Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh

Cũng như bao ngôi chùa khác của Việt Nam, Sùng Nghiêm Diên Thánh, từ khi khai sinh và trong quá trình phát triển, nó đã tích tụ và chứa đựng trong đó những yếu tố của ba tôn giáo: Đạo Phật, Đạo Nho và Đạo Giáo, đồng thời đảm trách chức năng của ngôi chùa thờ Phật và một ngôi đền thờ thần cùng với những hoạt động tín ngưỡng dân gian mang đậm chất Đạo Giáo. Chính vì lẽ đó, tương truyền và vết tích kiến trúc của Sùng Nghiêm Diên Thánh đã mách bảo, chùa có niên đại trước Lý và đến thời Lý đã trở thành một trung tâm tôn giáo khá nổi tiếng. Niên đại Lý, nhưng ở đây, đức thánh Trần vẫn hiện hữu như nhiều ngôi chùa khác ở miền Bắc nước ta, với sự gá lắp hợp lý, Chùa – Đền, thể hiện một quan niệm như đã đề cập, nhưng, trên hết thẩy vẫn là tình cảm của nhân dân đối với những người có công với nước, lại được hiển thánh như vị đại tướng chống quân xâm lược Nguyên Mông: Trần Hưng Đạo.

Sùng Nghiêm Diên Thánh tọa lạc trên đất thôn Duy Tinh, xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Xã và huyện này vào thời thuộc Bắc là trị sở của quận Cửu Chân, theo đó, là một trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, quân sự khá lâu dài, để rồi, thành một vùng đất “thiêng” với bao sự kiện và danh nhân được ghi dấu trong sử sách và ký ức dân gian.

Sử sách và ký ức dân gian nói rằng, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh có từ rất lâu rồi. Đến thời Lý, khi Vua Lý Nhân Tông đi tuần thú phương Nam đã dừng lại ở Trị sở Ái Châu (nay thuộc đất xứ Thanh) rồi trở về. Để ghi lại sự kiện này và để báo đáp vị vua hiền, mong cho quốc vận trường tồn, Thông phán Chu Công – người được Vua Lý Nhân Tông cử trấn giữ và cai quản vùng đất này đã giao cho huyện lệnh là Lê Chiếu dựng lại ngôi chùa cổ đã đổ nát. Dân cả huyện, người góp lương,  người góp sức, san gò, lấp vực, thợ mộc, thợ nề, gắng sức trong hai năm, dựng xong chùa vào cuối năm Mậu Tuất, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (1118). Quy  mô kiến trúc chùa thời ấy, được mô tả trong sử sách và ký ức truyền đời của người dân là vô cùng to lớn, chạm trổ công phu, trở thành một đại danh thắng suốt nhiều thế kỷ sau đó và là một thiền viện nổi tiếng ở Ái Châu.

Với những thông điệp của tiền nhân, dẫu còn sơ lược và đứt gẫy bởi thời gian đã quá vãng xa, nhưng người đọc hôm nay vẫn nhận ra, lịch sử ngôi chùa khá sớm và đến thời Lý, hẳn đã trở thành Quốc tự, giống như Phật Tích, Tĩnh Lự (Bắc Ninh), Trấn Quốc, Lý Quốc Sư (Hà Nội), Đọi Sơn, Chương Sơn (Hà Nam, Nam Định)… Như thế, Sùng Nghiêm Diên Thánh hôm nay được công nhận là di tích cấp quốc gia, thiết tưởng cũng là hợp lý, dẫu rằng, những gì còn lại ở đây chỉ còn là một thời vang bóng.

Năm 1952, tòa tiền đường bị bom đạn của giặc Pháp làm sụp đổ. Tấm bia thời Lý bị mảnh đạn làm sứt trán, nhưng vẫn cùng tuế nguyệt, sừng sững đến hôm nay…qua sự chăm chút của người dân địa phương, lưu tồn ở cấp độ một ngôi chùa làng, cho đến tận năm 1997, nó mới được phục hồi, tôn tạo trên quy mô lớn, từ kinh phí đầu tư của tỉnh và Trung ương hỗ trợ.

