Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần

Đồng chí Trần Đại Quang, sinh năm 1956, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, do mắc bệnh hiểm nghèo, mặc dù được các giáo sư, bác sĩ trong và ngoài nước hết lòng cứu chữa, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện, nhưng đã không qua khỏi.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang. (Nguồn: TTXVN)

Đồng chí Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã mất lúc 10 giờ 5 phút ngày 21-9-2018 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

TIỂU SỬ CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐẠI QUANG

Ngày 2-4, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, đồng chí Trần Đại Quang đã được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Xin trân trọng giới thiệu tiểu sử của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

          1. Họ và tên: TRẦN ĐẠI QUANG

          2. Ngày, tháng, năm sinh: 12/10/1956

          3. Quê quán: xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình

          4. Nơi đăng ký thường trú: Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội

          5. Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không

          6. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Tiến sĩ Luật học, Đại học An ninh

          - Học vị: Tiến sĩ; Học hàm: Giáo sư

          - Lý luận chính trị: Cao cấp

          - Ngoại ngữ: Cao học tiếng Trung

          7. Ngày vào Đảng: 26/7/1980; Ngày chính thức: 26/7/1981

          8. Đại biểu Quốc hội khóa XIII

          9. Tóm tắt quá trình công tác:

- Từ tháng 7/1972 - tháng 10/1975: Học viên Trường Cảnh sát nhân dân Trung ương và Trường Cao đẳng Ngoại ngữ, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

- Từ tháng 10/1975 - tháng 6/1987: Cán bộ Cục Bảo vệ chính trị I, sau tách thành Cục Bảo vệ chính trị II, giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Trinh sát, Cục Bảo vệ chính trị II, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

- Từ tháng 6/1987 - tháng 6/1990: Trưởng phòng Tham mưu và Trưởng phòng Trinh sát, Cục Bảo vệ chính trị II, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

- Từ tháng 6/1990 - tháng 9/1996: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

- Từ tháng 9/1996 - tháng 10/2000: Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh, Bộ Công an; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng cục An ninh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục An ninh, Bí thư Đảng ủy Cục Tham mưu An ninh, Bộ Công an.

- Từ tháng 10/2000 - tháng 4/2006: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an; được phong cấp bậc hàm Thiếu tướng (2003); được phong học hàm Phó Giáo sư (2003).

- Từ tháng 4/2006 - tháng 1/2011: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; được phong cấp bậc hàm Trung tướng (2007); được phong học hàm Giáo sư (2009).

- Từ tháng 01/2011 - tháng 8/2011: Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an.

- Từ tháng 8/2011 đến tháng 4/2016: Ủy viên Bộ Chính trị (khóa XI, XII), Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; được phong cấp bậc hàm Thượng tướng (2011), Đại tướng (2012); Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên; đại biểu Quốc hội khóa XIII; Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Phó Trưởng Tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương.

- Ngày 2/4/2016, tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Lãnh đạo các nước chia buồn với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam

Nhận được tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, lãnh đạo nhiều nước đã gửi điện chia buồn tới Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và gia quyến Chủ tịch nước.

Chiều tối 21-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachit thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Quốc hội, Chính phủ nước CHDCND Lào và Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước đã gửi điện chia buồn tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.

Bức điện viết: “Chúng tôi đánh giá cao sự đóng góp của đồng chí Trần Đại Quang cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước của Việt Nam trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí, nhất là trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội của Việt Nam. Đồng chí Trần Đại Quang là nhà lãnh đạo có đóng góp quan trọng vào việc phát triển mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam trong thời gian qua. Sự ra đi của đồng chí Trần Đại Quang, không chỉ Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam mất đi một nhà lãnh đạo kính yêu, mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào chúng tôi cũng mất đi một người bạn thân thiết và gần gũi. Trong giờ phút đau thương này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Quốc hội, Chính phủ nước Lào và Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ nước Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tới nhân dân Việt Nam anh em, nhất là tới gia đình, thân quyến và bạn bè đồng chí Trần Đại Quang”.

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cùng ngày đã gửi điện chia buồn tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi được biết tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời.

