Biến đổi khí hậu đang đe dọa 31 di sản thế giới
Báo cáo mới của UNESCO, UNEP, Liên hiệp các khoa học liên quan (UCS) hợp tác cùng Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) công bố ngày 26-5-2016 khẳng định, biến đổi khí hậu hiện nay là nguy cơ lớn nhất đối với các khu vực di sản thiên nhiên thế giới về những lợi ích mà di sản cung cấp; bao gồm cả phúc lợi kinh tế thông qua du lịch bền vững.
Sau khi xem xét các dữ liệu và nhiều báo cáo, các nhà nghiên cứu cảnh báo 31 Di sản Thế giới tại 29 quốc gia đang bị đe dọa từ tình trạng biến đối khí hậu ngày càng nghiêm trọng, trong đó có các rạn san hô, các khu rừng nhiệt đới, sa mạc, các di tích khảo cổ... Một số bức tượng đảo Phục Sinh có nguy cơ bị mất đi ra biển do xói lở bờ biển. Nhiều trong số các rạn san hô quan trọng nhất trên thế giới, kể cả ở các đảo New Caledonia ở phía Tây Thái Bình Dương, đã bị tẩy trắng san hô - hiện tượng chưa từng có từ trước đến nay cũng liên quan đến biến đổi khí hậu.
Các trận siêu bão, nước biển dâng đang đe dọa Tượng Nữ thần Tự do ở thành phố New York; hạn hán và nắng nóng đe dọa Công viên quốc gia Bwindi tại Uganda; các cơn bão, tình trạng ngập lụt đe dọa bãi đá thời tiền sử Stonehenge; thành phố Venice nổi tiếng của Italy bị tình trạng nước biển dâng đe dọa.
Hồi tháng 12 năm ngoái, đại diện của 195 quốc gia đã đạt được Thỏa thuận Paris về chống biển đổi khí hậu, theo đó các nước cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và cố gắng giới hạn ở mức 1,5 độ C.
Các bức tượng ở đảo Phục Sinh có nguy cơ bị cuốn trôi ra biển do xói lở bờ biển. Ảnh: AP
Các nhà khoa học Liên hợp quốc nhận định văn kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ các di sản thế giới cho các thế hệ sau.
Tuy nhiên, mức tăng 2 độ C được nhìn nhận là không đủ để ngăn chặn các hiện tượng thời tiết cực đoan. Nước biển tiếp tục dâng cao, hạn hán xảy ra thường xuyên hơn và kéo dài hơn, nước sạch ngày càng khan hiếm. Trong trường hợp nhiệt độ vượt qua mức trần này thì tác động sẽ nghiêm trọng theo cấp số nhân.
Các báo cáo mới cung cấp một tập hợp các kiến nghị để giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu ở cấp độ của Công ước Di sản Thế giới. Chẳng hạn, khuyến cáo thêm khu vực hoang dã hơn vào Danh sách Di sản thế giới để hỗ trợ thích ứng và khả năng phục hồi của các loài và hệ sinh thái. Đồng thời, cũng cho thấy việc đánh giá các tổn thương của các khu vực di sản do biến đổi khí hậu.
Được biết, biến đổi khí hậu đã được xác định là mối đe dọa tiềm tàng lớn nhất đối với di sản thế giới trong cuốn sách Di sản thế giới IUCN – đánh giá toàn cầu đầu tiên về di sản thiên nhiên thế giới ra mắt vào năm 2014. Báo cáo mới một lần nữa xác nhận nguy cơ của biến đổi khí hậu đối với di sản thế giới về du lịch và văn hóa thông qua một loạt các trường hợp để nghiên cứu cụ thể. Trong đó, tập trung vào du lịch để minh họa mối đe dọa của biến đổi khí hậu có thể vừa tăng những nguy cơ hiện tại, đồng thời ảnh hưởng đến lợi ích xã hội và kinh tế của các khu vực di sản thế giới.
Theo UNESCO, khoảng 1.000 di sản trên thế giới ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực du lịch và cuộc sống của người dân bản địa. Gần 50% trong số này lại đang chịu tác động từ các hoạt động công nghiệp như khai thác than, khai thác dầu mỏ, phá rừng.
Hoàng Vân (tổng hợp)