Cần phát huy Di sản văn hóa Phật giáo thời Lý trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay

Văn hóa là đề tài rộng, bao gồm vật thể và phi vật thể. Ở đây, chúng tôi chỉ nêu ra một vài khía cạnh về tư tưởng chủ yếu của Phật giáo dưới thời nhà Lý.

1. Sự ra đời nhà Lý 

Người lập nên Vương triều Lý là Lý Công Uẩn, người làng Cổ Pháp, Từ Sơn, Bắc Ninh nay. Ông mồ côi cha mẹ khi còn nhỏ, được Thiền sư Lý Khánh Văn đem về nuôi, cùng với sự chăm sóc của Thiền sư Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn đã trở thành người tài giỏi văn võ song toàn, giữ tới chức Điện tiền chỉ huy sứ dưới thời Tiền Lê (980-1009).

Sau khi Vua Lê Đại Hành (980-1005) mất, Triều đình trở lên hỗn loạn, các Hoàng tử tranh giành ngôi báu, chém giết lẫn nhau, cuối cùng ngôi vua rơi vào tay người con thứ năm là Lê Long Đĩnh (1006-1009),một ông vua càn dở tàn bạo. Chính vì thế, Lý Công Uẩn được quan lại trong Triều ủng hộ, cộng với sự trợ giúp của các thiền sư, ông được tôn lên ngôi vua, mở ra một triều đại mới - triều nhà Lý (1010-1225).

Nhà Lý tồn tại hơn hai trăm năm, qua chín đời vua (1 Nữ hoàng). Là thời đại thịnh trị, huy hoàng nhất trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến. Chúng ta có thể điểm qua những nét tiêu biểu của Triều đại này như: Chọn đất rời đô: từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La (Thăng Long - Hà Nội), đặt Quốc hiệu, củng cố bộ máy chính quyền dần hoàn thiện, Quân đội ngày càng vững mạnh: chấn Bắc bình Nam. Ban hành luật pháp trong cả nước, hệ thống đơn vị hành chính được phân định rõ ràng. Khuyến khích toàn dân phát triển nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp. Đặc biệt, vấn đề văn hóa xã hội, cũng như chính sách đối với dân tộc thiểu số rất được quan tâm.


Đền Đô (thuộc xóm Thượng, làng (xã) Đình Bảng (nay là phường Đình Bảng), thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), nơi thờ 8 vị vua nhà Lý. (Ảnh: TL)

2. Nét nổi bật của văn hóa Thăng Long

Văn hóa là đề tài rộng, bao gồm vật thể và phi vật thể. Ở đây, chúng tôi chỉ nêu ra một vài khía cạnh về tư tưởng chủ yếu của Phật giáo dưới thời nhà Lý. Như chúng ta đều biết, sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua, Ông cho dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Tại Kinh đô mới này, việc làm cần kíp đầu tiên là phát triển Phật giáo, bằng cách xuống Chiếu độ dân làm sư, xây nhiều chùa tháp, thỉnh kinh sách, mở trường giảng dạy Phật pháp. Sau đó, cho phát triển Nho giáo như: xây dựng Văn Miếu, mở Quốc Tử Giám; mở khoa thi Tam giáo tuyển dụng hiền tài phục vụ đất nước. Có thể nói, Triều Lý là triều đại đặt nền văn hóa mở, cụ thể là giao lưu, tiếp thu những nền văn minh tiến bộ đương thời, nhằm phát triển đất nước. Việc làm này của Triều Lý còn được được các triều đại về sau phát huy mạnh hơn, cao hơn, chẳng hạn như thời Trần (1225-1400), thời Hậu Lê và các triều đại tiếp sau. Tuy nhiên, theo chúng tôi, chỉ có văn hóa Thăng Long Đại Việt dưới thời Lý, thời Trần là thời kỳ huy hoàng nhất: cả võ công và văn trị. Dưới Triều Lý, Phật giáo có ba dòng thiền chính song song tồn tại và phát triển, đó là dòng Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Lý Công Uẩn là đệ tử Thiền sư Vạn Hanh thuộc thế hệ 12 dòng Tì Ni Đa Lưu Chi, Lý Thái Tông thuộc thế hệ thứ 7 phái Vô Ngôn Thông, Lý Thánh Tông thuộc thế hệ thứ nhất phái Thảo Đường. Như vậy, các vua đầu thời Lý, mỗi vị có những ảnh hưởng riêng của tông phái mình, không vị nào giống vị nào. Căn cứ vào tài liệu hiện có cho biết, phái Thảo Đường, trong 5 thế hệ nối pháp thì đã có 3 vị vua kế đăng của dòng thiền này . Như vậy, dòng thiền Thảo Đường rất hưng thịnh trong chốn Cung đình, chỉ tiếc trong sử liệu không ghi chi tiết, chúng ta khó biết được hành trạng của các thiền sư, cư sĩ - vua quan và sự thịnh hành của dòng thiền lúc đó.

