Chỉ thị "Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp" và chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947
Với Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng“Phải phá tan cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp” nhân dân ta đã đập tan kế hoạch của chúng, làm thay đổi cục diện kháng chiến, đánh bại hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”, buộc Pháp phải chuyển sang đánh lâu dài với ta tạo điều kiện đến thắng lợi cuối cùng.
Trong năm đầu tiên của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ta chủ trương kìm chân quân giặc trong các thành phố, thị xã. Đến tháng 9-1947 Hội nghị Quân sự lần thứ 4 và sau đó là Hội nghị Quân sự lần thứ 5 đã thống nhất nhận định về âm mưu và hướng tấn công sắp tới của thực dân Pháp, đề ra chủ trương đối phó với giặc Pháp. Từ đó khẩu hiệu “Đập tan cuộc tấn công mùa
Đông của giặc Pháp” đã nổi lên ở khắp nơi.
Bản chụp Chỉ thị "Phải phá tan cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp".
Với âm mưu “đánh nhanh, giải quyết nhanh” thực dân Pháp đã sử dụng 12.000 quân tinh nhuệ được trang bị vũ khí, phương tiện hiện đại, chúng hình thành hai “gọng kìm” lớn theo đường số 4, số 3 và phối hợp với cánh quân tiến theo sông Lô, sông Gâm nhằm bao vây chặt căn cứ Việt Bắc, đồng thời cho quân nhảy dù xuống trung tâm chiến khu, tiến hành càn quét, tìm diệt chủ lực và cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Ngay sau khi biết tin Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi đồng bào cả nước đoàn kết kháng chiến phối hợp với Việt Bắc. Người viết: “…Địch hội quân ở Bắc Kạn, tạo thành cái ô bọc lấy Việt Bắc rồi cụp xuống, dưới đánh lên, trên đánh xuống, phá cho được cơ quan đầu não của kháng chiến…Chúng mạnh ở hai gọng kìm, gọng kìm mà gãy, thì cái ô cụp xuống và thành cái ô rách và cuộc tấn công thất
bại.”
Sau lời kêu gọi của Bác, đúng một tuần, Bản chỉ thị lịch sử ngày 15 tháng 10 năm 1947 của Đảng đã ra đời, trở thành mệnh lệnh hành động và là ngọn cờ hiệu triệu toàn dân, toàn quân ta chiến đấu trên khắp các chiến trường Việt Bắc. Tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời của Bản Chỉ thị, trong cuốn Hồi ký: “Trường Chinh. Một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam”, nhà báo Thép Mới kể: Hôm đó là ngày 7-10- 1947, bắt đầu cuộc tấn công Thu - Đông đầu tiên của giặc Pháp lên căn cứ địa thần thánh Việt Bắc. Thấy động, anh Trường Chinh chạy ra rừng, cứ theo hướng Tây mà chạy miết. Anh nấp vào một ngách hầm sâu cùng nhiều đồng bào và cán bộ, kêu gọi mọi người không ai náo động để địch khỏi lùng sục đến. Anh Trường Chinh nép mình suốt ngày trong đó và đợi tối đến, nhờ đêm không trăng, anh lăn từ trên đồi xuống khe suối, rồi bò lách qua rừng cây rậm rạp, thoát ra khỏi vòng vây của giặc, băng mình vào rừng, nhờ đó mà thoát hiểm. Có lẽ chính lần đó, người lãnh đạo kháng chiến đã trải qua đầy đủ nhất thực tế chiến đấu của nhân dân… Hai hôm sau, rừng còn chưa sáng, trời vẫn đặc sương, anh Hoàng Văn Thái đã đưa anh Trường Chinh về cơ quan Trung ương. Anh Hoàng Quốc Việt ôm chặt lấy anh, ứa nước mắt. Việc đầu tiên mà anh Trường Chinh bảo Văn phòng làm ngay là cử người thư ký đánh máy của anh là Hoàng Yên Bình quen chữ anh nhất đánh máy ngay dự thảo chỉ thị nổi tiếng: Chúng ta hãy phá tan cuộc tấn công Thu - Đông của giặc Pháp mà anh vừa đi đường vừa dự thảo... Sau khi xem lại bản đánh máy dự thảo, anh Trường Chinh lên ngựa sang chào Bác Hồ để Bác mừng và trình Bác xem trước bản dự thảo chỉ thị của anh… Tại cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng, có Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã trình bày bản dự thảo chỉ thị. Ngày hôm sau 15-10 bản chỉ thị được công bố. Sau khi vạch trần âm mưu của thực dân Pháp, Bản Chỉ thị khẳng định chúng không mạnh, ta có thể đánh bại chúng. Một mặt ta không được hoảng hốt, sợ địch mà không trấn tĩnh, mặt khác cũng không được chủ quan, khinh địch, đánh giá thấp lực lượng địch. Nội
dung quan trọng trong Chỉ thị là Thường vụ Trung ương đã vạch ra cụ thể các vấn đề chuẩn bị cho cuộc phản công làm thất bại âm mưu của thực dân Pháp. “Phải đánh thế nào để phá kế hoạch mùa Đông của địch, làm cho địch thua thiệt nặng nề đến nỗi không thể gượng lại được sau chiến dịch mùa Đông này. Phát triển chiến tranh du kích mạnh hơn, vũ trang nhân dân nhiều hơn, để đối phó với chiến sự ngày càng lan rộng và quyết liệt.”
