Chuyện tàu Thuận Tiệp Bình Ba biển Đông thời Tự Đức

Trong lịch sử dân tộc, mặt biển phía Đông đóng vai trò đặc biệt quan trọng, trước hết là sự vẹn toàn và an toàn của lãnh thổ, sau nữa là trong việc vận tải và giao thương, khai thác các nguồn lợi thủy hải sản. Trên bước đường đi về phương Nam, vượt qua Đèo Ngang (vĩ tuyến 180), biển đã mở ra và bổ sung thiết thực cho tiềm lực và nhãn quan Việt một không gian mới, chân trời mới mạnh mẽ hơn, bao la hơn.

1. Vấn đề biên phòng miền biển cấp thiết thời Nguyễn

Trong lịch sử văn hóa dân tộc, mặt biển phía Đông đóng vai trò đặc biệt quan trọng, trước hết là sự vẹn toàn và an toàn của lãnh thổ, sau nữa là trong việc vận tải và giao thương, khai thác các nguồn lợi thủy hải sản. Trên bước đường đi về phương Nam, vượt qua Đèo Ngang (vĩ tuyến 180), biển đã mở ra và bổ sung thiết thực cho tiềm lực và nhãn quan Việt một không gian mới, chân trời mới mạnh mẽ hơn, bao la hơn.

 

Thuận An bi hùng (Le Monde Illustré, 1883)

Đặc biệt là từ thời Đàng Trong cho đến thời các chúa Nguyễn, tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông Nam/Đông Hải Ngọc Lân trong quá trình xác lập, hoàn thiện thể chế tâm linh biển của Nam/Đông Hải Long Vương đã định hình nên thế giới quan biển độc đáo, thành điểm tựa để ngư dân khắc chế nỗi sợ hãi trước biển cả để bám biển, vươn khơi. Nghề đánh bắt thủy hải sản theo lối đi khơi, đi lộng và phát triển vận tải biển đã giúp làm nên hệ thống làng xã vùng biển đầy đặc trưng, đúng nghĩa “xã hội hóa” công tác biên phòng vùng biển trong chế độ Trường đà phổ biến chốn dân gian, và đỉnh cao là chế độ Thủy quân của Triều đình Nguyễn, thống lĩnh là Kinh kỳ Thủy sư. 1

Từ vai trò thống lĩnh của Kinh kỳ Thủy sư, các đơn vị thủy binh luôn được chú trọng đầu tư cả về quân số lẫn quân trang quân dụng để trấn giữ các nơi hiểm yếu miền biển của các địa phương và trong đó, nổi bật vai trò tuần tiễu để đánh dẹp các dạng cướp biển. Chính để đáp ứng nhu cầu đặc biệt quan trọng này mà Triều đình nhà Nguyễn đã đầu tư nhiều ngân khoản lớn để mua những chiến hạm lớn của phương Tây cùng với cả một qui trình “chuyển giao” gần như toàn bộ để tiếp nhận và vận hành nó cho sứ mệnh bảo vệ vùng biển, như trường hợp tàu Mẫn Tiệp, Thuận Tiệp và Đằng Huy thời Tự Đức.

2. Triều đình Nguyễn mua tàu thủy của phương Tây để tuần tiễu trên biển

Vua Minh Mệnh nổi tiếng với chuyện cho mua tàu hơi nước về chạy trên sông Hương rồi sai Vũ Khố tháo ra lắp lại nhưng thất bại. Mãi đến tháng 4/Kỷ Hợi (1839), sau một thời gian kiên trì, cho chế tạo chạy thử nghiệm thành công, Vua ban thưởng hậu hĩnh cho đốc công Phó Giám đốc Hoàng Văn Lịch, Vũ Huy Trinh, khuyến khích “trước kia bọn ngươi làm lỡ việc, hầu mắc phải tội. Nay đã hết lòng hết sức làm cho đến thành công, cho nên khen thưởng không tiếc. Vả lại thuyền ấy mua ở nước Tây cũng sao không được, muốn thợ thuyền nước ta học biết máy móc khôn khéo, cho nên không kể nhọc tốn mà thôi.2

