Chùa Bối Khê

Bối Khê là ngôi chùa cổ có kiến trúc độc đáo tọa lạc ở xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội, được dựng vào thời Trần, khoảng năm 1338. Kiến trúc hiện nay chủ yếu là những lần trùng tu vào cuối thế kỷ XVIII và năm 1923.

Trong thượng điện chùa Bối Khê thờ tượng Đức thánh Nguyễn Bình An, người đời thường gọi là Đức Thánh Bối và thêu dệt nhiều chuyện kỳ lạ về Ngài. Theo truyền thuyết, Ngài sinh năm Tân Tỵ (1281), quê làng Bối Khê, nhưng tu luyện ở chùa Trăm Gian (xã Tiên Lữ, huyện Chương Mỹ). Sự tu hành của Ngài, Triều đình biết, Vua Trần phong cho ngài là Chân nhân, tức người theo Đạo giáo, tu hành đã đắc đạo. Khi Ngài về quê có mây đen hiện ra như bầu trời sắp mưa. Lúc dựng lại chùa Tiên Lữ, Ngài chỉ thổi một niêu cơm mà đã đủ ăn cho cả trăm thợ. Khi quân Minh xâm phạm nhà chùa Ngài đã làm ra mưa máu buộc chúng phải rút chạy. Ngày 13 tháng Chạp, Ngài vào am để hóa. Ngày 4 tháng Giêng, dân mở khám thờ thấy thơm, bèn tạc tượng thờ. Chùa Trăm Gian là nơi thờ chính thức Nguyễn Bình An, còn ở Bối Khê thờ vọng.

Đến chùa, có lẽ khách sẽ choáng ngợp bởi ngay trước mắt là cổng ngũ môn bề thế và cây đa tọa lạc trên bãi đất rộng và bằng phẳng. Phía sau cổng ngũ môn là cây cầu nhỏ vắt qua con ngòi, dấu tích của dòng sông cổ Đỗ Động. Qua cầu đến tam quan là một ngôi nhà ba gian. Phía trên tam quan là gác chuông hai tầng tám mái. Đứng từ gác chuông nhìn ra mặt tiền của chùa sẽ thấy phong cảnh hữu tình nhưng cổ kính với cây đa, ngòi nước, cổng ngũ môn trải rộng...

Ngôi đền được đặt tên là Đại Bội Tú (tức là, ngôi chùa với bia rất lớn), nhưng nó được gọi là Bối Khê vì nó nằm ở làng Bối Khê. (Ảnh:TL)

Khác với kiến trúc của các chùa ở Đồng bằng Bắc Bộ, chùa Bối Khê được bố cục theo kiểu “tiền Phật, hậu Thánh”. Nơi thờ Phật được bố trí ở tòa tiền đường và tiền bái. Tiếp theo là tòa thiêu hương và thượng điện thờ Đức thánh Bối. Đáng chú ý ở tòa tiền đường là hệ thống cột bằng đá xanh. Trên các cột đá có chạm nhiều đôi câu đối ca ngợi cảnh chùa. Bên trái tiền đường có một am nhỏ thờ Công chúa thời Mạc đã có công tu sửa chùa. Tòa tiền bái có chín gian. Hệ thống tượng Phật ở chùa Bối Khê khá phong phú và được bài trí, thờ phụng theo phái đại thừa. Ở đây có tượng Quan âm nghìn tay nghìn mắt đặt ở vị trí trang trọng nhất trên bệ đá khối hộp đồ sộ thời Trần, được tạo tác vào thế kỷ XVI. Ngoài các bức tượng, đáng lưu ý là bệ đá hoa sen thời Trần được làm năm Xương Phù thứ 6 91382). Văn tự khắc chìm ở bệ đá cho biết vào thời này đã có một số người cúng tiền và ruộng cho nhà chùa.

Hai quả chuông lớn, có đường kính 60 cm, 1 m cao được treo trên tầng hai cổng. Họ đã ở đó kể từ năm 1844.(Ảnh:TL)

Hai bên có hai dãy hành lang dài, bày 18 pho tượng La Hán, bao quanh nhà thiêu hương và thượng điện tạo thành thế kiến trúc “nội công, ngoại quốc”. Trên gác chuông chùa có treo quả chuông đồng đường kính 60cm, cao 1m, đúc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844). Nhưng có lẽ kiến trúc độc đáo nhất của chùa nằm ở tòa thượng điện (còn gọi là tòa tam bảo). Đây là tòa nhà gồm ba gian cấu tạo theo bốn hàng cột, với bốn đầu đao trông như một bông sen chúm chím nở. Vật liệu chính của tòa thượng điện làm bằng gỗ mít, được dựng vào khoảng thế kỷ XIV. Đặc sắc hơn là các đầu bẩy chạm hình rồng kiểu thời Trần và ở một số đầu đao, ngoài hình rồng còn có cả hình chim thần Garuda.

