Bình phong sơn mài hai mặt “Thiếu nữ trong vườn” và “Phong cảnh”

Đầu thế kỷ XX, trong khi chất liệu sơn còn giới hạn trong trang trí mỹ nghệ ở các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia châu Âu như Pháp, Đức, Hà Lan, Nga…, thì ở Việt Nam những nghiên cứu, thể nghiệm của các sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương vào những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ XX đã đem chất liệu sơn ra khỏi phạm vi nghệ thuật trang trí và mỹ thuật ứng dụng để trở thành chất liệu sử dụng trong sáng tác hội họa. Kết quả là hội họa sơn mài ra đời dựa trên cảm hứng từ cách tạo hình của phương Tây nhưng sử dụng nhựa cây sơn của Việt Nam để thể hiện đề tài, chủ đề về Việt Nam. Trong số các họa sĩ tạo dựng nên nền tảng hội họa sơn mài, Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993) được tôn vinh bởi sự tiên phong trong sáng tác nghệ thuật để đưa sơn mài Việt Nam lên vị thế cao quý trong hội họa. Bằng tài năng xuất chúng, ý thức tự tôn văn hóa dân tộc sâu sắc và lao động sáng tạo miệt mài, Nguyễn Gia Trí đã sáng tác nên những tác phẩm sơn mài lộng lẫy, thơ mộng về con người và phong cảnh Việt Nam như Bên Hồ Gươm (1935), Dọc mùng, Thiếu nữ trong vườn (1939), Chùa Thầy (1939 - 1940), Thiếu nữ bên hoa phù dung (1944), Trừu tượng (1968 - 1969), Vườn Xuân Trung Nam Bắc (1969 - 1989)…

Bình phong sơn mài hai mặt Thiếu nữ trong vườnPhong cảnh của Nguyễn Gia Trí, niên đại năm 1939, thuộc sưu tập các tác phẩm sơn mài của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tầm năm 1978 tại Dinh Bảo Đại ở thành phố Đà Lạt. Kỹ thuật xử lý chất liệu của Nguyễn Gia Trí đạt đến trình độ bậc thầy nên hiện trạng tổng thể bình phong tốt. Một số vết đạn bắn trên mặt tranh Thiếu nữ trong vườn đã được gắn vá. Các nhà nghiên cứu mỹ thuật đánh giá bình phong có giá trị đặc biệt xuất sắc về nghệ thuật, góp phần vào việc nghiên cứu sự giao lưu văn hóa Đông - Tây trên phương diện nghệ thuật tạo hình. Bình phong được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2089/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2017.

Tác phẩm bao gồm 8 tấm vóc ghép lại thành bình phong hình chữ nhật có kích thước 159 x 400cm (50cm x 8). Mặt thứ nhất của bình phong thể hiện bức tranh Thiếu nữ trong vườn. Mặt thứ hai thể hiện bức tranh Phong cảnh (còn được gọi là Dọc mùng). Mỗi tranh là một tác phẩm hội họa độc lập nhưng hợp lại thành tổng thể thống nhất về phong cách nghệ thuật đặc trưng của Nguyễn Gia Trí. Đó là bố cục chặt chẽ, hình mảng chọn lọc, chi tiết tinh tế, màu sắc đằm thắm và đậm chất lãng mạn, mộng mơ. Bình phong nằm trong số những tác phẩm sơn mài lớn được Nguyễn Gia Trí sáng tác ở thập niên 40 của thế kỷ XX - giai đoạn ông chuyên sáng tác về phong cảnh và thiếu nữ. Thiếu nữ trong vườn Phong cảnh là sự kết hợp hài hòa giữa lối tạo hình hiện đại phương Tây và tinh thần thẩm mỹ Á Đông, được thể hiện bằng chất liệu sơn của Việt Nam kết hợp với vỏ trứng, vàng, bạc, son, vừa lộng lẫy sang trọng, vừa lung linh sâu thắm. Tranh Thiếu nữ trong vườn đậm chất cao sang và trang nhã. Trên nền vàng lộng lẫy là hình ảnh các thiếu nữ duyên dáng áo dài thướt tha trong khung cảnh hoa lá, cây cỏ thơ mộng. Tinh thần thư nhàn toát lên từ sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên cảnh vật. Bằng sự nghiên cứu chắt lọc về hình và khả năng diễn tả chất liệu đặc sắc, Nguyễn Gia Trí đã khắc họa nổi bật vẻ đài các của mệnh phụ, tâm trạng mơ mộng của thiếu nữ tuổi đang yêu, nét hồn nhiên, ngây thơ của thiếu nữ mới lớn. Từ tà áo nhẹ bay trong gió, cành hoa lá mềm mại, khóm chuối xao động, đến dáng vẻ nhân vật và đồ vật giàu chất trang trí đều là những chi tiết đắt về hình được thể hiện bằng những đường nét bay bướm, thanh thoát. Sự sống động của nhân vật và khung cảnh đã hấp dẫn người xem vào thế giới sơn mài huyền ảo của Nguyễn Gia Trí. Đối lập với vẻ đẹp nhẹ nhàng của tranh Thiếu nữ trong vườn, tranh Phong cảnh diễn tả cây dọc mùng bằng đường nét vẽ khỏe khoắn. Những mảng vỏ trứng lung linh kết hợp với sắc đỏ của son, ánh rực rỡ của vàng, độ sâu thắm của sơn then và cánh gián đã làm cho khóm dọc mùng trở nên hấp dẫn đặc biệt, nổi bật giữa các cây cỏ xung quanh. Phong cảnh nông thôn Bắc Bộ Việt Nam qua tác phẩm này hiện lên lộng lẫy và sâu thắm. Khóm cây dọc mùng bình dị trở nên sang quý lạ thường qua tài năng tạo hình và khả năng diễn tả sơn mài đạt đến đỉnh cao của Nguyễn Gia Trí.

Ước mơ về một chất liệu sáng tác hội họa mang bản sắc dân tộc đã thôi thúc các sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương tìm tòi nghiên cứu để sáng tạo nên kỹ thuật sơn mài. Tuy nhiên, kỹ thuật và chất liệu chỉ là phương tiện để giúp người nghệ sĩ chuyển tải ý tưởng tạo hình, những cảm xúc và niềm đam mê. Tranh sơn mài Việt Nam trở nên nổi tiếng trên thế giới chính là nhờ vào sự cống hiến tài năng, trí lực và tâm huyết của Nguyễn Gia Trí. Đương thời, ông được suy tôn là người đứng đầu bộ tứ họa sĩ nổi tiếng của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn” (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn). Năm 1989, Nguyễn Gia Trí được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là một trong những họa sĩ đương đại có công trong việc xây dựng nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại và năm 2012, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tự hào là nơi lưu giữ, trưng bày bình phong sơn mài hai mặt Thiếu nữ trong vườn Phong cảnh, một trong những tác phẩm đặc biệt xuất sắc của danh họa Nguyễn Gia Trí.

PGS.TS Bùi Thị Thanh Mai

Top