Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Đền Ngọc Sơn

Đền Ngọc Sơn được xây dựng trên đảo Ngọc, trong hồ Hoàn Kiếm. Các công trình kiến trúc của Đền được bố cục liên hoàn theo chiều sâu trên một địa thế rất đặc biệt. Từ ngoài vào gồm: Cổng đền, tháp Bút, đài Nghiên, cầu Thê Húc, lầu Đắc Nguyệt, đình Trấn Ba, tiền đường, trung đường, hậu cung. Đền Ngọc Sơn và khu hồ Hoàn Kiếm là một di tích lịch sử, danh lam nổi tiếng của Thăng Long - Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Đền Ngọc Sơn và toàn bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm đã được Bộ Văn hoá xếp hạng là di tích lịch sử và thắng cảnh tại Quyết định số 92/VH/QĐ ngày 10-7-1980.

Trên hồ Tả Vọng (Hoàn Kiếm) ở phía Đông Bắc có một gò đất cao. Thời nhà Lý (Lý Thái Tổ) gọi là Ngọc Tượng sơn, thời Trần gọi là Ngọc Sơn. Cuối thời Lê trên đảo Ngọc có chùa Ngọc Sơn thờ Phật, bên cạnh có đền Quan Đế. Thời Nguyễn chuyển thành đền Văn Xương đế quân và phối thờ Lã Động Tân và đặc biệt là thờ Trần Hưng Đạo - một vị thống soái tài ba đã có công lớn trong sự nghiệp đánh đuổi giặc Nguyên Mông giữ gìn đất nước, ông được Vua Trần Nhân Tông phong là Đại vương. Trần Hưng Đạo là người trung nghĩa có nghĩa khí cao cả như quan thánh nên Ngài được tôn làm “Thượng đẳng thần”, gọi là Cửu Thiên vũ đế. Tượng thần của Ngài được thờ ở gian giữa hậu cung của đền. Văn bia niên hiệu Thành Thái có ghi việc đề cao đạo Nho là: “về phía Đông trên núi độc tôn xây dựng tháp Bút tượng trưng cho nền văn vật”, để thể hiện tinh thần Nho giáo Việt Nam Nguyễn Văn Siêu lại viết ba chữ “Tả thanh thiên” nghĩa là viết lên trời xanh ở tháp Bút hàm ý chỉ nền văn hóa Việt Nam võ công, văn tự cũng không sách vở nào ghi lại được mà chỉ viết lên trời xanh thôi. Trong số các pho tượng thờ ở Đền ta không thấy có tượng Khổng Tử nhưng các biểu tượng tháp Bút, đài Nghiên, bảng rồng, bảng hổ là hình tượng đề cao đạo Nho.

Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của một di tích danh thắng đặc biệt như đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm, nhiều năm qua, Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội được thành phố và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao quản lý trực tiếp đã luôn chú trọng việc nghiên cứu khoa học về di tích. Bởi lẽ, muốn thực hiện việc quản lý tốt di tích theo quy định của Luật Di sản Văn hóa thì trước hết phải nghiên cứu và hiểu về giá trị của di tích một cách kỹ lưỡng trên tất các mặt, các khía cạnh. Nghiên cứu để nhận biết giá trị đích thực của di tích, nhận thức những giá trị tiêu biểu, những nét tiềm ẩn trong khối kiến trúc vật chất để từ đó xây dựng phương án bảo tồn phát huy giá trị của di tích một cách tích cực có hiệu quả nhất.

Cổng Đền Ngọc Sơn (Ảnh: TL)

Để gìn giữ các giá trị sáng tạo của quá khứ rồi chuyển tải đến tương lai cần phải nắm vững các giá trị văn hóa của quá khứ để lại, nhằm bảo tồn giá trị văn hoá đó một cách khoa học. Cách bài trí tượng thờ trên các ban thờ của đền hiện nay là kết quả của nhiều cuộc hội thảo khoa học, với nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau như: chuyên ngành lịch sử, kiến trúc, văn hoá nghệ thuật, khảo cổ. Cách bài trí đó vừa thể hiện tính khoa học lịch sử, vừa phản ánh được giá trị đích thực của di tích đó là sự tôn vinh anh hùng dân tộc, biểu dương thần tượng văn võ song toàn, ngôi sao Văn Xương chủ đề văn học.

Truyền tích về Rùa trả gươm hồ Hoàn Kiếm cũng được thể hiện và minh chứng rất khoa học bằng việc giữ gìn, bảo quản và trưng bày mẫu Rùa hồ Gươm tại một phòng mà bấy lâu được quen gọi là “phòng Rùa”. Công tác duy tu, bảo quản một “cụ Rùa” thật sống tại hồ Gươm là một công việc mang tính khoa học chuyên ngành rất cao. Nhiều năm qua Viện Khoa học Việt Nam và Bảo tàng Thiên nhiên đã áp dụng phương pháp bảo quản hoá sinh theo một quy trình khoa học, rất cẩn trọng mới giữ được nguyên bản mẫu Rùa hồ Gươm như hiện nay. “Phòng Rùa” đã từ lâu trở thành điểm thiêng, hấp dẫn đối với du khách khi đến với đảo Ngọc trên Hồ.

