Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam: Từ “tĩnh” đến “động”

Được xây dựng năm 1960, với tên gọi quen thuộc ban đầu là Bảo tàng Việt Bắc, trưng bày giới thiệu về tự nhiên, đất nước, con người và cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc Việt Bắc. Đến nay, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã mang một diện mạo mới gắn với chức năng, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hoá của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam trên phạm vi cả nước.

Nếu những năm 90 của thế kỷ 20, Bảo tàng được Tổ chức Sida (Thụy Điển) tài trợ nâng cấp hệ thống trưng bày trong nhà, thì đến những năm 2000 Bảo tàng lại được sự quan tâm, đầu tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đến ngày 19-5-2010 Bảo tàng ngoài trời ra đời, chính thức mở cửa đón khách tham quan. Trưng bày ngoài trời thể hiện văn hóa các dân tộc thông qua 6 vùng văn hóa: Núi cao phía Bắc, Thung lũng, đồng bằng Bắc Bộ, ven biển miền Trung - Tây Nguyên và Nam Bộ. Mỗi vùng có một điểm nhấn tạo thành ngôi nhà chung để các nghệ nhân từ 54 dân tộc trên cả nước hội tụ thường kỳ, trình diễn các tiết mục văn hóa văn nghệ mang bản sắc dân tộc. Từ đây, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam mới chuyển khái niệm trưng bày trên sách vở ra thực tế hoạt động. Các đoàn nghệ nhân trên khắp mọi miền cả nước hội tụ cùng trình diễn bản sắc văn hóa chào mừng thành công Đại hội các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất. Nhờ vậy mà cán bộ Bảo tàng, công chúng tham quan được nghe, xem và  trải nghiệm, thực hành văn hóa, nay lại biểu diễn phục vụ khách tham quan. Sự lan tỏa văn hóa theo cách này là tiền đề cho một loạt những thay đổi phương pháp hoạt động của Bảo tàng những năm gần đây.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện và đoàn công tác của Bộ thăm Bảo tàng, tháng 2-2017

Sau 8 năm đi theo hướng mới, đã có rất nhiều hoạt động gắn với không gian các ngôi nhà, các vùng văn hóa ngoài trời. Nhiều tiết mục văn hóa phi vật thể các dân tộc được truyền dạy và trình diễn, làm sống động các tổ hợp trưng bày tĩnh, thu hút ngày càng đông và để lại ấn tượng khó quên cho du khách.

Năm 2012, nhân kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam, 50 năm ngày thành lập Thành phố Thái Nguyên, lần đầu tiên, Bảo tàng đã kết nối với 27 đơn vị, doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực và hệ thống các trường học tham gia “Chiếc cày và người nông dân các dân tộc Việt Nam” trải rộng trên khuôn viên 40 nghìn m2 của Bảo tàng. Công chúng thuộc mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, giới tham gia trải nghiệm: Rèn đúc nông cụ, xay thóc, giã gạo, thổi cơm niêu, nấu cơm bếp Hoàng Cầm, làm mũ rơm xuống hầm trú ẩn, đóng cối xay thóc, may vá, quạt thóc, đi cà kheo, thi xách nước qua cầu khỉ, tát nước gầu dai, múa sạp, múa xoè, lớp học thày đồ thời phong kiến, các khoa thi hương, thi hội, thi đình… Sự kiện văn hóa này thu hút 8.000 lượt người tham quan, trải nghiệm, mong muốn và háo hức lại được đến với Bảo tàng trong những ngày hoạt động tiếp theo.

Ngoài công tác trưng bày hiện vật, Bảo tàng còn mở ra nhiều hoạt động theo chuyên đề

Sau hoạt động kết nối gắn lịch sử truyền thống đương đại, lãnh đạo Bảo tàng đã định hướng, việc phát huy di sản văn hóa dân tộc muốn thành công phải gắn với đối tượng cụ thể, phát huy những đặc trưng riêng trong nghề nghiệp của từng đối tượng theo dòng lịch đại và đồng đại.

Cách nhìn này đã thôi thúc Ban Lãnh đạo Bảo tàng mạnh dạn mở các tour tham quan trải nghiệm dành cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên như: Một ngày làm bộ đội, Một ngày làm nông dân, Thử sức làm chiến sỹ công an… “Em tập làm nông dân” mở màn cho các tour trọn gói một ngày ở bảo tàng, các em được tìm hiểu nông cụ sản xuất,  phương thức canh tác và văn hóa của người nông dân ở các vùng miền Việt Nam; được sử dụng nông cụ để trồng cây và thưởng thức sản phẩm trồng ra, được tham gia các hoạt động văn hóa gắn với người nông dân như  lễ hội và các trò chơi dân gian. Gần 12.000 học sinh các trường tiểu học, phổ thông trung học tại Thái Nguyên đã đến Bảo tàng tham gia nghiên cứu, khám phá trên các địa hình nương hốc đá, ruộng bậc thang. Qua hoạt động trải nghiệm, các em nhận thức sâu sắc hơn giá trị của lao động, nâng cao kỹ năng sống, biết cách cùng nhau chia sẻ công việc...