Công việc phục hồi, tôn tạo ở Sùng Nghiêm Diên Thánh được thực hiện thận trọng, qua từng bước, từng đơn nguyên: Năm 1997, gác chuông được làm lại, năm 2001, tiền đường và trung đường được xây dựng, dựa trên những tàn tích do khảo cổ học làm xuất lộ. Với kiến trúc tám mái được xây cất bằng vật liệu truyền thống, đơn nguyên chính của ngôi chùa đã thể hiện được vẻ đẹp duyên dáng, khiêm nhường, mang hơi thở của thời đại sản sinh ra nó – thời Lý, thế kỷ 11 – 12. Năm 2005, nhà tổ mới được phục dựng và năm 2007, cầu đá được hoàn thành. Cho tới năm 2010, các đơn nguyên trong cấu trúc của Sùng Nghiêm Diên Thánh cơ bản được hoàn thiện, trong đó, ngoài kinh phí đầu tư của nhà nước Trung ương và địa phương, còn có nguồn vốn xã hội hóa từ phật tử khắp nơi trong nước, đó là đào hồ thả sen, làm cầu vòm bắc qua hồ, dẫn vào chùa, tạo nên cảnh quan mang tính phong thủy, những vẫn đảm bảo được sự nguyên gốc và cảnh quan của ngôi chùa xưa cũ.

Như vậy, kể từ khi được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1990 đến năm 2010, vóc dáng ngôi chùa mới được hiện hình trên những nét cơ bản. Hai mươi năm cho quá trình nghiên cứu phục dựng, thiết nghĩ đã là lâu, nhưng vẫn chưa đủ độ chín để thực hiện công việc tu bổ, tôn tạo cho một di tích quan trọng như Sùng Nghiêm Diên Thánh.

Điện thờ vua Lý được sắp xếp trang nghiêm với các tượng quan lại và cung nữ

Dẫu kiến trúc chùa mới tu bổ, tôn tạo gần đây, những giá trị di vật của ngôi chùa còn lại đến hôm nay thì vô cùng cổ kính. Những mảng chạm rồng trên đá – tàn tích của những bộ phận một cây tháp cổ, thông báo một niên đại xa xưa từ thời Lý, đồng thời cho phép chúng ta nhận ra một sự tương đồng với phức hợp chùa – tháp, đã từng thấy ở các Quốc tự như Chương Sơn, Đọi Sơn, Phật Tích…để ngôi chùa này có thể so bì. Rồi, những đầu rồng, đầu phượng bằng đất nung – những bộ phận kiến trúc của mái chùa, của những công trình kiến trúc mang tính thời đại và cung đình, cũng được tìm thấy ở đây, lại một lần nữa khằng định quy mô, tầm vóc, giá trị và tính chất của Sùng Nghiêm Diên Thánh ở thời đại này. Ở đây, ngay trong tam bảo, còn ba ban thờ Phật bề thế mà xưa nay, giới nghiên cứu vẫn quen gọi là bệ đá hoa sen hình hộp thời Trần, có quy mô và kích thước giống như chùa Thầy (Hà Nội), gợi nhắc một sự tiếp nối của các triều đại sau trong sự quan tâm coi sóc đến các công trình tôn giáo của các thời đại trước. Không chỉ Trần quan tâm tới Lý, mà thời Lê Trung Hưng, thời Nguyễn đều còn lại những cổ vật để minh chứng do sự tồn tại lâu dài của ngôi chùa này, đó là ba pho tượng quan âm (niên đại thế kỷ 18) và quả chuông được đúc vào năm Gia Long thứ 11 (1812).

Giờ đây, Sùng Nghiêm Diên Thánh đã hiện hình với quy mô bề thế và cảnh quan đẹp, dẫu rằng, so với thời xưa cũ, nó chẳng thấm tháp gì khi là một Quốc tự. Khuôn viên của một Quốc tự, chắc không chỉ có vậy. Các công trình kiến trúc của một Quốc tự cũng chẳng khiêm nhường như thế, theo tôi hiểu, thông qua các tàn tích còn sót lại của vật liệu kiến trúc và di vật trong chùa. Như thế, bí mật về Sùng Nghiêm Diên Thánh vẫn còn ẩn chứa dưới lòng đất, trong dân gian và sử liệu, cần được đầu tư nghiên cứu thêm, để giá trị vật thể và phi vật thể của nó xứng tầm với vị trí vốn có của nó trong lịch sử -  điều mà hậu thế cần phải trả ơn với tiền nhân, như gần 10 thế kỷ nay, ngôi chùa đã được đón nhận những sự trả ơn như vậy ở các thời đại đã qua.

TS Phạm Quốc Quân

Top