Ngôi đền có các bàn thờ Phật trên khu vực phía trước và bàn thờ cho thánh phía sau.(Ảnh:TL)

Chùa Bối Khê hiện còn lưu giữ được 58 pho tượng đẹp không kém tượng chùa Mía, chùa Dâu, chùa Thầy như tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, thập điện Diêm Vương, và nhất là tượng Phật Quan Âm 12 tay cao chừng 2m ngồi trên tòa sen được đặt trên một bệ đá chạm khắc hình rồng, hình chim thần, hoa lá có niên đại 1382, triều Vua Trần Phế Đế.

Ngoài ra, chùa còn nhiều hiện vật quí hiếm: nhang án hoa sen bằng đá được làm vào thời Trần (1382), đèn gốm trang trí hình cánh sen, rồng đắp nổi và tượng Quan Âm Nam Hải thời Mạc, cùng nhiều bia đá mà cổ nhất là bia sự tích “Bối động thánh tích bi ký” có niên đại Thái Hòa 11 (1453)...

Tháp chuông của ngôi đền.(Ảnh:TL)

Những ngày đầu hè, du khách sẽ được ngắm những bông hoa sen trắng, thơm ngào ngạt ẩn dưới tầng tầng cành lá trong không gian cổ kính của ngôi chùa. Không vươn lên từ mặt nước hồ, những bông hoa sen chùa Bối Khê bung ra tinh khiết trắng từ những cành lá xanh. Tương truyền, những cây hoa sen kỳ lạ này đã có hàng trăm năm trong khuôn viên chùa. Dân làng không ai rõ, gọi là sen cạn. Thoạt nhìn, hoa sen chùa Bối Khê nhang nhác hoa trà, lá giông giống lá cây sanh nhưng tỏa hương thơm đặc trưng của hoa sen nước, có phần đậm đà hơn.

Ngôi đền được xây dựng vào năm 1338, trong triều đại nhà Trần. Sau đó, chùa được trùng tu và mở rộng tám lần dưới triều Lê sớm, Mac, Lê Trung Hưng và các triều đại nhà Nguyễn. Các kiến ​​trúc và hiện vật trong chùa là phần còn lại của các triều đại. (Ảnh:TL)

Hằng năm, chùa mở hội vào ngày 12 tháng Giêng Âm lịch khá quy mô, theo đúng phong tục tập quán, đậm đà bản sắc dân tộc, đảm bảo nếp sống văn minh. Lễ hội gồm có 2 phần chính: phần lễ bao gồm rước thánh, rước văn, rước vật; Phần hội bao gồm nhiều hoạt động văn hoá và trò chơi dân gian phong phú. Lễ hội chùa Bối Khê không chỉ thu hút người con của làng xa quê mà còn thu hút khách thập phương về dự. 11 thôn lân cận rước kiệu thánh làng mình về tế lễ thánh Bối Khê. Đặc biệt chùa còn nổi tiếng về tục lễ cầu nước. Nét đặc sắc trong lễ cầu nước ở chùa Bối Khê là những nghi thức cầu đảo. Xưa, vì khoa học kỹ thuật chưa phát triển, không có hệ thống kênh mương tưới tiêu đồng ruộng như ngày nay nên việc trồng lúa lệ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Hạn hán thì thiếu nước, mùa vụ khó khăn, còn lũ lụt thì ngập úng, mùa màng thất bát… đều làm cho đời sống gieo neo vất vả. Người ta tin rằng có những vị thần làm ra mưa, mang lại mùa màng bội thu, đời sống tốt tươi. Giữ gìn, bảo vệ những hình thức văn hoá tín ngưỡng trên đây chính là góp phần giữ gìn bảo vệ bản sắc văn hoá Việt Nam.

Ngày 20-4-1979, chùa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.v

                                                Hồng Chinh (Tổng hợp)

Top