Chuyện làng chơi cổ ngoạn: “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”
Một buổi sáng mùa hè tinh mơ, chưa mấy ai thức giấc. Đột nhiên, tôi nghe thấy tiếng máy điện thoại bàn, khiến giật nảy mình ái ngại, hẳn phải có chuyện gì đột biến? Cầm ống nghe, thấy đầu dây bên kia, một giọng nói khá quen của người bạn doanh nhân rằng, nếu bác có nhà, tôi sẽ đến đón đi ăn sáng, uống cà phê và đến chơi nhà để khoe một “chiến công” mà qua giọng nói, tôi biết, ông chưa thật tự tin vào “chiến công” ấy.
Tôi đồng ý và 7h sáng, ông đến đón tôi. Ăn sáng cũng qua loa vì trên đường đi, ông có kể về chuyện mới mua được con thú ở Quảng Ninh, chẳng hiểu thật hay giả, nhờ bác đến xem giúp. Thật thì tốt mà giả thì cũng là “học phí” trả cho cuộc chơi, vì con thú ấy chẳng mấy đồng so với tài sản của ông. Sốt ruột vì những tình tiết li kỳ và con thú, nếu là cổ vật, sẽ là thứ hạng hai trong bảng xếp hạng của làng chơi cổ ngoạn, sau tượng người. Đó là chưa kể những tiêu chí khác về niên đại, về sự hiếm quý, về chất liệu làm nên tác phẩm, khiến tôi hối thúc ông về nhà, vừa uống cà phê vừa chiêm ngắm, để thưởng thức “chiến công”.
Một con thú được đặt trên một khay gỗ ở bàn. Đất vẫn còn dính, patin thời gian đã bị bong tróc phần nào, ô xít đồng loang lổ màu chàm, đã cho tôi bước đầu nhận định, đây đúng là cổ vật. Cầm kính lúp soi trên thân và trên mồm linh thú, còn thấy những sợi lông li ti, được đúc khá tinh xảo, khiến cho lớp patin dẫu đã bị bong tróc, vẫn không làm mất đi những đường nét hoa văn như sợi tóc ấy. Con linh thú không lớn, nhưng dáng vẻ oai phong, hùng dũng, đang nằm phủ phục, qua sự tạo tác những mảng khối vô cùng khỏe mạnh và hàm răng nhe rộng, còn nhìn thấy cả nanh, khiến cho người chiêm ngưỡng tưởng như bị áp chế trước sức mạnh của linh thú mang dáng vẻ của một mãnh hổ - chúa sơn lâm. Trên lưng linh thú là một quai xách hình dấu ngã, được tạo tác khá ăn nhập với thân.
Tỉ mẩn, tôi lật cả trên và dưới lên xem và thấy rằng, kỹ thuật đúc liền khối được thực hiện trên tác phẩm này, dường như được tuân thủ theo kỹ thuật đúc cổ truyền, có nguồn gốc rất xa xưa.
Tôi nói với ông, qua hơn một giờ giám định rằng, sơ bộ, có thể khẳng định, đây là cổ vật, nhưng niên đại của nó ra sao, công dụng của nó là gì, thành phần hợp kim của nó có phải là đồ đồng cổ hay không, cần phải chờ thêm, bởi con linh thú này chưa từng thấy trong các sưu tập đồ đồng cổ xưa nhất ở nước ta?
Đến lúc này, ông bạn tôi mới nói hết tình tiết của kẻ khù khờ được thánh nhân ưu đãi. Số là, trong một chuyến đi công tác ở Quảng Ninh, xe của ông bị hỏng ở dọc đường. Mặc cho lái xe xoay sở với chiếc U Oát tồi tàn, ông lang thang vào một ngôi nhà trong ngõ ven đường. Chủ nhân là một phụ nữ đã luống tuổi, làm thợ may. Ông hỏi thăm gia cảnh, được biết, chồng chị đã mất và có một cậu con trai học lớp 9. Nhà thì rộng, có vườn, có sân, nhưng làm thợ may trong ngõ thì vô cùng hạn chế. Người hàng xóm đang muốn bán một mảnh đất 3 triệu đồng, vừa xinh cho một cửa hàng may của chị, nhưng chưa có tiền mua lại. Nhiều tình tiết của gia cảnh được dãi bày quanh chén nước chè, khiến ông bạn tôi đặc biệt cảm tình với chị. Lang thang ra vườn, xuống bếp, chợt nhận ra, có một con thú đặt trên bức tường hoa, ngăn cách giữa sân và vườn. Ông cầm lên xem và thấy rất nặng. Hóa ra, bên trong bụng con thú còn đất, chưa được lấy ra hết.
