Bảo tồn và phát huy giá trị di tích ở Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc là một tỉnh ở đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng với diện tích tự nhiên là 1.370km2, nằm ở vị trí giáp Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên. Đây là khu vực chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng, gồm có cả ba vùng sinh thái: đồng bằng, trung du, vùng núi. Tổng thể địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Toàn bộ vùng đồi núi chiếm 3/5 diện tích toàn tỉnh. Địa hình miền núi thuộc sơn mạch Tam Đảo và một số núi thấp vào núi sót. Địa hình đồng bằng chủ yếu là đồng bằng châu thổ của các sông: Hồng, Lô, Phó Đáy và các sông suối ngắn phát nguồn từ dãy Tam Đảo. Hệ thống sông ngòi khá phong phú với hai hệ thống sông chính là sông Hồng: gồm ba sông lớn là sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy và hệ thống sông Cà Lô: gồm sông Phan, sông Cà Lồ và một số sông suối nhỏ chảy trong nội tỉnh qua Sóc Sơn đổ vào sông Cầu. Địa hình núi sông đan xen và tương hỗ tạo nên vùng khí hậu thiên nhiên, cảnh quan và môi trường sống khá đa dạng và phong phú, những yếu tố cốt lõi đầu tiên để hình thành nên con người và di sản văn hóa Vĩnh Phúc.

Về lịch sử, Vĩnh Phúc xưa thuộc bộ Văn Lang thời đại các vua Hùng, nơi đây cũng là một vùng đất thuộc xứ Đoài xưa - vùng văn hóa của những làng xã nằm hai bên tả hữu ngạn sông Hồng, giới hạn bởi hai dãy núi Tam Đảo và Ba Vì bao quanh. Do đặc điểm là địa bàn chuyển tiếp giữa khu vực trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng, thuộc vùng đất là trung tâm chính trị của các thời kỳ dựng nước và giữ nước trong lịch sử dân tộc, miền đất này từ xa xưa đã gắn bó trong một chỉnh thể đặc sắc, nơi khai mở tam giác châu thổ sông Hồng - cái nôi của dân tộc. Thuộc vùng địa văn hóa chuyển tiếp, văn hóa dân gian Vĩnh Phúc vừa đậm nét cổ sơ nguyên thủy của vùng văn hóa Hùng Vương, vừa có sắc thái văn hiến phức hợp của vùng văn hóa Kinh Bắc - Thăng Long. Trong gần 500 làng cổ ở Vĩnh Phúc hiện nay còn lưu giữ một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú.

Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 8 năm 2013, toàn tỉnh có 1.284 di tích thuộc 4 loại: di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh, bao gồm tất cả các loại hình: đình, đền, chùa, miếu, cầu, quán, tháp, di tích lịch sử - cách mạng, di tích khảo cổ, nhà thờ họ… Số lượng di tích lớn, phong phú về loại hình chứa đựng những tiềm năng dồi dào để phát triển du lịch tâm linh, du lịch văn hóa nhưng cũng đặt ra những thách thức rất lớn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh.

1. Khái quái về các loại di tích trên địa bàn tỉnh

Di tích kiến trúc nghệ thuật:

Loại di tích này chiếm đa số trong hệ thống di tích Vĩnh Phúc, là những công trình kiến trúc xây dựng với mục đích làm nơi thờ cúng, sinh hoạt chung của một làng hoặc một cộng đồng dân cư, thể hiện sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc ở địa phương qua các thời kỳ, các giai đoạn lịch sử, bảo tồn đến ngày nay. Ở Vĩnh Phúc, di tích kiến trúc nghệ thuật gồm có các loại hình: đình, đền, miếu, chùa, tháp, nghè, am, lăng, nhà thờ họ… tạo thành một hệ thống các di tích được tạo dựng qua nhiều thế kỷ, mang dấu ấn nhiều thời đại, gắn liền với những giai đoạn lịch sử khác nhau và phản ánh tâm tư, ý nguyện của con người cũng như thể hiện sắc thái văn hóa vùng, miền. Giá trị của di tích kiến trúc nghệ thuật thể hiện ở quy hoạch tổng thể và bố cục kiến trúc, ở sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc với cảnh quan, ở những bức chạm khắc trên kết cấu gỗ, ở vẻ đẹp thánh thiện của những pho tượng cổ, ở nét chạm tinh xảo của những đồ thờ tự...