Đánh chiếm đồn Thuận An (Le Monde Illustré, 1883)

Có trường hợp như tàu Yên Phi khi mới mua từ phương Tây về, máy móc nhiều chỗ han gỉ, nồi sắt rò nước, chạy thử chưa tốt nên sai đốc công cho thợ tháo ra xem xét, mài giũa từng cái, sửa chữa và lắp vào như cũ. Tháng 7/Canh Tý (1840), Vua cho đặt tên cho 3 tàu thuỷ (3 hạng lớn, vừa, nhỏ) chạy bằng hơi nước tàu Yên Phi, tàu Vân Phi và tàu Vũ Phi, khắc chữ thếp vàng ở đằng sau lái và cho đi cùng các thuyền hiệu Bình hải ra biển chạy thử từ Thuận An đến đồn Đà Nẵng thì tàu chạy máy hơi nước đều chạy nhanh hơn.3

Đặc biệt đến thời Tự Đức - tháng 8/Ất Sửu (1865), Triều đình mua tàu lớn bọc đồng chạy máy hơi nước Mẫn Thoả tới 111.600 lạng bạc (Thuyền dài 11 trượng 2 thước 3 tấc; ngang 1 trượng 6 thước 9 tấc. Theo đó, để đề phòng mặt biển bởi bọn giặc biển làm trở ngại việc vận tải, Triều đình cho Thương bạc nhờ lãnh sự Pháp ở Hạ Châu liệu tính cách thức giá cả, sai Viên ngoại lang bộ Công là Hoàng Văn Xưởng đến thuê đóng rồi đưa về bỏ neo ở biển Thuận An, cho tên là Mẫn thoả khí cơ đại đồng thuyền, đặt quản đốc chánh, phó để trông coi. Về sau, Nhà vua cho mua thêm đại thuyền Thuận tiệp và Đằng huy, cả ba chiến thuyền cùng “Sai đi dẹp giặc biển, hoặc đi đông đi tây”. Quá trình chuyển giao công nghệ ở đây luôn bao gồm cả người đóng thuyền, thuê ba hoa tiêu (hạng nhất, nhì, ba), hai người thợ máy Tây dương (hạng nhất, hạng nhì), cùng với 34 người Java, người nước Thanh, sau khi “đào tạo” chuyển giao thành công sẽ không thuê nữa. Quan binh nhà Nguyễn tiếp quản tàu Mẫn Thỏa lựa chọn 100 quân thuỷ khoẻ mạnh am hiểu, chọn một quản đốc, 2 suất đội, giao bộ Binh xem xét, cho sung làm điển hộ, miễn tạp dịch để chuyên việc học tập.4

Thuận An bi hùng (Le Monde Illustré, 1883)

Từ mùa thu năm 1865, Triều đình đã sai các quan  bộ Hộ, bộ Công là Nguyễn Chính, Lê Văn Phả, Trần Thiện Chính đáp thuyền sang Hương Cảng, cùng chủ hiệu Phố Na thương thuyết, mua tàu với tổng giá 134.300 đồng bạc, tháng 5/Bính Dần (1866), tàu về đến Thuận An, thân thuyền trên dưới 2 tầng, một ống khói, 2 cột buồm, dài 9 trượng 3 thước, 6 tấc, ngang 1 trượng 6 thước, sâu 8 thước 3 tấc, được trang bị 6 khẩu đại pháo, 15 khẩu điểu sang, 5 khẩu mã sang và 8 buồng ở..., có thể chở 40 vạn cân (hơn tàu Mẫn Thoả 10 vạn cân), ban tên Thuận Tiệp khí cơ đại đồng thuyền, cho làm cờ, khắc chữ như qui thức tàu Mẫn Thoả. Thuê 2 chánh phó hoa tiêu, 2 người xem máy móc (một người Pháp làm chánh hoa tiêu, 3 người Anh làm chánh khán tiêu, hạn trong một năm để huấn luyện lính thợ cho thạo nghề.5

