Chuyện về người chiến sỹ cách mạng mang số tù 8861

Ông là thương binh 1/4, hỏng một mắt, nhiều thương tích còn để lại trên thân thể do những năm chiến đấu ác liệt chống đế quốc Mỹ, đặc biệt suốt 81 ngày đêm bám trụ bảo vệ thành Quảng Trị và cả những đòn tra tấn dã man của bọn Mỹ ngụy ở Nhà tù Phú Quốc với biệt danh Nguyễn Tứ Thanh mang số tù 8861.

Tên thật của ông là Nguyễn Trọng Thành sinh năm 1953, quê xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương; trú quán: xóm 16, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, hiện đang là Chủ tịch Hội Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày tỉnh Nghệ An và Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị 1972. Ông nhập ngũ tháng 5-1972 sau huấn luyện bổ sung cho Sư đoàn 312 bảo vệ thành Quảng Trị.

Vùng đất Quảng Trị năm 1972 được xem là chiến trường khốc liệt nhất, nơi diễn ra những cuộc đụng đầu nảy lửa giữa ta và địch. Chiến trường Quảng Trị được bọn Mỹ ngụy coi là bàn đạp để thực hiện âm mưu “Bắc tiến” khi có điều kiện, vừa là lá chắn bảo vệ “Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đếntuyển 17” như Ngô Đình Diệm đã có lần tuyên bố. Bởi vậy, sau thất bại ở Đường 9 - Nam Lào năm 1971, Mỹ ngụy đã tập trung ở Trị - Thiên một lực lượng binh hoả lực mạnh nhất: Hai sư đoàn bộ binh, hai lữ đoàn thuỷ quân lục chiến, 4 tiểu đoàn và 94 đại đội bảo an, 302 trung đoàn dân vệ, 5.100 cảnh sát, 14 tiểu đoàn pháo binh, 3 thiết đoàn... trong đó ở Quảng Trị luôn có 5 trong số 8 trung đoàn chủ lực. Địch bố trí 3 tuyến phòng ngự vững chắc từ Nam sông Bến Hải đến Bắc sông Mỹ Chánh. Trong trường hợp bị tấn công, chiến trường Quảng Trị được ưu tiên yểm trợ tối đa cả không quân, hải quân Mỹ, cả pháo đàì B52. Tuyến phòng thủ Quảng Trị được bọn Mỹ ngụy coi là “con đê ngăn chặn vững chắc nhất miền Nam Việt Nam”.

Ông Nguyễn Trọng Thành - người chiến sỹ cách mạng mang số tù 8861

Trong cuộc chiến đấu ác liệt bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, ông Thành bị thương nặng tại điểm cao 129. Ông không hề biết mình bị thương nặng. Khi tỉnh lại mới biết mình đã bị bắt và tạm giam tại đồn Mang Cá, thành phố Huế. Bọn địch đưa ông vào tra khảo tại Trung tâm phỏng vấn Non Nước - Đà Nẵng, sau chúng đưa vào giam tại Phân khu B11 đảo Phú Quốc. Tại đây ông bị đánh đập, tra tấn dã man, trên thân thể vẫn còn nhiều thương tích.

Ngày 16 tháng 3 năm 1973, sau khi ra tù, ông Thành được Nhà nước đưa về an dưỡng ở Đoàn 595 Quân khu Hữu ngạn huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trong thời gian an dưỡng tại đây, ông lại được phân công cùng hai thương binh khác giúp đỡ 3 đồng chí Lê Văn Luyện quê Vĩnh Phú cụt 2 tay, Đậu Đình Dương ở Nghệ An mù 2 mắt, Đinh Văn Tụng ở Thái Bình cụt 2 chân. Sau đó, ông được về điều dưỡng tại Trại Điều dưỡng Thương binh 4, năm 1987 về an dưỡng tại gia đình.

Năm 1988 ông được bầu vào Ban Chấp hành Hội Người mù tỉnh Nghệ Tĩnh. Năm 1990, gia đình ông di dân về huyện Tân Kỳ. Ông đã chăm lo xây dựng Hội Người mù huyện Tân Kỳ. Năm 1992 ông được bầu vào Ban Thường trực Hội Người mù tỉnh Nghệ An, từ đó gia đình ông chuyển về thành phố Vinh tham gia Ban Thường trực Hội Người mù thành phố Vinh. Tại Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2010 - 2015 ông được bầu làm Chủ tịch Hội Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày của tỉnh Nghệ An. Tại Đại hội khóa II ngày 8 tháng 8 năm 2015, ông lại được tín nhiệm tái cử Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2016-2021.

Hội Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Nghệ An đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong dịp về dự Đại hội khóa II của Hội. Ảnh: internet

Ông Thành đặc biệt quan tâm đến tình hình sức khỏe, hoàn cảnh gia đình của từng hội viên, chăm lo công tác xây dựng hội ở các huyện, thành phố, thị xã, đưa Hội tỉnh ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng là một trong những hội địa phương mạnh trong cả nước; làm cho Hội hoạt động có hiệu quả góp phần vào sự phát triển của địa phương trong quá trình hội nhập và phát triển, như lời căn dặn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong dịp về dự Đại hội khóa II của Hội Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Nghệ An.

Năm 2011 ông được bầu là 1 trong 3 chiến sỹ cách mạng tiêu biểu của Nghệ An đi dự liên hoan các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tiêu biểu trong cả nước. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2012), ông là một trong 36 người đại diện cho 85.000 thương, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng thực hiện cuộc về nguồn dâng hương tại đền thờ các vua Hùng, vào lăng viếng Bác Hồ được đồng chí Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội gặp gỡ thân mật, thăm Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động Thương binh xã hội... Ông đã được tặng nhiều Huân chương và nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, tháng 10-2015 ông được tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9.

Trò chuyên với tôi ông không muốn kể nhiều về mình. Ông khắc dạ:“Là người lính không vinh dự gì hơn khi còn được giao nhiệm vụ”… “Quá khứ vinh quang được trân trọng thì hiện tại vẫn làm đẹp cho đời”… “Sống trong tù kiên trung, bất khuất, sống ngoài đời tình nghĩa, thủy chung”.

Ông đã và đang làm hết sức mình như điều ông nghĩ để xứng đáng với Bác Hồ, xứng đáng với những hy sinh to lớn của những người đồng đội./.

Nguyễn Minh Châu

Có thể bạn quan tâm

Top