Thiền viện Trúc Lâm

Về niên đại, qua các kết quả khảo sát khảo cổ học, có thể nhận định những di tích có niên đại xây dựng sớm nhất trong hệ thống các di tích kiến trúc nghệ thuật ở Vĩnh Phúc là các di tích nằm trong khu vực danh lam thắng cảnh Tây Thiên - Tam Đảo, những di tích mà đến nay chỉ còn nền móng như: Đồng Cổ, Phù Nghì, Tây Thiên thiền tự... Tuy nhiên,  những di vật, cổ vật và những thành phần kiến trúc còn lại đến ngày nay đã chỉ ra quy mô, tầm cỡ của các di tích và xác định được khởi nguồn xây dựng là từ thời Lý - Trần (thế kỷ XII - XIII). Di tích có niên đại sớm nhất còn được lưu giữ tương đối  nguyên vẹn đến ngày nay là tháp Bình Sơn (thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô). Tháp có 11 tầng, cho đến nay được coi là ngôi tháp cao nhất, nguyên vẹn nhất và là một di tích điển hình của Vĩnh Phúc, được xây bằng gạch đất nung, có nhiều đồ án trang trí với những họa tiết, hoa văn đặc sắc, phong phú, có giá trị nghệ thuật và kiến trúc cao.

Về quy mô, kết cấu kiến trúc: Các di tích kiến trúc nghệ thuật ở Vĩnh Phúc cũng có đủ các kiểu mặt bằng như: nội “công” ngoại “quốc”, chữ “vương”, chữ “tam”, chữ “công”, chữ “đinh” (hay chữ “đột” hoặc “chuôi vồ”), chữ “nhất”. Trong đó, các di tích còn được bảo tồn đến ngày nay có quy mô chữ “đinh” hay “chuôi vồ” là phổ biến hơn cả. Kết cấu kiến trúc sử dụng phương thức chịu lực là hệ cột, kèo, liên kết các gian bằng xà dọc. Riêng bộ vì có các kiểu như: kèo thẳng (đối với các di tích có quy mô xây dựng không lớn như nhà thờ họ, nhà thờ tổ nghề), điển hình là đền thờ Nguyễn Duy Thì (xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên), còn lại đại đa số sử dụng các bộ vì kiểu “thượng kẻ hạ bẩy”, “chồng rường giá chiêng”, “thượng rường hạ kẻ”.

Về nghệ thuật trang trí, điêu khắc: Các chi tiết, các đề tài chạm khắc trên các thành phần kiến trúc bằng gỗ có chủ đề phổ biến là tứ linh, tứ quý được thể hiện dưới góc độ biến đổi, cách điệu hoặc mô tả đặc trưng, ở mỗi di tích lại có cách thể hiện phù hợp với tập quán và phong tục từng vùng, miền. Ở những di tích có quy mô kiến trúc lớn, các nghệ nhân dân gian Vĩnh Phúc tạo nên những tác phẩm nghệ thuật với các đề tài điêu khắc thể hiện đời sống sinh hoạt, sản xuất, các trò chơi, phong tục, lễ hội của địa phương, như: cảnh đi săn, đấu vật, bơi chải ở đình Hương Canh, Ngọc Canh (huyện Bình Xuyên), cảnh đánh cờ, uống rượu, lễ hội xuống đồng ở đình Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường), cảnh du hí ở đình Tiên Lữ (Lập Thạch). Yếu tố mỹ thuật còn thể hiện qua hệ thống đồ thờ tự trong các di tích với số lượng lớn và phong phú về loại hình. Tiêu biểu nhất và là duy nhất ở Vĩnh Phúc có hệ thống đồ thờ tự tại đền Phú Đa (Vĩnh Tường) gồm: ngai ỷ, sập thờ, bát hương, tượng người và vật… và nhiều hạng mục khác như: cột trụ, tam cấp, bia đá… tất cả đều được chế tạo từ đá khối. Ngoài ra, ở các ngôi chùa, yếu tố nghệ thuật được thể hiện rõ trong tài nghệ điêu khắc tượng thờ của các nghệ nhân qua từng thời đại, bằng nhiều chất liệu khác nhau (gỗ, đất, đá). Hệ thống tượng thờ ở các chùa: Hoa Dương, Thượng Trưng (Vĩnh Tường), chùa Động Lâm (Tam Dương) là những bộ tượng còn tương đối đầy đủ nhất, mỗi pho tượng đều được tạo tác cân đối, hài hòa, thể hiện cái “thần” thông qua nét mặt, cách kết ấn, xứng đáng là những tác phẩm nghệ thuật.

