Chùa Thầy

Chùa nép mình ở chân núi Sài, giữa cảnh thơ mộng của chốn tiên cảnh với mây trời, sông nước, núi non, đậm chất thủy mặc của huyện Quốc Oai, chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, theo Đại lộ Thăng Long. Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy, theo đó, dân gian còn gọi đây là chùa Thầy. Tương truyền, chùa được xây dựng từ thời Lý, là nơi tu hành của vị Thiền sư nổi tiếng Từ Đạo Hạnh. Đây là nơi chứng kiến quãng đời sau cùng, trước khi thoát xác của vị sư thế hệ thứ 12 của dòng Thiền Tì - ni - đa - lưu - chi.

Chùa Thầy thuở khai sinh là một am nhỏ, nhưng Vua Lý Nhân Tông đã mở mang nơi đây thành một trung tâm Phật giáo của thời đại mình, với một phức hợp Đinh Sơn tựThiên Phúc tự, nằm ở trên và dưới núi. Cũng vì vị trí này mà dân gian còn gọi đây là chùa Cao và chùa Dưới, hay chùa Cả dành cho Thiên Phúc. Đến thời Lê - Trung hưng, sự quan tâm của Nhà nước đối với chùa chiền dường như được ưu ái hơn, thông qua các quan lại và Hoàng gia, chùa Thầy lại một lần nữa được mở mang, xây dựng mới những công trình như Phật điện, Thánh điện, nhà hậu, nhà bia, gác chuông... Có thể nói, ngay từ khi khởi dựng, và suốt quá trình tồn tại, chùa Thầy luôn là Quốc tự của các triều đại và ngày nay nó là di tích cấp Quốc gia, do lịch sử, vị trí, quy mô, giá trị đồ thờ tự cộng với giá trị linh thiêng của thế đất hình rồng.

Chùa Thầy, với kiến trúc tản trong cảnh quan của núi, rừng, cây xanh, nhưng vẫn nhận ra được phần chính với kiến trúc tam tòa: Hạ, Trung và Thượng. Chùa Hạ được coi là tiền tế, thờ Đức ông, Thánh hiền; chùa Trung thờ Phật; chùa Thượng, thờ Từ Đạo Hạnh và phụ, mẫu ông. Xung quanh chùa có hành lang, sau có lầu chuông, lầu trống.

Trước chùa là sân nối với hồ Long Chiểu, tạo nên hàm rồng. Nhật Tiên Kiều Nguyệt Tiên Kiều, do Phùng Khắc Khoan xây dựng vào năm 1602 như là một biểu tượng của râu rồng, tỏa ra từ hai bên của hàm rồng, dẫn khách hành hương vào đến Tam Phủ và lên Đinh Sơn Tự trên núi. Giữa hồ Long Chiểu có thủy đình, được coi là viên ngọc giữa miệng rồng. Đây là sân khấu múa rối nước của một trò diễn vẫn tồn tại cho đến tận hôm nay, trong những ngày lễ hội, rằm tháng 7. Dân gian bảo rằng, Từ Đạo Hạnh là ông Tổ của múa rối nước, thiết nghĩ cũng phù hợp, bởi bia chùa Long Đọi đã miêu tả múa rối thời Lý như một trò diễn mang tính sinh hoạt văn hóa cung đình.

Điêu khắc trong chùa được tập trung ở những pho tượng thờ, đó là tượng Đức ông, tượng Kim cương, tượng Hộ pháp, tượng A di đà tam tôn, Quan thế âm, Đại thế chí,... Niên đại của những pho tượng có từ thời Mạc đến thế kỷ 19, được tạo tác bằng những chất liệu khác nhau: đá, gỗ và đất trộn với giấy dó, mật, trứng, ... Dẫu được làm với chất liệu truyền thống như vậy, nhưng nhiều tác phẩm ở đây là độc nhất, vô nhị trong hệ thống tượng thờ Việt Nam.

Niên đại xưa nhất trong điêu khắc đá chùa Thầy là những bệ thờ bằng đá. Đó là bệ đá hoa sen thời Lý, đặt tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Sự không đồng nhất về niên đại giữa tượng thờ và bệ thờ dễ gây ức chế trong cảm quan thẩm mỹ, song tín ngưỡng, tâm linh, và sự tôn vinh đã tạo nên tính hòa hợp, dễ dàng để chấp nhận.

Bệ đá hình hộp ở chùa này cũng là một kiệt tác trong điêu khắc đá thời Trần. Bệ được chạm sen nổi, hoa lá dây và rồng. Bốn góc được tạc Garuda -yếu tố giao thoa văn hóa Việt - Chăm, khởi nguồn từ thời Lý. Sự không đồng nhất về niên đại và phong cách mỹ thuật của bệ thờ này với những pho tượng Di đà và Thiền sư Từ Đạo Hạnh ở bên trên, tưởng đâu khó chấp thuận, nhưng phức hơp bệ và tượng ở chùa Thầy, vẫn làm nên một sự đường bệ, uy nghi, thâm nghiêm ở chốn thờ tự.

Dẫu không phải là tác phẩm điêu khắc có niên đại xa xưa, nhưng gây ấn tượng lạ, đó là Thiền sư Từ Đạo Hạnh được tạo tác như một pho tượng thánh động, đặt trong khám thờ. Pho tượng thể hiện truyền thống nghệ thuật làm rối nước dân gian.

Một nhánh khác của bên râu rồng - cầu Nguyệt Tiên, dẫn khách hành hương lên núi - đến chùa Cao. /Hiền Thụy am/ Đinh Sơn tự. Đây thực chất là một mái đá nhỏ, được Từ Đạo Hạnh đến tu hành thuở đầu tiên. Phong cảnh  thần tiên sơn thủy nơi đây đã được nhiều tao nhân mặc khách làm thơ tức cảnh, mà ngày nay trên vách hang còn những bài thơ của Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Trực. Sau chùa còn có động Phật tích - chính là nơi vị Thiền sư đắc đạo đã thoát xác, đầu thai làm Vua Lý Thần Thông - dân gian nói với chúng ta như thế.

Phía trên Hiền Thụy am còn có bãi đá được xếp đặt của tự nhiên, mà dân gian gọi đó là bàn, là đôn, là kệ và là bàn cờ tiên. Có lẽ, nơi đây, xưa kia đã có nhiều bậc trích tiên lên uống rượu, ngâm thơ, thưởng trăng và đánh cờ. Phía sau Hiền Thụy am là hang Cắc Cớ nơi tình tự của trai gái trong những ngày hội chùa, mừng xuân.

Hệ thống hang động ở đây không nhiều và không lớn, nhưng với tên gọi như Cắc Cớ, Bụt Mọc, hang Bó, hang Gió, ... đều có những chuyện kể do dân gian gán đặt và tồn tích của tự nhiên để lại, càng làm nên một sức hấp dẫn lạ thường của phức hợp chùa - hang nơi đây.

Chùa Thầy quả là một viên ngọc quý, thâm u và tĩnh lặng giữa một Thủ đô sôi động.

Phạm Hồng Hải

Top