Chùa cổ Nga My

Nằm trong con đường nhỏ trên rẻo đất làng Hoàng Mai, huyện Thanh Đàm phía Nam Kinh thành Thăng Long xưa (nay là đường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội), cổ tự Nga My vẫn ngày đêm vang lên tiếng tụng kinh gõ mõ đều đặn.

Theo văn bia soạn năm Hồng Đức thứ 28 (năm 1497) còn lưu giữ đến ngày nay thì chùa Nga My được xây dựng trên làng Hoàng Mai ngay sau khi Vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra thành Thăng Long. Ban đầu chùa được làm bằng tre lá; đến lúc Công chúa, con Vua Lê Thánh Tông ra trụ trì mới xây dựng lại bằng gạch ngói khang trang (năm 1497). Như vậy, chùa Nga My đã ngót nghét 1.000 năm tuổi, là một trong số ít cổ tự có niên đại lâu nhất Hà Nội.

Chùa cổ Nga My ở Hoàng Mai - Hà Nội.

Theo sử sách còn chép lại đến ngày nay, chùa Nga My đã được trùng tu vào các năm 1624, 1705-1719, 1829, 1900, 1907. Tháng 12-1972, tiền đường của chùa bị bom B52 của Mỹ phá hủy, ngay sau đó đã được phục dựng. Năm 1994 trùng tu dãy giải vũ bên trái, năm 1996 dựng lại dãy giải vũ bên phải, năm 1998 lại trùng tu chùa chính. Từ năm 1998 đến năm 2002 nhà chùa đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa trang nghiêm, thanh tịnh. Việc đặt các bia đá cổ ở ngay cạnh chùa chính, gần cửa vào chùa là để khách hành hương, phật tử tiện bề chiêm bái khi đến vãn cảnh chùa.

Tam quan được xây theo phong cách kiến trúc thời Nguyễn, trên cổng giữa là một gác chuông kiểu hai tầng tám mái. Bậc thang lên gác dốc nhưng có lan can bảo vệ. Đáng chú ý ở đỉnh của các trụ biểu đều đắp những đôi phượng chụm đuôi duyên dáng nhưng để mộc, không sơn vẽ. Riêng chân đế trụ thì xây cao ngang đầu người, trông rất lạ.

Đi qua cánh cổng gỗ dày, du khách bước vào một sân gạch khá lớn với tòa phương đình nhỏ làm nhà bia ở góc bên phải. Tiền đường lắp cửa bức bàn gồm năm gian, hai chái, tường hồi bít đốc, thềm cao, hiên rộng, cùng với thiêu hương và thượng điện. Ngoài thềm đặt bàn đá dốc trang trí mây lửa, nối hiên cửa giữa với sân trước. Bên trong tam bảo là điện Phật được bài trí tôn nghiêm.

Tam quan và tam bảo chùa Nga My nhìn về hướng Nam

Tam quan và tam bảo chùa Nga My nhìn về hướng Nam. Bên trái sân trước có cửa ngách dẫn vào chùa trong. Hai bên và phía sau lầu chuông là khu vực thờ Tổ, nhà Tăng, giảng đường và nhà thờ Mẫu. Cuối cùng là một vườn tháp mộ khá lớn. Tất cả mặt bằng trong khuôn viên hầu như đều được xây dựng, chỉ còn rất ít cổ thụ bên cạnh các chậu cảnh và vài cây nhỏ. Bên trái chùa là ngôi đình làng Hoàng Mai với các công trình xây thấp và đơn giản hơn nhiều.

Khu chùa chính có quy mô kiến trúc lớn gồm tiền đường, thượng điện và gác chuông.

Tiền đường theo kiểu nhà khung gỗ gồm năm gian, hai chái, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc, bờ dải đắp gạch gốm hình hoa chanh. Bộ khung đỡ mái gồm sáu vì, kết cấu bốn hàng chân được làm giống nhau kiểu chồng rường. Nền nhà được tôn cao 120cm so với mặt sân, có hàng hiên rộng, phía trước làm cửa bức bàn, phía sau gian giữa thông với thượng điện, các gian ngoài xây tường bao. Dọc hai hồi nhà và tường hậu xây những dãy bệ gạch cao 60cm để đặt tượng thờ.

Thượng điện là một lớp nhà dọc bốn gian nối với gian giữa của Tiền đường. Nhà được xây tường bao khép kín, các bộ vì đỡ mái có kết cấu giống nhau và giống như kết cấu vì nhà tiền đường. Do lòng nhà hẹp nên mỗi vì chỉ sử dụng hai hàng cột chính. Các vì nách có kết cấu chồng rường và được đặt trên thanh xà có một đầu ăn sâu chân mộng vào thân cột cái, đầu kia gác trực tiếp trên tường bao. Dưới câu đầu của các vì được treo những bức cửa võng, hoành phi sơn son thếp vàng đã làm tăng sự uy nghiêm, lộng lẫy của Phật điện Đại thừa.

Gác chuông được tạo dựng vững chắc trên bộ khung gỗ gồm 16 chân cột, chia đều cho bốn góc nhà. Bốn cột cái có kích thước lớn và vươn tới nóc mái. Quanh mỗi cột cái có ba cột góc để đỡ hệ thống xà, kẻ của tầng mái dưới.

Bên ngoài chùa Nga My ngày nay.

Du khách thập phương đến chùa Nga My còn được chiêm ngưỡng những bức tượng phật ở đây. Hệ thống tượng Phật được tạo tác từ đầu thế kỷ 19 (thời hậu Lê và đầu Triều Nguyễn), có pho tượng A Di Đà với phong cách nghệ thuật thế kỷ 17-18, pho tượng Tam Thế Phật từ đầu thế kỷ 18. Các tượng và đồ thờ đều có giá trị. Trong số các pho tượng phật ở chùa này, đáng chú ý hơn cả là pho tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt và phần bệ đài sen. Đây là pho tượng có niên đại thế kỷ 17, được các nhà mỹ thuật đánh giá cao về giá trị nghệ thuật tạo tác. Những chi tiết tạo tác của pho tượng cho thấy có sự gần gũi với nét trang trí trên khuôn mặt pho tượng Quan Âm nổi tiếng ở chùa Bút Tháp (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Đài sen và bệ được trang trí mỗi cánh sen nổi, trong lòng cánh sen có hoa cúc (phong cách nghệ thuật thế kỷ 16).

Chùa Nga My là một công trình Phật giáo có bề dày lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội.  Tuy trải qua nhiều lần trùng tu (các năm 1624, 1705-1719, 1829, 1900, 1907, 1994 và 1998) nhưng chùa Nga My vẫn luôn giữ nét cổ kính. Chùa Nga My được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử­, kiến trúc, nghệ thuật ngày 5-2-1994.

THU HƯỜNG (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm

Top