Trong thư chia buồn, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh: "Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một nhà lãnh đạo lớn và đáng ngưỡng mộ của đất nước và nhân dân Việt Nam, và là người bạn tốt của Campuchia. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Campuchia, Thủ tướng Hun Sen gửi lời chia buồn và sự tiếc thương sâu sắc nhất tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì sự mất mát to lớn này".

Cùng ngày, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi lời chia buồn tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong thư, ông Tập Cận Bình viết: "Chúng tôi rất sốc khi nghe tin đồng chí Trần Đại Quang, Chủ tịch nước Việt Nam, đã qua đời. Đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc, cũng như nhân danh cá nhân, tôi bày tỏ lời chia buồn sâu sắc nhất tới ông, và tới Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Việt Nam thông qua ông. Chúng tôi thực sự đau buồn về sự ra đi của đồng chí Trần Đại Quang".

Tân Hoa xã dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc cho biết đồng chí Trần Đại Quang - một nhà lãnh đạo đảng, nhà nước Việt Nam - đã có đóng góp lớn cho sự phát triển, đổi mới và mở cửa của Việt Nam. Là một người bạn, người đồng chí thân thiết của nhân dân Trung Quốc, ông Trần Đại Quang đã cống hiến và thúc đẩy tình bằng hữu truyền thống Trung - Việt và tích cực thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước.

Ông Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng dưới sự lãnh đạo vững chắc của Tổng Bí thư, Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ chuyển đau thương thành sức mạnh và tiếp tục đạt thành quả mới trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Trung Quốc cũng bày tỏ chia buồn sâu sắc nhất tới gia quyến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Cục Báo chí Điện Kremlin cùng ngày 21-9 ra thông báo cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi điện chia buồn tới nhân dân Việt Nam, gia đình và bạn bè của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Tổng thống Putin nêu rõ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang với tư cách là nguyên thủ quốc gia cũng như trải qua nhiều vị trí công tác khác luôn xứng đáng với lòng kính trọng của nhân dân và sự nể trọng của bạn bè quốc tế. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hoàn thành trọng trách tăng cường an ninh quốc gia, bảo vệ lợi ích của Việt Nam trên toàn cầu.

Tổng thống Putin cũng ca ngợi đóng góp của cá nhân Chủ tịch nước Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện với Nga, cũng như hợp tác song phương cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cùng ngày gửi lời chia buồn tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi hay tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời. Đại sứ Nga tại Hà Nội cũng gửi lời chia buồn tới Việt Nam. Trang Twitter của Đại sứ quán có đoạn: "Chúng tôi bày tỏ sự buồn thương sâu sắc nhất đối với sự qua đời của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, đồng chí Trần Đại Quang".

Chiều 21-9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã gửi điện chia buồn tới Chính phủ, nhân dân Việt Nam và gia quyến của Chủ tịch nước.

Lời chia buồn viết: "Tôi hết sức bàng hoàng và vô cùng thương tiếc khi nhận được tin Ngài Trần Đại Quang, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam vừa mới từ trần. Thay mặt cho Chính phủ và người dân Nhật Bản, tôi xin gửi tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam, và gia quyến Ngài Chủ tịch nước lời chia buồn sâu sắc nhất. Ngài Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đại diện cho đất nước Việt Nam tiếp đón nồng hậu Nhật Hoàng và Hoàng hậu Nhật Bản nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam mùa Xuân năm ngoái. Năm nay, nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam, Ngài Trần Đại Quang đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản từ cuối tháng 5 tới đầu tháng 6. Ngài đã cống hiến hết mình cho quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia".

Thủ tướng Abe bày tỏ "lòng kính trọng trước việc Ngài Chủ tịch nước đã chủ trì thành công Hội nghị cấp cao Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tháng 11-2017 tại Đà Nẵng, nhất là những đóng góp to lớn trong việc ký kết Hiệp định TPP 11 tại hội nghị này".

Thủ tướng Abe khẳng định "Nhật Bản và Việt Nam, với tư cách là đối tác chiến lược, vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người mà với sự lãnh đạo sáng suốt của mình đã xây dựng nên quan hệ hợp tác gắn bó trên các lĩnh vực sâu rộng giữa hai đất nước, cầu mong Ngài yên giấc".

