Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh vì sự phát triển bền vững

Ngày 27-7-2018, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững. Tại Hội nghị, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, đã có bài tham luận. Thế giới Di sản giới thiệu toàn văn bài tham luận cùng bạn đọc!

 

1. Thành tựu nổi bật trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.

Trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu. Ở đây chỉ xin nêu 7 thành tựu, mà theo tôi, là tiêu biểu nhất, bởi giá trị về tầm nhìn, ý nghĩa xã hội và quốc tế.

1.1. Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo tồn cổ tích.             

Cách đây gần 73 năm, ngày 23-11-1945, chỉ hơn 2 tháng sau khi nước nhà giành được độc lập, còn bộn bề biết bao nhiêu công việc cấp bách cần giải quyết về chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, nhưng với tầm nhìn minh triết của một vĩ nhân - danh nhân văn hoá kiệt suất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SLvề bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, trong đó xác định bảo tồn cổ tích là việc rất cần cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam. Tại Điều 4 của Sắc lệnh nêu rõ: “Cấm phá hủy đình chùa, đền miếu, hoặc những nơi thờ tự khác như cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo nhưng có ích cho lịch sử”.

          Với ý nghĩa lịch sử to lớn của Sắc lệnh này, ngày 24-02-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/QĐ-TTg lấy ngày 23 tháng 11 hàng năm là “Ngày Di sản văn hoá Việt Nam” nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực di sản văn hoá, động viên và thu hút mọi tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc.

       GS.TSKH Lưu Trần Tiêu phát biểu tham luận tại Hội nghị

1.2. Luật Di sản văn hoá năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 điều chỉnh cả di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể.

Xét thấy di sản văn hoá và thiên nhiên ngày càng bị đe dọa hủy hoại; sự xuống cấp hoặc biến mất của di sản cũng làm nghèo đi di sản của mọi dân tộc; đồng thời việc bảo vệ di sản ở cấp quốc gia còn những bất cập do hạn chế về tiềm năng kinh tế, khoa học và công nghệ, nên tại Kỳ họp lần thứ 17 năm 1972, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới (di sản vật thể). 31 năm sau, năm 2003, xét thấy tầm quan trọng của di sản văn hoá phi vật thể như là động lực chính của đa dạng văn hoá và là một đảm bảo cho phát triển bền vững, đồng thời nhận thấy chưa có một văn kiện ràng buộc đa phương nào cho công tác bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, tại Phiên họp ngày 17-10-2003, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua Công ước về Bảo vệ Di sản văn hoá phi vật thể.

Trên thực tế, các di tích lịch sử - văn hoá (di sản vật thể) ở nước ta đều hàm chứa những giá trị tinh thần (di sản phi vật thể) to lớn và sâu sắc, gắn kết với nhau. Việc phân định giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể chỉ là tương đối. Đồng thời, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) năm 1998, khi đề ra nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã nhấn mạnh cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Bởi vậy, việc đưa di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và di sản văn hoá phi vật thể vào Luật Di sản văn hoá được nhiều chuyên gia quốc tế cho là hợp lý mà không phải nước nào cũng có được một bộ luật chung như vậy.

1.3. Nghi định của Chính phủ số 62/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2014 Quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và Nghi định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2017 Quy định về Bảo vệ và quản lý Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới có ý nghĩa đối với cộng xã hội và quốc tế.

Việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân thể hiện sự quan tâm và ghi nhận của Đảng và Nhà nước ta đối với những nghệ nhân có đóng góp xuất sắc, nắm giữ và có công truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, góp phần làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Nghị định về Bảo vệ và quản lý Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam nhằm bảo vệ Giá trị Nổi bật Toàn cầu, tính xác thực và toàn vẹn của Di sản Thế giới, thực hiện những cam kết của Việt Nam đối với UNESCO. Văn bản pháp lý này được sự quan tâm của quốc tế, bởi vì nhiều nước chưa có một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao riêng cho việc quản lý Di sản Thế giới ở nước mình.

1.4. Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO ghi danh 5 danh hiệu.

Không có ở các di sản khác của Việt Nam và cũng hiếm thấy ở các nước trên thế giới, trong một khu di sản lại được UNESCO ghi danh tới 5 danh hiệu cao quý: Quần thể Di tích Cố đô Huế là Di sản Văn hoá Thế giới (1993), Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (2003) và 3 Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới: Mộc bản Triều Nguyễn (2009), Châu bản Triều Nguyễn (2017) là Di sản Tư liệu Thế giới và Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (2016) là Di sản Tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

1.5. Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á, được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới.

