Công tác phối hợp truyền thông, quảng bá giữa các bảo tàng, di tích

Trong thời đại “bùng nổ thông tin” như hiện nay, truyền thông ngày càng khẳng định vai trò của mình trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Về cơ bản, chúng ta đã đánh giá đúng vai trò của truyền thông và truyền thông bảo tàng, di tích trong sự phát triển chung của toàn xã hội; coi di sản văn hóa là một loại hàng hóa đặc thù, có tác động mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của con người, tạo nên giá trị lớn về tư tưởng. Bảo tàng, di tích chính là nơi lưu giữ, tổng hợp các giá trị di sản. Đến với bảo tàng, di tích, làng văn hóa công chúng sẽ có cái nhìn tổng thể về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của một địa phương, một vùng, một quốc gia hay một khu vực. Bên cạnh đó, nhu cầu thưởng thức văn hóa và nhu cầu giải trí của công chúng ngày một tăng, đòi hỏi chất lượng của các dịch vụ văn hóa, giải trí phải được nâng cao. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, truyền thông ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh của bảo tàng, di tích tới công chúng.

Việc tuyên truyền, quảng bá giá trị của những di sản quý báu này đang ngày càng được các cơ quan quản lý quan tâm. Hiểu rõ bản chất và mục đích của truyền thông nói chung và truyền thông bảo tàng, di tích nói riêng, nhiều bảo tàng, di tích trong đó có Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã từng bước thay đổi nhận thức và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm quảng bá hình ảnh, thu hút khách tham quan.

Ở Việt Nam, đa số các bảo tàng, di tích đều thuộc quy mô vừa và nhỏ với số lượng nhân viên không lớn. Hình ảnh và giá trị của mỗi bảo tàng, di tích sẽ được nâng lên khi có sự phối hợp cùng nhau liên kết, tạo ra một sức mạnh lan truyền rộng rãi đến công chúng trong và ngoài nước một cách đồng bộ, chuyên nghiệp, tạo ấn tượng để mỗi người dân Việt Nam ít nhất một lần đến tham quan bảo tàng, di tích, làng văn hóa.

Với ý nghĩa đó, các bảo tàng, di tích, Ban Quản lý Làng Văn hóa, Tạp chí Di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các bộ, ngành và thành phố Hà Nội đã cùng nhau ký kết Biên bản ghi nhớ về tăng cường công tác phối hợp truyền thông quảng bá nhằm thu hút khách tham quan, giai đoạn 2017 - 2021 vào ngày 26-4-2017 tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên và các đại biểu.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ tăng cường công tác truyền thông, quảng bá

Các đơn vị tham gia ký kết

1. Bảo tàng Lịch sử quốc gia

2. Ban Quản lý Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam

3. Bảo tàng Hồ Chí Minh

4. Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

5. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

6. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

7. Bảo tàng  Lịch sử quân sự Việt Nam

8. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

9. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

10. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội

11. Trung tâm Hoạt động  Văn hoá, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám

12. Bảo tàng Hà Nội

13.  Bảo tàng Công an Hà Nội

14. Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò

15. Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội

16. Ban Quản lý Khu Di tích Cổ Loa

17. Tạp chí Di sản văn hóa

Nguyên tắc phối hợp:

- Tất cả các hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ này phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định pháp luật khác có liên quan. Tôn trọng đặc thù riêng của các bên. Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ chính trị của mỗi bên. Phối hợp trên cơ sở tự nguyện và đồng thuận giữa các bên.

- Bảo tàng Lịch sử quốc gia là đơn vị thường trực có nhiệm vụ tổng hợp, kết nối, thống nhất các chương trình, kế hoạch phối hợp hàng năm giữa các bên. Mỗi bên cử 01 cán bộ tham gia Ban Thư ký. Ban Thư ký có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất các chương trình, kế hoạch cụ thể, trình lãnh đạo phê duyệt và tổ chức thực hiện. Các bên sẽ trao đổi, thống nhất chương trình, kế hoạch và kinh phí thực hiện theo từng nội dung phối hợp và thể hiện bằng các văn bản cụ thể.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại Hội nghị ký kết Biên bản ghi nhớ

Nội dung phối hợp:

- Phối hợp tổ chức quảng bá, giới thiệu các sự kiện chung của các bên hướng tới phục vụ công chúng vào các dịp kỷ niệm lớn của đất nước, dịp nghỉ lễ truyền thống; ngày Quốc tế Bảo tàng 18-5, ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11 hàng năm;

- Phối hợp, hỗ trợ chủ thể văn hóa, cộng đồng kết nối hoạt động, quảng bá liên thông giữa các bên;

- Hợp tác với các đơn vị truyền thông có uy tín xây dựng các chương trình giới thiệu hoạt động chung của các bên;

- Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về nội dung hoạt động của các bên trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Phối hợp trong các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu khách tham quanào tạo, tập huấn, trao đổi về nghiệp vụ truyền thông, marketing nhằm nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ làm công tác truyền thông;

- Xuất bản các ấn phẩm: Xây dựng các ấn phẩm chung theo vùng hoặc theo nhóm nhằm giới thiệu, quảng bá hoạt động của các bên;

- Truyền thông trên Trang Thông tin điện tử (Website) của các bên: Kết nối đường dẫn các trang web; Chia sẻ tài nguyên số (tin bài, hình ảnh, nội dung); Chia sẻ các video giới thiệu nội dung;

- Phối hợp sử dụng các hình thức băng-rôn, pa-nô, poster, tờ rơi, tờ gấp, namecard.... quảng bá hoạt động của các bên để khách tham quan dễ nhận biết;

- Phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc đặt biển chỉ dẫn, hướng dẫn khách tham quan đến với bảo tàng, di tích, làng văn hóa.

Những yếu tố để sự phối hợp đạt hiệu quả.

- Cần có sự chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn về cơ chế, thủ tục của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa khi tổ chức thực hiện những nội dung phối hợp trong Biên bản ghi nhớ.

- Các đơn vị tham gia cần chủ động trong công tác phối hợp từ việc xây dựng ý tưởng, nội dung, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch đảm bảo tiến độ thời gian, chất lượng, hiệu quả tốt;

- Các đơn vị cùng đóng góp kinh phí thực hiện các nội dung phối hợp khi các bên đã thống nhất;

- Các bảo tàng, di tích, làng văn hóa cần xây dựng đội ngũ những người yêu thích lịch sử, văn hóa, những người tình nguyện tham gia tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn, cung cấp thông tin chung cho khách tham quan. Họ là kênh truyền thông tích cực cho các bảo tàng, di tích.

Việc phối hợp truyền thông, quảng bá giữa các bảo tàng, di tích, làng văn hóa nhằm thu hút khách tham quan là một hướng đi mới trong công tác truyền thông marketing đã được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch biểu dương, ghi nhận. Bước đầu, 17 đơn vị tham gia đã triển khai việc kết nối đường dẫn các trang web, chia sẻ tài nguyên số, đặt các pa-nô quảng cáo và cùng tham gia xuất bản tờ gập chung do Cục Di sản văn hóa chủ trì.

Ths Tô Thị Thủy Lâm

Top