Bình phong Phủ đệ ở Huế
Nơi lưu giữ những ánh hào quang quá vãng
Phủ đệ là tên gọi chung chỉ những ngôi nhà được dựng lên khi các hoàng tử, công chúa đến tuổi trưởng thành, được phép ra ở riêng. Phủ là nơi ở của các hoàng tử sau khi lập gia đình. Tùy theo tước vị của chủ nhân được Triều đình phong là tước công hay tước vương mà phủ ấy được gọi là Công phủ hay Vương phủ. Đệ là lối gọi tắt của từ đệ trạch, là nơi ở của Công chúa sau khi hạ giá, tức là Công chúa đã được gả chồng. Khi những ông hoàng, bà chúa ấy qua đời, tòa chính đường trong phủ, nơi ở của các ông hoàng, bà chúa lúc sinh thời trở thành nơi thờ tự vong linh của chính họ. Do vậy, phủ đệ là chứng nhân lịch sử của thời vàng son danh gia vọng tộc của lớp vương tôn, công nữ quyền quý xưa. Điển hình các phủ đệ Tùng Thiện vương, Tuy Lý vương, Kiên Thái vương, Mỹ Hóa công luôn được xem là di sản văn hóa sống động của đất cố đô, có từ Triều Nguyễn và vẫn còn tồn tại khá nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Bình phong Phủ thờ Khánh Quận Công.
Nghệ thuật đan xen phong thuỷ
Bình phong bắt nguồn từ các yếu tố “triều”, “án” trong phong thủy, chức năng chủ yếu là gia tăng tính bền vững của cuộc đất, ngăn chặn khí xấu và các yếu tố bất lợi xâm nhập vào phủ đệ. Ngoài ra, bình phong còn thực hiện chức năng trang trí mỹ thuật và trở thành một nhân tố không thể thiếu trong kiến trúc phủ đệ. Tuy có quy mô diện tích rộng hẹp khác nhau tùy theo tước vị của chủ nhân phủ đệ nhưng phủ đệ nào cũng có kiến trúc tổng thể giống nhau, từ cổng, ngõ, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân và nhà thờ.
Bình phong phủ đệ là một công trình kiến trúc mang nhiều giá trị về mặt thẩm mỹ, văn hoá nghệ thuật; đồng thời tập hợp các yếu tố tạo hình, các yếu tố này kết hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong một chỉnh thể thống nhất. Phủ đệ có thể trùng tu, tôn tạo qua các giai đoạn khác nhau nhưng các bức bình phong hàng trăm năm tuổi đều được con cháu gìn giữ nguyên trạng. Các đề tài trang trí bình phong phủ đệ ẩn luôn chứa nhiều giá trị tạo hình độc đáo, đi kèm là ý nghĩa tâm linh tinh tế với những biểu trưng nhất định. Các đề tài trang trí bình phong được thể hiện trên chất liệu nề vữa, khảm sành sứ nên dù bị phôi pha theo thời gian nhưng vẫn nhận ra nét tinh tế, tỉ mỉ, khéo léo ở từng chi tiết được các nghệ nhân sắp xếp một cách chính xác, phối màu hài hòa và có tính nghệ thuật cao.
Bình phong Phủ thờ Kiên Thái Vương.
Kiểu thức trang trí và những ý nghĩa biểu tượng
Trong quan niệm người Việt, rồng luôn là con vật linh thiêng, biểu tượng cho quyền uy, sức mạnh. Môtip rồng trang trí trên bình phong phủ Tùng Thiện vương, Kiên Thái vương được thể hiện khá đa dạng, có bố cục đơn hoặc xuất hiện cùng nhiều môtip khác. Hình rồng về cơ bản mang nét tạo hình: miệng rồng hé mở lộ răng nhọn, tóc xõa hình nan quạt, thân chạm vảy đơn hoặc kép.
Người xưa tin rằng “long mã” là hóa thân của kỳ lân, một trong tứ linh (long, lân, quy, phụng), là linh vật báo hiệu điềm lành; là biểu tượng của sự thông thái, trường thọ và hạnh phúc nên hình tượng của long mã xuất hiện nhiều trong kiến trúc bình phong. Đề tài trang trí hình lân hay long mã, người nghệ nhân cung đình xưa luôn tạo dáng cho chúng như đang chạy trên mặt nước, thể hiện biểu cảm của con vật linh. Trong cấu trúc long mã ở bình phong phủ Tuy Lý vương, Phú Bình quận vương, các nhịp điệu của hình thể long mã được tính toán thật tỷ lệ sao cho khép kín mặt phẳng của bình phong và tạo được ấn tượng sinh động, phản ánh chức năng biểu tượng cho chủ nhân của công trình.
Bình phong Phủ thờ Tuy Lý Vương.
Môtip phụng xuất hiện không nhiều bằng hình tượng long mã, rồng nhưng cũng được người ta tin rằng nó mang biểu tượng của phụ nữ. Dưới ý thức hệ Nho giáo, vai trò của người phụ nữ không được đề cao nên hình tượng phụng cũng được trang trí một cách khiêm tốn trên bình phong, thường xuất hiện trong dáng ngậm hàm thư đang bay, nằm trong biểu tượng của hệ thống bát bửu.