Ngày 23-6-2014, tại Phiên họp lần thứ 38 của Ủy ban Di sản thế giới, Quần thể Danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới. Quần thể Danh thắng Tràng An có tính phức hợp về giá trị nổi bật toàn cầu, bao gồm cả giá trị về địa chất địa mạo - cảnh quan, giá trị rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư và giá trị lịch sử - văn hóa (di tích khảo cổ học minh chứng cho quá trình thích ứng của con người với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, và Khu Di tích Cố đô Hoa Lư - Kinh đô đầu tiên của nhà nước Đại Việt có chủ quyền).

         Quần thể danh thắng Tràng An. Ảnh: vietnamtourism.gov.vn

1.6. Hát Xoan Phú Thọ là di sản đầu tiên được UNESCO chuyển từ Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tháng 11 năm 2011, Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (sau đây gọi tắt là Ủy ban Liên Chính phủ) đã ghi danh Hát Xoan Phú Thọ là Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Sau khi được ghi danh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nhiều giải pháp và cơ chế, chính sách phục hồi và mở rộng số lượng các phường Xoan, các câu lạc bộ Hát Xoan; tổ chức truyền dạy, thu hút đông đảo thế hệ trẻ tham gia học và trình diễn Hát Xoan, đưa Hát Xoan vào chương trình giáo dục cho học sinh các trường phổ thông; thực hiện chế độ đãi ngộ đối với những nghệ nhân có công truyền dạy, bảo tồn Hát Xoan. Trên cơ sở đó, năm 2015 tỉnh Phú Thọ đã có báo cáo định kỳ về Hát Xoan sau 4 năm bảo tồn và phát huy giá trị đạt chất lượng cao, nên đề nghị được chuyển Hát Xoan sang Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ban Thư ký của Ủy ban Liên Chính phủ đánh giá cao Báo cáo Hát Xoan của tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, do Ủy ban Liên Chính phủ chưa có văn bản hướng dẫn cho các quốc gia thành viên về điều kiện, quy trình, thủ tục được chuyển từ Danh sách Di sản cần bảo vệ khẩn cấp sang Danh sách Di sản đại diện của nhân loại, nên Ủy ban Liên Chính phủ đã đồng ý đặc cách cho Việt Nam xây dựng Hồ sơ trình UNESCO đưa Hát Xoan vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương xây dựng Hồ sơ. Đầu năm 2016, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã thẩm định. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép trình Hồ sơ cho UNESCO. Tại Kỳ họp lần thứ 12 tháng 12-2017 vừa qua, Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể đã quyết định đưa Hát Xoan Phú Thọ, Việt Nam ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, để đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

         Phường Xoan Thét rước kiệu trong Lễ hội Đền Hùng năm 2014

1.7. Di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh không chỉ có giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa và khoa học, mà còn là một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Trong nhiều năm qua, với kết quả nổi bật trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bằng việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và tăng cường hoạt động quảng bá, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, đặc biệt là các Di sản thế giới được UNESCO ghi danh ở nước ta trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, số lượt khách và nguồn thu từ phí tham quan năm sau đều cao hơn năm trước. Chỉ riêng 8 Di sản Thế giới, năm 2017 đã thu hút gần 16 triệu lượt khách trong nước và quốc tế và thu từ phí tham quan được hơn 2.500 tỷ đồng. Tuyệt đại đa số các khu di sản này đều tăng khoảng 13% - 22% số lượt khách và tăng khoảng 14% - 27% tiền thu phí tham quan, trong đó có 2 di sản tăng 53% - 61% so với năm 2016 (Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và vịnh Hạ Long). Có những di tích phạm vi không lớn ở Hà Nội như Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, năm 2017 thu từ phí tham quan cũng đạt 46 tỷ, Di tích Đền Ngọc Sơn hơn 27 tỷ, Di tích Nhà tù Hỏa Lò 9,8 tỷ đồng. Nếu tính cả nguồn thu từ vé tham quan của hơn 13.500 di tích đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh - thành phố, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt, cùng với hơn 160 bảo tàng công lập và ngoài công lập thì nguồn thu từ kết quả hoạt động phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các bảo tàng cả nước không hề nhỏ, góp phần có ý nghĩa vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Trong những năm gần đây, nhiều khu di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã ứng dụng các thiết bị khoa học công nghệ hiện đại để quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, như ứng dụng phần mềm SMART, GIS (hệ thống thông tin địa lý), RS (viễn thám), MAP GIS (bản đồ vệ tinh kỹ thuật số sử dụng hệ thống thông tin địa lý). Gần đây, Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Khu Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đưa vào khai thác ứng dụng phần mềm thuyết minh bằng các thứ tiếng khác nhau trên điện thoại di động. Với smartphone của mình, chỉ vài thao tác rất đơn giản, du khách trong và ngoài nước có thể nghe giới thiệu chi tiết từng di tích mình đến được thể hiện dưới dạng file âm thanh và hình ảnh, kể cả người chưa đến cũng có thể tải ứng dụng về để tìm hiểu các khu di tích này.

