Bảo tồn cổ vật Chăm trong giai đoạn hiện nay

Từ hơn 20 năm trở lại đây, do chính sách mở cửa - hội nhập, thông qua những cuộc trao đổi tiếp xúc kể cả mua bán chính thức và không chính thức trong lĩnh vực cổ vật, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước, cổ vật ở nước ta đã thu hút được sự quan tâm chú ý của nhiều cấp và nhiều đối tượng trong xã hội. Không chỉ có thế mà từ các công trình xây dựng và tác động của thiên nhiên nhiều khu di chỉ khảo cổ lớn nhỏ đã phát lộ. Bên cạnh đó, nhiều con tàu chở cổ vật cũng được trục vớt với số lượng cổ vật lớn nhất từ trước đến nay.

Cổ vật mang trong nó nhiều giá trị:

+ Giá trị lịch sử - dấu ấn của thời gian, năm tháng, những biến động xã hội;

+ Giá trị mỹ thuật - là đường nét, hoa văn, tạo hình, thể hiện quan niệm về cái đẹp, về thẩm mỹ, về nhân sinh quan, thế giới quan qua từng thời kỳ khác nhau;

+ Giá trị kỹ thuật-thể hiện kỹ năng, phương pháp chế tác ra những sản phẩm độc đáo;

+ Giá trị tâm linh-đây là vấn đề lớn mang yếu tố huyền bí cho nhiều vấn đề cho đến nay khoa học vẫn chưa giải thích được.

Ngoài ra, những cổ vật còn là nơi trú ngụ của những linh hồn người xưa (chủ nhân của nó).

Nhưng ở bất cứ thời kỳ nào thì những yếu tố nêu trên không hẳn đã là quan niệm đối với xã hội. Điều mà con người quan tâm nhất là nó làm bằng chất liệu gì, có quý hiếm hay không và giá trị kinh tế (là bao nhiêu) của những cổ vật. Đó chính là nguyên nhân sinh ra việc buôn bán khai thác và nạn trộm cắp cổ vật diễn ra trên nhiều quốc gia hiện nay, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam - một quốc gia với đặc điểm mang yếu tố hỗn dung văn hóa dựa trên ba miền văn hóa lớn đó là Đông Sơn - Sa Huỳnh và Óc Eo. Diện tích không lớn nhưng nó đã chứa đựng một khối lượng cổ vật không nhỏ.

Có một nhà sưu tập cổ vật Mỹ hỏi tôi: Nước ông nơi nào cũng có cổ vật và có rất nhiều, nguyên nhân từ đâu?

Tôi trả lời: Là một nước chiến tranh triền miên - mỗi lần giặc đến thì vườn không nhà trống, đồ đạc cất dẫu - ao, hồ, đồng ruộng, rừng núi trở thành kho tàng lưu giữ bảo vật dòng họ hay bảo vật quốc gia. Khi trở về chế tác, lại sản xuất, lại tìm kiếm.

Một số hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. (Ảnh: TL)

Nguyên nhân thứ hai là từ xưa cho đến nay, nhiều vùng miền, nhiều tộc người ở Việt Nam có tục chia của cho người chết (tùy táng) sau này được hậu thế khai quật.

Nguyên nhân thứ ba là Việt Nam có giao thông đường biển, là nơi tàu thuyền của nhiều quốc gia đi lại buôn bán và đã có nhiều con tàu chở hàng hóa không may bị đắm tại lãnh hải Việt Nam. Theo một chuyên gia người Pháp, riêng thế kỷ XV đã có 81 con tàu đắm từ bờ biển Việt Nam đặc biệt từ Trung Trung Bộ trở vào.

Với hơn 30 năm sưu tập và nghiên cứu đã đặt chân lên hầu hết các tỉnh, thành phố ở Việt Nam và đã đến những nơi được đồn đại có kho báu, có đồng đen và bảo vật... với bao huyền thoại.

Ví dụ: Đình Chèm- Cóc đái ra vàng; Hầm mộ Tràng Bạch - Quảng Ninh; Lăng Đặng Quận công - Phúc Lâm ở Chương Mỹ, Hà Tây.

