Công tác quản lý, tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2016

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về hoạt động lễ hội năm 2016 và triển khai kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động lễ hội năm 2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 09 đoàn kiểm tra do lãnh đạo Bộ làm Trưởng đoàn, Thanh tra Bộ tổ chức 05 đoàn kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại một số địa phương như: Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh...

I. KẾT QUẢ KIỂM TRA

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo:

Thực hiện Chỉ thị số 41- CT/TW ngày 05-02-2015 của Ban Bí thư Trung ương về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12-02-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội; các địa phương thực hiện tốt việc giảm tần suất trong tổ chức lễ hội theo Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29-10-2013 của Chính phủ Quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BVHTTDL ngày 13-01-2016 về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội năm 2016; Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22-12-2015 quy định về tổ chức lễ hội; Quyết định số 486/QĐ-BVHTTDL ngày 12-02-2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về ban hành tiêu chí, thang điểm đánh giá thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Các địa phương đã tổ chức phổ biến, quán triệt nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ; triển khai công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn bài bản, chặt chẽ hơn. Hầu hết lễ hội ở các tỉnh, thành phố đều được các cấp ủy, chính quyền ban hành văn bản chỉ đạo cụ thể, ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức, phê duyệt kế hoạch tổ chức, phân công nhiệm vụ cho từng tổ chức, cá nhân, xây dựng kịch bản phần lễ, phần hội theo quy định, phù hợp lịch sử di tích và truyền thống văn hóa của địa phương. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền và các ban ngành ở các địa phương về trách nhiệm quản lý di tích, quản lý và tổ chức lễ hội đã được nâng cao.

2. Công tác tuyên truyền

Công tác tuyên truyền được các ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội tăng cường hơn, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung (lịch sử di tích, ý nghĩa của lễ hội, bảo vệ di tích, các quy định của di tích và lễ hội, nội dung thực hiện nếp sống văn minh nơi di tích và lễ hội, bảng biển hướng dẫn du khách…).

3. Công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường và hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ

Nhiều di tích nơi tổ chức lễ hội, chính quyền và ngành Văn hóa địa phương đã quan tâm quy hoạch di tích, cơ sở hạ tầng được đầu tư, mở rộng khu vực II để làm sân lễ hội, nơi trông giữ phương tiện giao thông, sắp xếp hàng quán dịch vụ, xây dựng công trình vệ sinh công cộng hợp chuẩn, tổ chức thu gom rác thải kịp thời, xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại v.v…, tạo cho các lễ hội diễn ra tốt hơn, đỡ ùn tắc, chen lấn, các công trình phụ trợ tăng được công năng phục vụ du khách.

An ninh trật tự, an toàn cho nhân dân được chính quyền chỉ đạo Ban quản lý xây dựng kế hoạch, lắp đặt camera theo dõi trong khu vực nội tự của di tích. Công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hàng quán dịch vụ được quán triệt và chỉ đạo tới các tiểu ban. Đảm bảo các hoạt động dịch vụ phục vụ lễ hội được quản lý tốt, giảm thiểu việc tăng giá tùy tiện và thương mại hóa lễ hội.

Nhiều địa phương đã tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực như: thành phố Hà Nội bắt giữ 21 trường hợp đón chèo kéo khách đi lễ hội chùa Hương, tỉnh Quảng Ninh, đã xử lý tình trạng chặt chém, tự ý mở điểm trông giữ phương tiện ở Yên Tử, tỉnh Bình Dương đã bắt giữ một số đối tượng có hành vi quấy rối phụ nữ trong khu vực chính điện của Chùa Bà v.v...

Do đó, các lễ hội đã diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2015 hầu hết không còn xuất hiện trường hợp đổi tiền lẻ công khai, không xảy ra trường hợp tai nạn, cháy nổ; tình trạng nâng giá, ép giá, cờ bạc, hoạt động mê tín dị đoan, mất vệ sinh nghiêm trọng v.v... đã giảm nhiều so với mùa lễ hội trước.

Lễ khai hội chùa Hương 2016. Ảnh: Internet

4. Việc quản lý thu - chi tiền công đức

Ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội các địa phương đã xây dựng kế hoạch dự kiến thu, chi trong tổ chức hoạt động lễ hội và bổ sung, hoàn thiện hệ thống hòm công đức, hòm đựng tiền dầu nhang trong di tích, đồng thời bố trí lực lượng thu gom tiền lễ, tiền giọt dầu. UBND nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành quy chế quản lý, sử dụng nguồn thu từ hoạt động khai thác phát huy giá trị di tích, áp dụng thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh như: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa ...; nhiều di tích, lễ hội ở các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý thu chi tài chính, tiền công đức trong lễ hội và di tích như: đền Cửa Ông (Quảng Ninh), Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), đền Trần (Nam Định), chùa Keo (Thái Bình), đền Mẫu (Hưng Yên), đền Sòng Sơn (Thanh Hóa), đền Cờn, đền Hồng Sơn (Nghệ An), đền Bà Bích Châu, chùa Hương Tích (Hà Tĩnh), miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang)...

II. NHẬN XÉT CHUNG

Mùa lễ hội 2016, lượt khách tham dự lễ hội tại các điểm di tích lễ hội tăng đột biến, cụ thể: Cửa Ông là trên 60 vạn lượt; Yên Tử là trên 80 vạn lượt; Côn Sơn - Kiếp Bạc là 45 vạn lượt; Chùa Hương là trên 80 vạn lượt; Miếu Bà (An Giang) là trên 40 vạn lượt; Núi Bà (Tây Ninh) là trên 1,5 triệu lượt; Đền Trần là hơn 20 vạn lượt; Đền Hùng (Phú Thọ) là trên 1,4 triệu lượt; Ngọa Vân và Khu Di tích Đông Triều (Quảng Ninh) là trên 9 vạn lượt...