Chỉ thị nêu rõ phương pháp đánh là “tích cực, linh động và phổ biến”. Vừa phát động phong trào dân quân du kích rộng khắp, vừa phải tập trung chính quy ở những khu vực cơ động để chặn địch. Muốn vậy chỉ thị đã nêu nhiệm vụ đẩy mạnh chế tạo súng kíp, lựu đạn, địa lôi phát cho dân quân; Kêu gọi tinh thần xung phong gan dạ, tấn công đến cùng quân giặc. Phân tích những điểm mạnh của ta, điểm yếu của địch để phát huy thế mạnh của chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân chỉ thị nêu rõ: “Địch đánh ta ở trên, ta đánh địch ở dưới.
Bản đồ Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947.
Địch đánh ta ở Bắc, ta đánh địch ở Trung, Nam và Miên, Lào. Địch xâm phạm căn cứ địa của ta, ta đánh địch mạnh ngay trong bụng chúng. Địch đi lại ta chặt chân, phá đường của chúng. Bộ đội và dân quân du kích phối hợp, tùy hoàn cảnh, tùy điều kiện mà tiêu hao và tiêu diệt địch, ta phải nhè chỗ yếu của địch mà đánh. Địch yếu ở chỗ nào, chúng vận động trên đường, đằng trước và hai bên sườn hở. Ở chỗ chúng vừa nhảy dù hay đổ bộ chưa kịp đào hào, đắp lũy…Địch còn yếu ở chỗ nhảy xuống và vận động vùng rừng núi. Ta phải lợi dụng địa hình mà phục kích địch, dụ địch vào sâu mà tiêu diệt chúng. Đốt phá kho tàng, xí nghiệp của địch, triệt những tên việt gian…”
Thực hiện mệnh lệnh chiến đấu của Đảng, trên khắp các chiến trường ở Việt Băc, quân ta đã giành thắng lợi nhanh chóng. Việt Bắc đã trở thành “mồ chôn quân Pháp” với hơn 6000 tên địch bị loại, bắn rơi 16 máy bay, bắn chìm 11 ca nô và tàu chiến, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh khác của thực dân Pháp.
Nếu so với cuộc kháng chiến 9 năm thì Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông năm 1947 diễn ra và giành thắng lợi trong một thời gian tương đối ngắn. Từ ngày 5-10- 1947, địch ném bom xuống Văn Lãng dưới chân đèo De, ngày 7-10 địch nhảy dù xuống Bắc Kạn, đến khi kết thúc chiến dịch vào ngày 22-12- 1947, chỉ không đến 3 tháng. Chiến dịch Việt Bắc đã khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn cùng nghệ thuật quân sự đặc sắc của Đảng ta, trong đó nổi bật là nghệ thuật xây dựng, tạo lập thế trận toàn dân đánh giặc rộng khắp, vững chắc ngay từ đầu.
Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông năm 1947 đã làm thay đổi cục diện kháng chiến. Ta từ phòng ngự chuyển sang thế phản công làm thất bại hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”, buộc Pháp phải chuyển sang đánh lâu dài với ta, tạo điều kiện đến thắng lợi cuối cùng.
Hiện nay Bản Chỉ thị lịch sử vẫn được lưu giữ và giới thiệu tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. 70 năm đã qua, một văn bản ngay sau khi ra đời đã nhanh chóng trở thành hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân dẫn đến chiến thắng vang dội trong mùa Đông 1947, để Việt Bắc- Thủ đô gió ngàn trở thành niềm tin và hy vọng chiến thắng. Như nhà thơ Tố Hữu viết:
“Ở đâu u ám quân thù,
Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi
Ở đâu đau đớn giống nòi
Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền…”
TS Nguyễn Thị Tình