2. Bảo tồn và phát huy giá tri di tích lịch sử-văn hoá và danh lam thắng cảnh vì sự phát triển bền vững.

Khái niệm "phát triển bền vững" lần đầu tiên xuất hiện có lẽ là trong văn bản "Chiến lược Bảo tồn Thế giới" do Hiệp hội Bảo tồn Thế giới, nay là Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) nêu ra năm 1980, được xác định lại trong Báo cáo "Tương lai chung của chúng ta" của Uỷ ban Môi trường và Phát triển của Liên Hợp quốc năm 1987, được khẳng định lại tại Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên Hợp quốc họp tại Rio de Janero năm 1992 và được bổ sung, hoàn chỉnh tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới ở Johannesburg năm 2002.

Từ nhiều năm trở lại đây, trên diễn đàn và văn kiện của cộng đồng quốc tế, cũng như trong chiến lược phát triển, chương trình hành động của các quốc gia, vấn đề phát triển bền vững đang nổi lên như một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhân loại. Liên Hợp quốc đã đưa ra Chương trình nghị sự 2030 gồm 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững.

Mặc dù cho đến nay cách diễn giải khái niệm phát triển bền vững còn có phần khác nhau. Tuy nhiên, có thể nói tổng quát: Phát triển bền vững là sự phát triển đảm bảo nhu cầu phát triển của xã hội hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng phát triển của thế hệ tương lai; là sự gắn kết chặt chẽ và hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hoá, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; sử dụng tài nguyên, mọi nguồn lực hiện có của xã hội một cách căn cơ, hợp lý, hiệu quả, có trách nhiệm không chỉ cho sự phát triển hiện tại mà còn cho các thế hệ mai sau.

Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và thách thức của biến đổi khí hậu, tại Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Mặc dù trong Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 không trực tiếp đề cập đến lĩnh vực di sản văn hoá; tuy nhiên, thông qua các quan điểm, mục tiêu, định hướng ưu tiên và giải pháp nêu trong Chiến lược, chúng ta có thể nghiên cứu cụ thể hoá những tư tưởng sau đây của Chiến lược vào trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh vì sự phát triển bền vững. Đó là:

2.1. Con người là trung tâm, là mục tiêu của phát triển bền vững.

Xu hướng chung của thế giới ngày nay là hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, cả vật thể và phi vật thể, phải hướng tới cộng đồng hiện đang sống trong khu vực di sản và cộng đồng là du khách đến tham quan di sản. Tuyên bố Amsterdam nhấn mạnh: Mục tiêu xã hội của công tác bảo tồn di tích là phải chú ý tiếng nói của cộng đồng vào các giải pháp bảo tồn, coi việc bảo tồn như là một công cụ xoá đói giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội. Trong cái vỏ vật chất của di tích lịch sử - văn hoá đều hàm chứa những giá trị to lớn về di sản văn hoá phi vật thể, mà cộng đồng chính là người sở hữu, bảo tồn, trao truyền và thực hành di sản. Trong Công ước UNESCO 2003 về Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể đã ghi nhận rằng, Các cộng đồng, đặc biệt là các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ, duy trì, thực hành và tái tạo di sản văn hoá phi vật thể, từ đó làm giàu thêm sự đa dạng văn hoá và tính sáng tạo của con người.

