Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thương binh - Liệt sĩ

Nói Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sĩ là nói đến tình cảm của một nhân cách lớn đối với những người đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ trước hết đó là tình cảm xuất phát từ lòng kính trọng, biết ơn đối với những người đã hy sinh cuộc đời mình vì cuộc sống hòa bình, tự do, hạnh phúc của con người. Lòng kính trọng đó của Người là chung cho tất cả những người hy sinh vì nghĩa lớn, không phân biệt màu da, dân tộc.

Những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, khi sống ở Pari, Pháp, Nguyễn Ái Quốc thường đến thăm Khải Hoàn Môn, nơi tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh vì nước Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viếng các anh hùng liệt sĩ. Ảnh tư liệu

Năm 1946, với tư cách là Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp. Một sự kiện không thể nào quên trong chuyến thăm này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến viếng đài liệt sĩ trên đồi Va-lê-riêng vào ngày 4-7-1946. Đây là địa điểm thiêng liêng đối với mọi người dân Pháp - nơi vào năm 1944, 4.500 du kích Pháp đã bị phát xít Đức giết hại. Trong cuộc viếng thăm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những dòng bút ký như sau: “Trông thấy nghĩa sĩ Pháp vì độc lập tự do mà bị người Đức tàn sát, khiến cho người thêm cảm động, ngậm ngùi. Quyền tự do ở nước nào cũng vậy, đều do xương máu của những nghĩa sĩ và đoàn kết của toàn quốc mà xây dựng nên. Vậy nên những người chân chính ham chuộng độc lập tự do của nước mình thì phải kính trọng độc lập tự do của các dân tộc khác.”

Sau này, trong các chuyến thăm các nước, một việc không thể thiếu trong chương trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đến viếng các tượng đài liệt sĩ, chia sẻ niềm thương tiếc những người đã hy sinh vì nghĩa lớn. Tình cảm ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gây xúc động cho nhân dân các nước bạn và họ càng thêm quý trọng, khâm phục lòng nhân nghĩa của con người Việt Nam ta.

Tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thắng lợi và khi thực dân Pháp gây chiến ở miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xuất lập Hội Giúp binh sĩ bị nạn. Chiều ngày 28-5-1946, Hội giúp binh sĩ bị thương đã làm lễ ra mắt tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham dự với tư cách là Hội trưởng danh dự (Chúng ta cũng biết trước Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam ta đã ra đời các tổ chức như: “Hội Cứu tế đỏ”, “Đông Dương cứu tế bình dân”, các Hội Tế bần, từ thiện, ái hữu, Hội Giúp đỡ chính trị phạm…)

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tháng 1-1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cho các chiến sĩ bị thương: “Các chiến sĩ đã hy sinh máu mủ để giữ gìn đất nước. Nay đã bị thương mà còn mong mỏi ra sát địch ở trận tiền. Các chiến sĩ thật xứng đáng với Tổ quốc. Và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế”. Ngay sau đó, tháng 2-1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ ban hành chính sách đầu tiên về ưu đãi thương binh (Chế độ hưu bổng thương tật) và ưu đãi gia đình liệt sĩ (Chế độ tiền tuất cho thân nhân tử sĩ). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thay mặt Chính phủ ra sắc lệnh thành lập Bộ Thương binh Cựu binh (Sau đổi là Bộ Thương binh).

Ảnh tư liệu.

Tháng 6-1947, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, một hội nghị quan trọng của các cơ quan Chính phủ và các hội, đoàn thể chính trị ở Trung ương quyết định chọn ngày 27-7-1947 là ngày Thương binh toàn quốc. Ngay chiều ngày hôm đó, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, một cuộc mít tinh lớn đã diễn ra. Gần 300 đại biểu đại diện Đảng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Đoàn Thanh niên, Nha Thông tin, Cục chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Chính quyền huyện Đại Từ, bộ đội và nhân dân địa phương đã tham dự. Tại cuộc mít tinh này, đại diện Ban Tổ chức ngày Thương binh toàn quốc đã trịnh trọng đọc bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “…Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của Tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa; của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập; ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh. Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí đó chịu ốm yếu. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy.” Cùng với những lời giản dị mà sâu sắc này, ngay trong bức thư đầu tiên về tổ chức ngày Thương binh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu gương thể hiện lòng biết ơn của mình. “Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng. (1.127đ.00).