Năm 2015, Bảo tàng kết nối với lực lượng vũ trang Quân khu I và 25 đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hướng đến đối tượng nghiên cứu tìm hiểu về anh bộ đội cụ Hồ với tên gọi:“70 năm đồng hành cùng bước chân anh bộ đội cụ Hồ” thu hút hơn 30.000 học sinh tham gia. Các em được cắm trại, hành quân theo chiều dài lịch sử, ôn lại truyền thống anh bộ đội cụ Hồ, tham gia trưng bày, trải nghiệm, tái hiện lịch sử gắn với 10 trại quân sựbước chân anh bộ đội cụ Hồ qua từng mốc son lịch sử hào hùng của quân đội nhân dân Việt Nam. Một ngày làm bộ đội, du khách và học sinh được hiện thân trong vai anh bộ đội, theo thời gian, không gian, qua đó, các em biết gấp chăn màn đẹp, biết chia sẻ với mọi người xung quanh, biết giúp cha mẹ, tự rèn luyện bản thân và vun đắp tình yêu đất nước bằng những hành động tích cực, hữu ích cho cuộc sống. 

Một hoạt động nữa cũng được coi là mốc son đánh dấu bước phát triển của Bảo tàng theo hướng mở rộng ra tầm quốc tế khi gắn với đối tượng thợ thủ công. Năm 2013 Bảo tàng chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội Nghề dệt truyền thống Đông Nam Á (ASEAN TTAC). Khởi đầu cho sự kết nối với quốc tế là Hội thảo, trưng bày và trình diễn nghề dệt truyền thống ASEAN lần thứ IV với chủ đề “Truyền thống, đổi mới, kết nối: Mở ra bước sáng tạo trong nghề dệt truyền thống ASEAN” từ ngày 15-3 đến ngày 18-3-2013 tại Bảo tàng. Đây là hoạt động thường niên 2 năm 1 lần do Hiệp hội Nghề dệt truyền thống ASEAN luân phiên tổ chức giữa 10 quốc  gia  tham dự.  Công chúng được tiếp xúc nghệ nhân, hiểu được quy trình dệt, thêu, nhuộm  truyền thống  của từng dân tộc Việt Nam và các dân tộc ở Đông Nam Á. Quan trọng hơn, hoạt động bảo tàng gắn với thợ thủ công, nhà doanh nghiệp các nước ASEAN, là cơ hội để các nghệ nhân Việt Nam học tập cách dệt, cách in hoa văn tinh tế hơn, tiết kiệm nhân lực hơn. Đồng thời, có thêm cơ hội để mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát huy di sản nghề thủ công.

Nhân dịp Festival Trà quốc tế lần thứ 3 tại Thái Nguyên. Bảo tàng tiếp tục cùng nghệ nhân đan lát sử dụng sản phẩm gắn với văn hóa trà. Kết hợp văn hóa quốc tế với văn hóa địa phương để thấy hương vị trà trong từng sản phẩm thủ công và văn hóa thưởng trà của mỗi quốc gia, giúp các nhà sản xuất, chế biến trà có cái nhìn sâu rộng hơn khi sản xuất, chế biến và đưa sản phẩm ra thị trường.

“Tuần văn hóa Indonesia, Malaysia và Việt Nam”  diễn ra sôi nổi với rất nhiều hoạt động: Trưng bày, trình diễn, Giao lưu văn hóa; Tổ chức các hoạt động giáo dục, trải nghiệm khám phá văn hóa ASEAN, Indonesia, Malaysia và Việt Nam đã thu hút hàng trăm du khách quốc tế tại Thái Nguyên và hơn 20.000 học sinh, sinh viên các quốc gia tham dự, tiếp cận, khám phá, tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán của 54 dân tộc Việt Nam và một số nước ASEAN, qua đó tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị và đoàn kết giữa các quốc gia.

Hoạt động giao lưu quốc tế của Bảo tàng

Mỗi năm Bảo tàng có hàng trăm chuyên đề mới phục vụ riêng cho từng đối tượng cụ thể đến tham quan. Vì thế, công chúng ngày càng gắn bó và quan tâm tới các hoạt động thường niên của Bảo tàng. Lượng khách tham quan ngày càng tăng lên nhanh chóng là nguồn động viên lớn cho cán bộ nhân viên Bảo tàng làm tốt hơn nhiệm vụ phục vụ khách tham quan theo chiều sâu và thị hiếu của khách.

Có thể nói, các hoạt động trưng bày, trình diễn trong nước và quốc tế của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam gần đây được coi là những dấu mốc căn bản, từng bước làm thay đổi diện mạo của Bảo tàng trong  thực hiện nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Từ đơn thuần là trưng bày tĩnh, phục vụ nhiệm vụ chính trị, khách tham quan đến Bảo tàng thụ hưởng một chiều, đến nay, Bảo tàng đã có nhiều đổi mới, công chúng đến với Bảo tàng như được hòa mình vào không gian của di sản, kết nối với di sản, thực hành di sản, để từ đó nâng cao nhận thức về di sản văn hóa, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam. Không chỉ vậy, những hoạt động đổi mới còn góp phần quảng bá, đưa di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường giao lưu văn hóa, song hành giữa truyền thống và đương đại trong bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.

ThS Nghiêm Thị Minh Hằng

 

 

Top