Di tích lịch sử - văn hoá đến từ quá khứ, nhưng không đơn thuần chỉ là quá khứ mà phải mang hơi thở của thời đại, phải thực sự trở thành một bộ phận hữu cơ của đời sống đương đại. Việc bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản này chính là sự đóng góp cho phát triển bền vững. Trong quá trình triển khai các dự án bảo tồn, cần đặt ra nhiệm vụ nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về giá trị của di tích cho cộng đồng sở tại để cộng đồng tham gia có trách nhiệm vào công tác bảo vệ; đào tạo tại chỗ những người dân có tay nghề, có kiến thức hiểu biết về di tích trực tiếp tham gia vào hoạt động bảo tồn hoặc hướng dẫn du khách tham quan di tích, thực hành các trải nghiệm du lịch sinh thái; đồng thời khuyến khích cộng đồng tạo ra những sản phẩm đặc thù, riêng có của địa phương để phục vụ du khách. Đối với các di sản thiên nhiên có giá trị đa dạng sinh học, bên cạnh vận dụng những tri thức truyền thống, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, cần có cơ chế, chính sách chi trả dịch vụ sinh thái, tạo điều kiện để người dân địa phương, cũng như thu hút các thành phần trong xã hội tham gia vào các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học.  

2.2. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên không thể tái tạo.

          Di sản văn hoá cũng là một loại "tài nguyên" - một loại tài sản có giá trị tinh thần đặc biệt, như Luật Di sản văn hoá đã xác định: Di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hoá nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) đã chỉ rõ: Di sản văn hoá là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hoá. Tại Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới, UNESCO cũng xác định: Di sản văn hoá và thiên nhiên là những tài sản vô giá và không thể thay thế được, không chỉ của một dân tộc, mà còn là của nhân loại nói chung. Bất kỳ di sản nào trong số đó nếu biến mất, do xuống cấp hoặc bị huỷ hoại, cũng sẽ làm nghèo đi kho tàng di sản của tất cả các dân tộc trên thế giới.

Lịch sử và văn hoá không chỉ được lưu lại trong sử sách, mà còn hiện diện trên mọi miền đất nước bởi hàng vạn di tích lịch sử - văn hoá, và cùng với nó là một kho tàng đồ sộ về di sản văn hoá phi vật thể với những giá trị vật chất, tinh thần, văn hoá - nghệ thuật, khoa học to lớn. Mỗi một di tích lịch sử - văn hoá hiện diện trước chúng ta như là một dấu mốc, ẩn chứa dưới cái vỏ vật chất là giá trị tinh thần to lớn mà ở đó, thế hệ ngày hôm nay có thể nhận biết và học hỏi được từ trong đó những chỉ dẫn về chặng đường phát triển của lịch sử, của đất nước, những truyền thống quý báu, những kinh nghiệm thành công và hạn chế của lịch sử, sự hy sinh, những tấm gương về lòng yêu nước, chống ngoại xâm, giàu nghĩa khí, tận trung với nước với dân, những bậc hiền tài… Đó chính là những chất liệu sống động, có tính kết dính ở tầm sâu, có tính lan tỏa và hội tụ để tạo thành một nguồn lực cho mỗi người, cho phát triển bền vững. Điều cốt lõi trong hoạt động bảo tồn di tích là bằng nhiều giải pháp kỹ thuật cổ truyền và khoa học-công nghệ hiện đại giữ cho được "yếu tố gốc cấu thành di tích" (theo từ ngữ của Luật Di sản văn hoá Việt Nam), hay tính xác thực, tính toàn vẹn, Giá trị Nổi bật Toàn cầu của di sản (theo từ ngữ của Công ước UNESCO 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới) nhằm bảo tồn và khai thác giá trị di tích một cách căn cơ, có trách nhiệm vì sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội không chỉ cho ngày hôm nay, mà còn gìn giữ được loại "tài nguyên không thể tái tạo" này để truyền lại cho các thế hệ mai sau.

          Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ở đâu và cũng không phải lúc nào người ta cũng giải quyết được một cách hài hòa giữa bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong không gian đô thị. Về bản chất, hai hoạt động này tưởng như là "xung đột" nhưng lại là một thể thống nhất, cả hai đều hướng tới mục tiêu chung là vì phát triển bền vững. Ở nhiều nước trên thế giới, khi triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực có di tích lịch sử - văn hóa hoặc biết dưới lòng đất có di tích khảo cổ học, chủ dự án, ngay từ đầu phải phối hợp với cơ quan được giao quản lý nhà nước về di sản văn hóa tổ chức việc bảo tồn di tích hoặc triển khai các hoạt động khai quật khảo cổ học trước khi triển khai dự án. Trên cơ sở đó sẽ quyết định phương án phù hợp vừa bảo vệ được di tích, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai dự án phát triển kinh tế - xã hội. Trên địa bàn Hà Nội đã cho chúng ta 3 ví dụ về việc giải quyết hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.