Chiều cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Kono Taro đã gửi lời chia buồn về việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Lời chia buồn viết: "Tôi hết sức bàng hoàng và vô cùng thương tiếc khi nhận được tin Ngài Trần Đại Quang, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam từ trần. Ngài Chủ tịch nước Trần Đại Quang là nguyên thủ quốc gia dẫn dắt Việt Nam không chỉ trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội mà còn nâng cao vị thế quốc gia tại khu vực và trên trường quốc tế... Tôi cầu mong Ngài yên giấc ngàn thu, đồng thời hy vọng Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ sớm vượt qua nỗi đau này và đưa đất nước phát triển hơn nữa".

Ngày 21-9, Chính phủ các nước khu vực Mỹ Latinh đồng loạt gửi thông điệp chia buồn với chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự ra đi đột ngột của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sau một thời gian lâm bệnh.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Bolivia bày tỏ sự tiếc thương trước mất mát to lớn này, đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình Chủ tịch nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam anh em.

Thông cáo khẳng định tình đoàn kết và hữu nghị mà Bolivia luôn dành cho Việt Nam, đặc biệt là trong thời điểm đau buồn này.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Paraguay cũng gửi thông điệp chia buồn sâu sắc với gia đình của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, đồng thời chia sẽ nỗi đau trước sự ra đi của một nhà lãnh đạo quan trọng của Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Từ Managua, Chính phủ Nicaragua cũng đã gửi điện chia buồn trước thông tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.

Bức điện do Tổng thống Daniel Ortega và Phó Tổng thống Rosario Murillo ký ngày 21-9 nhấn mạnh tình đoàn kết và chia sẻ nỗi đau với Chính phủ và nhân dân Việt Nam trước mất mát to lớn này.

Đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc Farabundo Marti (FMLN) cầm quyền tại El Salvador cũng gửi thông điệp chia buồn tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam trước sự kiện đau buồn này, đồng thời khẳng định El Salvador và Việt Nam đang trải qua một thời kỳ đặc biệt quan trọng trong mối quan hệ ngoại giao, hữu nghị và hợp tác, trong đó có sự đóng góp to lớn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Tổng thống Trump: Chủ tịch nước Trần Đại Quang là người bạn tuyệt vời của Mỹ

Tôi rất buồn khi biết tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Ông là một người bạn tuyệt vời của Hoa Kỳ, Tổng thống Donald Trump cho biết.

Văn phòng Thư ký Báo chí Nhà Trắng vừa ra tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Trump đến Hà Nội, tháng 11/2017. Ảnh: Phạm Hải

Trong tuyên bố, ông Donald Trump bày tỏ: “Tôi rất buồn khi biết tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Thay mặt nhân dân Hoa Kỳ, tôi xin gửi lời chia buồn đến gia đình ông và nhân dân Việt Nam.

Chủ tịch Trần Đại Quang là một người bạn tuyệt vời của Hoa Kỳ. Ông đã ân cần đón tiếp tôi trong chuyến thăm cấp nhà nước lịch sử của tôi đến Hà Nội vào tháng 11-2017. Tôi cám ơn ông về cam kết của cá nhân ông nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam.

Chúng tôi sẽ không quên những đóng góp của ông cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như tiếng nói của ông cho một Việt Nam đầy tự hào và độc lập trên trường quốc tế”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Heather Nauert cũng có tuyên bố về việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.

Người phát ngôn cho hay: “Chúng tôi rất buồn khi biết tin Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang từ trần. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn và lời cầu nguyện đến gia đình ông và nhân dân Việt Nam trong thời khắc khó khăn này.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang là người ủng hộ mạnh mẽ quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, giúp đưa quan hệ đối tác song phương lên tầm cao mới trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, có lợi ích chung và mong muốn chung nhằm thúc đẩy hòa bình, hợp tác, thịnh vượng và an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cùng với gia đình, bạn bè của ông và nhân dân Việt Nam, chúng tôi trân trọng di sản của ông và bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của ông”.

Cuba để quốc tang tưởng niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Tối 21-9 giờ địa phương (sáng nay giờ Hà Nội), Hội đồng Nhà nước Cuba thông báo quyết định để quốc tang tưởng niệm Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang.