Từ đó, ngày 27-7 trở thành ngày thiêng liêng, ngày nhân dân cả nước bày tỏ lòng tôn trọng đối với những người đã vì nền độc lập mà hy sinh xương máu. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, hầu như năm nào Người cũng gửi thư thăm hỏi, an ủi, gửi quà biếu thương binh và gia đình. Năm 1949 Người xung phong gửi tặng một số khăn mặt, quần áo, gửi một tháng lương là 1000 đồng. Năm 1951 sau chiến thắng Biên giới, hậu phương ta ngày càng mở rộng và củng cố, song thương binh, tử sỹ cũng nhiều. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị giải quyết tốt hơn chính sách thương binh, bệnh binh và tử sĩ. Nhân ngày 27-7 năm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào đền đáp những người con trung hiếu. Người nêu ý kiến đề nghị chính quyền, các đoàn thể nhân dân và đồng bào mỗi xã tùy theo sự cố gắng và khả năng chung mà đón một số anh em thương binh và giúp đỡ họ lâu dài. Theo ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều thương binh được đón về làng. Nhiều chị em phụ nữ đã tình nguyện lấy chồng là thương binh, xây dựng hạnh phúc gia đình êm ấm, chan hòa tình yêu thương, an ủi và động viên giúp đỡ thương binh vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Cảm động trước những tấm lòng đó của phụ nữ Việt Nam, nhân ngày Phụ nữ 8-3-1952 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc…Tôi kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội, các bà mẹ cùng vợ con các liệt sĩ.”

 Lời nói và những việc làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ an lòng hương hồn các liệt sĩ mà còn là niềm động viên lớn lao cho tất cả những người đang sống và chiến đấu. Các thân nhân liệt sĩ, thương binh cảm thấy sự hy sinh của mình trở thành nhỏ bé trong tình thương yêu mênh mông và sự hy sinh cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của cả dân tộc. Bài học này Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy không chỉ cho các gia đình liệt sĩ, thương binh mà cho tất cả chúng ta hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau.

Từ năm 1955 Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi ngày Thương binh toàn quốc thành “Ngày Thương binh, liệt sĩ” để thể hiện đầy đủ hơn tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với tất cả những người đã hy sinh xương máu mình cho Tổ quốc.

Năm 1960, tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sỹ của Đảng, của dân tộc ta…Máu đào của các liệt sỹ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sỹ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sỹ để vượt tất cả mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng của các liệt sỹ đã chuyển lại cho chúng ta.”

Nói đến tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sỹ, chúng ta còn phải nhắc đến lòng mong mỏi của Người đối với các gia đình thương binh, liệt sỹ tùy theo khả năng của mình tích cực góp phần xây dựng đất nước. Một mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị các địa phương, các ngành và toàn dân chăm sóc thương binh, mặt khác, Người mong các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ cần trân trọng sự chăm sóc của đồng bào, cố gắng tự lực cánh sinh, chớ yêu cầu quá đáng, ra vẻ “công thần”. Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn anh chị em thương binh, bệnh binh “Đã là quân nhân cách mạng thì bao giờ cũng phải là chiến sỹ anh dũng”; “Thương binh là những người đã đưa ra một phần xương máu phục vụ Tổ quốc. Họ là anh hùng. Quân nhân phục viên đã đánh giặc bao năm, như vậy là đã kinh qua một lịch sử vẻ vang. Bây giờ các chú tùy khả năng mà tham gia tăng gia sản xuất, không yêu cầu làm quá sức. Nhưng với truyền thống oanh liệt của quân đội thì bất kỳ đi đâu, làm gì đều phải gương mẫu... Chủ tịch Hồ Chí Minh mong tất cả đều giữ được truyền thống vẻ vang đó.” (Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ nhân ngày 27-7-1956). Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn có nhiều gia đình liệt sỹ và gia đình thương binh trở thành những gia đình cách mạng gương mẫu.

Cho đến văn bản cuối cùng để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta- bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành một phần nói về thương binh, liệt sỹ. Đó là phần nói về những công việc mà toàn nhân dân ta phải làm sau khi miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước. Trong chiến lược về con người này Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đầu tiên là về thương binh, liệt sỹ và gia đình họ. “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể “tự lực cánh sinh”.

“Đối với các chiến sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia đài kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. “Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.”

Ôn lại tư tưởng, tình cảm và những lời dạy cụ thể, thiết thực của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sỹ chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của ngày 27-7. Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đã thực hiện công tác thương binh, liệt sỹ theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chắc chắn đó sẽ không chỉ nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày lịch sử thiêng liêng này.

TS NGUYỄN THỊ TÌNH

Top