Một là, Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu: Kết quả cuộc khai quật nhiều năm trên quy mô lớn đã cung cấp những tư liệu đặc biệt quý giá và cùng với các loại hình di tích trong khu Thành cổ Hà Nội, là cơ sở khoa học quan trọng để Việt Nam xây dựng Hồ sơ trình UNESCO và năm 2010 UNESCO đã ghi danh Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản Văn hóa Thế giới. Như vậy, tại Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, chúng ta vừa bảo tồn được tại chỗ các hố khai quật và các tài liệu hiện vật khai quật được để trưng bày như là một "bảo tàng ngoài trời" - một công viên lịch sử - văn hóa để phục vụ công tác nghiên cứu và thu hút khách tham quan du lịch, lại xây dựng được Nhà Quốc hội trong Khu Trung tâm chính trị Ba Đình lịch sử.

Hai là, Khu Di tích Đàn Xã Tắc ở ngã năm Ô Chợ Dừa - Hà Nội: Sau khi khai quật, được xác định là di tích có giá trị, nhưng trước mắt chưa có điều kiện bảo tồn tại chỗ, nên sau khi tư liệu hóa toàn bộ tài liệu, hiện vật, thì đưa hiện vật về bảo quản và trưng bày trong bảo tàng; phủ lớp vải địa kỹ thuật lên toàn bộ mặt bằng hố khai quật, lấp cát và bàn giao mặt bằng cho chủ dự án triển khai làm đường giao thông.

Ba là, giải quyết các nút giao thông trên đường Văn Cao, Đào Tấn, Cầu Giấy, Đội Cấn. Được sự phối hợp của cơ quan chủ dự án, các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật ở những vị trí nêu trên, thu thập được nhiều tư liệu quý, xác minh trên thực địa những ghi chép trong chính sử về Đại La thành. Tuy nhiên, do không có điều kiện bảo tồn tại chỗ, nên sau khi thực hiện đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ, đưa toàn bộ hiện vật về bảo quản tại bảo tàng, lấp hố khai quật và bàn giao mặt bằng cho chủ dự án.

2.3. Hạn chế tác hại của thiên tai, chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng.

Một đặc điểm nổi bật của di tích lịch sử - văn hóa ở nước ta là rất đa dạng, phong phú về mặt loại hình (đình, đền, chùa, miếu, thành quách, lăng tẩm, đền tháp, cung điện, nhà cổ, di tích cách mạng, kháng chiến…) và chất liệu (gạch, đá, gỗ, tre, nứa, lá,…), trong đó, tuyệt đại đa số là chất liệu hữu cơ, rất dễ bị biến dạng, nấm mốc, mối mọt, hư hỏng, xuống cấp, sụp đổ do thời tiết nhiệt ẩm, mưa bão, lũ lụt, đặc biệt là sự biến đổi khí hậu trong nhiều năm gần đây. Việt Nam là quốc gia có chiều dài bờ biển khoảng gần 3.500 km cùng với hơn 2.773 hòn đảo lớn, nhỏ. Dọc bờ biển và trên một số hòn đảo có rất nhiều nền văn hoá khảo cổ học nổi tiếng và những con tàu cổ đã và chưa được khai quật ở vùng biển nước ta,… là minh chứng sống động cho sự phát triển của hoạt động giao thương kinh tế, văn hoá của nước ta với nhiều nước Á - Âu từ rất sớm; những di tích lịch sử về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc; nhiều danh lam thắng cảnh và khu dự trữ sinh quyển nổi tiếng được UNESCO ghi danh,… cũng đang đặt ra nhiệm vụ bảo tồn trước sự biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong khi đó, về mặt chủ quan, ở nơi này, nơi kia vẫn còn để xảy ra tình trạng làm sai lệch giá trị vốn có của di tích, bỏ di tích gốc để xây dựng công trình mới cho "hoành tráng" hơn, thậm chí xây dựng không phép công trình mới trong vùng lõi của Di sản Thế giới. Những sai phạm này làm phương hại, làm nghèo đi giá trị di tích, đến phát triển bền vững trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.  