Lễ hội bơi chải ở đình Hương Canh

Về văn hóa phi vật thể gắn với di tích: Khác với các loại di tích khác, di tích kiến trúc nghệ thuật còn chứa đựng, gắn liền với những giá trị văn hóa phi vật thể của cộng đồng làng xã. Từ những quy tắc ứng xử trong cộng đồng, việc thực hành phong tục, tập quán, đến những sinh hoạt, hoạt động có tính cộng đồng, tập thể của cả làng như lễ hội dân gian, trò chơi, văn nghệ dân gian…. Theo thống kê, tính đến tháng 7 năm 2013, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 520 lễ hội dân gian ở các làng xã, trong đó 271 lễ hội có trò chơi dân gian mà hầu hết là được tổ chức, thực hành ở các di tích. Những lễ hội này đã làm nên đời sống văn hóa tinh thần mang yếu tố đặc trưng của Vĩnh Phúc qua suốt chiều dài lịch sử, cho đến nay, đã và đang trở thành những nhân tố tích cực trong đời sống văn hóa, tinh thần của các cộng đồng dân cư nơi đây.

Di tích khảo cổ:

Các di tích, di vật khảo cổ học là nguồn sử liệu quan trọng giúp việc biên soạn lịch sử vùng đất và con người từ thời tiền/sơ sử tới các thời kỳ lịch sử sau này. Vĩnh Phúc cho đến nay đã có hơn 20 địa điểm, di chỉ được phát hiện, thám sát, khai quật và nghiên cứu, thuộc các giai đoạn văn hóa khảo cổ: hậu kỳ đá cũ, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn và nhiều di chỉ, địa điểm, dấu tích ở thời kỳ sau Công nguyên cho đến thế kỷ thứ X. Trong đó phổ biến hơn cả là các di chỉ thuộc thời giai đoạn Kim khí, thời kỳ hình thành nhà nước sơ khai, thuộc giai đoạn từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn, tập trung ở các di chỉ lớn, phạm vi phân bố rộng, tầng văn hóa dày, hiện vật phong phú và có những đặc điểm khá rõ nét để nhận biết. Đó là các di chỉ: Di chỉ cư trú gò Hội (xã Hải Lựu, Sông Lô), di chỉ cư trú, mộ táng và khu lò gốm Lũng Hòa (Vĩnh Tường)... Tiêu biểu nhất là Di tích khảo cổ Đồng Đậu, diện tích 6.5ha, phạm vi phân bố tầng văn hóa khoảng 4ha, tầng văn hóa dày 3,4m-4,0m, bao gồm 4 giai đoạn văn hóa khảo cổ liên tiếp từ Phùng Nguyên - Đồng Đậu – Gò Mun - Đông Sơn không có thời kỳ giãn cách. Từ khi phát hiện năm 1962 đến nay đã trải qua 7 lần khai quật, kết quả khẳng định đây là một di chỉ cư trú mộ táng của người Việt cổ đã định cư với thời gian dài tới hàng nghìn năm. Đồng Đậu được xếp vào loại di tích đặc biệt quan trọng của tỉnh.

