Bảo vật quốc gia Tượng Quan âm Bồ tát chùa Hội Hạ
Việc thờ và tạo tượng Quan Âm ở Việt Nam đã được nhắc tới trong văn bia thời Lý, Trần, tuy nhiên văn bia nhắc đích danh tới việc tạo tượng Diệu Thiện sớm nhất hiện biết cho tới nay là văn bia Tam giáo tượng minh bi ở chùa Cao Dương (Thái Bình), thế kỷ 16. Kinh truyện về đức Quan Âm Diệu Thiện có nhiều dị bản, nội dung cơ bản đều kể việc: Đức Phật bà vốn là con gái của Vua Trang Vương, có nhan sắc và mộ Phật. Một lòng phát nguyện từ bi cứu độ chúng sinh, bà đã từ bỏ vinh hoa phú quý, vượt mọi chướng ngại để tu hành đắc đạo. Những kinh truyện linh nghiệm truyền tụng về Diệu Thiện đều cho ta thấy bóng dáng các ứng thân Quan Âm đồng loạt hiện ra.
Phật bà Quan Âm chùa Hội Hạ
Pho tượng Quan Âm chùa Hội Hạ là một trong những pho tượng gỗ có phong cách nghệ thuật sớm nhất hiện còn. Pho tượng có kích thước lớn, các thành phần tượng được ghép từ nhiều miếng gỗ lớn, nhỏ bằng nghệ thuật tạo tác đạt ở đỉnh cao của nghề gỗ. Tượng Quan Âm chùa Hội Hạ có kết cấu chia làm 2 phần chính: Phần thân tượng và phần bệ tượng. Các dấu vết còn lại đến nay cho thấy pho tượng đã từng được sơn son thếp vàng toàn bộ cả thân và bệ tượng. Phần tượng thể hiện là hình ảnh Phật bà Quan Âm 42 tay. Đầu đội mũ thiên quan, gương mặt đức bà tròn đầy thể hiện nhan sắc mà chị Hằng ở cung Quảng Hàn cũng khó bề sánh kịp. Những bắp tay căng tròn, những bàn tay với ngón tay mềm, mũm mĩm, duyên dáng đang vươn ra tựa bông cúc đại đóa đang chuẩn bị bung nở. Trong số 42 tay, đôi tay chính chắp trước ngực ở thế liên hoa hợp chưởng, hai tay đặt dưới lòng kết thủ ấn Thượng phẩm thượng sanh1. Mỗi bên vai 19 cánh tay tỏa sang hai bên, xòe mở, mỗi tay tượng đều cầm pháp khí. Có thể nhận thấy một số pháp khí như: Sổ châu thủ; nguyệt tinh ma ni thủ; ngũ sắc vân thủ; bảo kiếp thủ; bảo bát thủ; cô lâu trượng thủ; bảo kiếm thủ; ngọc hoàn thủ; bàng bi thủ; quyến sách thủ; Thí vô úy thủ; cung điện thủ; như ý bảo châu thủ; bảo luân thủ; nhật tinh ma ni thủ; bảo kinh thủ; bảo loa thủ; quân trì thủ; bảo kính thủ... Nhiều pháp khí đến nay không còn nhưng ta vẫn có thể bổ sung khi đối chiếu Tứ thập nhị thủ nhãn đồ2 của chú Đại Bi3.
Phật bà Quan Âm chùa Hội Hạ
Phật bà Quan Âm 42 tay chính là sự hiện hình thiên thủ thiên nhãn. Đức Quan Âm Diệu Thiện vì cắt tay, móc mắt chữa bệnh cho cha mà sau hiện hóa ngàn tay ngàn mắt. Mặt khác, việc tạo tượng với 42 thủ nhãn ấn pháp thể hiện diệu dụng của chú Đại Bi. Đức Quan Âm, ngài phát nguyện sinh ngàn tay ngàn mắt, có thể làm lợi ích an vui cho tất cả chúng sinh với thần chú (Đại Bi). Bồ Tát Quan Thế Âm vì muốn cho chúng sinh được an vui, được trừ tất cả các bệnh, được sống lâu, được giàu có, được diệt tất cả các nghiệp ác tội nặng, được xa lìa chướng nạn, được tăng trưởng công đức của pháp lành, được thành tựu tất cả các thiện căn, được tiêu tan tất cả sự sợ hãi, được mau đầy đủ tất cả những chỗ mong cầu mà nói ra thần chú này.
Phần bệ tượng chia làm hai. Phần trên là quỷ đội tòa sen, Thiện Tài Đồng Tử và Long Nữ đứng trên đài sen trồi lên từ mặt bể; phần dưới là bệ lục giác, mặt trên bệ lục giác thể hiện “biển Nam Hải”. Bệ lục giác giật cấp 3 tầng với nhiều lớp trang trí thể hiện những hình ảnh hoa cỏ, động vật vừa ở thế giới thực vừa ở thế giới Phật thoại như: Rồng, cá hóa rồng, kỳ lân, sư tử, garuđa, hoa sen, hoa cúc… vô cùng đẹp đẽ, sinh động, được thể hiện bằng phong cách nghệ thuật đặc trưng của thế kỷ 16. Tòa sen có 3 lớp cánh sen múp tròn, các trang trí xoắn tạo hình tựa bông hoa ở đầu cánh sen, một hình thức trang trí thường gặp của nghệ thuật nửa cuối thế kỷ 16 sang đầu thế kỷ 17. Hình tượng Thiện Tài, Long Nữ đứng trên tòa sen nổi lên từ mặt bể, sóng hàng 2 bên có tỷ lệ nhỏ hơn rất nhiều so với tượng Quan Âm nhưng các đường nét trên gương mặt, trang phục và tỷ lệ cơ thể rất hài hòa, đường nét tinh tế. Long Nữ hai tay dâng ngọc gợi lại tích truyện Long Vương dâng đức Quan Âm viên dạ minh châu.
Hình ảnh đức Quan Âm nhiều tay ngồi trên tòa sen được đỡ bởi quỷ trên “biển Nam Hải”, có Thiện Tài Đồng Tử và Long Nữ theo hầu là hình ảnh quen thuộc trong nghệ thuật tạo tượng Quan Âm Nam Hải bằng gỗ các thế kỷ 16 - 17 - 18 trong chùa Việt. Tuy vậy, chính sự hiện hóa vô cùng của đức Quan Thế Âm đã tạo điều kiện cho những nghệ nhân làm tượng Phật giáo được thỏa sức sáng tạo, tạo ra những mẫu hình tượng Quan Âm có ngôn ngữ biểu đạt về sắc tướng và tạo hình rất riêng. Pho tượng Quan Âm chùa Hội Hạ có kích thước lớn, nghệ thuật tạo hình đặc sắc: Hoành tráng trong tổng thể mà vẫn giữ được sự tinh tế, duyên dáng trong từng chi tiết. Tính chất toàn vẹn, sự thống nhất về mặt phong cách tạo tượng sớm đã làm tăng giá trị nghệ thuật và giá trị lịch sử của pho tượng, xếp pho tượng vào hàng Bảo vật quốc gia.
ThS Vũ Thị Hằng