Theo thông cáo phát trên truyền hình, Cuba sẽ để tang tưởng niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ 6h ngày 22/9 - 24h ngày 23/9 giờ địa phương, tức từ 17h ngày 22/9 - 11h ngày 24/9 giờ Hà Nội. Lễ tưởng niệm cấp quốc gia diễn ra trong ngày 24/9 (giờ địa phương).

Trong thời gian quốc tang, các tòa nhà công và các trụ sở quân sự trên cả nước Cuba sẽ treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.

Sáng cùng ngày, Chủ tịch QH Cuba Esteban Lazo Hernández đã gửi lời chia buồn tới nhân dân Việt Nam sau khi nhận được tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, đồng thời dành một phút mặc niệm nhà lãnh đạo Việt Nam trước phiên làm việc tại trụ sở QH.

Chủ tịch QH Esteban Lazo đề cao tình hữu nghị giữa Việt Nam và Cuba và nhắc lại chuyến thăm Cuba của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào tháng 11/2016, cũng là thời điểm tòa nhà Capitolio, trụ sở chính của QH Cuba được khai trương.

Cùng ngày, báo giới chính thức của Cuba gồm Granma, Prensa Latina, Juventud Rebelde, hãng Thông tấn Nhà nước Cuba (ACN), trang mạng Cubadebate.... đã đồng loạt đưa thông tin ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.

Chính phủ Venezuela cùng ngày đã gửi điện chia buồn tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Trong thông cáo, Bộ Ngoại giao Venezuela đề cao sự nghiệp chính trị mẫu mực của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người đã trở thành “trụ cột thực sự trong nỗ lực củng cố thế giới đa cực, vì sự hòa hợp và hợp tác giữa các quốc gia”.

Chính phủ Venezuela cũng đánh giá Chủ tịch nước Việt Nam “là một người bạn dũng cảm và chân thành”, đã góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ anh em và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Venezuela; đồng thời khẳng định Chủ tịch Trần Đại Quang sẽ luôn được ghi nhớ và tôn vinh như một người tiếp bước trung thành của những cuộc đấu tranh anh hùng của dân tộc Việt Nam và là người thừa kế thực sự của di sản Hồ Chí Minh.

Tại Buenos Aires, Chính phủ Argentina đã gửi lời chia buồn sâu sắc và tình cảm hữu nghị tới chính phủ và nhân dân Việt Nam khi nhận được tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời sau một thời gian mắc bệnh hiểm nghèo. Thông cáo của Bộ Ngoại giao và Tôn giáo Argentina nêu rõ trong nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, quan hệ chiến lược giữa hai nước đã không ngừng được củng cố và phát triển, đồng thời nhấn mạnh, vai trò của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ luôn được Chính phủ và nhân dân Argentina nhớ mãi.

Cùng ngày, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Argentina Victor Kot cũng đã gửi lời chia buồn tới Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam trước mất mát to lớn sau sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Trong một thông điệp trên mạng xã hội, ông nhấn mạnh vai trò to lớn và quan trọng của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trên cương vị và trọng trách của mình, đồng thời khẳng định Chủ tịch nước Trần Đại Quan đã cống hiến trọn đời cho cuộc đấu tranh vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Tại Mexico, trên tài khoản cá nhân Twitter, Tổng thống Enrique Peña Nieto viết: “Tôi rất tiếc trước sự qua đời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người mà cá nhân tôi đã vinh dự được gặp. Xin gửi lời chia buồn và tình đoàn kết tới người dân Việt Nam”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng ngày đã gửi lời chia buồn sâu sắc và chân thành tới Đảng, dân tộc và nhân dân Việt Nam cũng như tới gia đình Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Thủ tướng Modi cũng nhắc lại chuyến thăm mới đây của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Ấn Độ: "Chúng tôi đã có những kỷ niệm về tình hữu nghị vĩ đại mà Ngài dành cho Ấn Độ cũng như việc Ngài đã có chuyến thăm cấp Nhà nước thành công (tới Ấn Độ) hồi tháng 3 năm nay".

Liên Hợp Quốc dành một phút mặc niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Chiều 21-9 (giờ New York), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã dành một phút mặc niệm Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang.

