Bí ẩn về những cái giếng ở Hà Tĩnh

Không biết những cái giếng làng này có từ bao đời nhưng người dân cứ gọi đó là những cái “giếng thần”. Hàng trăm năm qua, dù trời có hạn hán, chua phèn mấy thì nước trong các giếng này luôn cứ trong xanh, ngọt mát, không bao giờ cạn...

Nông nhưng không bao giờ cạn

Tìm hiểu về câu chuyện xung quanh những chiếc giếng này chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Lê Văn Nhuận (85 tuổi), xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh.

Ông Nhuận cho hay, “giếng thần” Mai Lâm của làng ông nằm ở cánh đồng Chuôn, cách nguồn nước mặn chừng 50m, độ sâu 3m, được ghép đá theo hình vuông, đường kính rộng 1,2m, phía dưới đáy giếng làm bằng khuông gỗ, bốn phía ghép bốn tấm gỗ cao 80cm, chiều rộng 1m. Điều đặc biệt là giếng không hề khô cạn dù về mùa khô hạn hán, xóm làng cây cối khô héo, ao hồ sông suối cạn kiệt, đồng ruộng nứt nẻ…đây là một điều bí ẩn mà người đời xưa xây dựng.

Theo cán bộ Bảo tàng Hà Tĩnh, hiện tại Hà Tĩnh có hàng chục giếng nước kỳ lạ, trong đó có 15 giếng vẫn còn nguyên giá trị từ thời Chăm Pa

Để minh chứng cho câu chuyện về “giếng thần” là sự thật, ông Lê Văn Trực (80 tuổi), người gần cả cuộc đời ăn nguồn nước từ giếng nước này cũng kể: Ngày trước, tôi được làng cử xuống giếng làm vệ sinh, gầu múc liên tục nhưng thấy bốn góc dưới giếng có bốn cái mạch nước chảy ra to lắm, múc bao nhiêu cũng không hết nước được.

Không chỉ ở xã Mai Phụ mà tại xóm Tân Giang, xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh cũng có hai “giếng thần”. Một giếng đã được người dân sửa chữa và người dân không còn sử dụng hàng ngày nhưng nước luôn trong xanh. Còn một giếng sâu gần 3m nằm trong nhà của ông Mai Văn Phong. Giếng này cách nguồn nước mặn chừng 70m, trong vùng ai đào giếng khi có nước đều bị nhiễm phèn, nhiễm mặn và nhanh hết nước nhưng cái giếng này thì lại luôn trong mát và không bao giờ hết nước.

Hầu hết các giếng đều nằm gần các cánh đồng, cách nguồn nước mặn chừng 50m, độ sâu chừng 2,5m, được ghép đá theo hình vuông, đường kính rộng 1,2m, phía dưới đáy được làm bằng khuông gỗ, bốn phía ghép bốn tấm gỗ cao 80cm, chiều rộng 1m

Còn cái giếng ở xóm Bắc Vĩnh Quyền, xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên thì xung quanh là đầm lầy, nước rất bẩn nhưng nước trong giếng thì lại ngon ngọt. Từ bao đời nay cả xã Cẩm Huy sống chung với nguồn nước ô nhiễm và nay được thay bằng nước máy nhưng gia đình anh Trần Hữu Minh lại vẫn dùng nước ở “giếng thần” phục vụ cuộc hàng sống hàng ngày, anh Minh cho biết…

Nói về sự phát hiện các “giếng thần” trên địa bàn Hà Tĩnh, ông Lê Bá Hạnh, nguyên cán bộ nghiên cứu, Phòng Di sản Văn hóa,  Sở VHTTDL Hà Tĩnh, cho biết: Tại Hà Tĩnh có hàng chục giếng nước kỳ lạ, trong đó có 15 giếng vẫn còn nguyên giá trị từ thời Chăm Pa. Các “giếng thần” này từ bao đời nay được người dân sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Hiện 15 giếng thì có 5 giếng nằm trong nhà của 5 hộ dân và được họ sử dụng phục vụ sinh hoạt gia đình, vào mùa hạn hán cả làng kéo nhau đến lấy nước về sinh hoạt. Có một đặc điểm chung là những cái “giếng thần” này là chỉ sâu vài ba mét, nước luôn trong xanh và mát ngọt tự nhiên.

Bảo vật của làng

Mặc dù hiện nay, “giếng thần” không còn được sử dụng nhiều nhưng người dân vẫn luôn coi trọng, bảo vệ như những báu vật của làng.

Cụ Nguyễn Hữu Ứng (85 tuổi), xóm Bắc Vĩnh Quyền, xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên nhớ lại: “Vào năm 1936, có một ông cố thủ làng là người luôn chăm sóc giếng. Vào ngày lễ, ông đem đồ ra giếng cúng. Giếng bị xuống cấp, ông cố thủ bỏ tiền ra cho dân làng tu sửa. Khi ông qua đời thì nước đang trong xanh, ngọt mát tự nhiên lại chuyển sang màu vàng, chua phèn. Sau khi thi hài cụ cố thủ được chôn cất xong thì nước giếng trở lại trong xanh như ban đầu”. 

Hàng trăm năm qua, người dân chỉ thấy nước trong các giếng này dù trời có hạn hán, chua phèn đến mấy thì nước trong các giếng này luôn cứ trong xanh, ngọt mát, không bao giờ cạn...

Kể về “giếng thần” làng mình ông Phan Lý Đại (75 tuổi), một nhà giáo về hưu, ở xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân cho biết: “Giếng làng ở vùng này có linh khí và linh thiêng. Không biết có phải trùng hợp không nhưng cách đây mấy năm, khi người ta bỏ bê và lấp mất giếng ở Mỹ Lộc thì từ đó làng này hay xảy ra tai nạn”. Từ xưa, Xuân Viên đã có một lễ hội độc đáo là hội Vực Thuồng Luồng, hay còn gọi là lễ hội đánh cá Đồng Hoa. Lễ hội bắt đầu vào ban đêm, vào một ngày trong năm không định trước. Lúc này, cư dân các vùng Mỹ Dương, Tả Ao, Tiên Cầu, Uy Vực… tổ chức thành nhiều đoàn người mang nơm, nhủi, rổ đổ về vực Thuồng Luồng đánh bắt cá. Đến sáng sớm hôm sau, số cá thu được sẽ đem về, dùng nước giếng làng làm sạch, nấu chín đem cúng thần linh tổ tiên.

Các giếng này đều đặc biệt là nằm gần các đền thờ của các vị vua, danh tướng các thời trước đây

Ông Đại tự hào: “Cho đến bây giờ, nhiều phong tục không còn nhưng có một điều là người ở vùng đất này vẫn đôn hậu, hiền hòa và hiếu học. Hiện thời, tính chưa đầy đủ thì Xuân Viên có 6 tiến sĩ, 20 thạc sĩ, 300 cử nhân. Đặc biệt, xã Xuân Viên có tới trên 400 nhà giáo, không dễ mấy vùng đất có được”…

Bài và ảnh: Thân Ba

 

Top