Di tích lịch sử:

Theo thống kê, đến tháng 7 năm 2013, toàn tỉnh có 36 di tích lịch sử bao gồm có di tích lưu niệm sự kiện và di tích lưu niệm danh nhân. Những di tích này là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc của tỉnh trong thời kỳ lịch sử cận hiện đại, gắn liền với quá trình ra đời và lãnh đạo của Đảng qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đó là nơi ghi dấu các sự kiện hào hùng như: Đồn điền Tam Lộng – nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh ở Hương Sơn (Bình Xuyên), chiến khu Ngọc Thanh (thị xã Phúc Yên), bến Phương Khoan (Sông Lô) nơi diễn ra trận đánh thắng tàu chiến Pháp trên sông Lô trong chiến dịch Thu Đông năm 1930-1931, trận địa bắn rơi máy bay Mỹ ở Đạo Trù (Tam Đảo)… Vĩnh Phúc còn có các di tích lưu niệm Bác Hồ, ghi dấu những lần Bác Hồ về thăm và làm việc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với từng người dân, từng công việc cụ thể ở Vĩnh Phúc. Các di tích này hiện đang được các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương quan tâm gìn giữ, tôn tạo và phát huy giá trị tích cực trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Tam Đảo mờ sương-điểm du lịch được giới trẻ yêu thích

Danh lam thắng cảnh:

Vĩnh Phúc có dãy núi Tam Đảo kéo dài khoảng 50km theo hướng Tây Bắc - Đông Nam với hệ động, thực vật rất phong phú, nhiều giống loài quý hiếm. Những thắng cảnh chủ yếu tập trung nơi núi non trùng điệp: vùng Tây Thiên - Tam Đảo, núi Ngọc Bội, Thanh Lanh… có nhiều thác nước đẹp: thác Bạc, thác Vàng, thác Ba Ao… và những khe suối mỹ lệ: khe Nhân Túc, Yểm Nhĩ, suối Giải Oan... Danh thắng này đã được ghi trong sách An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng đời Minh (thế kỷ XV) và Kiến Văn Tiểu Lục của  Lê Quý Đôn (1723-1783), theo đó đây là vùng có phong cảnh kỳ tuyệt. Nương theo cảnh vật tự nhiên tuyệt đẹp đó, con người đã tạo dựng ở nơi đây những ngôi danh lam, cổ tự. Tuy đến nay đã trở thành cổ tích nhưng vẫn còn những dấu ấn của rất nhiều di tích: chùa Đồng Cổ (khoảng thế kỷ XIII-XIV) dựng giữa hai khe suối trên ngọn Thạch Bàn; chùa Phù Nghì (khoảng thế kỷ XIII) trên sườn núi Phù Nghì, dựng giữa rừng trúc và thông, có suối Giải Oan chảy từ phía sau vòng qua bên phải chùa; chùa Tây Thiên hay Tây Thiên tự dựng vào khoảng cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII và tồn tại kéo dài đến thế kỷ XIX - thời Nguyễn. Nơi đây hiện nay đã được phục dựng nên Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên, một công trình kiến trúc hoành tráng, xứng tầm một đại danh lam thời hiện đại.

2. Công tác quản lý và bảo vệ và phát huy giá trị di tích

Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng là một phần quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Vĩnh Phúc. Đó không chỉ là những bằng chứng vật chất có ý nghĩa quan trọng, minh chứng về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam nói chung, về lịch sử hình thành và phát triển vùng đất và con người Vĩnh Phúc nói riêng. Di tích giúp cho con người biết được cội nguồn của mình, hiểu về truyền thống lịch sử, đặc trưng văn hoá của làng xã, địa phương và do đó có tác động ngược trở lại tới việc hình thành nhân cách, lối sống, cách ứng xử của con người với cộng đồng. Với số lượng nhiều, 1284 di tích, hệ thống di tích Vĩnh Phúc chứa đựng những giá trị kinh tế to lớn (trị giá hàng ngàn tỷ đồng) nếu bị mất đi không đơn thuần là mất tài sản vật chất, mà là mất đi những giá trị tinh thần lớn lao không gì bù đắp nổi. Đồng thời, di tích còn mang ý nghĩa là nguồn lực cho phát triển kinh tế, một nguồn lực rất lớn, sẵn có nếu được khai thác, sử dụng tốt sẽ góp phần không nhỏ cho việc phát triển kinh tế đất nước và nó càng có ý nghĩa to lớn khi đất nước đang rất cần phát huy tối đa nguồn nội lực để phát triển.

