Công tác quản lý di tích ở Hà Nội 5 năm nhìn lại

Sự kiện mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội, theo Nghị quyết số 15/2008/QH12, ngày 29 tháng 5 năm 2008 của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc mở rộng không gian văn hóa Thủ đô. Theo thống kê, Hà Nội hiện nay có 5.175 di tích trong số 40.000 di tích của cả nước, dẫn đầu cả nước về số lượng di tích.

Tính đến tháng 11-2013, Hà Nội có 2.264 di tích được xếp hạng (1.176 di tích cấp quốc gia và 1.088 di tích cấp thành phố). Số di tích được xếp hạng quốc gia, tính đến thời điểm này nhiều nhất nước (1.176/3.231). Đến nay, trên địa bàn Hà Nội có Di sản Văn hóa Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; Di sản Tư liệu Thế giới 82 bia Tiến sĩ Triều Lê-Mạc (1442 - 1779), tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc và 9 di tích quốc gia đặc biệt: Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý), Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Di sản Văn hóa thế giới), Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu Di tích Cổ Loa, Di tích lịch sử Đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), Di tích lịch sử Đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ), Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm), Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Tây Đằng (huyện Ba Vì).

Nhìn lại 5 năm mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội, phía trước còn rất nhiều việc phải làm; song từ thực tiễn, có thể rút ra một số  đánh giá, nhận xét về công tác quản lý di tích trên địa bàn; đồng thời xác định phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu của Thành phố trong thời gian tới.

 NHỮNG VIỆC ĐÃ LÀM ĐƯỢC

Một là, việc phân cấp quản lý di tích trên địa bàn đã được cụ thể hóa và bước đầu phát huy hiệu quả trong thực tế

 Thực hiện Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 11/2011/QĐ- UBND ngày 2-3-2011 Quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015; trong đó về quản lý di tích việc phân cấp được phân cấp như sau:

- Thành phố quản lý 12 di tích tiêu biểu gồm: Thành cổ Hà Nội, Khu Di tích Cổ Loa; Khu Tưởng niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc, Nhà Lưu niệm Nhà tù Hỏa Lò, Nhà Lưu niệm 48 Hàng Ngang, Nhà Lưu niệm 5D Hàm Long, Đền Bà Kiệu, Nhà Lưu niệm 90 Thợ Nhuộm, Di tích Đền Ngọc Sơn và Khu Tượng đài Vua Lê, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Chùa Láng, Bích Câu đạo quán.

- Quận, huyện, thị xã quản lý các di tích còn lại (trừ các di tích do Thành phố quản lý).

- Xã, phường, thị trấn quản lý các di tích do quận, huyện, thị xã ủy quyền (trừ các di tích đã được xếp hạng).

Việc phân cấp quản lý di tích cho thấy bước đầu đã  phát huy hiệu quả trong thực tế.

Thành cổ Hà Nội

Hai là, công tác nghiên cứu, kiểm kê, xếp hạng di tích di tích được tăng cường

Tính đến tháng 11-2013, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 2.264 di tích được xếp hạng; trong đó có 1.176 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 1.088 di tích được xếp hạng cấp thành phố. Từ năm 2009 đến tháng 9-2013, có trên 300 di tích được xếp hạng.

Công tác tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích trên địa bàn Thành phố đang được khẩn trương triển khai, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014. Kết quả kiểm kê ban đầu tại một số quận, huyện, thị xã cho thấy, tổng số di tích trên địa bàn Thành phố sẽ vượt tổng số trên 5.000 di tích như thống kê hiện nay. Một số đề án được xây dựng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích như: Bảo tồn làng cổ Đông Ngạc, bảo tồn Di sản Tư liệu 82 bia đá Tiến sỹ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám…

Năm 2013, Hà Nội đã triển khai lập Đề cương nhiệm vụ Quy hoạch khảo cổ trên địa bàn. Trong những năm gần đây, nhiều địa điểm đã được khai quật như: Vườn Hồng, Điện Kính Thiên, Đàn Xã Tắc, Đàn Nam Giao, nút giao thông đê Bưởi... đã phát hiện được nhiều hiện vật quý, hỗ trợ cho việc nghiên cứu lịch sử và trưng bày bảo tàng …

Ba là, công tác chống xuống cấp, bảo tồn, tu bổ di tích được quan tâm

 Nhiều dự án bảo tồn tu bổ tôn tạo di tích được triển khai thực hiện và hoàn thành; đặc biệt là dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Trong 2 năm 2010-2012, gần 600 lượt di tích được tu bổ, bằng các nguồn kinh phí từ Trung ương, địa phương và xã hội hóa.

Nhiều địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng, kháng chiến đã được gắn biển hoặc dựng bia lưu niệm. Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trọng điểm như khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, khu Thành Cổ Loa, làng cổ Đường Lâm và nhiều di tích khác đang được các cấp quan tâm triển khai.

Khu Thành Cổ Loa

Bốn là, công tác thanh tra, kiểm tra, chống vi phạm di tích được tăng cường  

Việc giải quyết những vi phạm di tích do lịch sử để lại cũng được quan tâm từng bước và hầu hết ngăn chặn được những lấn chiếm mới đối với di tích. Một số quận nội thành đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng và di chuyển được nhiều hộ dân ra khỏi khu vực bảo vệ di tích, như tại đình Kim Ngân, đền Quan Đế, Bích câu đạo quán, chùa Hoè Nhai...Những công trình xây liền kề làm ảnh hưởng tới không gian, cảnh quan di tích cũng giảm nhiều so với những năm trước đây.

