Ngày 11-4, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam tổ chức công bố kết quả ban đầu về di tích khảo cổ học sơ kỳ thời đại đá cũ lần đầu được phát hiện tại Việt Nam.
Đợt khai quật khảo cổ học được tiến hành trong Chương trình hợp tác quốc tế Nghiên cứu quá khứ xa xưa của Việt Nam giữa Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Liên bang Nga giai đoạn 2015-2019.
Cuộc khai quật đã phát hiện 11 di tích Đá cũ sơ kỳ nằm chung quanh khu vực Rộc Tưng, hợp thành một quần thể di tích tập trung trong thung lũng bồn địa xã Xuân An, thị xã An Khê (Gia Lai). Đây là các di tích cư trú và nơi chế tác công cụ đá của người nguyên thủy. Trong các hố khai quật đã tìm thấy 58 hiện vật đá, 21 mảnh tectit (thiên thạch) phân bố trong lớp văn hóa chứa công cụ đá. Tổ hợp công cụ và niên đại của di tích An Khê tương đương với giai đoạn Người vượn đứng thẳng (Homo erectus). Đây là một trong những tổ tiên trực tiếp của người hiện đại (Homo sapiens) trên thế giới. Các phát hiện di tích sơ kỳ thời đại Đá cũ ở An Khê là bằng chứng khẳng định thượng lưu sông Ba, vùng An Khê từng là địa bàn sinh sống của cộng đồng cư dân cổ cách đây khoảng 80 vạn năm. Đây cũng tạm thời được xem như là mốc mở đầu cổ nhất hiện được biết về sự xuất hiện của con người và di tồn văn hóa của họ trên lãnh thổ Việt Nam.
Các chuyên gia nghiên cứu Việt - Nga đã phân tích và dựa vào một số cơ sở để dự đoán niên đại của các di tích khảo cổ là cách ngày nay trên dưới 1 triệu năm, còn các mảnh hóa thạch tectit có tuổi từ 77 đến 80 vạn năm - tức là ít nhất cổ hơn hoặc tương đương với mẫu tectit chúng ta đã từng phát hiện tại Cheo Reo (Gia Lai) trước đó. Điều này khẳng định cách đây trên dưới 80 vạn năm đã có sự xuất hiện của cộng đồng các cư dân Việt cổ. Các chuyên gia cho rằng, tổ hợp công cụ và niên đại của di tích An Khê là tương đương với giai đoạn Người vượn đứng thẳng (Homo erectus) - là một trong những tổ tiên trực tiếp của người hiện đại trên thế giới.
PGS.TS Nguyễn Giang Hải - Viện trưởng Viện Khảo cổ học khẳng định, đây là niềm vui lớn của ngành khảo cổ học Việt Nam, có ý nghĩa không chỉ trong phạm vi quốc gia và còn là niềm tự hào của cả khu vực Đông Nam Á. Nó có ý nghĩa bản lề trong việc nhận thức về sự tồn tại về thời Đá cũ ở khu vực Đông Nam Á, bổ sung điểm trống mà rất nhiều năm qua các nhà khoa học chưa thể làm rõ.
Chùm ảnh: Internet
PGS.TS Nguyễn Giang Hải cũng cho biết, tháng 3-2017, Viện Khảo cổ học sẽ tiếp tục khai quật và mở rộng vùng nghiên cứu các di tích khảo cổ học sơ kỳ Đá cũ ở khu vực An Khê, Gia Lai.
P.V (tổng hợp)