Cố đô Kyoto

Cố đô Kyoto nằm trên đảo Honshu - đảo lớn nhất Nhật Bản, có diện tích gần 228.000km2. Các thành phố Tokyo, Osaka, Kobe, Hiroshima, núi Phú Sĩ... cũng nằm trên đảo này. Kyoto là từng là kinh đô của đất nước mặt trời mọc từ năm 794 đến năm 1868. Dưới thời Minh Trị Duy Tân, kinh đô được dời đến Edo (tên gọi cũ của Tokyo). Cố đô Kyoto ẩn chứa chiều sâu văn hóa của đất nước mặt trời mọc, là hiện thân của Nhật bản cổ xưa huyền thoại. Hơn một nửa số đền chùa, miếu mạo, lâu đài nguy nga, cổ kính của Nhật đều tập trung ở đây. UNESCO đã công nhận 14 đền đài tại Kyoto là Di sản Văn hóa Thế giới và hơn 1.700 kho báu và những tài sản văn hóa quốc gia quan trọng đã được Chính phủ Nhật Bản phê chuẩn.

Kyoto là một trong những thành phố cổ được bảo tồn tốt nhất của Nhật Bản, với những nét văn hóa truyền thống rất đặc trưng của người Nhật còn được lưu giữ trong đời sống hiện đại. Kyoto - thành phố cổ kính đúng nghĩa, không có các tòa nhà chọc trời, công trình hiện đại. Bù lại, cố đô còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Kyoto hấp dẫn du khách bởi nền văn hóa truyền thống được nuôi dưỡng suốt hơn 1.000 năm, thể hiện ở vô số những đền chùa, miếu mạo và những lễ hội truyền thống. Trong số các đền, chùa độc đáo của Kyoto phải kể đến các địa danh nổi tiếng sau:

Chùa Kiyomizu - một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới, xây dựng năm 778 trên đồi Otawa, thờ Phật Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt. Tuyệt tác kiến trúc phương Đông này chủ yếu làm bằng gỗ với 139 cột lớn, thanh thoát nhưng vững chãi. Phía sau chùa có thác nước chảy xuống tạo thành 3 dòng chảy, tượng trưng cho 3 khát vọng cao nhất của con người: tình yêu, sức khỏe và tiền bạc. Du khách đến đây xếp hàng trang nghiêm, cầm gáo hứng dòng nước thiêng từ vách đá, vừa uống vừa thành kính khấn nguyện. Mùa thu, Kiyomizu khoác lên mình chiếc áo đỏ rực rỡ kết bằng hàng ngàn cây phong.

Vẻ đẹp lộng lẫy, kiêu sa, trầm mặc, kín đáo của Kinkaku-ji hay còn gọi là Chùa Gác Vàng - một cảnh đẹp ở Kyoto (Ảnh: TL)

Chùa Kinkaku-ji còn gọi là Rokuon-ji, chùa Lộc Uyển, chùa Vườn Nai, chùa Gác Vàng… xây dựng năm 1397. Kinkaku là một trong những công trình kiến trúc trong khuôn viên chùa - tòa nhà 3 tầng soi bóng xuống hồ Kyoko-chi, còn gọi là Kính Trì. Ban đầu chỉ có phần vách tầng 2 và tầng 3 dát vàng ròng. Hiện nay, toàn bộ mặt vách 3 tầng, cả trong và ngoài đều dát vàng. Vào những chiều nắng đẹp hay những đêm sáng, màu vàng óng ánh soi bóng xuống mặt nước ngọc bích tạo nên bức tranh thủy mặc lung linh huyền ảo. Không gian quanh chùa tràn ngập ánh vàng linh thiêng, hư ảo. Khi lên đèn, Kinkaku càng nổi bật, vàng rực trên bầu trời đêm. Sự tinh xảo và cầu kỳ thể hiện qua sự tương phản ấn tượng giữa màu vàng chủ đạo của chùa, màu xanh tinh khiết của hồ, xanh ngút ngàn của cây lá, xanh biếc của trời, có sức quyến rũ mê hoặc. Mỗi thời khắc ở nơi đây đều có vẻ đẹp riêng, lộng lẫy, kiêu sa, trầm mặc, kín đáo…

Chùa Sanjusangendo - còn gọi là Rengeo-in hay chùa 1.000 tượng Phật, xây dựng năm 1164. Sanjusangen do - nghĩa là 33 gian với hàng trăm cột - dài 125m, được xem là tòa nhà bằng gỗ dài nhất thế giới. Chùa có 1.000 tượng Phật, kích thước như người thật, bằng gỗ bách, sơn son, thiếp và dát vàng. Tương truyền mỗi tượng có thể cứu rỗi  được 1.000 chúng sinh.