Kho báu có chứa bùa ngải, người khai quật mở ra chết ngay, nhưng thực ra cũng chỉ là lời đồn đại

Gần đây chúng ta lại thấy có những bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng – các trang báo điện tử nói về kho báu của người Chăm được các linh hồn trinh nữ, chứa đựng bùa ngải, độc trùng với những lời nguyền nghiệt ngã để bảo vệ những báu vật quý như đồ trang sức, Triều phục, vũ khí dao kiếm, đồ thờ tự bằng vàng…

Không chỉ có thế mà một số nhà sưu tập cũng huyền thoại hóa những món cổ vật mà mình đang sở hữu như chiếc bát Bạch Định soi lên ánh sáng thấy rồng bay lượn, những ly rượu khi đổ rượu vào thì thấy hình tiên nữ nhảy múa…

Tượng Bồ Tát Tara có niên đại vào thế kỷ thứ IX. Cổ vật đại diện cho di tích nền móng Phật viện lớn nhất của Vương quốc Chămpa được tìm thấy tại Đồng Dương (Quảng Nam). (Ảnh: TL)

Nhà sưu tập Hồ Khải với hơn 50 năm lặn lội đi tìm và bộ sưu tập của ông với hàng ngàn cổ vật mà ông vẫn còn ước ao được gặp những món đồ đặc biệt quý giá của vua Chăm như thiên hạ đồn đại vì ông chưa gặp bao giờ.

Xưa kia, nhiều dân tộc ở Châu Á như: Lào, Thái, Hán, Hoa, Khơme, Ấn Độ… đã từng sử dụng phép thuật bùa ngải, thôi miên, độc trùng – tà thuật phục vụ cho mục đích riêng của mình, trong đó có cả dân tộc Chăm nhưng không phải ai hoặc chỗ nào, đối tượng nào cũng có thể sử dụng được những yếu tố trên.

Còn nói đến bảo vật của vua Chăm như một số bài viết là cân đai, mũ mão, áo, khăn, chén, ấm, đồ trang sức bằng rất nhiều chất liệu và kỹ thuật chế tác rất tinh xảo, những hiện vật tiêu biểu này cứ hàng năm vào lễ hội người Chăm thường được mang ra tế cúng ở các đền tháp là chưa đủ.

Từ góc độ của người sưu tập, cổ vật Chăm được coi là độc đáo nhiều giá trị ở hệ thống tượng tròn nam thần, nữ thần - Phật - linh vật cùng hệ thống ngẫu tượng Linga và Yoni bằng những chất liệu gỗ, đá, bạc, kim loại đặc biệt là vàng, ngoài ra còn có những hiện vật có giá trị như: đàn đá, kèn đá, gốm và những đồ thờ cúng, đồ trang sức bằng kim loại quý được chế tác tinh vi chi tiết mang nhiều yếu tố độc đáo.

Trong khi hàng chục bài viết về những kho báu của người Chăm chứa hàng ngàn tấn vàng và bao hiện vật quý hiếm thu hút sự chú ý của xã hội, có những người đã bỏ gần hết cuộc đời san lấp, đào bới, tìm kiếm vẫn chẳng thấy tăm hơi kho báu đâu.

Nhưng gần 10 năm trở lại đây đã có những tốp người được trang bị kỹ thuật dò tìm hiện đại hoạt động ở miền Trung  - Tây Nguyên đến Lâm Đồng, họ đã tìm thấy hàng ngàn cổ vật với nhiều chủng loại và chất liệu, trong đó có cả trống đồng, tượng, đồ trang sức bằng vàng, đá quý, ngọc, gốm... những hiện vật này được chuyển đi lặng lẽ đến những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn. Phần được đưa về các bộ sưu tập, phần thì được chuyển đi ra nước ngoài. Nếu chúng ta qua Băng Cốc - Thái Lan hoặc Campuchia ở các phố bán đồ cổ mới thấy khối lượng cổ vật Việt Nam được đưa qua các nước láng giềng như thế nào, đấy là chưa kể vật cổ Chăm từ lâu đã được các quốc gia như Mỹ, Bỉ, Thụy Sĩ, Ý, Anh, Pháp, Đức... đã để ý và sưu tập. Trong khi đó các cơ quan quản lý văn hóa ít khi hay biết được những thông tin này.

Bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa trong đó có cổ vật Việt Nam nói chung và cổ vật Chăm nói riêng là nhiệm vụ của toàn xã hội. Không đợi đến khi tìm ra những kho báu, mà ngay từ bây giờ, bằng những ý kiến của các nhà quản lý, các nhà khoa học chúng ta đưa ra những biện pháp bảo tồn giữ gìn cổ vật của đất nước trong đó có cổ vật Chăm.

TS Phạm Dũng

Top