Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Mo Mường

Mo Mường là nét văn hóa đặc sắc có từ lâu đời trong đời sống người Mường Hòa Bình. Cách đây hàng trăm năm, từ thời Pháp thuộc, việc nghiên cứu Mo Mường đã được bắt đầu tiến hành ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Cùng với thời gian, nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu về Mo Mường đã mang lại cái nhìn ngày càng đầy đủ, khoa học về giá trị văn hóa, sản phẩm văn hóa của Mo Mường.

Mo là toàn bộ nghi lễ và lời ca trong đám tang Mường do ông mo điều khiển. Như vậy Mo có hai bộ phận: Các nghi lễ và lời ca (lễ ca) đều do ông Mo điều khiển. Mo, đứng về lễ ca là một thể loại đặc biệt được cử hành trong đám tang với những giai điệu riêng. Nó không lẫn với các loại như đơm ma (cúng) khấn (khần), lởi, làm vía, cầu mát (khống nhá).

Người Mường có quan điểm: sống cho ra kiếp người, chết cho ra kiếp ma và: Chết không thẹn với ma trong đống, sống không xấu hổ với người trần gian. Người Mường cho rằng chết không phải là hết, chết là tiếp tục  “sống” ở một cõi, kiếp khác. Người Mường quan niệm người chết thì không còn là con người, nhưng chưa thành ma, chỉ khi có được mo lên trời để chuộc số, tức là đổi số sống sang số chết và xin đuông trở thành một kiếp khác mới thành ma thực sự.

Việc làm cho linh hồn người quá cố làm sao phải nghe theo để thực hiện những nghi lễ của tang ma chỉ có thể là ông mo cậy nhờ vào quyền năng của “nổ” mới có thể làm được việc đó, vì vậy ông Mo được coi là linh hồn của đám tang ở Mường Bi. Khi được nổ mo đưa lên trời, người chết còn được ngắm nhìn lại đất mường quê hương biết đường đi lối về. Mo còn là để hồn người thăm lại, nhìn nhận lại họ hàng nội ngoại bên ma và “tìm đất ở, làm ăn” chốn bên kia thế giới. Mo còn là để qua lời ông Mo, người quá cố nhắn nhủ lại con cháu anh em ở lại thương yêu nhau, sống với nhau cho thiện, cho đẹp.

Một nghi lễ quan trọng để bắt linh hồn nghe theo ông Mo gọi là Lễ đạp ma hay còn gọi là Lễ dậm bước. Lễ đạp ma được tiến hành như sau: Sau khi mo bài mo Thiển Thẳn (Bài mo kể về sức mạnh của ông mo và sức mạnh của túi Khót), ông Mo không dừng lại mà mo tiếp đoạn Mo đạp ma. Hành động đạp như sau: Ông Mo mo đoạn mo trên ở vị trí cạnh chỗ nằm của người quá cố trong tư thế tay phải giữ chiếc gươm vác trên vai, tay trái cầm quạt phe phẩy ngang trên bụng mình, chân đứng như bình thường nhưng ngón chân cái của bàn chân phải đeo một chiếc vòng chuôi dao. Khi chấm dứt đoạn mo trên ông hú một tiếng, gọi tên người quá cố một lần rồi co chân phải lên dậm mạnh xuống sàn nhà rồi lấy gót chân phải làm tâm điểm, xoay bàn chân phải chếch sang khoảng 60º – 70º. Sau Lễ đạp ma thì linh hồn người quá cố tuân thủ theo sự dẫn dắt điều khiển của ông Mo để thụ lễ. Trong mười hai ngày đêm của nghi lễ, mỗi một bữa trưa và bữa chiều của từng ngày đều có lễ dâng ăn uống.

Việc mo trong tang lễ thực chất là nhằm thuyết phục, hướng dẫn linh hồn người chết “thực thi” các nghi lễ như vừa kể trên hoàn toàn bằng lời mo. Nếu như mo sai, thì hồn không thể “thực thi” được nghi lễ, như thế sẽ không hoàn tất được các thủ tục, sẽ rơi vào tình trạng luẩn quẩn. Hồn không thể đoạn tuyệt với thế giới người sống mà cũng không thể gia nhập vào thế giới người chết. Người ta sợ trong hoàn cảnh dở dang ấy linh hồn người chết sẽ quay về quấy phá hành tội con cháu trong nhà.