Nhìn chung, Phật giáo Triều Lý là Phật giáo Đại thừa hay Tâm Tông, đều bắt nguồn từ tư tưởng bát nhã, có xuất xứ từ thời Đức Phật, khi truyền vào nước ta, đến thế kỷ X, đã được áp dụng hiệu quả trong việc dựng nước và giữ nước. Dưới Triều Lý, tư tưởng này càng phát triển mạnh hơn, không chỉ trong giới xuất gia, mà cả tại gia, nhất là hàng ngũ vua quan quý tộc. 
Có thể nói tư tưởng Bát nhã, là hệ tư tưởng rốt ráo trong giáo lý Phật Đà, nó phủ nhận mọi kiến chấp sai lầm, vọng tưởng về ngã và pháp. Xiển dương chính pháp qua lý duyên sinh, chỉ bày các pháp vốn không có tự tính, sự hiện hữu của các pháp là do hội đủ các điều kiện mà thành. Chính vì ảnh hưởng của trí tuệ bát nhã, với đức từ bi của Phật giáo đã thấm nhuần Vua Lý Thánh Tông, được thể hiện qua một số việc làm rất nhân ái, Đại Việt sử ký toàn thư chép, mùa đông, năm 1055, Vua Lý Thánh Tông bảo các quan tả hữu rằng: “Trẫm ở trong Cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khổ sở vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa”.

Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn ở Đền Đô (Ảnh: TL)

Hay một hôm, vua ngự xử kiện tại điện Thiên Khánh, có Công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào Công chúa bảo quan ngục rằng: “Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót. Từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất loạt khoan giảm”.

Cần phát huy văn hóa Thăng Long trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. 
Trong không khí tưng bừng cả nước đón chào Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sự kiện trọng đại trong lịch sử nước nhà, đối với người dân Việt Nam chúng ta thật là điều hy hữu chưa từng có, bởi lẽ 1000 năm mới có sự kiện này. Chính vì thế, Nhà nước đã thành lập một chuyên ban - Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, cùng phối hợp với các cơ quan, ban ngành tổ chức lớn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Ý nghĩa của việc tổ chức này là thể hiện tình cảm, đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với các thế hệ cha ông đã có công dựng nước và giữ nước, là dịp tôn vinh các giá trị truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đây cũng là dịp để giới thiệu và nâng cao tầm vóc Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung ở khu vực và trên thế giới”.

Gần hai năm qua, thực hiện nhiệm vụ trọng đại này, chúng ta đã làm được rất nhiều việc, nhất là việc xây dựng các công trình mới to lớn, hoành tráng phục vụ quốc kế nhân sinh, bảo tồn và phục chế những di tích cổ, nhiều sách vở được in ấn với nhiều chủ đề về văn hóa Thăng Long - Hà Nội, nhiều lời ca tiếng hát chào mừng. v.v.. Tuy nhiên, theo tôi, nếu chúng ta phục dựng được An Nam Tứ Đại Khí (4 linh khí lớn của Quốc gia), là biểu trưng của văn hóa Thăng Long Đại Việt, đó là tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh, tượng chùa Quỳnh thì ý nghĩa và vị thế của Thăng Long - Hà Nội càng lớn biết bao. Nó không chỉ là điều khích lệ đến tâm tư tình cảm của người dân trong nước mà còn đến cả nước ngoài. Tôi thiết nghĩ, với điều kiện kinh tế ngày nay, việc phục dựng những linh khí kể trên, không có gì là khó, nhưng không hiểu tại sao chúng ta không làm? Thật là điều đáng tiếc.

