Chùa Tường Vân

Tường Vân là tên chữ, Tường Vân theo nghĩa Hán tự là mây có ý nghĩa tốt lành. Nhân dân vẫn thường gọi tên chùa gắn với tên làng Giáng là chùa Giáng. Chùa tọa lạc dưới chân núi Đún (Đốn Sơn) thuộc địa phận thôn Cao Mật, tổng Cao Mật xưa (nay chùa thuộc khu phố III, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cách Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ khoảng 2,5km về phía Nam.

Theo cuốn sách Chùa Việt Nam tiêu biểu do Nhà xuất bản Tôn giáo ấn hành tại trang 117 có viết: “Vào thời nhà Trần cách đây hơn 700 năm, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sau khi đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược, giúp vua trị quốc, xây dựng nước Đại Việt hưng thịnh thì xảy ra một sự việc đáng tiếc về nội bộ hoàng tộc giữa hai anh em là Trần Cảnh tức Trần Thái Tông và Trần Liễu thân phụ của Trần Quốc Tuấn đã khiến cho tình cảm giữa Trần Quốc Tuấn và Trần Quốc Tảng không mấy mặn mà, Trần Quốc Tảng bỏ về ẩn cư ở Tịnh Bang, Vĩnh Lải, Hải Dương. Trước sự việc trên, một người cháu của  Trần Quốc Tuấn đã xin xuất gia vào Đốn Sơn, lập am cỏ đi tu theo thiền phái Trúc Lâm và đặt tên am cỏ là Tường Vân”.

Chùa Giáng còn gắn liền với một câu chuyện truyền thuyết về giấc mơ của Vua Trần Duệ Tông. Truyền thuyết kể lại rằng, dưới triều Vua Trần Duệ Tông, giặc Chiêm Thành đem quân cướp phá, quấy nhiễu dân cư, Triều đình đã phái quân đi đánh nhưng không được. Nhà vua cho đó là họa lớn nên thân chinh dẫn quân đi dẹp giặc. Trên đường đi qua địa phận Đốn Sơn, thấy phong cảnh sơn thủy hữu tình bốn bên có núi, sông bao bọc, thật là một khu thắng địa. Đêm hôm đó, Vua nằm mộng thấy có một đám mây vàng tựa như dải lụa cứ ẩn hiện trông rất kỳ lạ. Tỉnh giấc, Vua mới biết mình đã nằm mộng nên sắc lệnh cho dân địa phương xây dựng một ngôi chùa đặt tên là Tường Vân, sau mới đổi tên là chùa Giáng (chùa ghi nhớ về đám mây lành).

Chùa Tường Vân được xây dựng trên một vị trí khá đặc biệt, tựa lưng vào núi, hướng mặt ra sông Mã, bố cục hài hòa với cảnh quan môi trường thiên nhiên xung quanh.

Thuở sơ khai, chùa được làm 4 gian, sau khi Vua Trần Duệ Tông mất, nhân dân địa phương xin tạc tượng lập long nhang, hương khói thờ tại chùa (nay tượng vẫn còn và được thờ tự ở nhà Mẫu). Trải qua thời gian, chùa nhiều lần được trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, kiến trúc ban đầu, hệ thống ao vua ngăn cách bởi mặt đường vào Tam Quan.

Tổng thể kiến trúc chùa hiện toạ lạc trên diện tích khoảng 2 hécta, bao gồm các dãy nhà riêng biệt nằm trên 2 tầng thế đất khác nhau, đó là: nhà Tứ Ân, nhà Phật Điện, nhà Mẫu, nhà Tổ, nhà Điêu Túc, nhà khách, tháp Bảo Phật.

Cổng tam quan hiện nay được tôn tạo lại trên nền móng cũ theo hướng Tây Nam, có qui mô: Chiều dài 22,9m, rộng 3,8m, cổng chính rộng 4,5m bên trên đắp rồng đăng đối chầu vào. Phía trên có gác chuông và mặt trước đắp nổi 3 chữ Hán “Tường Vân Tự”.

