Chùa Hương và những điều còn ít người biết

Chùa Hương là tên gọi dân gian, với một hang động ấn tượng và nổi tiếng – Động Hương Tích – được Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm vinh danh là “Nam Thiên đệ nhất động”, vào thời kỳ ông rời phủ Chúa, viếng thăm các danh lam thắng cảnh trời Nam, đâu đó vào năm 1700, triều Lê Trung Hưng với chế độ “lưỡng đầu chế” khá đặc biệt trong lịch sử trung đại Việt Nam, theo đó, mỹ từ của vị chúa thực quyền tặng cho Hương Tích, chẳng kém gì vua ban, nên hằn đọng trên vách đá và trong tâm thức dân gian như một niềm tự hào vĩnh cửu.

Tuy nhiên, chùa Hương không chỉ có động Hương Tích, mà nó là một quần thể các di tích lịch sử văn hóa, tôn giáo, danh lam thắng cảnh với hàng chục các ngôi chùa thờ phật, các ngôi đền thờ thần và các ngôi đình mang tín ngưỡng nông nghiệp của cư dân vùng châu thổ Bắc Bộ. Phức hợp ấy nay thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội – ngay bên bờ sông Đáy màu mỡ phù sa và thơ mộng, với cảnh quan sơn thủy đầy huyền ảo, được các tao nhân mặc khách ngợi ca, qua những bài thơ, áng văn, ở nhiều thời kỳ của lịch sử Việt Nam.

Với sự rộng lớn ấy của phức hợp chùa Hương, người viết không làm sao miêu thuật xuể những gì hiện hữu, với bao tuyến hành hương cũ, mới đan cài, với bao đường nước và đường mòn quanh núi đến với những hang động và chùa đền, cheo leo trên vách đá, theo đó, chỉ đơn cử những đơn nguyên đặc thù nhất để gợi nhắc tới di tích này. Phần còn lại, dành cho những điều, có liên quan tới lịch sử xa xăm của di tích và với cư dân sở hữu di sản này, nhưng chưa mấy ai biết đến.

Theo sử cũ, chùa Hương được khởi lập vào thế kỷ 17, dẫu rằng, những gì còn lại ở đây không mấy ủng hộ cho niên đại ấy.

Điểm nổi bật nhất của phức hợp này là chùa Trò hay còn gọi là chùa Thiên Trù. Du khách đi từ Bến Đục bằng thuyền, đến Bến Trò đã thấy thấp thoáng tam quan chùa qua những rặng cây lá cổ thụ xum xuê. Tam quan được cất trên khoảng sân tam cấp khá rộng rãi và thoáng đãng. Cấp thứ ba là tháp chuông, với ba tầng mái. Đây là một công trình kiến trúc cổ khá độc đáo, được chuyển dời từ chùa làng Cao Mật, tỉnh Hà Tây về  đây năm 1980.

Chùa chính hay còn gọi là chùa Trong, chính là động Hương Tích. Đó là một hang động thiên nhiên rộng và thoáng. Đường xuống động có cổng lớn, trên có 4 chữ Hán “Hương Tích động môn”. Qua cổng là con dốc dài 120 bậc dẫn tới cửa hang. Nền hang rộng, thoáng và đẹp với nhiều nhũ thạch gắn liền với những câu chuyện và hình tượng mang nguyện ước của những người nông dân trồng lúa nước. Khách đến đây hành lễ, theo đó, tuyến hành hương này được xem là tuyến chính của phức hợp Hương Sơn tự.

Nếu du khách có đi thêm những tuyến khác, thì chủ yếu là để vãn cảnh và chiêm ngắm thiên nhiên hùng vĩ và hữu tình của núi non, mây trời sông nước nơi đây.

Điều tôi muốn nói tới, đó là hệ núi đá Hương Sơn có khá nhiều hang động và mái đá. Năm 1974, hang Sũng Sàm ở Thung Mơ được các nhà khảo cổ học khai quật. Đó là một hang động thuộc văn hóa Hòa Bình, cách đây 2 vạn năm với hàng trăm công cụ sản xuất bằng đá cuội được ghè đẽo, với một tầng văn hóa là vỏ ốc núi và ốc biển dầy hàng mét – chứng tích vật chất thức ăn của người Tiền sử được tìm thấy, chứng tích của thời kỳ biển dâng đến tận vùng núi này vào thời kỳ ấy, minh chứng cho việc tận dụng các hang động ở đây cho đời sống con người có lịch sử dài lâu, để rồi, người Hương Sơn thế hệ tiếp sau, thần linh hóa các hang động ấy như một tất yếu của lịch sử. Thế nhưng, Sũng Sàm và nhiều hang động, mái đá khác của Hương Sơn, đã tìm thấy tàn tích của người Tiền sử, chưa được phát huy, quảng bá, theo đó, phức hợp chùa Hương, như mất đi những giá trị to lớn vốn có mà nó đã từng có. Chùa hang Sũng Sàm cần phải đưa nội dung này vào trưng bày và thờ phụng, hẳn sẽ có sức lôi cuốn nhiều hơn.

Không gian văn hóa Hương Sơn còn một câu chuyện khác mà tôi muốn nói tới trong bài viết này. Đó là hàng năm, vào ngày mùng Một, tháng Giêng Âm lịch, người dân Yên Vĩ và Đục Khê chia làm hai chiến tuyến, lấy suối Yến làm ranh giới. Hai bên dùng gạch đá, ném nhau cho tới khi, một trong hai bên có người bị thương chảy máu mới thôi. Câu chuyện này được giải thích như một cuộc tranh chấp đất đai, thông qua một vụ kiện có từ thời Tự Đức, qua những ghi chép điền dã từ những năm 80 của thế kỷ trước để lại. Tuy nhiên, tranh chấp đất đai chỉ là một hình ảnh khúc xạ, của một tín ngưỡng xa xăm. Nhà dân tộc học Trần Từ nhìn thấy từ trong sâu thẳm của cuộc ẩu đả Yến Vĩ – Đục Khê là xuất phát từ tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, mà hình tượng lấy đất cầm máu vết thương là ảnh xạ của tín ngưỡng nguyên thủy ấy. Máu được truyền vào đất đầu năm như là một sự tiếp sức cho sinh sôi, nảy nở.

Như vậy, chùa Hương, không chỉ có tâm linh, với chùa, đền và danh lam thắng cảnh. Không gian văn hóa này còn nhiều vấn đề chưa được khai thác và khám phá hết, theo đó, việc địa phương có ý tưởng đề xuất phức hợp chùa Hương như là một di sản văn hóa thế giới trong tương lai, thì cần phải có sự chuẩn bị từ hôm nay, trong công tác nghiên cứu và tập hợp tư liệu.

TS Phạm Quốc Quân

Top