Thế còn các giá trị về văn hóa phi vật thể thì sao? Thực ra, điều này vẫn được tồn tại, nhưng rất mỏng, hiệu quả chưa cao và không sâu rộng. Ở đây, chúng tôi muốn nói đến văn hóa Phật giáo thông qua tự thân của từng cá nhân đến gia đình và xã hội. 

Như chúng ta đã biết, Đức Phật ra đời vì đại nhân duyên: “Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”. Suốt 45 năm giảng dạy, được kết tập thành Tam tạng kinh điển: kinh, luật, luận. Với nội dung bao hàm cả tư tưởng xuất thế gian và thế gian. Chỉ nói riêng về pháp thế gian, qua lý Duyên sinh và Tứ đế đã minh tỏ điều này, ngay trong cuộc sống thường nhật, chẳng hạn bài kệ ngắn có tính khái quát cao: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chân Phật giáo. Nghĩa: Không làm các điều ác, làm tất cả điều lành, giữ tâm ý trong sạch, đó là lời Phật dạy”. Nếu đi vào cụ thể hơn nữa, cho thấy mỗi người chúng ta đều là thừa tự của nghiệp do mình tạo ra, qua hành động của thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Tuy nhiên, nghiệp cũng có nghiệp tốt nghiệp xấu; nghiệp tốt đưa đến an lạc giải thoát, nghiệp xấu chịu đau khổ trầm luân…

Tế lễ ở Đền Đô (Ảnh: TL)

Chính vì không muốn những điều xấu xa đau khổ ấy, nên chúng ta cần phải tu, tu tức là kiểm soát bản thân mình, cũng gọi là tỉnh thức, phải lấy chính pháp để soi xét thông qua Bát chính đạo, gồm: Chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính định, chính tinh tiến, chính niệm. Thực hành Thập thiện như: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói vọng ngữ, không nói lưỡng thiệt, không nói ác khẩu, không nói lời nhơ bẩn, không tham dục, không sân giận, không tà kiến. Và cũng là điều tổ tiên chúng ta thường dạy con cháu phải: “tu nhân tích đức”. Thực ra, những điều kể trên, không mới, vì lời dạy của Đức Phật đã có cách nay hơn 25 thế kỷ. Nhưng nó mãi mãi vẫn là khuôn vàng thước ngọc cho nhân cách, đạo đức của một con người. Chính ý thức được giá trị nhân bản của văn hóa Phật giáo, mà các vua Triều Lý, Trần đã áp dụng tu cho mình, dạy dân tu, dựng nên trang sử vàng cho văn hóa Đại Việt. 

Hiện nay, những giá trị văn hóa truyền thống trên bị mờ nhạt, có thể nói còn nhưng rất ít, chỉ phảng phất ở những ngôi chùa hay một số gia đình có truyền thống tu theo Phật giáo; còn phần lớn lứa tuổi thanh thiếu niên không hiểu Phật giáo, không được học giáo lý Phật, và tất nhiên họ không tu Phật. Trong khi đó, sự hấp dẫn của vật chất, băng hình kích dục càng nhiều, sự hưởng thụ khoái lạc ngày càng cao, chính vì thế nhiều tệ nạn xã hội nảy sinh, làm cho luân thường, đạo đức ngày càng xuống cấp, gây bất ổn cho gia đình và xã hội. Thiết tưởng, chúng ta cần phải thúc đẩy phát huy mạnh hơn nữa tinh hoa văn hóa Thăng Long - văn hóa Phật giáo vào công cuộc xây dựng đất nước góp phần ổn định xã hội hiện nay. 

Thích Thanh Đạt
Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội

Top