Tiếp theo tam quan là sân chùa được lát gạch bát đỏ và đá lan giai. Hai bên có 2 đường Pháp vân, Pháp vũ tạo thành hai lối lên xuống. Trước sân là tượng của phật bà Quán Thế Âm Bồ Tát.

Nhà Tổ được trùng tu lại vào năm 1987 đến năm 2006, tiếp tục được trùng tu tôn tạo chất liệu hoàn toàn bằng gỗ, bao gồm 3 gian có chiều dài 12m, rộng 9,4m nhà Tổ được làm theo kiến trúc tường hồi bít đốc. Kết cấu vì kèo được làm theo kiểu chồng rường kẻ bẩy, hiên nhà rộng 2,25m, toàn bộ hàng cột hiên làm bằng đá, chạm khắc hình hoa sen, hoa cúc và các loài chim. Gian giữa nhà Tổ đặt tượng Tây Thiên và 2 vị Thị giả. Bên tả là ba tượng tổ kế đăng là sư Thích Đàm Uyên, Thích Đàm Uông, Thích Đàm Khoát.

Qua tam quan là đến thế giới linh thiêng nhà phật, cổng gồm hai tầng mái với chiều cao 13,7m, hai cầu thang được xây dựng vững chắc. Tầng hai có năm cửa cuốn vòm, cửa giữa cao 3,7m với 8 vòm cuốn cong, tổng cộng có 14 đòn đao theo thứ tự từ thấp lên cao dần, làm tăng vẻ bề thế cho ngôi chùa. Hai cột nanh hình khối vuông xây ốp vào bên hông cổng. Những mảnh chạm khắc ở tam quan mang hình rồng mẫu tử, linh thú.

Phía sau, lưng chừng núi Đốn Sơn là Phật Điện, nhà Mẫu, đây là khu chính của chùa. Nhà Phật Điện được trùng tu năm Bảo Đại thứ 14, kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ Định, bao gồm tiền điện 5 gian, thượng điện 2 gian. Nhà Tiền Điện có 13 pho tượng được tạc bằng gỗ, sơn son, thếp vàng. Tượng được bố trí thành 6 lớp theo trật tự từ ngoài vào trong, từ thấp lên cao. Hàng tượng dưới cùng chính giữa là tượng Thích Ca sơ sinh, bao quanh có 9 con rồng uốn khúc châu đầu vào nhau phun nước thơm tắm cho đức phật…

Khuôn viên chùa Giáng được giới hạn bởi cây đa sum suê, cây mít lá xanh đế, gỗ vàng đều mang linh khí của thần, là cây đại hút sinh lực của trời truyền cho đất, cây sung kết trái từng chùm, những rặng tre vươn cao tầm không đức độ, hàng cây thẳng tắp tỏa tán, những bông hoa hồng ngan ngát hương thơm, tất cả tạo nên một thế giới tâm linh. Chùa Giáng với tất cả nét đẹp cổ truyền của văn hóa Việt đã tô thêm cho một vùng địa linh nhân kiệt, là một tiếng gọi về cội nguồn, về bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa là nơi chứa vũ khí, lương thực, che dấu cán bộ, chiến sỹ hoạt động cách mạng, góp phần cùng với cả nước giành độc lập dân tộc. Trải qua hàng trăm năm với nhiều thăng trầm, biến cố của lịch sử, chùa Giáng vẫn giữ được những giá trị nguyên bản. Chùa Giáng ngày nay thuộc quần thể Di sản Văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ, đàn tế Nam Giao, đường Hoa Nhai, đền thờ Trần Khát Chân,…

Với cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn, kỳ thú, ngày nay chùa là điểm thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, vãn cảnh, thắp hương cầu phật. Do có những giá trị quan trọng của di tích, năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng chùa Giáng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Thanh Hoa

Top