Săn hàng độc ở phiên chợ đồ cổ, đồ xưa đặc biệt giữa Hà Nội. (Ảnh minh họa)
Quay vào nhà, ông hỏi chủ nhà về con thú. Chị chủ kể lại rằng, con chị đem về từ công trường đào đầm nuôi tôm ở Vân Đồn từ tháng trước, trên đường cháu đi học về. Chị không cho cháu đem vào nhà vì sợ đó là “của ma”, vứt nó ra vườn cho khỏi xui. Chẳng hiểu sao, cháu không vứt, để lại ở đó mà chẳng ai để ý nữa.
Đúng lúc ấy, cậu lái xe vào báo, xe đã sửa xong. Ông bạn tôi chào từ biệt chủ nhà, trên đường về Hà Nội mà vẫn canh cánh hình ảnh con thú trong đầu.
Sáng hôm sau, ông thuê xe trở lại ngôi nhà ấy. Ông mua một ít sấp vải, một số đồ dùng học tập và 3 triệu đồng, với ý định giúp đỡ gia cảnh chị chủ nhà và may chăng có thể sở hữu được con thú, qua thịnh tình và tấm lòng chân thực của mình.
Chủ nhà hồ hởi, mổ gà, làm cơm. Ăn xong, ông mới nói ý định của mình, đồng thời gửi số quà cho chị và cháu. Chị chủ nhà phấn khởi, mong ông rước đi cái “của nợ” con chị đưa về và không ngớt lời cảm ơn về sự kịp thời của món tiền do ông giúp, để có thể sở hữu được mảnh đất của láng giềng nhượng bán. Đó là cơ hội có một không hai của chị.
Bối cảnh câu chuyện bạn tôi kể, khiến tôi càng tin vào nhận định của mình và quyết tâm tìm bằng ra chân tơ, kẽ tóc của món cổ vật quý hiếm ấy.
Tôi nhờ Viện Vật lý phân tích thành phần hợp kim bằng quang phổ định tính và định lượng, cho một kết quả trùng khớp, đó là hợp kim đồng - chì - thiếc. Một thành phần hợp kim hoàn toàn chỉ có trên đồ đồng cổ thời Đông Sơn muộn, cách đây trên dưới 2.000 năm ở nước ta.
Tôi tra cứu thêm từ điển Bách Khoa về đồ đồng của Trung Hoa cổ, từ thời Ân - Thương tời Chiến Quốc và Tây - Đông Hán, dẫu không có một linh thú nào giống con vật nêu trên, nhưng vào thời Đông Hán, tương đương với giai đoạn Văn hóa Đông Sơn muộn ở Việt Nam, có một loại dụng cụ mà người phương Tây gọi là “Wine container”, và người Trung Hoa gọi là “chuyên rượu”, khá giống với cấu tạo của con thú nêu trên.
Người Trung Hoa cổ xưa, từ thời Ân - Thương, cách đây 7000 năm đã đun rượu trong vạc để hâm nóng, sau đó, dùng loại chuyên rượu kể trên để rót ra các “tước” (chén rượu) mời khách. Lối thưởng rượu ấy chỉ có vua chúa, quan lại thuộc đẳng cấp cao. Những món đồ dùng bằng đồng như thế cũng chỉ được dùng với sự phân cấp khá rõ ràng.
Con linh thú trên đây, không có trong từ điển đồ đồng cổ Trung Hoa, nhưng lại có ở Việt Nam vào thời kỳ văn hóa Đông Sơn muộn, như là một chứng cứ của sự giao thoa văn hóa mà hiện vật nêu trên tìm thấy ở Vân Đồn - Quảng Ninh dường như là một địa bàn chứng kiến sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ giữa Nam Việt và Âu Lạc, để rồi sự giao thoa ấy vẫn tiếp tục ở những giai đoạn sau này.
Có thể khẳng định được rằng, con linh thú của người bạn tôi - kẻ dại khờ trong lĩnh vực cổ ngoạn - là cổ vật thuộc văn hóa Đông Sơn muộn ở Việt Nam và dường như nó là loại hình hiếm hoi, chưa nói là độc bản trong phức hợp đồ đồng Đông Sơn muộn, vốn vô cùng phong phú và đa dạng ở Việt Nam, như nhiều nhà nghiên cứu đã từng khẳng định.
TS Phạm Quốc Quân