Bagan đã trở thành trung tâm căn cứ vào giữa thế kỷ thứ IX dưới thời Vua Anawratha, người đã thống nhất Myanmar theo Phật giáo Nguyên thủy. Trong suốt 250 năm, các nhà cầm quyền Bagan và các tầng lớp giàu có của Bagan đã xây dựng trên 10.000 di tích tôn giáo ở vùng đồng bằng Bagan. Thành phố phát triển thịnh vượng, rộng lớn và rất hùng vĩ, trở thành một trung tâm lý tưởng để nghiên cứu tôn giáo và thế tục. Tu sĩ và học giả từ những nơi xa xôi như Ấn Độ, Tích Lan cũng như đế quốc Khmer cũng đến Bagan để nghiên cứu ngôn điệu, ngữ âm, ngữ pháp, chiêm tinh học, giả kim thuật, y học và pháp luật.
Thời hoàng kim của Bagan kết thúc năm vào 1287 khi vương quốc và thủ đô bị quân Mông Cổ xâm lược. Dân số của vương quốc bị giảm xuống với số lượng chỉ bằng một ngôi làng trước khi bị xâm lăng. Các di tích tôn giáo mới vẫn được xây dựng đến giữa thế kỷ XV, nhưng sau đó các công trình đền thờ chỉ được xây dựng nhỏ giọt với khoảng dưới 200 ngôi đền được xây dựng từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX. Cố đô Bagan vẫn là một địa điểm hành hương nhưng người ta chỉ tập trung ở những ngôi đền nổi bật nhất. Hàng ngàn ngôi đền còn lại rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, và hầu hết đã không còn tồn tại với thời gian. Một số khác thì bị phá hủy bởi thiên tai, như động đất.
Bagan – Cố đô lưu giữ nhiều giá trị văn hóa ở Myanmar (Ảnh: TL)
Những đền, chùa này được xây dựng khoảng giữa thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XIII, trong thời kỳ chuyển tiếp từ Phật giáo Đại thừa sang Phật giáo Theravada. Những đền, chùa được xây dựng trong thời đại hoàng kim này đánh dấu sự khởi đầu của những truyền thống Phật giáo mới ở Myanmar. Trong thời kỳ hoàng kim của vương quốc giữa thế kỷ XI và XIII, các nhà lãnh đạo Bagan giàu có đã cho xây dựng hàng ngàn ngôi đền ở các vùng đồng bằng Bagan. Người ta ước tính rằng có hơn 10.000 ngôi đền Phật giáo, chùa và tu viện phủ khắp 100km2 đồng bằng ở trung tâm Myanmar.
Bagan từng là thủ đô của Myanmar trong suốt 230 năm (giữa thế kỷ XIII và XIV). Hiện nơi đây còn lưu giữ được hơn 2.000 ngôi đền chùa. Những di tích còn sót lại của Bagan có thể sánh ngang với hai quần thể đền tháp nổi tiếng là đền Angkor Wat của Campuchia và đền Borobodur ở miền Trung đảo Java, Indonesia. Kiến trúc Mon rất phổ biến tại các ngôi chùa lớn của Bagan, một trong số đó là chùa vàng Shwezigon. Đây là ngôi chùa vàng đầu tiên được xây dựng tại Miến Điện và cũng là hình mẫu tiêu biểu cho các ngôi chùa sau này. Nhìn từ xa, du khách sẽ cảm nhận được vẻ linh thiêng toát ra từ kiến trúc kiên cố, tháp trên cùng hình trụ thiếp vàng, đặt trên ba tầng tháp vuông. Bên cạnh chùa Shwezigon “cổ xưa nhất”, Bagan còn có ngôi đền Ananda “đẹp nhất”; chùa Thatbyinyu “cao nhất” và cuối cùng là chùa Dhamma Yangyi “đồ sộ nhất”.
