Bia Đền Lý Thường Kiệt
Tự Đức năm thứ 13 ngày 29 tháng 8
Miếu Ngưỡng Sơn ở làng Ngọ Xá, tổng Ngọ Xá, huyện Vĩnh Lộc, phủ Quảng Hóa, tỉnh Thanh hóa do các làng Bùi, Đồ Yên Phú phụng thờ.
Thái úy người phường Thái Hòa hữu bạn thành Thăng Long, họ Lý, tên Thường Kiệt, còn gọi là Tuấn, tự Thường Kiệt hoặc khi xuất thân lấy tên tự để gọi.
Các vị tiền tổ chức phẩm hàm không được rõ, chỉ biết cụ sinh ra tên là An Ngữ giữ chức Sung bang lang tướng đời Lý. Bà cụ thân sinh họ Hàn, một người phụ nữ hiền lành phúc hậu. Năm 20 tuổi, đời Vua Lý Thái Tổ niên hiệu Thuận Thiên thứ 10 (Kỷ Mùi -1019), cụ sinh ông và sinh tiếp Thường Hiến.
Giữa đời Thánh Tông niên hiệu Thiên Thánh (1028-1053), cụ thân sinh đem quân đi tuần ở biên giới bị bệnh rồi qua đời. Năm ông mới 13 tuổi ngày đêm đau buồn khôn xiết. Chồng của người cô là ông Tạ Đức thường đến thăm và an ủi, nhân đó hỏi chí hướng của ông, ông thưa rằng: về văn học chỉ cần biết chữ để ký tên là đủ, còn võ phải học được như Vệ Thanh, Hoắc Khứ là đi vạn dặm lập công to, giữ được ấn hầu, làm vẻ vang cho cha mẹ, ấy là sở nguyện.
Lớn lên ông Đức khuyên lấy cháu là Tạ Thuần Khanh. Ông lo học đạo Tôn Ngô, đêm đọc sách, ngày luyện cung mã đến các phép xây doanh trại, bày trận địa đều tinh thông cả. Ông Đức còn khuyên học chữ nho, ông ngày đêm miệt mài học tập, rèn luyện ý chí để mong giúp nước.
Năm ông 18 tuổi, bà cụ thân sinh qua đời, ông cùng Thường Hiến lo việc tang chu tất giữ đạo hiếu, tự mình nấu lấy lễ vật để cúng tễ.
Hết tang, nhờ phúc ấm cha ông được vào đội kỵ binh giữ chức kỵ mã hiệu úy.
Năm thứ ba niên hiệu Lý Thái Tông, ông được vời vào cung, vào ngạch thị vệ để hầu cận vua, tiếp đến được cử vào Hoàng môn sảnh giữ chức: Hoàng môn chi hậu, rồi chuyển lên chức Nội thị đô tri, ông coi đây là sự hiển minh trong quan lộ để vinh thân vậy.
Còn có thuyết nói, Vua Lý Thái Tông dẹp và bắt được Nùng Trí Cao, ông xin hạ mức trừng phạt cho trở về quê, nhờ đó ông được vời vào nội thị.
Nói vậy, hai thuyết sau chưa đủ tin cậy.
Vua Thái Tông lên ngôi, ông có công lớn giúp đỡ nhà Lý, được Vua thăng chức bổng vệ, quân hiệu úy. Ông hết lòng phục vụ, ra sức siêng năng, nổi bật trong hàng tá hữu, được Vua ban chức Kiểm hiệu Thái bảo.
Ở phía Nam, bọn man di xúi dân làm rối loạn, vua biết ông là người thông minh, siêng năng cẩn thận, khoan hồng bèn giao cho ông làm Kinh phòng sứ vào Thanh Hóa, Nghệ An…Nhận lệnh vua, ông vào đến nơi bình tĩnh không dùng binh lực, lấy việc phủ dụ là chính. Ông phủ dụ dân khéo léo nên tất cả 5 châu, 6 huyện, 3 nguồn, 24 động đều quy phục và được yên ổn.
Năm Ất Dậu, năm thứ hai của niên hiệu Thiên Huống Bảo Tượng (1068) Vua ngự giá đánh Chiêm Thành, cử ông làm tiên phong tướng quân, ông tiến cử em là Thường Hiến cùng đi để hỗ trợ, được Vua đồng ý và cử Thường Hiến giữ chức Tán lý vũ úy. Đại quân ta gặp quân Chiêm Thành, ông và Thường Hiến chia làm hai cánh đánh phá, chém ba vạn, bắt được Vua Chế Củ và cầm tù cả thảy năm vạn tên. Chế Củ xin dâng ba châu: Bố Chính, Đại Lý, Ma Linh để chuộc tội, được tha trở về nước.
Vua Thánh Tông ban thưởng cho các người có công, đối với Lý Thường Kiệt là người có công đầu, Vua ban cho các chức: Phó quốc, Thái phó, Dao bình tiết độ sứ, Phụ quốc thượng tướng quân, Thượng trụ quốc khai quốc công, hiệu Thiên tử nghĩa nam.
