Bếp lửa trong tâm linh, tín ngưỡng của người Tày

Với người Tày, bếp lửa luôn chiếm vị trí quan trọng trong tâm thức của họ. Bếp lửa mang hơi thở cuộc sống sinh hoạt, nét đẹp văn hóa truyền thống và là không gian văn hóa thiêng liêng của gia đình.

Người Tày có nhiều tục lệ, trong đó sự sùng bái thần linh và tổ tiên luôn mang trong tâm thức, mà bếp lửa là trung tâm. Theo phong tục truyền thống của người Tày, khi ngôi nhà được dựng xong, việc đầu tiên là rước thần lửa vào nhà. Người Tày luôn tin tưởng vị thần này sẽ giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt và mang lại may mắn, hạnh phúc cho ngôi nhà của mình. 

Bếp của người Tày là không gian linh thiêng và thường gắn với nhiều kiêng kỵ. Việc làm bếp lửa cũng phải thật chu toàn, cẩn thận không để phạm đến thần linh. Gia chủ phải chọn được ngày lành, tháng tốt để làm bếp. Việc đắp bếp thường phải xem ngày đẹp ứng với gia chủ. Tuy nhiên ngày đẹp nhất chính là ngày 30 Tết khi thần bếp về trời báo cáo chuyện trần gian với Ngọc hoàng. 

Người Tày có rất nhiều tục lệ về bếp lửa, tạo nên những mối giao cảm đặc biệt giữa con người với thần linh được thể hiện bằng một hệ thống những nghi thức ứng xử với thần linh rất mạch lạc, trong đó bếp lửa là trung tâm. Người Tày coi bếp lửa cũng là một vị thần, những gia đình có người làm mo, làm then đều phải lập bàn thờ cúng thần lửa (thần bếp). Bếp lửa mang đến sự ấm áp, hạnh phúc, sự làm ăn may mắn, phát đạt, nên bếp lửa không bào giờ tắt. 

Việc đun bếp cũng có những quy tắc nhất định. Đun củi không được cho ngọn vào trước, sợ cây trồng sẽ không mọc được, ảnh hưởng xấu đến việc sinh nở. Nhà có tang không được đun củi lấy từ những cây mà họ cho rằng có thần linh trú ngụ như cây si, cây móc; không được đun rơm, rạ vì sợ đốt mất hồn lúa, hồn cây.

Khác với người Kinh, người Tày lại lấy ngày Tết Nguyên đán là ngày ông Táo về chầu Trời. Ngày 30 Tết, sau khi cúng lễ tất niên xong, bếp lửa được nghỉ đến 3 giờ sáng ngày mùng Một, không ai được đun nấu gì trong thời gian đó, để Vua bếp lên Thiên đình báo cáo công việc của gia đình. Người ta cho một cái kiềng ba chân đặt ngược dưới bàn thờ cúng thổ công (người Tày cúng thổ công ở góc nhà). Sáng mùng Một Tết, gia đình phải làm lễ khai bếp. Người đàn ông chủ gia đình (ông bố hoặc con trai trưởng), duy nhất một lần trong năm, giữa đêm Giao thừa hoặc dậy sớm đi lấy nước thiêng ở đầu nguồn hoặc giếng về nhóm bếp, đun nước lá thơm cúng tổ tiên, nấu nồi cơm đầu tiên, và cho cả gia đình rửa mặt, chúc cho cả gia đình một năm mới mạnh khoẻ, bình an, no đủ. Còn lại, quanh năm người con dâu hoặc con gái lớn có trách nhiệm dậy sớm hơn mọi người, nhóm bếp đun nước ấm để đảm nhiệm việc bếp núc. Người phụ nữ trong gia đình, đặc biệt là con dâu, không kể trưởng hay thứ phải là người có trách nhiệm giữ cho bếp lửa luôn ấm hơi lửa, không bao giờ tắt.

Người con dâu khi về nhà chồng, việc đầu tiên là đi qua bếp lửa chất một que củi vào bếp mới được đi vào buồng. Con gái lớn lên, khi đi lấy chồng phải vái lạy tổ tiên, lạy ná tang, khóp tang (trước cửa) và lạy bếp lửa mới được bước ra khỏi cửa. Tục lệ này rèn luyện, giáo dục cho người phụ nữ Tày phẩm chất chăm chỉ, chu đáo, đảm đang. Mặt khác, cũng thể hiện sự phân công rõ ràng trong gia đình và khẳng định vai trò quan trọng của người phụ nữ.

Ngay cạnh bếp chính bao giờ cũng đặt một ống tre để thờ thần bếp lửa. Đây là nơi trú ngụ của vị thần bếp lửa trong nhà. Người Tày tin tưởng vị thần này sẽ giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt và mang lại may mắn và hạnh phúc cho gia đình. Do đó, vào ngày mùng Một, Rằm, ngày Tết hay có việc liên quan đến gian bếp họ thường thắp hương cúng thần bếp lửa. Đêm 30 và sáng mùng Một Tết, các gia đình thường cúng thần bếp thịt, bánh, rượu. Có gia đình cúng thêm cá để cầu mong vị thần bếp lửa sẽ giữ ấm ngọn lửa may mắn cho gia đình, dòng tộc.

Theo phong tục truyền thống của người Tày, khi ngôi nhà được xây xong, việc đầu tiên là rước thần lửa vào nhà. Người Tày luôn tin tưởng vị thần này sẽ giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt và mang lại may mắn, hạnh phúc cho ngôi nhà của mình. Người Tày cũng có quy định riêng trong việc bố trí vị trí của bếp lửa. Theo đó, bếp lửa không cùng hướng bàn thờ tổ tiên mà thường đặt ngang gian nhà.

Người Tày có truyền thống từ xa xưa, ông bà, bố mẹ đã luôn nhắc nhở con cháu, là khi ngồi cạnh bếp lửa không được đặt chân lên kiềng, lên bếp hoặc xê dịch các đồ đã được sắp đặt khi tế lễ. Khi lấy củi vào bếp không được đặt củi xuống nền mạnh, không được bổ củi trong bếp; không được khạc nhổ ở xung quanh hay ngồi quay lưng lại bếp lửa, vì như vậy sẽ thiếu kính trọng với thần bếp. Cửa bếp lửa, nơi đưa củi vào phải hướng về phía sau, chứ không được quay về hướng cửa ra vào. Ngoài ra còn nhiều điều kiêng kị khác với bếp lửa.

Nếu trong đời sống sinh hoạt, lửa dùng để phục vụ cho những hoạt động thường nhật của người Tày như nấu ăn, đun nước, sắc thuốc uống, nấu nước thuốc tắm cho trẻ em, phụ nữ khi sinh nở, thì trong đời sống tinh thần, lửa mang một ý nghĩa vô cùng tinh tế, sâu sắc. Văn hóa tinh thần về lửa gắn liền với ngôi nhà sàn của họ. Căn nhà sàn của người Tày như một biểu tượng cho người đàn ông trong gia đình, vững chãi, chắc chắn, bao dung, khoáng đạt, còn bếp lửa trong ngôi nhà sàn ấy chính là hiện thân của người phụ nữ, mang lại sự ấm áp, chu đáo, với nguồn năng lượng tích cực cho các thành viên. Bếp lửa ủ ấm cả ngày đêm mang lại sự ấm áp và xua đi rủi ro bệnh tật. Giữ ấm cho bếp lửa chính là giữ ấm phần hồn của ngôi nhà và nuôi dưỡng sinh khí, năng lượng cho cả gia đình.

ThS LÝ THỊ CHIÊN