Bảo tồn lễ hội truyền thống nhìn từ Lễ hội Kuroshima Tenryo
Quận Kuroshima có diện tích 20,5 ha, nằm ở thị trấn Monzen, nơi diễn ra Lễ hội Kuroshima Tenryo. Thế kỷ XVI nơi đây là một vùng đất phát triển với ngành Vận tải đường biển. Kitamaebune là tuyến vận chuyển hàng hóa chủ yếu qua Nhật Bản từ cuối thời Edo (1603 - 1868) cho đến thời Meiji (1868 - 1912). Các con tàu phải mất một năm để thực hiện hành trình vận chuyển hàng hóa từ Osaka đến Hokkaido và quay trở lại. Cơ sở này được xây dựng bởi người có tên Chohei Sakatani, chủ sở hữu của tàu Kitamaebune vào năm 1878. Bên trong Bảo tàng Tàu Kitamaebune có nhiều trưng bày khác nhau về mọi thứ liên quan đến tàu Kitamaebune bao gồm các công cụ điều hướng, các hòm đựng hàng hóa và mô hình thu nhỏ của những con tàu với kích thước 20:1, cùng những thông tin về cuộc sống của thủy thủ đoàn trên tàu. Đến thời Meiji, ngành Vận tải biển đã không còn giữ được sự thịnh vượng như trong quá khứ là do ngành Vận tải hàng hóa trên biển mang lại nguồn lợi kinh tế lớn nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Những ký ức lịch sử và những hiện vật minh chứng cho một thời kỳ phát triển với ngành Vận tải đường biển trong quá khứ được lưu giữ trong bảo tàng. Nơi đây từng hứng chịu một trận động đất mạnh 6,9 độ richter năm 2007, một phần ba trong số 286 ngôi nhà truyền thống ở đây được xây dựng từ thời Edo bị phá hủy. Phần lớn những ngôi nhà hiện nay tại thị trấn được xây dựng dưới thời Meiji. Để bảo tồn cảnh quan của thị trấn, Hội đồng cải tạo quận Kuroshima được thành lập với mục đích giúp người dân cải tạo, duy trì và bảo tồn cảnh quan lịch sử của thị trấn. Ngày 30 tháng 6 năm 2009 , Quận Kuroshima được chọn là Khu bảo tồn quan trọng nằm trong nhóm các công trình lịch sử ở Nhật Bản.
Một số hoạt động trong lễ hội
Lễ hội Kuroshima Tenryo có nguồn gốc lâu đời, diễn ra trong 2 ngày 17 và 18-8 hằng năm để tôn vinh các vị thần đạo Shinto, đây là một trong tín ngưỡng và văn hóa bản địa ở Nhật Bản. Điểm nhấn chính của lễ hội là mọi người diễu hành Mikoshi (là kiệu rước để cho các vị thần ngồi) và 2 chiếc Dashi (Tsukurimono) (mô phỏng theo ngọn núi thiêng nơi trú ngụ các vị thần). Điểm khác nhau giữa Dashi và Mikoshi đó là Dashi do người kéo còn Mikoshi là do người khênh hoặc vác trên vai, ngoài ra Dashi có thể ngồi lên được còn Mikoshi thì không.