Đại diện các nước tham dự phiên họp dành một phút mặc niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Phát biểu trước khi khai mạc phiên họp toàn thể thứ ba của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 73 với sự có mặt của đại diện 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Đại hội đồng - bà Maria Fernanda Espinosa Garces đã thông báo về sự ra đi của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình của Chủ tịch, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đề nghị đại diện các nước tham dự phiên họp dành một phút mặc niệm cho Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang.

Theo TTXVN, sau phút mặc niệm, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý đã phát biểu cảm ơn sự chia sẻ và cảm thông của bạn bè quốc tế đối với những đau thương và mất mát to lớn của nhân dân Việt Nam trước sự ra đi đột ngột của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, bà Maria Fernanda Espinosa Garces gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

Trước đó cùng ngày, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã ra tuyên bố bày tỏ sự đau buồn đối với sự ra đi của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang.

Tuyên bố của người phát ngôn, ông Stephane Dujaric cho biết, Tổng thư ký bày tỏ sự cảm thông và gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình của Chủ tịch Trần Đại Quang, Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

Tuyên bố có đoạn viết "là một người bạn của Liên Hợp Quốc và là người đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam, Chủ tịch Trần Đại Quang sẽ luôn được tưởng nhớ ở cả trong và ngoài nước".

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trút hơi thở cuối cùng lúc 10h05 sáng 21-9 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vì căn bệnh hiểm nghèo. Mặc dù được các giáo sư, bác sĩ trong và ngoài nước hết lòng cứu chữa, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện, nhưng ông đã không qua khỏi.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang sinh năm 1956 tại xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ông là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Công an trước khi được bầu làm Chủ tịch nước tháng 4-2016.

Truyền thông thế giới viết về Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Nhiều hãng thông tấn, báo chí nước ngoài đã đưa tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, nhấn mạnh những đóng góp của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang (thứ hai từ phải sang, hàng đầu) sánh bước cùng lãnh đạo các nền kinh tế lớn như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại APEC 2017.

Đồng chí Trần Đại Quang, sinh năm 1956, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, do mắc bệnh hiểm nghèo, mặc dù được các giáo sư, bác sĩ trong và ngoài nước hết lòng cứu chữa, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện, nhưng đã không qua khỏi.

Nhiều hãng thông tấn và các tờ báo quốc tế dẫn lại thông tin từ truyền thông Việt Nam rằng Chủ tịch nước qua đời lúc 10h05 ngày 21/9 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đăng ảnh và tiểu sử của Chủ tịch nước, nêu bật những dấu ấn và đóng góp của ông cho đất nước.

Sáng 21-9 theo giờ địa phương, báo giới chính thức của Cuba gồm Granma, Prensa Latina, Juventud Rebelde, hãng Thông tấn Nhà nước Cuba (ACN), trang mạng Cubadebate.... đã đồng loạt đưa thông tin Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang từ trần, đồng thời bày tỏ niềm thương tiếc đối với người đứng đầu Nhà nước Việt Nam.

Báo chí Cuba đặc biệt nhấn mạnh tới tình cảm của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Cuba, là vị nguyên thủ nước ngoài cuối cùng gặp gỡ cố lãnh tụ Fidel Castro hồi tháng 11-2016 tại Cuba, ít lâu trước khi lãnh tụ Cuba qua đời.

Nhật báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, nhấn mạnh sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là nỗi mất mát đau thương của nhân dân và Chính phủ Cuba vì những gì nhà lãnh đạo Việt Nam đã đóng góp cho tình bạn và sự hợp tác giữa hai nước. 

Trong khi đó, hãng tin Prensa Latina dẫn lời Đại sứ Cuba tại Việt Nam Lianys Torres, bày tỏ Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một người bạn lớn của Cuba, người thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ lịch sử của tình anh em giữa hai dân tộc Việt Nam và Cuba.

Chiều 21-9, đồng loạt đưa tin về việc Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang từ trần, các hãng truyền thông lớn của Nhật Bản như Đài NHK, Yomiuri, Asahi, Mainichi, Nikkei, Asia Nikkei Review, Japan News, Japan Times.... đều điểm lại tiểu sử, đề cập tới các chức vụ quan trọng mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang từng đảm nhiệm.

Hãng tin Kyodo của Nhật Bản đánh giá Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có nhiều đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Kyodo đã nhắc lại sự kiện Chủ tịch Trần Đại Quang có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama vào tháng 5/2016 tại Hà Nội.