Đến khi Vua Lý Nhân Tông(1072 - 1128) lên ngôi mới 7 tuổi, bà Lê Thái hậu mời ông vào cung dự chính sự, bèn cử Thái sư Lý Đạo Thành vào cai trị Nghệ An. Ông được gia phong chức Đôn quốc Thái úy, Đại tướng quân, Đại tư mã. Ông trong thì cầm đại chinh, ngoài thì trông Tư lữ dốc lòng lấy việc yên xã tắc làm vui.
Giữa niên hiệu Thần Vu (1069 - 1072) ông được phong chức Thái úy đồng trung thư môn hạ bình chương quân quốc trọng sự.
Năm Ất Mão, năm thứ tư của niên hiệu Thái Ninh (1072 - 1076), tri phủ Quế Chân Lưu Di láo xược âm mưu xâm chiếm nước ta. Tháng 11 Vua cử ông làm Binh Bắc thượng Tướng quân, Tôn Đản làm Phó tướng, chia 10 vạn quân thành 3 mũi tiến đánh Tống, thủy lục đều tiến, hãm thành Ung Châu, Liêm Châu, vây thành Ung Châu.
Tướng Trung Thủ Tiết đến tiếp viện, quân ta phục chờ ở cửa Cô Luân, chặn phá giặc, Thủ Tiết bị chém đầu.
Tháng Giêng năm thứ 5, ta vẫn chưa lấy được thành Ung Châu, ông bảo Tôn Đản cho quân dồn đất vào bao bì chồng lên nhau thành thang đất để trèo thành phá thế vây hãm. Quân lính ở 3 quận huyện mà ông bắt được nghe Lộ Bố, mọi người đều phấn khởi. Lộ Bố nói: Hỡi các quân quan thanh niên trợ dịch để bóc lột làm khổ dân, nay ta đưa quân đánh để mưu đưa lại cuộc sống thanh bình. Dân Tống thấy lời tuyên cáo đều mừng, đem trâu rượu khao quân ta. Từ đó, mỗi lúc dân Tống thấy cờ hiệu Lý Thường Kiệt đường xa thì nói đó là quan quân của cha họ Lý người nước Nam, rồi cùng nhau bày hương án bái phục bên đường. Nhờ đó mà uy danh ta lan khắp mọi nơi.
Tháng 3, ông từ Tống trở về nước.
Quân Chiêm Thành lại quấy rối phía Nam. Vua biết ông là người hiểu địa phương 3 châu trong đó, cử ông vào dẹp loạn. Ông vào phủ dụ và chiêu mộ dân dân về lại sinh sống, 3 châu được yên ổn ông mới về Triều.
Cũng năm đó, tướng nhà Tống là Vương An Thạch thấy Lộ bố văn nổi giận bèn tâu vua Tống. Vua cử Quách Quỳ, Triệu Tiết làm Chiêu thảo sứ, tổng chỉ huy 9 đạo quân gồm 216 vạn binh có đầy đủ tiền, lương thực cùng quân Chân Lạp xâm chiếm nước ta.
Ông phụng mệnh, đón giặc ở sông Như Nguyệt. Ta thắng lớn, quân Tống bỏ chạy, lợi dụng sự sơ hở của ta mà chiến lấy châu Quảng Nguyên.
Tháng 3 năm Đinh Tỵ, năm đầu của niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng (1076 - 1084), ta cử binh đánh Tống, nhưng để làm dân đỡ khổ, ông dùng biện pháp bàn hòa. Hẹn gặp nhau ở Quỷ Môn của Chi Lăng. Quân Tống đến, ông thiết lập hàng rào, mỗi bên lui quân cách nhau 5,6 lý, cờ trống uy nghiêm đối nhau. Quân Tống thấy không hy vọng đánh thắng ta nên đồng ý bàn hòa. Ông hứa để quân Tống rút lui về nước. Ta giao hòa cống voi.
Năm thứ tư, Tống trả lại ta châu Nguyên Bình cùng 6 huyện, ba động về ta cả.
Từ đó biên thùy phía Bắc ngưng việc binh đao.
Dân Tống có thơ: Vì tham voi Giao Chỉ để mất vàng Quảng Nguyên. Quân ta đã đè bẹp ý chí của xâm lược của Quỳ, Tiết.
Vua quý công lớn, phong ông Thiên tử nghĩa đệ (em vua) và cử ông vào Ái Châu, quận Cửu Chân, trấn Thanh Hóa trông coi việc quân và hưởng lộc vạn hộ ở Việt Thường.
Nhân khi nhàn việc công, ông qua núi Ngưỡng Sơn, yêu cảnh đẹp ông xây dựng chùa Linh Xứng và Thọ Thân đường ở núi tráng lệ này.
Tháng Giêng năm Tân Tỵ niên hiệu Long Phù (1108 - 1109), năm thứ nhất ông được vời về Thăng Long, gia phong chức Thái úy kiêm Nội thị phấn thủ đô ấp vệ thành điện nội ngoại đô tri sự.