Môtip rùa xuất hiện ít nhưng ở các vị trí khác nhau, chúng được tạo dáng khác nhau. Lúc thì trên lưng rùa đội hòm sách hoặc cuốn thư, thanh gươm, cây bút… Đôi khi rùa được tạo dáng đội hình bát quái theo quan niệm vũ trụ quan Đông phương.
Phần trang trí ô vuông chữ nhật trên bình phong phủ đệ được đặt đăng đối, hài hòa về kích thước và màu sắc. Những vị trí này thường được trang trí bằng các môtip như hoa mai, hoa cúc, phật thủ, đề tài bát bửu và một số môtip hoa lá thiêng có tính chất tượng trưng, mang theo những biểu tượng ý nghĩa riêng. Tuy được cách điệu bằng nghệ thuật tạo hình nhưng hình bát bửu là hình ảnh của các vật cụ thể như đồng tiền, ô trám, gương đàn, sáo sách, tù và, hình quạt, lá, khánh, mang ý nghĩa gắn với sự giàu sang. Những loại hình của bộ bát bửu nêu trên đều được tạo hình bằng kỹ thuật điểm dải lụa uốn lượn bay bổng trong không gian, làm giảm đi sự khô cứng. Hình ảnh các loại quả như đào, lựu, quả Phật thủ biến thể thành đầu rồng, phụng cũng được thể hiện rất trau chuốt. Các mảng trang trí về đề tài tứ thời ở các ô, hộc trên bình phong phủ Tuy Lý vương đã tạo nên cảm giác hài hoà giữa trang trí và hình khối thẩm mỹ của kiến trúc một cách rõ nét với tính định hướng tâm linh lắng đọng. Trang trí chữ Thọ cách điệu kỹ hà và hoa văn dây trong ô hộc dài kết hợp với hoa văn mai rùa tượng trưng cho sự bền vững trường tồn mãi mãi. Thêm vào đó, hình hổ phù cũng được đắp nổi, gắn sành sứ bằng nề ngõa tạo hình cùng với mây xoắn trở thành biểu tượng của sự no đủ, bền vững.
Bình phong Phủ thờ Phú Bình quận vương.
Trên đỉnh mái bình phong phủ Mỹ Hóa công, hình tượng đôi rồng chầu về biểu tượng mặt trời, các nét khảm sành sứ tỉ mỉ, tinh xảo, đuôi và vẩy rồng ở đây mang dáng vẻ hiền hòa, gần gũi. Đó là sự kết hợp lưỡng long chầu nhật, lưỡng long chầu nguyệt đi cùng với môtip mây. Với kiến trúc bình phong, hình tượng rồng, mặt trăng, mặt trời, mây là những biểu tượng gắn với tầng trên, hoạt động của trời. Việc trang trí trên kiến trúc những môtip này cũng là thể hiện mong ước của con người có cuộc sống mưa thuận gió hòa, đảm bảo cho sự tồn tại và sinh trưởng của cư dân trồng lúa nước có đời sống gắn liền với thiên nhiên. Phía dưới đế bình phong có các họa tiết trang trí hoa văn mây, sóng nước, các hoa dây đan vào nhau trải dài phía dưới chân.
Đỉnh cao của nghệ thuật khảm sành sứ
Nghệ thuật khảm sành sứ được sử dụng phổ biến trên bình phong phủ đệ Tuy Lý vương, Tùng Thiện vương, Kiến Thái vương... Đó là những mảnh gốm sứ, mảnh chai cắt tỉa theo hình dáng và màu sắc, được gắn khảm rất tinh tế, bằng những chất kết dính (vôi hàu, mật mía đường) cùng những phụ gia kết nhuyễn (giấy dó, nhựa bông cẩn, dây tơ hồng). Các nghệ nhân cung đình xưa đã sử dụng kỹ thuật ghép khảm sành sứ trên chất liệu nề ngõa, tạo ra mối quan hệ khăng khít như chất kết dính, làm tăng thêm nét thẩm mỹ cho tổng thể kiến trúc bình phong, xóa đi ranh giới cứng nhắc, xù xì của chất liệu để làm toát lên tinh thần mềm mại, sinh động dưới mỗi môtip trang trí. Các chất liệu trong kỹ thuật nề ngõa, khi được kết hợp với nhiều chất liệu khác, tạo nên một bức tranh có vẻ đẹp hấp dẫn. Để tạo được hình tượng sống động, nghệ nhân phải có những chuẩn bị công phu về vật liệu, màu sắc nề họa, các vật phẩm trang trí khác.
Bình phong Phủ thờ Tùng Thiện Vương.
Qua các kiểu thức trang trí tạo hình tại bình phong phủ đệ, chúng ta có thể nhận thấy hoa văn trang trí đa dạng về kiểu thức, khác biệt, tinh tế và rất phong phú về đề tài. Những giá trị nghệ thuật trang trí bình phong phủ đệ bổ sung một phần đáng kể trong nghệ thuật trang trí Triều Nguyễn được thể hiện trên nhiều chất liệu tạo hình như nề vữa, khảm sành sứ,... Sự kết hợp này khá nhuần nhuyễn và tạo nên một tổng thể tạo hình nhất quán, hợp lý trên cùng một công trình kiến trúc, góp phần vào việc mở rộng hơn nữa về ngôn ngữ nghệ thuật trang trí Triều Nguyễn nói riêng, trong mạch nguồn nền mỹ thuật truyền thống dân tộc nói chung.
ThS Trần Văn Dũng