Chấn chỉnh lễ hội biến tướng, trục lợi

Không riêng lễ hội chọi trâu có truyền thống lâu đời như Đồ Sơn, thời gian qua nhiều lễ hội chọi trâu mới được phục dựng nhưng nghiêng hẳn sang mục đích thương mại. Tiền Phong tiếp tục ghi nhận ý kiến các chuyên gia xung quanh việc có nên xem lại di sản văn hóa phi vật thể của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.

Không xét lại?

TS Trần Hữu Sơn đứng về phe nhiều nhà nghiên cứu văn hóa bảo vệ quyết liệt cho các lễ hội truyền thống, kể cả những lễ hội hiến sinh hay có yếu tố kích động như chọi trâu. “Ở đâu chẳng thế, Tây Ban Nha cũng vậy, tôi không đồng ý việc vì một sự cố mà dẫn đến việc rút cả di sản văn hóa phi vật thể của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn”, TS Sơn nói. Ông cho rằng sự cố trâu húc chết chủ trâu ở Đồ Sơn là điều đáng tiếc, tuy nhiên cần nhìn tổng thể hơn. “Chúng ta nghĩ chọi trâu dã man, nhưng boxing thì sao, họ đấm nhau còn kinh khủng hơn thế”, ông Sơn nói.

Lễ hội chọi trâu có giá trị tâm linh to lớn đối với người dân xưa kia, tuy nhiên thời gian biến đổi khiến cho nó không còn phù hợp, nên chăng trả phần chọi trâu về các môn thể thao? Ông Sơn cho rằng lễ hội chọi trâu có thể mang lại tính giải trí như boxing, bóng đá và nó trở thành một sản phẩm du lịch đối với một số địa phương.

“Rất nhiều người lên án đấu bò tót Tây Ban Nha, nhưng chính quyền địa phương cứ làm vì cộng đồng ở đó vẫn muốn giữ. Tôi cho rằng phải xem xét dưới góc độ cộng đồng đó thực sự muốn gì”, ông Sơn nói. Ông cho rằng những người “ném đá” lễ hội do họ không chịu đi thực tế.

“Phải nhìn nhận thẳng thắn sự cố vừa rồi do công tác tổ chức sơ sài, luộm thuộm, một phần nữa do cả ông chủ trâu. Nếu con trâu đó được sử dụng thuốc kích thích phải nghiêm trị. Tôi nghĩ lễ hội chọi trâu vẫn nên tổ chức, nhưng phải làm thật tốt, kiểm soát thật chặt nhất là kiểm tra trâu đầu vào. Trưởng Ban tổ chức rất quan trọng, không được chủ quan. Không riêng lễ hội chọi trâu, nhiều lễ hội hiện nay người tổ chức thường mang tâm lý qua loa đại khái”, TS Sơn nêu quan điểm.

Trục lợi từ lễ hội

“Trong những năm qua chúng ta phục dựng quá nhiều lễ hội. Thực ra rất nhiều di sản không phải cái gì cũng phù hợp với thời nay nữa. Bởi vì mỗi một ngành di sản có một thời kỳ lịch sử, không gian văn hóa quyết định sự tồn tại của nó. Sự việc vừa rồi ở Đồ Sơn là hệ quả của việc phục dựng không có chọn lựa”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói.

Hai em bé đang xem đầu trâu vừa chọi xong bị chặt ngay tại chỗ. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Đến lúc chúng ta nhìn nhận lại giá trị thực tế của chọi trâu hiện nay? “Mang chọi trâu ra sân vận động để tổ chức, có bán vé, có cá cược với những hình ảnh chọi trâu tóe máu như thế không còn là di sản văn hóa nữa. Nó hoàn toàn là thể thao, hoạt động manh tính thương mại”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nêu ý kiến. Ông cũng nói thêm về công tác tổ chức hỗ trợ y tế ở lễ hội chọi trâu hết sức nghiệp dư. “Chúng ta cứ nhìn người bị nạn không được cấp cứu tại chỗ, lại được bê chạy như thế rất nguy hiểm”, Bùi Trọng Hiền nói.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam kiêm Tổng biên tập tạp chí Thế giới Di sản nêu quan điểm: “Lễ hội chọi trâu hiện nay mất đi giá trị truyền thống, bởi trâu thắng lẫn trâu thua đều bị đem giết thịt chưa kể còn bị lẫn lộn các con trâu khác vào để “cắt cổ” người mua. Tôi cho rằng đây là sự phản cảm, vô văn hóa ở lễ hội cần nghiêm túc chấn chỉnh. Cấm tổ chức ngay e khó, chúng ta cần hướng lễ hội trở về nguồn cội, tránh tính thương mại hóa và những hoạt động đi quá xa”.

Ông cho rằng động thái ban đầu của Hải Phòng kịp thời, tuy nhiên điều cần làm là “nghiêm túc kiểm tra, xác minh các vấn đề như sử dụng chất kích thích, có hay không có việc trục lợi bán thịt trâu tại lễ hội, cá cược ăn theo ra sao”. “Bên cạnh đó cũng cần xác minh, quy trách nhiệm rõ ràng cho UBND thành phố Hải Phòng, ngành văn hóa địa phương, UBND quận Đồ Sơn-đơn vị tổ chức. Nếu chúng ta chưa làm xong thì nhất định phải hoãn lễ hội”, PGS.TS Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh.

Ông nhắc lại lễ hội truyền thống đương nhiên phải gắn với sự tích vì “có bột mới gột nên hồ”. Thực tế nhiều nơi không có truyền thống, không có sự tích nhưng a dua tổ chức chọi trâu thì không gì khác ngoài mục đích thương mại.

“Với những biểu hiện như vậy, phải kiên quyết chấn chỉnh, không cho phép lợi dụng danh nghĩa lễ hội để trục lợi. Tuy nhiên điều quan trọng hơn ngành văn hóa phải nghiên cứu để có căn cơ lâu dài, không thể chạy theo giải quyết sự vụ như thời gian qua”, PGS. TS Đỗ Văn Trụ nói.

Phải bảo đảm an toàn

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy: “Hồ sơ công nhận di sản đã nêu rất rõ giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội, chính vì vậy lễ hội mới được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia. Chọi trâu chỉ là một phần của lễ hội này. Việc tổ chức nếu có biểu hiện lợi dụng để trục lợi, làm sai lệch, biến tướng giá trị của di sản văn hóa, không đảm bảo an toàn nhất là tính mạng của con người dứt khoát cần phải thay đổi. Với các lễ hội chọi trâu mới, từ năm 2015 Bộ có văn bản yêu cầu không tổ chức không phục dựng, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục có văn bản nhắc lại”.

Theo Tienphong.vn

Top