3. Đến chuyện ông Sáu Máy rời tàu Thuận Tiệp đi du ngoạn và lập nên một ngôi chùa ở Quảng Nam

Nửa sau thế kỷ XIX, có người lính từng tham gia kháng Pháp bất thành, sẵn khí chất hảo hán Nam kỳ, giỏi võ nghệ, thích phiêu bạt và học hỏi, đã xuống tàu sang Paris hoa lệ, học nghề cơ khí và tiếng Pháp. Một ngày, nước Pháp chuyển giao “trọn gói” một tàu thủy cho Đại Nam và ông về Huế đào tạo cho Triều đình nhà Nguyễn. Sau đó, thấy chí nguyện chưa thành, ông ngao du xứ Quảng, ngược sông Thu Bồn, đến núi Đài xứ Hà Tân xin lập nên ngôi chùa để hoằng dương Phật pháp.

Thời Tự Đức (tháng 8/Canh Ngọ -1870), Triều đình đã rất chú trọng nhu cầu canh tân kỹ nghệ, chính thức tư chọn cử 15 người thợ thuyền trẻ tuổi biết chữ ở các đơn vị Hộ vệ, Cảnh tất, Thần cơ, Đốc công, đến Thủ đô nước Pháp, nước Anh học tập các nghề đóng tàu, đúc súng và học ngoại ngữ, trong thời hạn 3 năm hoặc 1 - 2 cho năm tinh xảo được việc, về sẽ cất nhắc công việc hợp lý, không theo thứ bậc.1

Đà Sơn tăng truyện có kể lại câu chuyện ly kỳ của một chứng nhân, liên quan tới vấn đề Tây du, tới tàu Thuận Tiệp.2 Theo đó, Bùi Chu người Gia Định, từ nhỏ ít có điều kiện học hành, lại đam mê võ nghệ, thích giao du, nói được tiếng Tiêm, Lào và Cao Miên. Sau khi Pháp đánh Nam Kỳ, ông tòng quân đánh giặc nhưng không thành nên theo quan Pháp đến Paris học nghề cơ khí, tiếng Pháp và một số tiếng Tây Âu.

Một trang Đài sơn tăng truyện

Sau một thời gian, ông về đến Hương Cảng rồi “tiện đường về nước lái tàu hơi nước Thuận Tiệp, người ở kinh sư gọi là ông Sáu Máy”. Không rõ vì lý do gì, khi “Có việc” thì ông trở về Nam, “trong lòng u uất, bất đắc chí, thường hận cuộc đời không theo chí mình. Những lúc nghĩ quẩn có ý muốn xuất gia nên lang thang đến các danh sơn tìm nơi yên tĩnh để tụng kinh tu thân”. Đến mùa hè năm Giáp Ngọ đời Thành Thái (1894), ông chừng 50 tuổi, tướng mạo phương phi, xắn áo, chống gậy đến rồi ở lại Hà Tân (nay thuộc Đại Lãnh, Đại Lộc). Ở trong thôn được chừng 5 - 6 tháng, nhận thấy nhiều người bệnh tật, ông khóc lóc cầu đảo, cho thuốc men và bỗng nhiên phát sinh tâm Phật, mọi vướng mắc trong lòng trước nay chưa được giải tỏa, những giận dữ khi gặp bất bình, bản tướng bất giác lộ ra, từ đó sám hối, kìm nén đau khổ lẫn sự ngạo mạn. Ông bèn lên núi Đài lập thảo am mà ở. “Núi ở phía Nam xã Hà Tân, tường đá tiếp nối, cây cối um tùm. Nước khe chảy va vào đá nghe rì rào, vị ngọt mát. Khi người dân ở đây đua nhau lên núi xin thuốc, gặp thầy ngồi xếp bằng niệm Nam vô Phật, Nam vô Phật mấy câu, tiếng vang khắp hang núi, rồi lầm rầm tụng kinh khuyết trì”.