Sanjusangendo hay còn gọi là chùa 1.001 tượng Phật nghìn tay nghìn mắt, xây dựng năm 1164 (Ảnh: TL)

Đền Yasaka có những lớp đèn lồng Nhật Bản treo dày đặc dưới mái đền. Đây là nơi diễn ra các lễ hội đón giao thừa và năm mới, lễ hội hoa anh đào. Yasaka là đền thờ Thần đạo Shinto, xây dựng năm 650, nơi thường tổ chức đám cưới theo nghi thức truyền thống Nhật Bản. Đền nằm ngay khu phố Gion - nơi diễn ra một trong những lễ hội lớn nhất Nhật Bản: lễ hội Gion hay Hamo vào tháng 7, có từ năm 869. Đó là những cuộc rước bàn thờ lưu động để xua đuổi dịch bệnh. Ngày nay, lễ hội Gion được tổ chức bề thế với các kiệu và xe Hoko trang trí cầu kỳ, hoành tráng. Âm nhạc rộn ràng, màu sắc rực rỡ và dòng người tấp nập hân hoan làm cho Kyoto như một đại cảnh lớn của bộ phim lịch sử đang công chiếu giữa đời thường.

Lễ hội Aoi vào tháng 5, có từ thế kỷ VI. Khoảng 500 người với những chiếc xe bò được trang trí đẹp mắt bằng lá và hoa cây Aoi, tuần hành từ Hoàng cung Kyoto đến đền Kamigamo. Lễ hội mang đậm dấu ấn hội họa và văn học Nhật Bản.

Mùa hè, Kyoto có lễ hội Bon mà ấn tượng nhất là màn đốt lửa trên núi Daimonji. Các khối lửa kết thành hình chữ “Đại” khổng lồ, sáng rực cả bầu trời cố đô, nhằm tiễn đưa linh hồn người đã khuất về nơi an nghỉ vĩnh hằng.

Đền Yasaka (Ảnh: TL)

Vào tháng 10, người dân cố đô Kyoto tổ chức lễ hội tôn vinh quá khứ huy hoàng của thành phố, với những cuộc diễu hành của hàng trăm người trong trang phục từ thời đại Heian đến thời đại Meiji. Lễ hội được tổ chức từ năm 1895, đúng thời điểm ngôi đền Heian được dựng lên bằng đóng góp của người dân Kyoto. Lễ hội này ra đời nhằm tiếp thêm sinh lực cho cố đô nghìn năm tuổi của Nhật Bản. Nghi thức quan trọng nhất của lễ hội là đám rước từ cung điện Hoàng gia. Người tham dự sẽ quay trở về quá khứ từ đầu thế kỉ 19 quay ngược trở lại thời đại Heian - thời hoàng kim của Kyoto. Trong những bộ áo giáp nặng nề, giống y trang trang phục của thời đại Heian, hàng nghìn người dân Kyoto quay trở về với quá khứ hoàng kim của thành phố.

Kyoto còn có nhiều điều kỳ thú như du thuyền trên sông Katsura, khám phá công viên Maruyama; dạo chơi quanh các phố cổ hay những đường làng, thưởng ngoạn khu vườn Hoàng gia Katsura Rikyu, chiêm ngưỡng cung điện và biệt thự hoàng gia... Đến Kyoto, du khách có thể lang thang dọc những con  phố dài và hẹp với những ngôi nhà cổ đặc trưng, ngắm nhìn những geisha như bước ra từ trong cổ tích hoặc thưởng thức nghệ thuật trà đạo, trải nghiệm một cuộc sống chậm thanh tao.

Thuyền chờ khách trên sông Katsura (Ảnh: TL)

Đến xứ sở Phù Tang thì phải đến Kyoto mới hiểu được tính cách người Nhật: phong kiến và gia giáo, nền nếp, chỉn chu và kỷ luật, hiếm có dân tộc nào sánh được. Nhiều người gọi đó là bản lĩnh của một cường quốc. Sạch - đẹp - thanh bình và cổ kính là ấn tượng của Kyoto để lại trong lòng du khách. Đây cũng là nơi Liên Hiệp Quốc tổ chức hội nghị thế giới về “cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính”. 175 quốc gia đã ký vào Nghị định thư Kyoto nhằm góp phần cứu vãn môi trường trái đất. So với các thành phố lớn của Nhật Bản, Kyoto hầu như không có tệ nạn xã hội. Chỉ có những du khách say mê tìm hiểu văn hóa truyền thống mới tìm đến Kyoto.

Thu Hà

Top