Chủ thể, chủ quyền và đa dạng di sản văn hóa biển

Di sản văn hoá phi vật thể vô hình, không đường biên nhưng có chủ, chủ quyền bởi vì di sản gắn với con người, không gian cư trú, biểu hiện và thực hành của nó. Biển mênh mông, giàu có tài nguyên đã ngàn đời gắn với con người, di sản văn hoá và ký ức của họ. Từ khi chưa có các ngành khoa học kỹ thuật thì con người đã có tri thức dân gian về biển. Từ khi chưa có pháp lý về biển thì con người đã có tập tục về biển. Đó là di sản văn hoá phi vật thể biển. Bài viết đề cập vấn đề chủ thể, chủ quyền, bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể biển vì sự phát triển bền vững.

Từ chủ thể, chủ quyền di sản văn hoá phi vật thể…

Chủ thể là tiêu chí quan trọng nhất để nhận diện di sản văn hoá phi vật thể. Chủ thể là những người đang nắm giữ, thực hành di sản. Con người ở đâu thì di sản ở đó. Di sản được làm nên bởi ông cha, tổ tiên của họ. Di sản là những giá trị chắt lọc, sáng tạo từ cuộc sống, được chuyển giao thế hệ, được bồi đắp những giá trị mới, được gìn giữ trao truyền, được sử dụng để phục vụ con người. Di sản là yếu tố đặc trưng để nhận diện cộng đồng và làm nên bản sắc của chính họ. Di sản văn hoá phi vật thể nhiều như sao trên trời, như cá dưới biển khơi chẳng thể nào đo đếm được. Di sản văn hoá phi vật thể là sự sống - một dòng chảy vô tận, chẳng bao giờ đứng yên. Không có ranh giới phân chia nhưng di sản văn hoá phi vật thể được minh chứng bằng lịch sử, sức sống, sự sáng tạo, trao truyền và bản sắc. Các công ước, luật pháp sinh ra là để bảo vệ quyền của các chủ thể văn hoá, quyền của các quốc gia, dân tộc. “Mỗi quốc gia thành viên phải: sử dụng các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể hiện có trên lãnh thổ của mình” 1.

Nguyên tắc quan trọng nhất trong bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể đó là “dựa vào cộng đồng/chủ thể” Vì sao vậy? Thứ nhất, bởi vì di sản văn hoá phi vật thể là sự sáng tạo văn hoá của người dân, được trao truyền qua nhiều thế hệ. Họ là người chủ của di sản. Thứ hai, di sản văn hoá phi vật thể là sự sống đang được nắm giữ, thể hiện bởi những người thực hành nó, coi nó như một phần cuộc sống của chính họ. Chỉ có họ mới nhận diện được di sản, hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của nó. Thứ ba, người làm công tác quản lý nhà nước và các nhà nghiên cứu có nhiệm vụ xây dựng chính sách bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể phải “dựa” vào họ (cộng đồng) thì mới thực thi. Thứ tư, bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể là quá trình làm việc cùng nhau giữa cộng đồng với những người hỗ trợ để nhận diện giá trị di sản, tìm ra các phương thức để bảo vệ di sản. Thứ năm, di sản là của cộng đồng. Giữ hay không, trao truyền, sử dụng như thế nào là chủ quyền của họ. Vì vậy giá trị di sản, lợi ích có được từ di sản phải thuộc về những người là chủ thể của nó. Nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hiện có trên lãnh thổ mình, mỗi quốc gia cần có luật pháp, chính sách; cơ quan, tổ chức; các biện pháp khoa học, kỹ thuật; tài chính và nhân lực.