Thầy lấy dao sắc gọt gỗ tùng làm đồ dùng, trông rất tinh xảo, lại khuyên làm người phải giữ cho được cái nghề, rồi chỉ hang đá cạnh am, nói đó là chỗ hậu thân của thầy, đã dọn dẹp sạch sẽ. Thầy ngồi xếp bàn dưới gốc tùng, uống nước suối, hoặc nằm gối đầu lên đá, không vướng chút trần tục. Một ngày xuống núi, gặp viên tuần bổ Quản Sơn hỗn xược qui thầy là tội phạm, thầy nổi giận phóng tấm thân già đến đánh, vốn là Cử nhân võ mà Sơn cũng không địch lại được, đành chạy về báo thầy làm phản. Quan tòa đang đêm phái lính lên núi Đài vây bắt, thầy không sợ nguy hiểm, từ tốn cùng bộc bạch tấm lòng, mới biết là hiểu lầm, bèn đưa thầy về lại núi. Từ đó thầy không tiếp đón ai, ngồi thiền mong giải thoát, ban đầu thì bữa cơm trắng vào đúng ngọ, sau chỉ ăn cháo loãng. Ở trên núi được 2 năm, thân gầy còm mà tinh thần thanh thoát, bước đi nhẹ nhàng và không lâu sau, thầy tuyệt thực mà tịch. Người dân địa phương đặt di hài thầy vào trong hốc đá.

4. Còn mãi câu chuyện về hành trình chu du bốn biển độc đáo

Vậy là trong sứ mệnh chuyển giao kỹ nghệ tàu thủy Thuận Tiệp của Pháp sang Triều đình Đại Nam từ tháng 5/Bính Dần (1866), ông “Sáu Máy” Bùi Chu đảm trách một trong các chức vụ Chánh phó khán cơ cho chuyện máy móc của chiến hạm này ở Thuận An và trên sông Hương.

Có thể sau năm 1860-1962, ông đã lên tàu sang Pháp học nghề, rồi hè năm 1866 mới có thể tham gia đợt “chuyển giao” tàu thủy hiện đại giữa Pháp và Triều đình Huế trong vai trò thợ máy. Nếu quá trình chuyển giao hoàn thành trong 1-3 năm thì sau đó, ông đã có quá trình hành tẩu trên dưới 25 năm, vào ra Nam kỳ, để đến năm 1894 mới ngược dòng Thu Bồn đến Hà Tân, viết nên câu chuyện độc đáo này.

Từ vùng đất Nam Bộ sôi động thương hồ, nghĩa khí đất phương Nam đã đưa ông Bùi Chu tham gia khởi nghĩa chống Pháp. Trong cơn bĩ cực, ông lại chu du đến tận Thủ đô nước Pháp để học nghề và trở lại Kinh đô Huế để chuyển giao kỹ nghệ, gắn với sứ mệnh bình ba lẫy lừng trên biển Đông của con tàu Thuận Tiệp nổi tiếng. Qua tuổi ngũ thập, thượng nguồn sông Thu Bồn và vùng núi Đài - Hà Tân đã hấp dẫn ông đến với Phật ở ngôi chùa đơn sơ yên tĩnh, viết nên một câu chuyện chu du tứ hải vô cùng độc đáo, từ núi tới biển, từ vùng Nam châu trù phú đến tận Paris hoa lệ, Kinh đô Huế phồn hoa để trở về vùng núi Đài tĩnh lặng.

Bài và ảnh: TS Trần Đình Hằng

Viện Văn hóa - Nghệ thuật Quốc gia tại Huế