Cây tre trong lòng người Việt
"Tre xanh
xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc lá mong manh
Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi...”
Thơ Nguyễn Duy
Tre với nhiều loại khác nhau: trúc, mai, vầu, nứa..và được trồng khắp nơi trên mọi miền đất nước. Ở nước ta, có nhiều tộc người sống gần gũi cùng cây tre, lưu giữ nhiều giá trị văn hoá từ cây tre. Chính vì thế, cây tre chiếm một vị trí sâu sắc và lâu bền trong văn hoá của người Việt. Đặc biệt, trong tâm thức Việt, cây tre được coi là một biểu tượng của con người, của đất nước. Không ngẫu nhiên, sự tích của loại tre thân vàng đã được người Việt gắn với truyền thuyết về Thánh Gióng, một trong bốn vị thánh bất tử của dân tộc.
Từ thưở xưa, khi ta sinh ra lọt lòng mẹ đã được nằm trên chiếc nôi ấm áp, chiếc chõng đơn sơ, giản dị được làm từ tre cùng lời ru à ơi của bà, của mẹ. Khi lớn lên ta được nghe tiếng vi vu của sáo trúc, được ngâm mình trong nồi nước thơm có lá tre xanh mỗi dịp đông về. Thật hạnh phúc làm sao những ngày ấy. Hình ảnh ấy đã gắn bó với bao đời người Việt, đó là đặc trưng để nhận biết một nền văn hóa thuần nhất không thể xen lẫn với nền văn hóa khác. Chính vì thế, dù đi đâu về đâu, đã là người Việt không ai lại không nhớ đến lũy tre xanh đầu làng, với đàn trâu và lũ trẻ!
Cây tre chiếm một vị trí sâu sắc và lâu bền trong văn hoá của người Việt. (Ảnh: TL)
Cùng với mái đình, cây đa, bến nước, một hình ảnh quen thuộc, thân thương của làng Việt cổ truyền là luỹ tre xanh quanh làng. Với các luỹ tre xanh ấy, trong nhiều thời kỳ lịch sử, làng Việt đã trở thành những "pháo đài xanh" chống xâm lược, chống thiên tai, chống đồng hoá. Luỹ tre đã trở thành chiến luỹ và là nguồn vật liệu vô tận để chế tạo vũ khí tấn công và hầm trú ẩn cho các cuộc chiến tranh nhân dân và du kích lâu dài.
Gậy tre, chông tre kiên cường chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng đại bác, tre còn làm hầm ngụy trang và giữ bí mật... Tre bao bọc, che chở cho nguời Việt trong những đêm dài hành quân ra trận. Rừng là nhà, nhà ngụy trang bằng tre nứa, đất làm giường, nứa tre làm gối, tre đã cùng người lập nên những chiến công vang dội, hiển hách.
Những hiện vật thể hiện mối quan hệ giữa tre và con người Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc còn được lưu giữ rất nhiều trong các bảo tàng ở Việt Nam. Nào tầm vông, giáo mác, chông tre, những chiếc gùi tre đan xinh xắn, những ống tre tích nước, đựng nước... Tre đã cùng ta vượt bao gian khổ để đạt tới một tương lai sáng lạng với cuộc sống ấm no, giàu mạnh.
Cây tre vô cùng gần gũi trong đời sống người dân Việt Nam. (Ảnh: TL)
Trong chiến tranh, tre không chỉ đơn thuần là vũ khí đánh giặc mà tre luôn sát cánh cùng người con Việt Nam, tre cung cấp lương thực trong những ngày đói rét. Cái hương vị đăng đắng, ngọt ngọt của những bát măng rừng mãi là hương vị không thể nào quên trong trái tim của những người lính đã từng đi qua chiến tranh. Trong thời đại ngày nay, măng cũng luôn xuất hiện trong bữa ăn của các gia đình Việt Nam. Ta có thể gặp măng nấu canh, măng xào, măng luộc, măng nước, đặc biệt hơn cả măng đã được chế biến và xử lý để trở thành món ăn ưa thích của người nước ngoài, là nỗi nhớ, là món quà của người Việt Nam xa quê
Cây tre cũng gắn bó với người nông dân VN từ nghìn năm nay. Tre làm nhà cửa cùng vô số vật dụng thân quen: cái rổ, cái rá, cái cần câu, cái vó, cái đó, bè mảng, cầu ao và cả những cầu bắc qua những con mương, con kênh nhỏ…Trong sản xuất nông nghiệp những cái cày, cái bừa, cái rọ trâu, cái đòn gánh sẽ không thể có nếu thiếu bóng dáng tre.
Bao đời tổ tiên người Việt khai phá Đồng bằng Bắc Bộ được như ngày hôm nay là do đắp đê chống lụt, trị thuỷ. Những triền đê được giữ vững trước lũ lụt, bão tố, ngoài phần công sức của con người bồi đắp, còn có phần công sức của những bụi tre có tác dụng giữ đất, chống xói lở.
Tận dụng cây tre để phục vụ cho cuộc sống của người dân Việt (Ảnh: TL)
Năm tháng qua đi, đất nước đổi mới nhưng thấp thoáng đâu đó giữa phố phường Hà Nội, ta vẫn thấy những người nông dân kiêm tiểu thương với chiếc đòn gánh tre hay chiếc xe đạp thồ mang đôi sáo hay sọt tre đi bán hàng rong ngay bên những ngôi nhà cao tầng hiện đại, giữa dòng xe máy, ô tô ồ ạt. Người ta chợt hiểu vì sao Hà Nội xưa được gọi là "Kẻ Chợ" (tức một cái làng - chợ lớn). Trên tivi và sách báo nước ngoài, những hình ảnh đó đã trở thành một mô típ đặc trưng cho Việt Nam đang đổi mới và phát triển từ những truyền thống của riêng mình.
Hiện nay nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế và hiện đại hoá, nhưng người Việt Nam cũng không thể xa được những chiếc chõng tre, chiếu tre. Tre còn được ứng dụng trong thiết kế nội thất của nhiều khách sạn, quán ăn đắt tiền;là vật liệu sản xuất các mặt hàng xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần đáng kể vào công cuộc xoá đói giảm nghèo của Việt Nam. Một lần nữa, cây tre lại cùng với người Việt Nam vươn lên, vượt qua những thử thách của thời đại.
Thùy Linh