Qua kiểm tra thực tế của Lãnh đạo Bộ, Thanh tra Bộ và báo cáo của các tỉnh, thành phố về công tác quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội năm 2016, còn một số tồn tại sau:

1. Ưu điểm

Cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể chính trị và xã hội tại các địa phương đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; thực hiên tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội từ công tác chuẩn bị đến công tác tổ chức hoạt động lễ hội.

Vai trò chỉ đạo, định hướng của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội được nâng cao; hiệu quả của công tác quản lý nhà nước được nâng lên rõ nét, các lễ hội diễn ra đảm bảo vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nhân dân thực sự được hưởng thụ những nét đặc sắc văn hóa tinh thần dịp đầu xuân, đầu năm mới.

Các lễ hội còn duy trì những tập tục phản cảm, bạo lực mà báo chí đã nêu như: tục “đập đầu trâu”, “chém lợn”, “cướp lộc”, “cướp phết” .v.v các địa phương đã tuyên truyền, vận động động nhân dân không tổ chức những lễ hội đó. Không tổ chức “lễ hội chọi trâu”, “hội chọi trâu” nếu không phải là lễ hội truyền thống của địa phương. Cụ thể tại Lễ hội đình làng Ném Thượng (Bắc Ninh) đã được cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban Tổ chức thực hiện nghi lễ tại nhà bạt sau đình, đảm bảo người dân không chứng kiến việc chém lợn.

2. Tồn tại

Một số di tích nơi tổ chức lễ hội chưa quy hoạch được khu vực để bố trí các công trình phụ trợ phục vụ du khách, hàng quán dịch vụ chưa được sắp xếp khoa học.

Đường giao thông, phương tiện đi lại thuận lợi, nghỉ lễ tết thường dài ngày hơn trước kia, nên nhân dân về với lễ hội xuân ngày càng đông hơn, đa số thì có ý thức tốt khi đến cửa chùa, cửa đền, song có một bộ phận người đi lễ hội chưa có ý thức tự giác chấp hành các quy định và thực hiện nếp sống văn minh nơi lễ hội: chen lấn xô đẩy, xả rác bừa bãi, cài giắt tiền không đúng nơi quy định, tham gia các hoạt động cờ bạc, xem bói, xóc thẻ, đưa nhiều đồ mã vào cúng lễ…

Trong thực tế, tại một số lễ hội còn diễn ra một vài nội dung, tạo dư luận không tốt trong xã hội, đã có hơn 90 bài báo viết về công tác tổ chức và phản ánh về các hoạt động lễ hội (không kể các phương tiện Phát thanh - Truyền hình).

Cụ thể ở một vài lễ hội còn tồn tại hiện tượng không tốt như:

 - Chen lấn, xô đẩy, cướp lộc gây nên cảnh tượng hỗn loạn tại đền Trần (Nam Định).

- Ẩu đả, tranh cướp phết tại Lễ hội Hiền Quan (Phú Thọ).

- Dùng loa phóng thanh để quảng cáo bán hàng tại Chùa Hương (Hà Nội).

- Tiếp nhận đồ thờ tự không phù hợp với lịch sử di tích, hàng quán dịch vụ chưa quy hoạch hợp lý, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo tại đền Đức Thánh Cả (Hà Nội).

- Vẫn có hiện tượng ăn xin, ăn mày và lén lút đổi tiền lẻ ở đền Chợ Củi (Hà Tĩnh).

- Người dân xếp hàng dài xoa tiền vào tay, chân của tượng Phật; rải tiền lễ trong khuôn viên chùa tại chùa Bái Đính (Ninh Bình).

Cảnh hỗn loại, âu đả tại hội cướp phết Hiền Quan 2016. Ảnh: Internet

III. KIẾN NGHỊ

Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các địa phương:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác quản lý và tổ chức lễ hôi và các văn bản pháp luật liên quan.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền về di tích lịch sử, ý nghĩa lễ hội và phổ biến các quy định của pháp luật đến người dân. Thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự lễ hội; cần quan tâm tổ chức nhiều hơn các hoạt động văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian trong lễ hội.

3. Tiến hành quy hoạch tổng thể các di tích nơi tổ chức lễ hội, cắm mốc phân giới rõ khu vực bảo vệ I, khu vực bảo vệ II; các công trình phụ trợ phục vụ du khách về lễ hội (nhà VSCC, khu trông giữ phương tiện, khu vực hàng quán dịch vụ…). Kiên quyết không bố trí những hộ kinh doanh đổi tiền lẻ, bán đồ mã; các dịch vụ trò chơi điện tử có thưởng (dễ biến tướng cờ bạc trá hình) trong khu vực lễ hội, di tích. Các hộ kinh doanh ký cam kết đảm bảo giá cả, chất lượng hàng hóa đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm.

4. Các cấp chính quyền địa phương nơi có lễ hội diễn ra cần chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nghiêm túc công tác tổ chức và hoạt động lễ hội theo đúng quy định của pháp luật.

5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp liên ngành kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi phạm trong hoạt động lễ hội theo quy định của pháp luật.

Đề nghị lãnh đạo Bộ giao cho các cơ quan chức năng thuộc Bộ tiếp tục làm việc với các địa phương, tổ chức hội thảo, tọa đàm, đối thoại, vận động các cộng đồng dân cư nghiên cứu chọn hình thức thích hợp thay thế các phong tục không phù hợp giai đoạn hiện nay trong tổ chức lễ hội như tục: cướp lộc, cướp phết, đập trâu, đâm trâu, chém lợn...

Nguyễn Quốc Hiệp

Top