Nhiệm vụ bảo tồn, kéo dài "tuổi thọ" di tích lịch sử - văn hóa, một loại "tài nguyên không thể tái tạo" với hơn 13.500 di tích xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố, cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt, trong đó có 8 Di sản Thế giới và còn hàng vạn di tích đã được kiểm kê đăng ký trên mọi miền đất nước trong điều kiện biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay là một thách thức to lớn đối với thế hệ chúng ta hôm nay. Bên cạnh việc áp dụng những kinh nghiệm, phương pháp bảo tồn truyền thống và hiện đại (chống mối mọt, tu bổ các bộ phận bị hư hỏng, gia cường, gia cố, diệt trừ cây leo gây hại, bảo quản định kỳ…) cần nghiên cứu triển khai số hóa dữ liệu về di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh để có thể khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu mở phục vụ công tác quản lý và trao đổi thông tin; cần ứng dụng và khai thác có hiệu quả các trang thiết bị khoa học - công nghệ hiện đại trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên.

2.4. Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.

Việt Nam được xếp vào loại có tính đa dạng sinh học cao. Trong số các di sản thiên nhiên có có 3 di sản được UNESCO ghi danh là Di sản Thiên nhiên Thế giới: Vịnh Hạ Long được ghi danh 2 lần (lần thứ nhất - năm 1994 về vẻ đẹp, lần thứ hai - năm 2000 về địa chất địa mạo, và hiện nay thành phố Hải Phòng đang cùng với tỉnh Quảng Ninh xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản Thế giới về đa dạng sinh học). Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng được UNESCO ghi danh 2 lần (lần thứ nhất - năm 2003 về địa chất địa mạo, lần thứ hai - năm 2015 về đa dạng sinh học). Quần thể danh thắng Tràng An gồm 3 bộ phận hợp thành Giá trị Nổi bật Toàn cầu là giá trị về địa chất địa mạo - cảnh quan, giá trị rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư và giá trị lịch sử - văn hóa (di tích khảo cổ học minh chứng cho sự thích ứng của con người với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Khu Di tích Cố đô Hoa Lư - Kinh đô đầu tiên của nhà nước Đại Việt có chủ quyền). Việt Nam còn có các khu dự trữ sinh quyển quốc gia được UNESCO ghi danh, các khu di sản thiên nhiên của Asean,...

Có phần khác với bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, trong bảo tồn đa dạng sinh học không phải là bảo tồn nguyên trạng mà là vừa bảo tồn vừa phát triển bền vững. Trong điều kiện biến đổi hệ sinh thái, cần nghiên cứu thực hiện các giải pháp hạn chế sự suy giảm hoặc biến mất của một số loài đặc hữu và sự xâm nhập của các loài ngoại lai. Để bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, bên cạnh việc phát huy các tri thức bản địa từ cộng đồng, theo kinh nghiệm của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cần ưu tiên cho hoạt động nghiên cứu khoa học về đa dạng sinh học trong khu vực được giao quản lý; có cơ chế chia sẻ lợi ích với cộng đồng từ hoạt động bảo tồn và khai thác các nguồn tài nguyên, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các hoạt động phát triển đa dạng sinh học, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng sống trong khu vực di sản; đồng thời phải hình thành được cơ chế phối hợp liên ngành với các tổ chức có liên quan và ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong công tác quản lý, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.

2.5. Tăng cường năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực phát triển bền vững

Mục tiêu hướng tới của việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn có tính chuyên nghiệp cao, một đội ngũ thợ lành nghề được trang bị và nắm vững những quy định của Luật Di sản văn hóa và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, cũng như những quy định của Công ước và Hiến chương quốc tế về Di sản Thế giới; được trang bị các phương pháp khoa học về bảo tồn truyền thống và hiện đại; có năng lực phối hợp và liên kết với các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau, cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn để quản lý và triển khai trên thực tế các hoạt động quy hoạch, thiết kế, bảo quản, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Do đặc điểm và tính đặc thù của nguồn nhân lực tham gia hoạt động quản lý, bảo tồn di sản là tính đa nguồn về các lĩnh vực mà người học đã được đào tạo tại các trường đại học (kiến trúc, xây dựng, vật lý, hóa học, tin học, sử học, văn hóa học, mỹ thuật, nhân học, khảo cổ học, sinh học, văn hóa dân gian,...), nghệ nhân, thợ lành nghề, nên chương trình học, cách học, thời gian học phải được thiết kế một cách khoa học. Hết sức chú ý đào tạo thợ lành nghề truyền thống phục vụ công tác bảo tồn di tích, kỹ năng thực hành, hướng dẫn và trao đổi trực tiếp với người học tại di tích ("hội thảo đầu bờ"); sử dụng hiệu quả các trang thiết bị hiện đại vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đối với các khu di tích và danh lam thắng cảnh hiện có dân cư sinh sống, thì phải coi cộng đồng dân cư là đối tượng cần được đào tạo, là nguồn nhân lực cho phát triển bền vững thông qua việc hướng dẫn cho họ nhận biết được giá trị của di sản; đào tạo người có tay nghề, có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn tham gia vào công tác bảo tồn, hướng dẫn viên du lịch, nhất là du lịch trải nghiệm,…, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cộng đồng để cộng đồng tham gia có trách nhiệm vào công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