Các phương tiện truyền thông và báo chí Italy, trong đó có hãng tin RAI và kênh truyền hình nhà nước RAI, ngày 21-9 cũng đã đồng loạt đăng tải thông tin Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang từ trần, đồng thời bày tỏ sự chia buồn với đất nước và nhân dân Việt Nam.

Trong khi đó, Tân Hoa xã đưa tin Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã từ trần vào sáng 21-9 tại một bệnh viện ở Hà Nội, hưởng dương 62 tuổi, sau một thời gian bị bệnh hiểm nghèo. Hãng tin trích đăng tiểu sử của Chủ tịch nước.

Các thông tấn AFP của Pháp và Reuters của Anh cũng nhanh chóng dẫn thông tin của truyền thông Việt Nam về việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.

Hãng thông tấn Pháp AFP điểm lại thời gian lãnh đạo của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nhấn mạnh vai trò của ông trong việc đón tiếp các lãnh đạo nước ngoài đến Việt Nam và chủ trì các sự kiện ngoại giao lớn nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

"Ông là gương mặt đại diện của chính quyền Việt Nam tại một loạt các sự kiện cấp cao, đáng chú ý nhất là tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng vào tháng 11 năm ngoái, nơi ông đón tiếp một loạt lãnh đạo thế giới, bao gồm Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình", bài báo trên AFP có đoạn.

AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ca ngợi Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang là một nhà lãnh đạo nổi bật và có nhiều đóng góp vào công cuộc cải cách phát triển và mở cửa của Việt Nam.

Hãng tin Reuters đưa tin “Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang từ trần sau khi lâm bệnh nặng”. Reuters cho biết, Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời tại bệnh viện quân đội vì “lâm bệnh nặng dù các giáo sư, bác sỹ trong và ngoài nước đã nỗ lực cứu chữa”. Cơ quan truyền thông này điểm lại những cột mốc đáng chú ý trong cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Trong khi đó, hãng tin Bloomberg đăng tin buồn với dòng tít nhấn mạnh: “Chủ tịch nước Việt Nam, người ủng hộ thắt chặt hơn quan hệ với Mỹ, đã qua đời”. Hãng tin này còn dẫn lời Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) tại Hà Nội, ông Adam Sitkoff nói rằng: “Ông ấy là Chủ tịch nước Việt Nam đầu tiên gặp gỡ và nói chuyện với chúng tôi tại hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp Mỹ - Việt”. Ông Sitkoff cho rằng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang “là một người có niềm tin rất lớn vào việc cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam”.

Truyền thông cũng dẫn lời Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink chia sẻ trên trang Facebook cá nhân bày tỏ sự đau buồn và chia sẻ những mất mát với gia đình, người thân của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và toàn thể người dân Việt Nam.

Trong một bản tin đăng tải chiều 21-9, tờ Chinadaily (Trung Quốc) đã viết về những ngày làm việc tâm huyết cuối cùng của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. "Hai ngày trước khi từ trần, ông (Chủ tịch nước Trần Đại Quang) vẫn còn chủ trì buổi tiếp các trưởng Đoàn dự Đại hội Các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 tại Hà Nội", tờ báo cho biết.

Nhật báo Gazeta của Nga ngoài việc đưa tin về sự qua đời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang còn nhắc lại những đóng góp quan trọng của ông cho quan hệ giữa Việt Nam và Nga. Tờ này đã đăng tải một đoạn phỏng vấn do hãng thông tấn TASS thực hiện với Chủ tịch nước Trần Đại Quang trước chuyến thăm tới Nga của ông vào năm 2017, theo đó khẳng định Nga và Việt Nam luôn có một tình bạn chân thành, được kiểm chứng qua nhiều thời gian.

Các cơ quan thông tấn, báo chí khác như như TASS Của Nga, New York Times của Mỹ, DW của Đức, Straits Times của Singapore, Philstar của Philippines, Times of India... ngày 21-9 cũng đều đăng tin Chủ tịch Trần Đại Quang từ trần.

Nguồn: Văn phòng Chính phủ, TTXVN, Vietnamnet

 

 

 

 

 

Có thể bạn quan tâm

Top