Lễ hội cúng biển Mỹ Long thể hiện lòng biết ơn của ngư dân với biển cả

Đến đa dạng văn hoá biển và phát triển bền vững

Biển vô cùng quan trọng đối với nhân loại. Chiếm ¾ diện tích của trái đất, biển cả bao la với tiềm năng vô tận của nó và những nguồn lợi khác từ kinh tế biển đã hình thành sự sống, lịch sử và những nền văn hoá lớn của cư dân ven biển, của các quốc gia có biển. Cuộc sống của những người dân sống trên bờ hoặc ven biển phụ thuộc vào biển. Biển đem lại nguồn sinh kế đa dạng, nhưng biển cũng đồng thời là nỗi sợ hãi của con người. Các cộng đồng ven biển đã tôn sùng và thờ cúng biển bằng tất cả sự thành tâm của mình. Niềm tin của họ vào các những vị thần thống trị biển cả, xuất hiện từ đó. Tín ngưỡng này tồn tại ở tất cả những cộng đồng ven biển, mặc dù hình thức và cách thể hiện ở mỗi nơi có thể khác nhau. Họ làm nghi lễ cúng Thần Biển, Thần Gió, Thần Núi, đảo; cúng cá Ông, cúng thuyền, cúng ngư cụ... Các nghi lễ, tập quán, tín ngưỡng và lễ hội; âm nhạc và nghệ thuật trình diễn; nghề thủ công; ẩm thực và tri thức về tự nhiên về vũ trụ là kho tàng phong phú về di sản văn hoá phi vật thể biển

.

Nghề sò ốc mỹ nghệ

Ở Philippines, cộng đồng ven biển Tây Visayas có tri thức Sinh thái truyền thống (TEK). “Tri thức này liên quan đến việc quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên địa phương, các cấu trúc xã hội - văn hóa, các quan điểm tinh thần, các chuẩn mực xã hội, các trải nghiệm lịch sử và đương thời về khai thác thuộc địa, gạt ra ngoài sự phát triển, và sự bất bình đẳng về kinh tế xã hội....” 2

Ở Việt Nam cộng đồng làng An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có một nghi lễ, tập quán theo sử sách ghi lại bắt đầu từ cuối thế kỷ 16 hoặc đầu thế kỷ 17 được duy trì đến tận ngày nay đó là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Cùng với thông điệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, nghi lễ này còn chứa đựng những giá trị văn hoá phi vật thể sâu sắc của nhân loại như những thực hành bày tỏ sự tôn kính biển cả, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và cách thức giáo dục thế hệ trẻ thông qua việc trao truyền phong tục này từ hàng trăm năm nay. Nghi thức này quan trọng vì là sợi dây kết nối các thế hệ cả về thời gian lẫn không gian.

Chương trình phát triển bền vững của UNESCO đến năm 2030 có 17 mục tiêu với 3 nguyên tắc cơ bản: tôn trọng, bình đẳng và bền vững. Di sản văn hoá phi vật thể được coi là động lực chính của đa dạng văn hoá và đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Di sản văn hoá phi vật thể trên từng phương diện có thể đóng góp một cách hiệu quả cho phát triển bền vững và hoà bình và an ninh là những điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường.

Múa náp - di sản văn hóa dân gian của cư dân vùng biển

Một quốc gia phát triển toàn diện là phải có môi trường bền vững mà ở đó các tri thức và tập quán liên quan đến tự nhiên và vũ trụ được ghi nhận. Những tác động của môi trường trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được xem xét và giải quyết tích cực. Ở đó có việc duy trì khả năng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu trên cơ sở cộng đồng. Một quốc gia phát triển bền vững là quốc gia có sự gắn kết và công bằng xã hội, ngăn chặn và giải quyết xung đột, có hòa bình và an ninh lâu bền thông qua việc công nhận, thúc đẩy và tăng cường tận dụng triệt để sự đóng góp của hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể cho việc điều hành dân chủ và các quyền con người bằng việc đảm bảo sự tham gia rộng rãi nhất có thể của các cộng đồng, nhóm người và các cá nhân.

Biển, đảo và di sản văn hoá Việt Nam cần được ưu tiên bảo vệ.

TS Lê Thị Minh Lý

Phó Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam

 

Có thể bạn quan tâm

Top