Chùa Thập Tháp Di Đà - Bình Định
Nằm khuất trong vườn cây cổ thụ sum suê cành lá và quanh năm đắm chìm trong mầu xanh của ao đầm, của cây cỏ, chùa Thập Tháp từ lâu đã trở thành danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Bình Định, thu hút nhiều khách thập phương về hành hương, cúng tế, lễ bái hoặc tham quan, khảo cứu vì đây là ngôi cổ tự xưa nhất ở miền Trung.
Tiểu sử của chùa Thập Tháp
Chùa nằm phía Bắc Thành cổ Đồ Bàn, Kinh đô của nước Chiêm Thành ngày xưa, gần Quốc lộ I và cách thành phố Quy Nhơn độ 28km. Thời xa xưa, trên gò đất cao ấy có đến mười ngôi tháp Chàm cổ kính nằm án ngữ mặt Bắc Đồ Bàn cho nên người ta mới gọi là gò Thập Tháp.
Chùa được xây dựng vào năm Quý Hợi (1683) niên hiệu Chánh Hòa nhà Lê và vị thiền sư có công xây dựng chùa chính là hòa thượng họ Tạ, húy là Nguyên Thiều, quê quán ở Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông tu về Thiền Tông thuộc phái Lâm Tế. Năm Tân Mùi (1691) nhà Lê, chùa được Vua Lê Hiển Tông ban cho biển ngạch đề "Thập Tháp Di Đà tự". Sau khi xây dựng chùa Thập Tháp Di Đà, Hòa thượng Nguyên Thiều mở trường truyền đạo.
Lối vào chùa Thập Tháp. Ảnh: internet
Chùa Thập Tháp đã trải qua 16 đời truyền thừa với nhiều vị thiền sư danh tiếng như: Thiền sư Liễu Triệt, Thiền sư Minh Lý, Thiền sư Phước Huệ … Thiền sư Phước Huệ đã được tôn làm Quốc sư. Ngài đã được mời vào giảng kinh trong Hoàng cung nhà Nguyễn từ đời Vua Thành Thái đến Vua Bảo Đại và giảng dạy Phật pháp ở Phật học đường Trúc Lâm và Tây Thiên (Huế) từ năm 1935.
Kiến trúc của chùa Thập Tháp
Cổng chùa Thập Tháp Di Đà. Ảnh: internet
Chùa Thập Tháp Di Đà xây bằng gạch Chàm, lợp ngói âm dương, bốn vày, ba gian, hai chái, kiến trúc theo hình chữ khẩu, có hai lớp tường bao bọc chung quanh. Khu vực chính của chùa gồm có khu chính điện, khu phương trượng, khu Tây đường và Đông đường, có dãy hành lang rộng lớn nối liền, bao bọc một sân rộng, có lát gạch vuông, bày đủ các thứ cây cảnh. ở khu chính diện, kết cấu chủ yếu là gỗ quý được chạm trổ rất tinh xảo, công phu với những họa tiết hoa cuộn, hoa sen, rồng, phượng cách điệu. Đầu tám hàng trụ cột và đầu kèo được chạm, trang trí cổ tự. Ngoài những công trình chính, bên cạnh chùa còn có 24 bảo tháp lớn nhỏ mang hình thái kiến trúc nhiều thời khác nhau. Trước chùa còn có ao sen rộng, xây bằng đá ong xưa.
Trong chùa có ba tạng kinh, giấy khổ rộng, chữ to bằng ngón tay út. Bộ kinh hết sức cổ, có lẽ do Sư tổ Nguyên Thiều đã thỉnh từ Trung Hoa sang vào lúc phụng mệnh Chúa Nguyễn về nước vào cuối thế kỷ 17. Ngoài ra, chùa còn có hai tượng Hộ Pháp và 36 tượng La Hán bằng gỗ chạm khắc tinh vi. 36 tượng La Hán, mỗi vị cao nửa mét, thờ hai bên án cạnh bàn thờ Phật, mỗi bên 18 vị, mỗi vị có khuôn mặt và dáng điệu khác nhau. Còn hai tượng Hộ Pháp đặt ở hai bên cửa bước vào cao đến hai mét. Tại chùa còn có quả chuông đường kính 70cm, nặng 500kg, đúc từ năm 1893.
Khung cảnh chùa Thập Tháp Di Đà. Ảnh: internet
Trong tất cả chùa chiền ở miền Trung được xây cất từ thời các chúa Nguyễn thì chùa Thập Tháp Di Đà ở Bình Định là chùa cổ nhất thuộc phái Lâm Tế và được xem là chùa tổ.
Qua nhiều lần trùng tu, tái tạo, cái cũ và cái mới đan xen, nhưng chùa vẫn giữ được tổng thể hài hòa, tôn nghiêm cổ kính. Chùa được trùng tu cả thảy bốn lần. Lần trùng tu đầu tiên vào năm Minh Mạng thứ nhất (1820), lần thứ hai vào năm Kỷ Tî (1849) dưới thời Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, lần thứ ba vào năm Bính Tuất (1877) dưới thời Vua Tự Đức và lần thứ tư vào năm Giáp Tý (1924) dưới triều Vua Khải Định.
Năm 1924, Hòa thượng Phước Huệ là tổ thứ 40 phái Lâm Tế và là tổ thứ 13 của phái Nguyên Thiều đứng ra xây dựng, mở rộng chùa và dựng thêm cổng Tam quan như ngày nay.
Đặc biệt, chùa còn lưu giữ 2.000 bản khắc gỗ dùng in kinh Di Đà sớ sao, Kim Cang trực sớ, Pháp Hoa khóa chú ... Bộ Đại Tạng Kinh do Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ cúng dường còn 1.200 quyển kinh, luật, luận và ngữ lục. Chùa còn lưu giữ bộ Đại Tạng Kinh Cao Ly và bộ Đại Tạng Kinh Đài Loan.
Chánh điện Chùa Thấp Tháp Di Đà. Ảnh: internet
Vườn tháp Tổ nằm ở phía Bắc với 20 ngôi tháp cổ kính an trí nhục thân của các vị trụ trì và chư tôn túc trong chùa. Sau chùa có tháp Bạch Hổ và tháp Hội Đồng
Chùa Thập Tháp Di Đà đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Đây được coi là ngôi tổ đình danh tiếng vào bậc nhất ở miền Trung.
Tổng hợp