Bảo tồn Lễ hội Cầu ngư ở Đà Nẵng
Lễ hội Cầu ngư ở Đà Nẵng là một sinh hoạt văn hoá thường niên, mang tính tâm linh được tổ chức trang trọng bởi cộng đồng cư dân làm nghề biển của thành phố Đà Nẵng. Đây còn là lễ hội cầu mùa, mà hạt nhân tâm linh là niềm tin thiêng liêng của ngư dân về sự phù trợ của ngư thần: Cá Ông - cá voi. Cá voi, một động vật có thật ngoài biển khơi và có mối quan hệ mật thiết với nghề biển nên được dân biển suy tôn, thiêng hóa thành phúc thần. Lễ cầu mùa - cầu ngư cũng chính là lễ tế Ngư thần để cầu xin thần ban cho được mùa biển của ngư dân địa phương và bày tỏ lòng biết ơn đối với vị phúc thần Cá Ông thường xuyên giúp đỡ người dân vạn chài khi hoạn nạn trên biển.
Ảnh: internet
Người dân vùng biển Đà Nẵng quan niệm Cá Ông không chỉ là một vị thần biển - ân nhân của người đi biển mà còn là vị thần liên quan đến sự hưng thịnh của cộng đồng làng biển. Đó cũng là Thành hoàng của làng chài. Lễ hội Cầu ngư ở các làng chài ven biển Đà Nẵng thường diễn ra vào 2 ngày trung tuần tháng Giêng hoặc tháng 2 Âm lịch. Nghi thức cúng tế tương tự nghi thức cúng đình hàng năm với trình tự: Lễ vọng (lễ cáo - tiên thường), Lễ nghinh Ông Sanh (rước ông Sanh - Đông Hải Ngọc Lân về nhập điện chứng lễ tế Ông Tử - Nam Hải Ngọc Lân), Lễ tế Cô hồn, Lễ Chánh tế, Lễ xây chầu Bả trạo và Lễ nghinh thần hát chúc và Lễ tống ôn. Đan xen với phần tế Cá Ông là các sinh hoạt văn hoá dân gian đặc trưng của dân biển xứ Quảng như: hát Bả trạo, hát Hò khoan đối đáp, đua ghe, lắc thúng... Các sinh hoạt văn hóa này là những hoạt động giải trí, giải tỏa, tạo không khí vui vẻ, náo nức trong làng chài trước khi bước vào vụ mùa mới.
Ảnh: internet
Tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông và lễ hội tế ngư thần góp phần tạo sự yên ổn trong tâm linh cá nhân và cộng đồng ngư dân Đà Nẵng để họ chắc tay lái ra khơi bám biển. Vì mưu sinh cuộc sống, người dân vạn chài phải dám đương đầu với sóng gầm, gió dữ và cuồng phong của biển cả. Chính hiện thực cuộc sống khó khăn, vất vả đã hun đúc nên những đức tính dũng cảm, cương trực, phóng khoáng, nhân hậu trong cộng đồng người lấy nghề biển làm sinh nghiệp. Song, trong đời sống tâm linh, sự yên ổn về tâm lý cũng có ảnh hưởng lớn đến năng suất đánh bắt. Do đó, cũng từ hiện thực cuộc sống, dân biển đã tìm được một vị thần “Mang tiếng cá lòng đâu phải cá. Tài sóng êm gió lặng cũng tày trời. Chẳng phải người mà lòng tốt hơn người. Đức rộng ơn dày không kém Phật” (lời hát Bả trạo trong Lễ hội Cầu ngư Đà Nẵng), để gửi gắm niềm tin, ước muốn được thần phù trợ cho cộng đồng có cuộc sống yên ổn, phồn thịnh.
Lễ hội Cầu ngư của Đà Nẵng, với tính chất nêu trên, đã trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng - văn hoá cộng đồng của cư dân biển, hàm chứa những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học sâu sắc. Lễ hội là nơi cân bằng đời sống tâm linh của cá nhân và cộng đồng sau một năm vật lộn với biển để mưu sinh. Các sinh hoạt văn hoá trong lễ hội đem lại niềm vui, sự hưng phấn cho ngư dân, tạo tâm thế vững tin để bước vào vụ mùa mới. Lễ hội Cầu ngư cũng là dịp để cộng đồng dân biển tri ân các thế hệ tiền nhân - những người có công trong việc phát triển nghề cá.
Ảnh: internet
Những năm gần đây, nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng nên Lễ hội Cầu ngư ở thành phố Đà Nẵng ngày càng được tổ chức chu đáo hơn và phát huy được hiệu quả xã hội trong đời sống đương đại. Tuy nhiên, trước sự biến chuyển mạnh mẽ của đời sống công nghiệp hiện đại của thành phố, giống như những di sản văn hóa phi vật thể khác, Lễ hội Cầu ngư ở thành phố Đà Nẵng vẫn không tránh được việc có nguy cơ bị biến đổi và mai một. Do đó, ngay sau khi “Lễ hội Cầu ngư ở thành phố Đà Nẵng” được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thành phố Đà Nẵng đã triển khai các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội, cụ thể: trùng tu, tôn tạo và bảo tồn các di tích và không gian văn hóa nơi diễn ra Lễ hội Cầu ngư; tư liệu hóa các nghi thức tế lễ và các bài bản Bả trạo và có kế hoạch truyền dạy cho đội ngũ kế cận; quảng bá lễ hội và các giá trị của lễ hội trên các phương tiện truyền thông của địa phương; quan tâm đến đời sống các nghệ nhân tham gia thực hành lễ hội và phát huy vai trò chủ thể văn hóa của cộng đồng việc thực hành, duy trì và trao truyền lễ hội.
Nguyễn Thị Thu Trang