3. Một số kiến nghị

3.1. Giải quyết những vướng mắc, chồng chéo trong một số quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng với di sản văn hóa.

Trong thời gian qua Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhận được văn bản từ Ban Quản lý Di sản Thế giới ở Việt Nam (đồng thời cũng là di tích quốc gia đặc biệt) nêu những khó khăn, vướng mắc trong quy trình, thủ tục thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích:

- Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Đầu tư công quy định Dự án tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt là dự án nhóm A không phân biệt tổng mức đầu tư. Những dự án này được quy định cụ thể trong Nghị định 136/NĐ-CP ngày 31-12-2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công là các dự án đầu tư trong địa giới di tích quốc gia đặc biệt và nằm ngoài địa giới nhưng có ảnh hưởng trực tiếp đến di tích đều phải làm thủ tục như dự án nhóm A.

Di tích quốc gia đặc biệt có giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa và khoa học, nên hoạt động bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích phải được triển khai một cách cẩn trọng, khoa học, đảm bảo giữ được "yếu tố gốc cấu thành di tích" (Luật Di sản văn hóa). Việc đầu tư cho các hạng mục, công trình bảo tồn di tích thường có quy mô nhỏ, nguồn vốn đầu tư có khi chỉ từ vài ba trăm triệu đến vài ba tỷ đồng, nhưng lại phải thực hiện trình tự các thủ tục như dự án nhóm A gây nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, làm kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư và ảnh hưởng lớn đến tiến độ kế hoạch giải ngân nguồn vốn được bố trí trong năm.

Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành có liên quan rà soát, sửa đổi Luật Đầu tư công điều chỉnh lại nhóm đối với dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt không thuộc dự án nhóm A; ủy quyền cho UBND tỉnh-thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ vào Quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thẩm định và phê duyệt các dự án thành phần bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích thuộc di tích quốc gia đặc biệt sau khi có ý kiến thẩm định về chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng thời giao cho các bộ, ngành có liên quan trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư công và xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật rà soát kỹ để điều chỉnh nhằm giảm thiểu những thủ tục hành chính không cần thiết, chồng chéo trong quá trình lập và triển khai các dự án bảo tồn và tôn tạo di tích.

- Về sự chồng chéo trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa và xây dựng: Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18-9-2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm quyền thẩm định Quy hoạch, dự án tu bổ, tôn tạo di tích. Tuy nhiên, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18-6-2015 và Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05-4-2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng lại quy định thẩm quyền thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng đối với dự án nhóm A (trong đó có các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt) đã tạo ra sự chồng chéo về thẩm quyền của hai bộ.

Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1 Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2017 và khoản 2 Điều 76 Nghi định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18-6-2015 của Chính phủ, theo đó dự án nhóm A thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ Xây dựng, trừ dự án tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt; đồng thời bổ sung thẩm quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định các dự án tu bổ, tôn tạo di tích thuộc địa bàn di tích quốc gia đặc biệt theo đúng quy định tại Nghị định 70/NĐ-CP ngày 18-9-2012 của Chính phủ, không phải thực hiện quy trình thẩm tra, thẩm định tại “cơ quan chuyên môn về xây dựng” trực thuộc Bộ Xây dựng, nhằm cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những vướng mắc trong quy định văn bản quy phạm pháp luật.