Để đẩy mạnh công tác quản lý di tích nói riêng và di sản văn hóa Vĩnh Phúc nói chung, tháng 5-2005 Sở Văn hóa - Thông tin nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập Ban Quản lý Di tích tỉnh với chức năng chính tham mưu giúp lãnh đạo Sở quản lý các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Ban Quản lý Di tích tỉnh tiến hành khảo sát, thống kê số lượng và các loại hình di tích trên địa bàn toàn tỉnh, phân công cán bộ theo dõi địa bàn, thường xuyên kiểm tra, cập nhật thông tin về di tích, tổ chức các lớp tập huấn về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại các huyện, thành, thị nhằm trang bị kiến thức cho những người trực tiếp trông coi di tích và cán bộ văn hóa cơ sở.

Xác định việc xếp hạng di tích để đẩy mạnh công tác quản lý và nâng cao ý thức trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong cộng đồng, trong 7 năm gần đây (2005-2012), Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Ban Quản lý Di tích tỉnh lập hồ sơ khoa học trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xếp hạng 162 di tích, đang hoàn thiện hồ sơ chuẩn bị trình Bộ VHTTDL xếp hạng 2 di tích Quốc gia. Tổng số các di tích đã xếp hạng trong toàn tỉnh tính đến tháng 7-2013là: 375 di tích. Trong đó có: 65 di tích  xếp hạng cấp quốc gia và 310 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Các di tích được xếp hạng thực hiện theo các quy định của Luật Di sản văn hóa (2001) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (2009), Nghị đinh số 98/2010/NĐ-CP và mới đây nhất là Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14/7/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định về nội dung của hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trong đó thực hiện nghiêm các quy định về khoanh vùng, cắm mốc giới di tích.

Lễ hội Đình Thổ Tang

Ngoài Ban Quản lý Di tích cấp tỉnh, tại hầu hết các xã, phường, thị trấn có di tích xếp hạng các cấp đều thành lập Ban Quản lý Di tích cấp xã. Thành phần gồm có: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã làm trưởng ban, cán bộ văn hóa xã, đại điện các ban ngành đoàn thể của xã như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên… Hiện nay có 105/137 xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban Quản lý Di tích cấp xã để quản lý, bảo vệ các di tích tại địa phương. Đồng thời, tại các di tích - đa số là các di tích đã xếp hạng, còn thành lập các tiểu ban quản lý di tích để trực tiếp thực hiện công tác bảo vệ, trông coi di tích, quản lý di vật cổ vật cũng như các tài sản khác thuộc di tích.

Tu bổ, phục hồi di tích:

Trong hệ thống di tích Vĩnh Phúc, loại di tích kiến trúc nghệ thuật chiếm đại đa số với 371 đình, 405 chùa, 128 đền, 171 miếu, số còn lại là các loại hình di tích khác như: nhà thờ họ, am, nghè, lăng, quán…. Trong đó, đa phần các di tích được tạo dựng bằng vật liệu gỗ, gạch, ngói... nhiều nhất là vật liệu bằng gỗ. Nhìn chung, tính bền vững của các di tích loại này là không cao, thêm vào đó lại chịu nhiều tác động của điều kiện tự nhiên với khí hậu nóng ẩm khắc nghiệt. Vì vậy, các di tích đã và đang xuống cấp, có những di tích xuống cấp một cách nghiêm trọng. Số lượng di tích và công việc phải tu bổ, sửa chữa hàng năm ngày càng tăng. Có những di tích phải tu bổ, tôn tạo nhiều lần.

Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời, sát sao công tác tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn di tích, kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành đồng thời với việc phát động toàn dân tham gia bảo vệ, tu bổ tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Do nguồn kinh phí tu bổ, chống xuống cấp di tích được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia và trích từ ngân sách tỉnh và địa phương còn rất hạn chế nên hầu hết việc tu bổ, tôn tạo di tích được thực hiện từ việc huy động nguồn kinh phí đóng góp của nhân dân địa phương. Ở Vĩnh Phúc, công tác xã hội hoá nguồn lực tài chính cho việc tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích trong những năm gần đây phát triển rất mạnh, được sự ủng hộ của nhân dân, sự quan tâm của các ngành, các cấp, tổ chức xã hội, được tài trợ, công đức từ các doanh nghiệp, cá nhân... Nguồn vốn xã hội hóa được huy động mỗi năm cho công tác tu bổ phục hồi di tích lên tới hàng chục tỉ đồng từ cộng đồng, chưa kể đến những công đức, đóng góp rất lớn về lao động, tri thức trong quá trình thi công tu bổ, phục hồi di tích.

Quản lý di vật, cổ vật, bảo vật Quốc gia trong di tích:

Theo thống kê sơ bộ, trong 1.284 di tích trên địa bàn tỉnh chứa đựng hơn 18.000 di vật, cổ vật các chất liệu. Năm 2009, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quy định quản lý bảo vệ di vật, cổ vật trên địa bàn tỉnh, nay được thay thế bằng Quy định quản lý và bảo vệ di tích, di vật, cổ vật trên địa bàn tỉnh (ban hành năm 2012). Từ đó, công tác này cũng đã được đẩy mạnh, tăng cường và có những hiệu quả nhất định. Tình trạng mất cắp cổ vật không xảy ra, việc bảo quản di vật, cổ vật trong di tích cũng đã được xem trọng.

Lễ hội Chạy cày ở đình Đan Trì

Quản lý và tổ chức lễ hội tại di tích:

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn, giám sát việc tổ chức lễ hội, trực tiếp kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại các di tích trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, lễ hội diễn ra ở các di tích được nhiều địa phương tổ chức theo các nghi thức truyền thống, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, qua đó công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ và phát huy giá trị di tích và các giá trị văn hoá phi vật thể khác được phổ biến, nâng cao.

Trong những năm qua, công tác tổ chức và quản lý lễ hội tại các di tích trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, các địa phương, các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức xã hội quản lý, hướng dẫn và tổ chức các lễ hội truyền thống tại di tích đảm bảo đúng nghi lễ, hình thức phù hợp, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, ngăn chặn các hiện tượng xóc thẻ, bói toán, chèo kéo khách mua đồ lễ. Nhiều trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa được khôi phục như: vật dân tộc, cờ người, kéo co, trình diễn nghề … Một số lễ hội phát huy tốt công tác xã hội hóa, tạo nguồn lực tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa và mở rộng, nâng cao quy mô lễ hội, thu hút khách tham quan trong và ngoài nước. Điển hình như: Lễ hội Tây Thiên, Lễ hội Đền Thính, Lễ hội Đúc Bụt, Lễ hội Đền Ngự Dội, Lễ hội Đình Thổ Tang, Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu, Lễ hội Cướp Phết Bàn Giản… Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan nghiên cứu ở Trung ương và tỉnh thực hiện nhiều chương trình nhằm bảo tồn, khôi phục nhiều lễ hội tại di tích như: Lễ hội Cướp phết đình Đông Lai (xã Bàn Giản, Lập Thạch), Lễ hội Đúc “bụt” ở đền Đức Bà (xã Đồng Tĩnh, Tam Dương), Lễ hội Chạy cày ở đình Đan Trì (xã Hoàng Đan, Tam Dương), Lễ hội Rước nước đền Ngự Dội (xã Vĩnh Ninh, Vĩnh Tường), Lễ hội Cầu đinh đình Thạc Trục (Lập Thạch)…

