Bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống gắn phát triển du lịch ở Tiền Giang

Những năm gần đây, lễ hội văn hoá truyền thống đã trở thành một loại hình du lịch phát triển mạnh ở mỗi địa phương và ngày càng có sức thu hút đối với khách du lịch.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước có khoảng 8.000 lễ hội, từ quy mô làng, xã đến quốc gia, trong đó có khoảng 70% lễ hội do cấp xã quản lý, những lễ hội này chỉ thu hút sự tham gia cộng đồng dân cư quanh vùng ở phạm vi hẹp. Riêng ở Tiền Giang hàng năm có tổ chức một số lễ hội văn hoá truyền thống mang đặc sắc riêng như Lễ hội kỷ niệm Anh hùng dân tộc Trương Định, Thủ Khoa Huân, Lễ hội chiến thắng Ấp Bắc, Rạch Gầm Xoài Mút, Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Kỳ Yên,… Vừa qua, huyện Cái Bè đã có những hoạt động sáng tạo trong việc phát triển lễ hội gắn du lịch, đó là Lễ hội làng cổ Đông Hòa Hiệp, đã được tổ chức 2 lần (vào năm 2013 và năm 2015) để thu hút khách du lịch.

Lễ hội Nghinh Ông - Tiền Giang.

Tuy nhiên, các lễ hội được tổ chức ở Tiền Giang là các lễ hội nhỏ, chỉ có tính địa phương. Hiện nay, khách du lịch đến Tiền Giang chủ yếu du lịch sông nước, miệt vườn, tham quan di tích lịch sử-văn hóa và trải nghiệm cuộc sống cộng đồng chứ chưa có lễ hội văn hóa mang tầm cỡ được tổ chức để gắn với phục vụ du lịch. Vì vậy, cần phải quan tâm tập trung cho việc đầu tư vào các lễ hội, chọn lọc một số lễ hội đặc sắc, ấn tượng, từ đó xây dựng thành sản phẩm chính và đưa ra chiến lược xúc tiến, quảng bá phù hợp để duy trì, phát huy tốt bản sắc lễ hội, kết hợp tổ chức các hoạt động, các trò chơi dân gian để thu hút du khách.

Phát triển du lịch sinh thái Tiền Giang gắn liền với lễ hội sẽ khai thác những lợi thế vốn có của địa phương nhưng không phải lễ hội nào cũng có thể khai thác du lịch được mà phải có bước khảo sát, lựa chọn thích hợp để tổ chức đạt hiệu quả. Lễ hội văn hoá truyền thống thường sẽ diễn ra theo nghi thức đã được gìn giữ, duy trì qua nhiều thế hệ; theo thời gian, xu thế phát triển xã hội nó sẽ bị mai một hoặc tồn tại và phát triển để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng địa phương cũng như nhu cầu tìm hiểu, khám phá của du khách. Một số lễ hội đã được tổ chức như Lễ hội kỷ niệm Anh hùng dân tộc Trương Định, Lễ hội Kỳ Yên, Lễ hội làng cổ Đông Hòa Hiệp, Lễ hội Nghinh Ông,... cần phải được nâng cao giá trị văn hoá trong mỗi nghi lễ, nghiên cứu tổ chức các hoạt động trong phần hội cho thật phong phú, sinh động, tạo yếu tố hấp dẫn khách du lịch.

Tổ chức lễ hội truyền thống hiệu quả, để lại ấn tượng sâu sắc không chỉ bảo tồn văn hoá, bản sắc văn hóa vùng miền, phát triển du lịch bền vững mà còn kích thích sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách và nhân dân địa phương từ các hoạt động dịch vụ kèm theo như: lưu trú, ăn uống, vận chuyển, bán hàng lưu niệm,… Khai thác tiềm năng lễ hội văn hoá truyền thống sẽ làm phong phú, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng tính hấp dẫn du khách, tham gia hoạt động của các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng ở Tiền Giang. 

Chợ nổi ở Tiền Giang.

Vì vậy, để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch thông qua việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, cần đề xuất thực hiện một số giải pháp chủ yếu như sau:

- Trước hết phải nghiên cứu, chọn lọc một số lễ hội văn hóa đặc trưng như Lễ hội kỷ niệm Anh hùng dân tộc Trương Định, Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội làng cổ Đông Hòa Hiệp; cần phát triển, nâng tầm trở thành lễ hội cấp tỉnh, cấp quốc gia để khai thác gắn phục vụ du lịch.

- Tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh, lòng yêu nước, tự hào của dân tộc Việt Nam và giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch Tiền Giang.

- Trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa và quan tâm, đầu tư kết cấu hạ tầng đến các khu di tích, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

- Tìm kiếm, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước để bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị các di sản văn hóa; tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch, nâng cao mức sống người dân địa phương, qua đó hạn chế các tác động ảnh hưởng tiêu cực của cộng đồng đến tài nguyên, môi trường du lịch.

- Phối hợp với cộng đồng dân cư tại các khu, điểm diễn ra lễ hội để xây dựng môi trường văn hóa, loại bỏ các hoạt động gây ảnh hưởng đến du lịch như chèo kéo, đeo bám du khách. Đồng thời ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại văn hóa của du khách, tránh ảnh hưởng đến môi trường văn hóa, du lịch.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá trước khi tổ chức lễ hội cho nhân dân biết, tạo thuận lợi cho các công ty lữ hành xây dựng kế hoạch chào bán tour cho du khách.

Với sự phong phú, đa dạng của lễ hội, sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; du khách có thể tìm hiểu các giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi quốc gia, vùng miền. Lễ hội văn hóa truyền thống một khi được tổ chức hợp lý, chắc chắn sẽ góp phần hiệu quả trong việc thu hút khách du lịch đến Tiền Giang.

ThS Nam Phước

Top