Một số địa phương đã quan tâm hơn đến công tác tuyên truyền phát huy giá trị di tích qua việc tổ chức hội thảo, viết sách hay làm tờ gấp giới thiệu di tích. Một số lễ hội lớn như: hội chùa Hương, hội đền Và, hội Gióng… đã đi vào trật tự, nề nếp hơn. Trong vòng hai năm 2011-2012, các di tích có thu phí đã đón trên 30.000 khách quốc tế và khách trong nước.

Hàng năm, Thành phố và hầu hết các quận, huyện, thị xã đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho những người tham gia quản lý và trực tiếp quản lý, trông coi di tích.

 Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý di tích cũng đang được triển khai thực hiện và dự kiến hoàn thành trong năm 2014.

KHÓ KHĂN, TỒN TẠI CẦN PHẢI KHẮC PHỤC

1. Hà Nội có số lượng di tích lớn nhất cả nước là vinh dự, đồng thời cũng là khó khăn, thách thức trong công tác quản lý. Khó khăn, thách thức đó được thể hiện trên các mặt:

Một là, tính đa dạng của hệ thống di tích, tạo nên nét đặc sắc của từng vùng, đòi hỏi công tác quản lý phải có giải pháp chung và lựa chọn các giải pháp riêng cụ thể, phù hợp với đặc điểm di tích và điều kiện kinh tế-xã hội của mỗi địa phương;

Hai là, sự phân bố di tích trải trên địa bàn rộng, việc nắm bắt được đặc điểm, giá trị, hiện trạng của các di tích có trên địa bàn và triển khai các hoạt động chuyên môn xuống địa phương, xuống di tích đòi hỏi phương tiện đi lại và quỹ thời gian phù hợp.

Ba là, số lượng di tích xuống cấp hiện nay còn rất nhiều, đòi hỏi phải có nguồn tài chính lớn cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Bốn là, tính đa dạng của di tích đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có kiến thức tổng hợp, có kinh nghiệm thực tế và có sự phối hợp của nhiều cấp, ngành liên quan trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di tích ở Hà Nội hiện nay chưa đồng đều. Đội ngũ chuyên gia và công nhân kỹ thuật có trình độ và tay nghề cao còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của việc bảo tồn di tích.

Lễ hội Đền Gióng diễn ra 6/1 âm lịch hàng năm ở Sóc Sơn

2. Việc phân cấp quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Thành phố đã đạt được những hiệu quả nhất định trong việc tăng cường quyền hạn, trách nhiệm cho cơ sở, đảm bảo sự quản lý tập trung, thống nhất và thông suốt của chính quyền Thành phố, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thông tin, liên lạc giữa các cấp quản lý chưa có sự phối hợp thường xuyên, đồng bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ, dẫn đến tình trạng khó theo dõi, kiểm tra, giám sát công việc. Các ban quản lý di tích hoạt động tương đối độc lập, ít có sự thông tin, trao đổi, phối hợp trong các hoạt động chuyên môn cũng như thực hiện chế độ báo cáo.

Cán bộ quản lý di tích cấp huyện còn ít về số lượng, cùng lúc phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ của Phòng Văn hoá-Thông tin, dẫn đến tình hình lực lượng làm công tác quản lý di tích hiện nay còn thiếu và mỏng.

3. Việc kiểm tra, giám sát hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích chưa thường xuyên, kịp thời, dẫn đến việc hạ giải, thay thế một số hạng mục chưa đúng quy định, nhất là đối với nguồn xã hội hoá. Công tác cắm mốc giới bảo vệ di tích chưa được nhiều; các hoạt động bảo tồn, tuyên truyền và phát huy giá trị di tích cũng chưa được quan tâm đúng mức.

NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Phát huy những ưu điểm, khắc phục những thiếu sót và tồn tại trong thời gian qua; công tác quản lý di tích trên địa bàn Hà Nội trong thời gian tới tập trung vào những nội dung sau: 

1.Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý di tích; tổ chức kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất việc quản lý và sử dụng di tích;

2. Hoàn thành công tác kiểm kê, phân loại, đánh giá hiện trạng di tích trên địa bàn Thành phố làm cơ sở xây dựng các kế hoạch hoạt động nghiệp vụ như xếp hạng, cắm mốc giới, sưu tầm bổ sung hồ sơ tư liệu di tích, tu bổ tôn tạo di tích và các hoạt động phát huy giá trị, gắn kết việc bảo tồn di tích với phát triển du lịch;

3. Tiếp tục xây dựng và triển khai các quy hoạch hệ thống di tích, quy hoạch di tích sau khi được phê duyệt; nghiên cứu xây dựng kế hoạch tu bổ, tôn tạo đối với các di tích xếp hạng bị xuống cấp, làm cơ sở phân kỳ đầu tư và huy động đóp góp tự nguyện trong nhân dân.

4. Tập trung huy động các nguồn lực cho công tác tu bổ các di tích đã được  xếp hạng đang trong tình trạng xuống cấp nặng; xây dựng kế hoạch, triển khai việc cắm mốc giới và tiếp tục giải quyết các vi phạm di tích trên địa bàn.

Lập hồ sơ xếp hạng, nâng cấp xếp hạng và hoàn chỉnh hồ sơ xếp hạng từ những năm trước, tạo nguồn tư liệu cho công tác nghiên cứu, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị di tích;

5. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về các lĩnh vực liên quan, nhằm nâng cao chất lượng tham mưu của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ; xây dựng kế hoạch học tập, trao đổi, hợp tác với các thành phố lớn trong nước và quốc tế; xây dựng các ấn phẩm lưu niệm về di tích nhằm góp phần quảng bá di sản văn hóa Thủ đô và đất nước, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới.
 

ThS Tô Văn Động