Chùa Bái Đính và tòa bảo tháp cao nhất Đông Nam Á
Chùa Bái Đính quy tụ nhiều kỷ lục thế giới
Khu tâm linh núi chùa Bái Đính nằm trong Quần thể Danh thắng Tràng An, cách thành phố Ninh Bình khoảng 15 km, nằm ở phía Tây Khu Di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư, là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, được biết đến với nhiều kỷ lục như:
- Tượng Phật Di Lặc có chiều cao 10m nhận kỷ lục tượng Di Lặc cao nhất Việt Nam.
- Tượng ông Thiện và ông Ác được công nhận bằng đồng cao và nặng nhất, mỗi pho nặng khoảng 20 tấn và cao 5,2m.
- Bộ tượng A Nan - Ca Diếp được công nhận bằng đồng lớn nhất, pho tượng nặng khoảng 30 tấn và cao 9m
- Tượng Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng đồng dát vàng lớn nhất.
- Bộ tượng Tam thế bằng đồng lớn nhất, mỗi pho nặng 50 tấn.
- Giếng Ngọc lớn nhất với đường kính 35m.
- Chuông đồng lớn nhất, nặng 30 tấn.
- Hành lang La Hán dài nhất với 500 vị La Hán được tạc bằng đá xanh nguyên khối, với tổng chiều dài 1,8km được làm bằng đá xanh Thanh Hóa và đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng nghề Ninh Vân - Ninh Bình.
- Trồng nhiều cây bồ đề nhất, là nơi lưu giữ 500 cây bồ đề có nguồn gốc Ấn Độ, toàn bộ 500 cây này đều có biển đá gắn tên 1 vị lãnh đạo Trung ương trồng lưu niệm tại chùa.
- Chùa có tòa bảo tháp cao nhất Đông Nam Á với chiều cao 100m, 13 tầng, có thang máy và 72 bậc leo.
Toàn cảnh chùa Bái Đính nhìn từ trên cao. Ảnh: internet
Được xây dựng từ hơn một thiên niên kỉ trước, trải qua nhiều đời vua như thời nhà Đinh, nhà tiền Lê, nhà Lý… Những triều đại này đều rất quan tâm đến Đạo phật và nghiên cứu văn hóa Phật giáo nên trong quần thể này còn tồn tại rất nhiều ngôi chùa cổ.
Quần thể chùa Bái Đính gồm hai khu chùa một cổ, một mới được xây dựng từ năm 2003. Chùa nằm ở lưng chừng núi, bên cạnh những thung lũng rộng lớn với rất nhiều hồ và núi đá, ở cửa ngõ phía Tây của Cố đô Hoa Lư. Ngôi chùa mới được xây dựng hoành tráng hiện đại nhưng vẫn ảnh hưởng bản sắc truyền thống dân tộc phù hợp với văn hóa tâm linh của người Việt Nam hiện nay. Bởi vậy mà nơi đây đã thành một điểm du lịch lễ hội hấp dẫn nổi tiếng. Quần thể Bái Đính Tràng An đã được các nhà nghiên cứu sử học tôn vinh là một quần thể chùa lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Kiến trúc chùa nổi bật với những hình khối lớn, hoành tráng mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Nam, được sử dụng bằng nhiều nguồn nguyên liệu chính ở địa phương đá xanh Ninh Bình, gỗ tứ thiết, ngói men Bát Tràng... Điều khác biệt nhất ở kiến trúc chùa Bái Đính thể hiện ở vòm mái màu nâu sẫm cong vút hình đuôi chim phượng. Các chi tiết trang chí kiến trúc mang đậm dấu ấn của các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam. Chùa Bái Đính khi xây dựng được gọi là "đại công trường" với 500 nghệ nhân gồm nhiều tổ thợ đến từ nhiều làng nghề nổi tiếng như mộc Phú Lộc, chạm khắc đá Ninh Vân, sơn mài Cát Đằng, đúc đồng Ý Yên, Nam Định, thêu ren Văn Lâm... qua bàn tay của các nghệ nhân đã tạo nên nét thuần Việt trong kiến trúc chùa Bái Đính.
Chùa Bái Đính là công trình lớn gồm nhiều hạng mục, kiến trúc với diện tích hơn 700ha. Anrh: internet
Bảo tháp lớn nhất Đông Nam Á
Một địa điểm luôn thu hút khá đông khách du lịch khi đến thăm chùa Bái Đính là Bảo Tháp. Tòa Tháp có 13 tầng, đây được coi là ngôi Bảo tháp cao nhất Đông Nam Á. Khi đứng tại tầng cao nhất của Bảo Tháp, phóng tầm mắt nhìn ra xa, du khách có thể quan sát được toàn cảnh chùa Bái Đính đẹp tựa như một bức tranh sơn thủy hữu tình.
Điều đặc biệt, Bảo Tháp này chính là nơi bảo tồn xá lợi Phật được cung nghinh từ Ấn Độ và Miến Điện. Bảo tháp chùa Bái Đính cao 13 tầng đã hoàn thiện xong. Đây được coi là ngôi Bảo tháp cao nhất Đông Nam Á, nơi bảo tồn xá lợi Phật, cung nghinh từ Ấn Độ và Miến Điện.
Bức tượng Phật tại tầng 1 của Bảo tháp. Ảnh:zing.vn
Tầng cao nhất của Bảo tháp, nơi thờ xá lợi Phật được cung nghinh từ Ấn Độ về năm 2008. Ảnh:zing.vn
Các bức tường xung quanh bên trong tháp đều được điêu khắc các hình tượng liên quan đến Phật pháp. Ảnh:zing.vn
Với sự kế thừa, phát huy tinh hoa nghệ thuật Phật giáo từ ngàn xưa, Bảo Tháp Xá Lợi được xây dựng có thể coi là một biểu tượng vững bền của dân tộc, thể hiện công sức, trí lực của đời nay vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá tâm linh, tín ngưỡng thờ Phật cao quý đã tồn tại từ hàng ngàn năm nay. Chùa Bái Đính nói chung và Bảo Tháp Xá Lợi nói riêng là một sự kết nối tâm linh giữa xưa và nay, giữa trời và đất, để từ đó, những điều cầu nguyện về sự tốt đẹp của con người sẽ đến được với Đức Phật dễ dàng hơn, góp phần không nhỏ trong di sản lịch sử và văn hoá của đất nước Việt Nam.
Tổng hợp