Chuyện về “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương” ngàn năm tuổi

Có từ bao giờ cũng chẳng ai biết nữa. Ngay cả những cụ cao niên nhất làng cũng chỉ nhớ từ khi các cụ còn nhỏ, cái cây này đã sừng sững đứng ở đó rồi. Ở làng Giữa, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang tỉnh Bắc Giang có một cây Dã hương cổ thụ, một loại cây thuộc họ Long não, lá xanh quanh năm, thân mộc toả mùi hương thơm ngát. Đây là một loài cây được các nhà khoa học liệt vào hạng rất hiếm đã tuyệt sinh sau trận đại hồng thuỷ thế giới. Điều đặc biệt của cây Dã hương này là nó được nhắc đến từ khi cái tên Bắc Giang được nêu trong cuốn “Việt Lược Sử” cổ nhất của nước Việt, đó cũng là thời kỳ nước ta còn mang tên Đại Việt. Trong thần tích của thôn sở tại còn ghi rõ dưới thời Vua Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786) khi đi ngang qua vùng này, thấy cây Dã hương to đẹp đã sắc phong cho cây là Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương nghĩa là cây Dã hương to đẹp nhất nước. Cây hiện được các cụ trong thôn lập bài vị thờ tại đình làng. Nếu tính theo niên đại thì đến nay cây cổ thụ này đã cả ngàn năm tuổi.

Dưới thời Pháp thuộc, cây Dã hương này đã được người Pháp liệt vào loại cây cổ thụ lâu đời có hạng ở vùng Đông Dương. Trong Tạp chí Xưa và Nay đã đăng tài liệu xác định đây là cây được bộ Bách khoa từ điển Larousse của Pháp ghi nhận và đăng ảnh tại Hội chợ Marseille  Pháp năm 1932 với lời chú: “Le camphrier Tien Luc deuxieme camphrier du mondé” nghĩa là Cây Dã hương Tiên Lục, cây Dã hương thứ hai của thế giới. Đối với người dân nơi đây cây Dã hương này là một vật thiêng nên xóm ở đây được gọi là xóm cây Dã, đình làng ở ngay cạnh đó được gọi là đình Dã. Theo lời kể của các cụ cao niên trong vùng, dưới thời Pháp thuộc, cây Dã hương này đã nổi tiếng linh thiêng, Toàn quyền Doumer đã xin một cành nhỏ mang về nước Pháp làm kỷ niệm. Khâm sai Bắc Kỳ chặt một đoạn rễ nhỏ gửi vào Kinh thành Huế, dân xứ đạo làm một cây thánh giá bằng gỗ Dã hương dâng tặng  Nhà thờ Toà Giám mục Bắc Ninh. Thời đó, chính quyền thực dân đã mở cả một đoạn đường từ thị trấn Cao Thượng qua Bến Tuần về Tiên Lục cho du khách tới thăm.

Chuyện làng quê thư­ờng có bao huyền thoại để ngư­ời ta truyền miệng kể từ đời này sang đời khác. Xung quanh cây Dã hương Tiên Lục cũng là cả một huyền thoại với rất nhiều câu chuyện kỳ bí. Theo các cụ cao niên ở đây truyền lại, cứ khi nào có cành lớn của cây bị mục, được thay thế bằng những chồi mới thì đều ứng với một sự kiện lớn của đất nước. Ví như năm 1930, cây thay cành lớn ở phía Bắc, ứng với sự ra đời của Đảng ta. Năm 1945, cành lớn ở phía Nam ứng với Cách mạng tháng Tám thành công và lần thứ ba là vào khoảng nửa đêm một ngày tháng 1-1979, trời quang mây tạnh, chỉ nghe thấy tiếng cành cây gẫy rào rào rồi từ từ gục xuống song một điều kỳ lạ là thường thì cành cây bị gẫy nằm phủ lên mái đình Viễn Sơn (hay còn gọi là đình Cây Dã) nhưng lần này khi gẫy thì lại ngả ra phía bên ngoài, cả mái đình cổ kính không bị một chiếc lá cây làm hư hại. Chỉ sau một thời gian ngắn thì xảy ra sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc. Lần gần đây nhất vào năm 2006, cây gẫy một cành lớn thì chỉ sau đó một thời gian ngắn nước ta gia nhập WTO.

Cây Dã hương càng trở nên linh thiêng hơn trong tâm cảm của ngư­ời dân vùng này, một phần cũng chính nhờ  ‘tổng kết’ những trùng lặp ngẫu nhiên ấy…

Cây Dã hương đẹp nhất vào khoảng những tháng mùa hè. Hoa Dã hương nở màu vàng, cánh nhỏ li ti và có mùi thơm dìu dịu. Nắng lung linh trên tầng lá xanh mượt xum xuê  toả bóng phủ kín mái đình Tiên Lục tạo một cảnh quan đặc sắc với người dân trong vùng cây như­ mảnh hồn của làng. Đi xa về gần nhìn thấy những tầng lá m­ơn m­ướt êm đềm đung đưa theo gió từ đồng hút vào cùng ríu rít tiếng chim chuyền, bỗng thấy lòng bình yên. Sự trường tồn của một thực thể không thể là mãi mãi, dù là cây hay người cũng phải tuân theo quy luật của cỗ xe luân hồi. Nhưng sự trư­ờng tồn của cây Dã hư­ơng nơi này lại là điều kỳ diệu hiếm gặp trong cuộc sống.

Hiện nay cây Dã hương vẫn tươi xanh, cây cao ước khoảng gần 40m, đường kính gốc cây có đến gần 10 người ôm không xuể. Lõi cây đã thông tâm mà cành vẫn rợp. Vỏ cây dày hơn 10cm, xù xì cổ kính mang dấu ấn của thời gian cả ngàn năm. Năm 1989, cùng với cụm di tích lịch sử văn hóa gồm  Đình - Đền - Chùa Tiên Lục, cây Dã hương đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận Di tích lịch sử quốc gia. Cũng từ đó, cây đã được các ngành chức năng quan tâm chăm sóc bảo vệ chu đáo. Nhiều biện pháp như đầu tư xây tường bao, kè đất gốc cây chống xói lở, chống mối, sâu bọ, cắt cử người chuyên trách chăm sóc bảo vệ cây nên sự phát triển của cây ngày càng tốt lên. Đặc biệt, gần đây nhất, năm 2008, cây đã được dựng 3 cột đỡ cành lớn bằng chất liệu bền vững đắp giả thân cây tạo dáng, vừa an toàn lại vừa có tác dụng bảo vệ sự an toàn cho các cành cây.

Cây Dã hương nay đã là một điểm du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài tỉnh. Năm 1999, tỉnh Bắc Giang đã chọn một cây Dã hương con, thuộc hàng “con cháu” của cây Dã hương ngàn tuổi đem về trồng ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, coi đây là một biểu tượng bền vững, xanh, sạch của môi trường sinh thái. Một mùa xuân mới lại về mang theo niềm tin và hy vọng cho một tương lai mới như những mầm xanh của cây Dã hương ngàn năm tuổi đang đâm chồi nảy lộc.

Bài và ảnh: Đỗ Tuấn Khoa

Top