3.2. Về việc tổ chức khai quật và xử lý kết quả sau khai quật các con tàu cổ bị đắm ở vùng biển nước ta. 

Vào những năm 90 của thế kỷ vừa qua và đầu thế kỷ này, trên vùng biển nước ta đã phát hiện và khai quật 6 con tàu cổ bị đắm. Do nền kinh tế còn khó khăn, các nhà khảo cổ của nước ta chưa được đào tạo và có kinh nghiệm trong khai quật khảo cổ học dưới nước, phương tiện khoa học kỹ thuật hạn chế, nên việc triển khai các dự án khai quật khảo cổ học ở vùng biển nước ta, chủ yếu do doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với các công ty nước ngoài cùng với sự tham gia nghiên cứu, giám định cổ vật của các nhà khảo cổ học Việt Nam tổ chức thực hiện. Cổ vật tàu Hòn Dầm (Kiên Giang) là đồ gốm Sawankhalok (Thái Lan) và tàu Bình Châu (Quảng Ngãi) không đưa đi bán đấu giá ở nước ngoài mà để lại trong nước. Còn cổ vật trên 4 con tàu (Hòn Cau, Cù Lao Chàm, Cà Mau, Bình Thuận), sau khai quật chỉ giữ lại ở trong nước các hiện vật độc bản, một số sưu tập tiêu biểu và tất cả những hiện vật không còn nguyên vẹn, trong khi những sưu tập hiện vật đẹp, còn nguyên vẹn được đem đi bán đấu giá ở nước ngoài với tổng số hơn 280.000 cổ vật, thu được 12 triệu USD (khoảng 280 tỷ đồng VN), không bằng tiền thu phí tham quan Quần thể Di tích Cố đô Huế năm 2017 (320 tỷ), chưa kể một số lượng rất lớn những hiện vật chưa bán hết được xử lý thế nào, ai hưởng lợi, số tiền thu được sử dụng vào việc gì? Việc đưa cổ vật của các con tàu đi bán đấu giá ở nước ngoài không đạt được cả giá trị văn hóa lẫn kinh tế.

Hiện nay ở nước ta đã có nhiều chuyên gia khảo cổ học có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, có điều kiện huy động các phương tiện trang thiết bị kỹ thuật, có đội ngũ thợ lặn chuyên nghiệp để triển khai việc thăm dò, khai quật khảo cổ học dưới nước. Bởi vậy, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm đầu tư cho hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ học tàu cổ bị đắm trong vùng biển nước ta và giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, xem xét chỉ định một cơ quan chuyên môn có chức năng lưu giữ, bảo quản và kinh nghiệm khai quật khảo cổ học dưới nước là cơ quan chủ trì khai quật từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, xây dựng phương án trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; cơ quan phối hợp chỉ đạo thực hiện là UBND tỉnh nơi phát hiện tàu cổ bị đắm. Sau khi kết thúc khai quật, những hiện vật độc bản và một số sưu tập tiêu biểu được giao cho cơ quan chủ trì khai quật và bảo tàng tỉnh. Số còn lại giao cho UBND tỉnh nghiên cứu khả năng xây bảo tàng chuyên đề về con tàu cổ đó để thu hút khách tham quan, du lịch.

3.3. Về việc quản lý nhà nước đối với Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới.

Từ nhiều năm nay Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã phối hợp với Cục Văn thư - Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức xây dựng và bảo vệ thành công 7 hồ sơ Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới, gồm 3 Di sản Tư liệu Thế giới và 4 Di sản Tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Phần lớn các di sản này đều gắn với di tích lịch sử - văn hóa, nhưng chưa được điều chỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật để quy định cơ quan nào quản lý nhà nước về Di sản Tư liệu. Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia kính đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cho bổ sung "Di sản tư liệu" vào Luật Di sản văn hóa và giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về loại di sản này./.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng: Nghiên cứu khoa học đóng góp cho bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Thế giới. Hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An gắn với phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình". Ninh Bình, 4-2018.

2. Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Trương Quang Học: Việt Nam - Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu. Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ IV. Hà Nội, 2012.

4. Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sở đổi, bổ sung năm 2009. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội - 2009.

5. Lưu Trần Tiêu: Mấy vấn đề về nguồn nhân lực trong hoạt động bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa. Tạp chí Di sản văn hóa, số 3(40), 2012.

6. Lưu Trần Tiêu: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội. Hội thảo khoa học "Thủ đô Hà Nội - Truyền thống, nguồn lực, định hướng phát triển." Hà Nội, 2015.

Có thể bạn quan tâm

Top