Trong số các công trình kiến trúc của Đền nổi bật và có vị trí đặc biệt là cây cầu Thê Húc, một trong những biểu tượng của Hà Nội trong tâm thức người Việt Nam nói riêng cũng như bạn bè trên thế giới nói chung.

Trong số các công trình kiến trúc của Đền nổi bật và có vị trí đặc biệt là cây cầu Thê Húc (Ảnh: LT)

Cây cầu có ý nghĩa là nhịp cầu nối giữa không gian đời thường náo nhiệt bên ngoài với thế giới tâm linh tĩnh lặng bên trong đảo Ngọc. Có lẽ cầu Thê Húc được dựng lên cùng với việc xây dựng các công trình kiến trúc của đền để thuận tiện cho việc qua lại và tạo cảnh quan cho Khu Di tích. Hình dáng ban đầu là một cây cầu gỗ thẳng từ ngoài vào, không có lan can, sau những lần tu sửa cây cầu được chỉnh sửa thiết kế hình cung, chia nhiều nhịp tạo dáng mềm mại, xinh xắn có lan can và trang trí hoa văn, sơn màu đỏ với ý nghĩa cầu chứa đầy ánh nắng ban mai.

Đền Ngọc Sơn và khu hồ Hoàn Kiếm là một di sản quý, một danh lam thắng tích nổi tiếng, hàng năm đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan, nghiên cứu, chiêm ngưỡng và lễ bái.

Để nâng cao hiệu quả của công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội đã thường xuyên thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng các công trình kiến trúc, các di vật cổ vật, chỉnh trang tôn tạo cảnh quan và bổ sung hệ thống cây xanh, tạo cho di tích ngày một khang trang, tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về nội dung giá trị của di tích, phổ biến tuyên truyền giá trị của di tích bằng nhiều hình thức phong phú nghiên cứu biên soạn phát hành cuốn sách giới thiệu về di tích, in tờ gấp… đến thăm đền Ngọc Sơn quý khách sẽ được thưởng ngoạn, chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp và tự kiểm nghiệm lời dạy của người xưa là: “người ta làm điều thiện không gì quan trọng bằng ngăn lòng dục của mình để bảo tồn lẽ phải của tự nhiên. Làm như vậy chẳng cầu phúc lộc nhưng phúc lộc cứ tự nhiên đến với họ”.

Người Thăng Long - Hà Nội luôn tự hào rằng bên cạnh Văn Miếu – ngôi miếu thờ các bậc tiên nho và Quốc Tử Giám, ngôi trường đại học đầu tiên của nước Việt chúng ta còn có đền Ngọc Sơn, một địa chỉ sinh hoạt văn hoá – giáo dục của những nho sĩ Hà thành một thời mà những tư liệu chữ Hán nơi đây còn ghi chứng tích.

Đền Ngọc Sơn, một địa chỉ sinh hoạt văn hoá – giáo dục của những nho sĩ Hà thành một thời (Ảnh: TL)

Ngày nay ai cũng biết đền Ngọc Sơn và khu hồ Hoàn Kiếm là một di tích danh lam nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội. Du khách trong và ngoài nước coi đây là một điểm dừng chân không thể thiếu trong hành trình đến với Hà Nội đã qua 1000 năm tuổi. Kẻ học trò coi đây là một chốn linh thiêng để cầu mong sự đỗ đạt, còn đối với người tín tâm nơi đây là chốn để cầu tài, cầu lộc, cầu sức khoẻ, chữa bệnh nhiệm màu và dưới nhãn quan của các nhà khoa học thì nơi đây không chỉ là một di tích tín ngưỡng ẩn tàng nhiều giá trị văn hoá, khoa học nghệ thuật mang giá trị sâu xa với mô hình dung hợp tam giáo Nho-Phật-Lão mà đây còn là trung tâm văn hoá với việc thờ thần Văn Xương đế quân - vị thần chủ về văn học, nghệ thuật, khoa cử.

Nơi đây đã từng là trung tâm in sách lớn của xứ Bắc và là nơi hội tụ giao lưu đàm đạo thế sự, xướng hoạ thơ văn của các sĩ phu Bắc Hà... còn lưu lại những văn tự chữ Hán chuyển tải những tư tưởng, những đạo lý và tình hình xã hội lúc bấy giờ. Đến với đền Ngọc Sơn - ngôi đền nhỏ toạ lạc trên đảo Ngọc ở phía Tây Bắc hồ Lục Thuỷ, một danh thắng của đất kinh kỳ xưa, quý khách sẽ được chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn một không gian văn hoá mang đậm chất huyền thoại và thơ mộng. Di tích đền Ngọc Sơn và toàn bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm đang được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội tiến hành lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Nguyễn Thị Thủy

Top