Old Bagan với vẻ đẹp hoang sơ (Ảnh: TL)
Những ngôi đền tháp ở Bagan có kiến trúc độc đáo với kết cấu đặc kín hoặc rỗng bên trong, và được phân thành 4 kiểu chính tùy theo từng phong cách khác nhau:
Loại thứ nhất: là kiểu tháp hình bầu, gần giống với kiểu tháp Chorten của Tây Tạng. Ngôi tháp có niên đại sớm nhất của loại này xuất hiện vào thế kỷ VIII có tên là Bupaya, do những thổ dân người Pyu xây lên.
Loại thứ hai: Loại này có một loạt các bệ tháp ba tầng lớn dần từ trên xuống, trên đỉnh là một mái vòm hình trụ hoặc hình chuông nối tiếp tạo thành một hình chạm đầu mái của các vòng tròn đồng tâm. Dạng biến thể của kiểu này là mái vòm hình chuông với một dải đường gờ ở giữa. Đền Lawkananda và Shwesandaw là những mẫu đầu tiên của kiểu này, trong khi đền Shwezigon và Mingalarzedi là đại diện nổi bật của dạng biến thể.
Loại thứ ba: Loại này tương tự như dạng cơ bản của loại 2 nhưng có một đĩa có hình dáng cái bát với dải trang trí được đặt giữa mái vòm và hình chạm đầu mái. Ví dụ như đền chùa Nyima Seinnyet.
"Ngôi đền mặt trời lặn” ở cố đô Myanmar (Ảnh: TL)
Loại thứ tư: Loại này mô phỏng theo thời Trung cổ Sinhalese dagaba, có một mái vòm hình chuông trên một bệ tròn và một gian thánh tích giống như chiếc hộp được đặt giữa mái vòm và hình chạm đầu mái. Đền Sapada là một mẫu đặc trưng của kiểu này.
Hầu hết bên ngoài những chùa tháp Myanmar đều có tạc Thần hộ vệ như thần Virupaksa, thần Virudhaka, thần Dhtarastra và thần Kubera. Những tượng này dựa theo khuôn mẫu ở chùa tháp Bharhut (Ấn Độ).
Tại Bagan còn có một loại hình kiến trúc Phật giáo khác nữa là đền Gru (Gru có nghĩa là hang). Những ngôi đền này được thiết kế trong những hang động và những giả sơn. Phần bên trong của những đền hang này là một hệ thống hang động và các phòng vòm.
Khi đến với thành phố Bagan, để chiêm ngưỡng trọn vẹn khung cảnh lãng mạn với bộ sưu tập những ngôi đền chùa cổ kính, du khách thường lựa chọn kinh khí cầu để thưởng ngoạn cảnh sắc nơi đây. Khi lơ lửng trên cao, ngập tràn giữa những công trình kiến trúc cổ xưa, đồ sộ, du khách sẽ có cảm giác như trở về quá khứ xa xưa, nơi mà mỗi công trình đều ghi dấu tích một thời đại lịch sử với những nét văn hóa đặc sắc truyền thống.
Pho tượng khổng lồ ở ngôi đền Ananda linh thiêng (Ảnh: TL)
Ngày nay, chỉ có vài chục ngôi đền thường xuyên được trùng tu. Trong những năm 1990, Chính phủ Myanmar đã nỗ lực để khôi phục lại rất nhiều những ngôi chùa bị hư hỏng, xuống cấp, nhưng do cách phục chế các di tích không còn nguyên vẹn với lịch sử, công tác trùng tu không thực hiện theo quy định quốc tế với việc sử dụng những vật liệu hiện đại, hay mở thêm nhiều con đường mới làm ảnh hưởng đến giá trị của di tích, đã các nhà sử học, nghệ thuật và bảo tồn trên toàn thế giới lên án. Bagan đã phải trả giá cho hành động vô trách nhiệm của Chính phủ khi UNESCO từ chối công nhận thành phố trở thành Di sản Thế giới.
Thật đáng tiếc cho một đất nước sở hữu hàng ngàn ngôi đền, chùa nhưng lại không được ghi nhận xứng đáng.
Thu Hà