Và điểm nổi bật nhất trong nghi thức tang ma người Mường là qua những nghi thức đó, người Mường muốn những thế hệ tiếp nối của cộng đồng vượt qua những tổn thất do một thành viên của cộng đồng đã phải ra đi vĩnh viễn thêm gắn bó với quê hương đất nước và gìn giữ những kỉ cương, tập tục đã giúp cộng đồng trường tồn và phát triển.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Hòa Bình đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể xây dựng, ban hành quy chế bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, danh thắng; phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho thực hiện bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, việc nghiên cứu chưa thực sự trọn vẹn, bởi việc sưu tầm thành văn bản lời mo và môi trường không gian diễn xướng mo vẫn đang dang dở, chưa có đủ bản mo trọn vẹn của các Mường. Do đó, việc kiểm kê, tổ chức sưu tầm Di sản Mo Mường là yêu cầu bức thiết. Đó cũng là một trong những lý do Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình thực hiện Đề tài “Kiểm kê Di sản Mo Mường tỉnh Hoà Bình năm 2012”.       

Từ tháng 6-2012, Sở VHTTDL tỉnh bắt đầu tổ chức thực hiện kiểm kê Di sản văn hoá phi vật thể Mo Mường với mục đích thông qua kết quả này sẽ xây dựng phương án sưu tầm, bảo tồn, gìn giữ, phát huy và tổ chức phục dựng một số di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc của các dân tộc trong tỉnh đang có nguy cơ mai một. Tiến tới làm cơ sở lập hồ sơ di sản văn hoá các dân tộc tỉnh Hoà Bình trình UBND tỉnh quyết định quản lý, tổ chức lựa chọn di sản văn hoá tiêu biểu lập hồ sơ trình Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và UNESCO công nhận Di sản Văn hoá Thế giới. Việc kiểm kê Di sản Mo Mường được tiến hành tại 11/11 huyện, thành phố, trong đó tập trung vào các vùng Mường lớn của tỉnh. Đối tượng điều tra là các nhà quản lý, bậc cao niên và nghệ nhân Mo có uy tín của các vùng Mường trong tỉnh. Nội dung điều tra, kiểm kê và tổ chức sưu tầm để nắm được số lượng ông Mo hiện đang hành nghề trong tỉnh; số lượng bài Mo của từng vùng; tổ chức quay phim, chụp ảnh, ghi âm các bài Mo thực tế thông qua phần diễn xướng của các ông Mo. Sau đó tổ chức hội thảo từng vùng Mường; tổ chức thẩm định, nghiệm thu và lập hồ sơ khoa học trình các cấp quyết định đưa vào kho dữ liệu bảo tồn. Đến nay, việc kiểm kê Di sản Mo Mường trên địa bàn các huyện, thành phố đã hoàn thành. Kết quả, toàn tỉnh có 241 ông Mo uy tín. Đây là “kho tư liệu sống” có giá trị đặc biệt quan trọng trong khai thác và tổng hợp bài bản các giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc Mường Hòa Bình.

Mo là thực hiện một nghi thức với người quá cố của người Mường. Riêng ca từ của mo là một hệ thống tác phẩm văn học dân gian mà ở đó có nhiều giá trị: Trí tưởng tượng phong phú của người xưa, vạch ra được lộ trình lên trời, ngôn ngữ Mường trong mo khá cổ mà diễn tả được ý tình rõ ràng, khúc chiết. Tính chất nhân văn của các loại mo thấm đẫm tình người. Lời buồn đau mà không làm con người quỵ xuống. Đặc biệt tính minh triết của mo t’lêu. Đây là bộ sử thi được đưa vào mo. Đó là một thiên sử thi đồ sộ, đầy đủ gần như toàn bộ những gì mà con người cần biết. Lễ nghi với những người quá cố có thể thay đổi, nhưng ca từ mo và nhất là bộ sử thi là một tài sản vô cùng quý giá phải được giữ gìn, phát huy trong cuộc sống ngày hôm nay. 

Vũ Thảo (Tổng hợp)

Top