Lễ vật được chủ nhà chuẩn bị để dâng lên các vị thần
Trước khi lễ hội diễn ra, sinh viên tình nguyện được ông Shuichi Haruma, Trưởng Ban điều hành Lễ hội Kuroshima Tenryo, giới thiệu về lịch sử văn hóa thông qua việc dẫn sinh viên đến tham quan tại bảo tàng và những ngôi nhà truyền thống trong thị trấn. Ông Yoichi Komatsu, Chủ tịch Ủy ban điều hành Lễ hội Kuroshima Tenryo chịu trách nhiệm phân công công việc cho từng người. Chiếc Tsukurimono được đưa từ Bảo tàng Kitamaebune ra bên ngoài, bên trên Tsukurimono là một ngôi đền với ba tầng mái trang trí lộng lẫy và đặt lễ vật dâng các vị thần. Trong Lễ diễu hành, chiếc Tsukurimono được di chuyển từ bảo tàng xuyên qua con đường nhỏ trong làng để đến ngôi đền Shinto nằm trên đỉnh núi, sau khi thực hiện một số nghi thức trong ngôi đền này, chiếc Mikoshi bên trong ngôi đền sẽ được khiêng xuống để tham gia Lễ diễu hành. Đoàn diễu hành khiêng chiếc Mikoshi và đẩy chiếc Tsukurimono, theo các con đường trong làng để đến thăm các ngôi nhà trong thị trấn, chủ nhà sẽ đứng trước cửa chào đón đoàn diễu hành. Một người đại diện trong Ban Tổ chức gửi đến chủ nhà những lời chúc tốt đẹp, sau đó chủ nhà dâng lễ vật gồm rượu, hoa, hoặc tiền như một lời cảm ơn gửi đến các vị thần đã giúp đỡ trong cuộc sống và hi vọng các vị thần sẽ vẫn luôn giúp đỡ họ trong thời gian tới. Sau khi kết thúc lễ hội, người dân địa phương trở về nhà tổ chức bữa tiệc cùng gia đình. Sáng hôm sau, vẫn bằng việc diễu hành chiếc Mikoshi và hai chiếc Tsukurimono đi qua từng nhà để chủ nhà chào tạm biệt các vị thần. Sau khi thần chủ và những người trong Ban tế lễ thực hiện các nghi thức tại ngôi đền thờ được dựng cạnh bờ biển, chiếc Mikoshi được đưa trở lại ngôi đền nằm trên núi, hai chiếc Tsukurimono sẽ được đưa trở lại trong bảo tàng và chờ đến lễ hội năm sau.
Một chiếc cổng Torri trước lối vào đền thờ được dựng cạnh bờ biển
Những vấn đề trong việc bảo tồn lễ hội hiện nay
Vấn đề thứ nhất Lễ hội Kuroshima Tenryo đang gặp phải là sự thiếu hụt về con người, đặc biệt là tầng lớp thế hệ trẻ do đa số đi học tập và làm ăn xa. Lễ hội là dịp để những thành viên của gia đình đi làm ăn xa trở về sum họp, chia sẻ và động viên nhau trong cuộc sống.
Vấn đề thứ hai là việc giáo dục thế hệ trẻ hiểu biết phong tục tập quán và tín ngưỡng bản địa. Việc trao truyền lại những tri thức mà thế hệ ông cha tích lũy được gặp khó khăn do không có thế hệ kế cận, nghề thủ công truyền thống bị mai một, thế hệ trẻ ít quan tâm đến những giá trị văn hóa và tín ngưỡng của địa phương.
Vấn đề thứ ba là kinh phí tổ chức lễ hội. Chính quyền thành phố đã có những chủ trương và chính sách hỗ trợ công tác tổ chức bằng kinh phí và cung cấp nguồn nhân lực thông qua các trường đại học trong thành phố để kêu gọi sinh viên tình nguyện tham gia lễ hội. Nguồn kinh phí tổ chức lễ hội từ sự đóng góp và ủng hộ của người dân địa phương, bên cạnh đó là nguồn tài trợ đến từ các công ty đang hoạt động trong và ngoài địa phương.
Trẻ em tham quan Lễ hội
Lễ hội Kuroshima Tenryo là một trong những lễ hội có lịch sử lâu đời, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa. Việc thu hút khách du lịch đến tham quan và khám phá thành phố Wajima, vùng đất có nhiều nghề thủ công nổi tiếng và những lễ hội đặc sắc sẽ góp phần thúc đẩy ngành Du lịch phát triển và tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Điều đặc biệt quan trọng giúp Lễ hội Kuroshima Tenryo còn được bảo tồn cho đến ngày nay đó là ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn di sản văn hóa. Việc chính quyền tạo ra nhiều cơ hội việc làm và phát triển kinh tế sẽ lôi kéo những người trẻ quay trở lại làm ăn và sinh sống tại vùng đất có bề dày truyền thống và lịch sử văn hóa. Ngoài ra, giáo dục và quảng bá văn hóa của địa phương cho thế hệ trẻ và giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước sẽ góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Bài và ảnh: ThS Đoàn Văn Luân