với 163 tác phẩm; Hội đồng chuyên ngành Văn nghệ dân gian với 135 tác phẩm; Hội đồng chuyên ngành Xuất bản với 115 tác phẩm, ấn phẩm; Hội đồng chuyên ngành Mỹ thuật với 110 tác phẩm.

Kết quả thẩm định của Hội đồng Chung khảo đã có 238 tác phẩm, công trình đủ điều kiện trao giải, gồm: 1 giải đặc biệt; 11 giải A; 55 giải B; 89 giải C; 82 giải khuyến khích; 46 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá đủ điều kiện khen thưởng (35 tập thể, 11 cá nhân).

Bà Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, trao giải Đặc biệt cho ông Nguyễn Văn Mạc - đại diện nhóm tác giả. (Ảnh: TA)

Giải đặc biệt được trao cho tác phẩm “Bức tranh tròn Panorama, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ” (chất liệu Acrylic) chuyên ngành mỹ thuật của Công ty TNHH Bảo tồn Di sản Văn hóa. Toàn bộ bức tranh được vẽ theo trường phái tả thực, thể hiện hơn 4.500 nhân vật giữa khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và chiến trường Điện Biên khốc liệt… Ðây là một trong những bức tranh tường lớn nhất thế giới và là bước đột phá về tranh lịch sử hoành tráng của Việt Nam với chiều cao 20,5m, chiều dài 132m, đường kính 42m, tổng diện tích bức tranh 3.225m2. Từ bước phác thảo đến khi phóng tỉ lệ 1:1 đều được vẽ trên toan, sử dụng màu sơn dầu đặt hàng sản xuất riêng tại hãng của Anh và Pháp. Không chỉ là một tác phẩm tranh, đây còn là sự kết hợp giữa nghệ thuật, kiến trúc và hội họa để tạo nên một không gian nghệ thuật đầy mê hoặc với bản giao hưởng của màu sắc, đường nét, hình khối, âm thanh, ánh sáng và được đánh giá là tác phẩm mang ý nghĩa, giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa, có sức thu hút lớn với nhiều đối tượng, góp phần quảng bá du lịch Điện Biên, lan tỏa ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ đến du khách trong nước và thế giới.

Các giải A được trao cho các tác phẩm “Nước non vạn dặm” (chuyên ngành Xuất bản) của tác giả Nguyễn Thế Kỷ, “Từ làng Sen đến Bến Nhà Rồng” (chuyên ngành Văn học) của tác giả Trình Quang Phú, “Người Mông nhớ Bác” (chuyên ngành Âm nhạc) của tác giả Lê Minh Cừ, “Bình minh đỏ” (chuyên ngành Điện ảnh) của NSND Nguyễn Thanh Vân…

Xin chúc mừng Công ty TNHH Một thành viên Bảo tồn Di sản Văn hóa và ông Nguyễn Văn Mạc - Ủy viên BCH Hội DSVH Việt Nam, Giám đốc Công ty.

Q. Hương

Top