Tháng 10 năm Quý Mùi năm thứ ba niên hiệu Long Phù, tên phù thủy Lý Giác ở Diễn Châu tung tin là có bùa phép biến cây cỏ thành người để lôi kéo một số dân làm loạn.
Ông được cử vào dẹp. Trước uy danh của Lý Thường Kiệt, Lý Giác bỏ chạy sang Chiêm Thành. Giác nói với vua Chiêm là Chế Ma Na bên nước ta đang rối ren, đem quân sang đánh đòi lại 3 châu mà Chế Củ đã hiến.
Tháng 2 năm Giáp Thân, năm thứ tư niên hiệu Long Phù, ông lại đi dẹp quân Chiêm, ông phá tan âm mưu và Chế Ma Na xin nộp lại 3 châu không dám đòi lại nữa.
Vua thấy uy danh ông lừng lẫy khắp di hạ, cho sáng tác nhạc ca ngợi ông và kính trọng đặc biệt, phong chức Phụ quốc Thái úy, Phủ thượng Thư lệnh, Khai phủ nghi đồng tán tỵ kiêm Ngự sử đại phu dao thụ chư chấn tiết độ sứ.
Tháng 6 năm Ất Dậu (1105) năm thứ năm niên hiệu Long Phù, đời Vua Lý Nhân Tông ông tạ thế, thọ 78 tuổi, táng ở xã An Lạc, huyện Kim Động.
Ông là một tướng tài nhiều mưu lược, phụng thờ ba triều Lý, công lao to lớn, nổi bật trong hàng tả hữu quan tướng trong triều, vua nhớ công lớn mà tặng ông chức: Suy thành hiệp mưu, Bảo tiết thủ chính, Tả lý dực đới công thần nhập nội điện đa trì, kiêm hiệu Thái úy bình chương sự, Việt quốc công, thực ấp vạn hộ, thực phong tứ thiên hộ, đặt tên húy là Mục Yên, đồng thời phong chức cho Thường Hiến.
Đến đời Vua Lý Anh Tông năm đầu niên hiệu Thiệu Minh (1138 - 1175) sức cho các quan trấn sứ lập đền thờ giao cho hai tổng Hoàng Xá và Ngọ Xá phụng thờ mãi mãi là đền quốc tế, về sau các kỳ đảo đều có linh ứng.
Đến đầu đời Trung Hưng nhà Trần (1285 - 1293), năm thứ nhất có sắc phong Trung Phụ, năm thứ 4 gia phong Dũng Vũ.
Năm thứ 21 đời Vua Trần Anh Tông niên hiệu Hưng Long (1293 - 1314) tấn phong Uy thắng đại vương.
Tiếp đó đến nay là Phúc thần, qua các kỳ đại, các vua đều tặng ông đến 258 mỹ tự (chữ vàng).
Qua mưa nắng lâu ngày, đền thờ có xuống cấp bị hư hỏng lại thêm tổng Hoàng Xá không chịu theo phép nước, bỏ phụng thờ, năm đầu Lê Trung Hưng, nghĩ đến công phù Lê diệt Mạc bèn chỉ thị cho dân xã Ngọ Xá tu sửa lại đền. Nhà vua còn cấp thêm 20 đạo lệ hàng ngày lo việc tế lễ và 18 sái phu. Đền vẫn giữ cấp quốc tế như cũ.
Việc tế lễ trong thời gian có bị phai mờ, nhưng thần tích còn liệt kê các kỳ tế lễ như sau: Hàng tổng chỉ có đảo vũ mới mới hội tế ở đền này, hàng xã có 7 làng mỗi năm tế vào ngày 25 tháng Giêng, hàng binh thì mỗi năm xuân thu nhị kỳ, còn các tế lễ khác giao cho 3 làng thờ tự.
Từ ngày Thái úy được phong Phúc thần thì có nhiều nơi lập đền thờ. Ở Bắc kỳ có hai huyện Kim Động và Vĩnh Thuận. Ở Hậu Lộc có miếu thờ trước chùa cũng có bia ghi công đức (tức chỗ chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh xã Văn Lộc huyện Hậu Lộc bây giờ - Người dịch).
Ông công đức rất lớn, thần phả chưa được đầy đủ mà muốn tìm thêm sự tích thì lai lịch chưa rõ ràng. Nay các ông Phó tổng Phạm Xuân Hoa, lý trưởng 3 làng: Phạm Đình Hợp, Phạm Đình Thường, Ngọ Bá Uy cùng nhau bàn bạc muốn ghi sự tích Thái úy vào bia đá để cùng bia Linh Xứng mãi mãi lưu truyền. Các ông Tú tài sưu tầm viết lời văn
Trộm nghĩ nói sự tích Thái úy có thể so với tài cao của Tử Trường, công lớn của Tôn Vũ Bộ, Liên Hoàng Thái là những bậc khác thường, người đời cũng không ngoa lắm.
Nay dựa vào sự tích núi Ngưỡng Sơn bất hủ, nghiên cứu sử Việt và sử Tống và các truyện dân gian truyền lại tất cả hợp lại để tham khảo và đính chính ghi lại thành hệ thống và viết nên lời bia.
TS Phạm Văn Đấu