Phát huy giá trị di tích gắn với du lịch

Trong những năm qua, nhiều di tích ở Vĩnh Phúc đã được phát huy giá trị một cách tích cực dưới các mức độ khác nhau. Nhiều di tích được đưa vào các tour du lịch, kết hợp giữa di tích và danh thắng cùng với các khu nghỉ dưỡng đã thu hút khách tham quan, du lịch. Thêm vào đó, việc tổ chức các hoạt động văn hoá tại di tích hướng tới mục tiêu phục vụ phát triển du lịch bền vững đã được đẩy mạnh. Các lễ hội lớn có quy mô vùng, miền tổ chức tại các di tích như: Lễ hội Tây Thiên ở Khu Di tích và Danh thắng Tây Thiên, Lễ hội Chọi trâu ở Hải Lựu... hoặc các chương trình như: “Đến với Phật, về với Mẫu”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Tuần Văn hóa Du lịch năm 2013... dần trở thành những ngày hội văn hóa lớn của cả tỉnh, và lượng khách hành hương tham dự lễ hội, chiêm bái, chiêm ngưỡng và ủng hộ, công đức cho di tích tăng lên đáng kể.

Chùa Hà Tiên ở thành phố Vĩnh Yên thu hút khách du lịch và hành hương

Ở Vĩnh Phúc, công tác tuyên truyền, quảng bá thông tin về di tích, tăng tính hấp dẫn của di tích nhằm thu hút nhiều hơn nữa khách tham quan được tỉnh quan tâm, chú trọng và ngày càng đẩy mạnh trong những năm gần đây. Trong 5 năm trở lại đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xuất bản hàng chục đầu sách có nội dung giới thiệu, quảng bá về hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh, xuất bản các tập san, bản tin thường kỳ có nội dung về di tích, di tích gắn với du lịch, cập nhật . Nhiều di tích làm tốt công tác tự truyên truyền, quảng bá cho di tích, bằng cách: in tờ giới thiệu, xuất bản những ấn phẩm giới thiệu về di tích, có bảng giới thiệu tại di tích, sản xuất các đồ lưu niệm có hình ảnh của di tích. Tại một số địa phương có di tích thuộc các tour du lịch còn có các bảng chỉ dẫn đường tới di tích và chỉ dẫn hệ thống di tích tại địa phương. Một số di tích trọng điểm của tỉnh sau khi được đầu tư tu bổ hoặc phục hồi đã trở thành địa điểm du lịch, điểm đến về tâm linh hấp dẫn, thu hút một lượng lớn khách du lịch, khách hành hương trong và ngoài nước như: Khu Di tích và Danh thắng Tây Thiên, Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên, chùa Hà Tiên, cụm đình Hương Canh, Cụm Di tích đình Thổ Tang - chùa Tùng Vân.

Nhờ thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình nhằm tuyên truyền, quảng bá các giá trị của di tích lịch sử văn hoá, nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản văn hóa đã được nâng cao. Khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hoá truyền thống và phát triển du lịch văn hoá.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng được chú trọng. Năm 2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã tổ chức lớp Tập huấn Thuyết minh viên giới thiệu di tích cho các đối tượng là cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin cấp huyện, cán bộ Văn hóa xã, thành viên trong tiểu ban quản lý di tích hoặc những người được cắt cử trực thuyết minh ở các di tích trọng điểm, di tích nằm trong tour du lịch của tỉnh.

Trong những năm tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc khai thác di tích lịch sử văn hoá phục vụ cho phát triển du lịch theo hướng du lịch tâm linh – tín ngưỡng, du lịch văn hóa – lịch sử kết hợp với du lịch thiên nhiên – nghỉ dưỡng. Phấn đấu đạt được mục tiêu: Giáo dục truyền thống lịch sử và lòng tự hào yêu quê hương – đất và người Vĩnh Phúc; giới thiệu cho khách du lịch trong nước và quốc tế về lịch sử, văn hoá, thiên nhiên Vĩnh Phúc; tăng thêm lợi ích kinh tế cho địa phương, cho tỉnh, cho người dân và các đơn vị kinh doanh du lịch. Hạn chế thấp nhất những tác động xấu từ hoạt động du lịch đối với di sản văn hoá. Thông qua phát triển du lịch, “lấy di tích để nuôi di tích”.

Hoàng Thị Hồng Lĩnh