Bảo tàng Lịch sử quốc gia - khởi đầu một hành trình mới

Ngày 26 tháng 9 năm 2011 đã trở thành một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành Bảo tàng Việt Nam với Quyết định số 1674/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thành lập Bảo tàng Lịch sử quốc gia trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam – hai cánh chim đầu đàn với bề dày truyền thống và có đóng góp to lớn trong sự nghiệp gìn giữ, bảo tồn, phát huy di sản lịch sử, văn hóa dân tộc.

Những thành tựu nổi bật

Ngay sau khi được thành lập, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã khẩn trương thực hiện kiện toàn bộ máy, các tổ chức đoàn thể với cơ cấu 15 phòng, 01 ban, trên 250 công chức, viên chức, người lao động; ổn định tư tưởng, tạo sự đồng thuận, đoàn kết thống nhất, xây dựng định hướng, chiến lược phát triển, chương trình, kế hoạch hoạt động phù hợp với vị trí, chức năng, nhiệm vụ và lộ trình phát triển.

Toàn cảnh BTLSQG khu vực số 1 Tràng Tiền.

Xác định yếu tố con người là quan trọng nhất nên công tác đào tạo, bồi dưỡng được Bảo tàng đặt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cử hơn 300 lượt cán bộ, viên chức tham gia các lớp, khóa đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ và đã góp phần xây dựng được đội ngũ cán bộ, viên chức có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoạt động của một bảo tàng đầu hệ.

Bên cạnh đó, Bảo tàng đã tập trung cải tiến lề lối, phong cách làm việc, nâng cao chất lượng công tác; khẩn trương triển khai và hoàn thành việc cải tạo, chỉnh trang cơ sở hạ tầng từ hai bảo tàng cũ với nhiều hạng mục đã xuống cấp, tạo nên một bảo tàng với diện mạo mới, khang trang, sạch đẹp, khoa học, hợp lý, trang thiết bị, điều kiện làm việc của viên chức, người lao động được đầu tư đồng bộ, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu với mức độ, quy mô ngày càng cao.

BTLSQG số 216 Trần Quang Khải.

Nhận thức rõ vai trò của nghiên cứu khoa học là cơ sở, yếu tố quyết định cho thành công trong mọi hoạt động bảo tàng, để thống nhất nhận thức, nâng cao hiểu biết chuyên môn, nghiệp vụ bảo tàng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã khẩn trương kiện toàn Hội đồng khoa học, tập trung nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng, triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học: tổ chức triển khai thực hiện, nghiệm thu 05 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, hơn 20 đề tài cấp Viện (cơ sở); tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm khoa học trong và ngoài nước; viết hàng trăm bài nghiên cứu chuyên sâu cho các hội thảo khoa học, tạp chí nghiên cứu ở trong nước và quốc tế.

Từ kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học, biên tập, xuất bản các ấn phẩm là thế mạnh của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Trong 5 năm qua, Bảo tàng đã tuyển chọn và công bố hơn 20 công trình có giá trị lý luận và thực tiễn cao, tiêu biểu như: “Tiền giấy Việt Nam; “Bảo tàng, di tích - nơi khơi nguồn cảm hứng dạy và học lịch sử cho học sinh phổ thông”; “Văn hóa Đông Sơn - Sưu tập tài liệu, hiện vật BTLSQG”;Trang sức cổ Việt Nam”; “Thuyền truyền thống Việt Nam” (Phối hợp với Viện Nghiên cứu Biển Hàn Quốc xuất bản); “Rồng bay - Nghệ thuật cung đình Việt Nam” (Phối hợp với Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet, CH Pháp xuất bản); “Bình minh trên sông Hồng”; “Văn hóa Nhật Bản”; “Việt Nam câu chuyện vĩ đại”... Cuốn Thông báo khoa học của Bảo tàng đều đặn ra 2 kỳ/năm (6 tháng/1số) với nội dung phong phú, hàm lượng khoa học cao.

Một số sách do Bảo tàng xuất bản.

Công tác nghiên cứu, sưu tầm đã thực sự trở thành mũi nhọn trong các hoạt động của Bảo tàng. Ban Lãnh đạo đã hết sức quan tâm, chỉ đạo sâu sát, tập trung đầu tư và thu được kết quả hết sức khả quan.

Để khẳng định vị thế là một trung tâm nghiên cứu khảo cổ học hàng đầu của Việt Nam, thời gian qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thực hiện thành công nhiều công trình, dự án khai quật khảo cổ học lớn ở nhiều địa phương trên cả nước, tiêu biểu: Khai quật tàu đắm trên biển Bình Châu, Quảng Ngãi; Tiến hành điều tra, khảo sát, khai quật Di tích Chăm Pa ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng (Di tích Cấm Mít); một số di tích khảo cổ học tiền-sơ sử ở hai tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai; Cụm Di tích Đền Chùa Bà Tấm, Gia Lâm, Hà Nội; chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang; Di tích Thành cổ Sam Mứn, tỉnh Điện Biên; Di tích Thành Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh)...; Tổ chức nhiều đợt sưu tầm trong phạm vi cả nước với những chuyên đề cấp thiết như: Văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Chăm Pa, Óc Eo, chủ quyền biển đảo Việt Nam, công cuộc đổi mới...Sau 5 năm, Bảo tàng đã sưu tầm được gần 5.000 tài liệu, hiện vật và hình ảnh phục vụ kịp thời cho công tác trưng bày và phát huy của Bảo tàng.

Phòng Nghiên cứu Sưu tầm khai quật tại Di tích chùa bà Tấm.

Hiện trường khai quật khảo cổ học tại Luy Lâu, Bắc Ninh.

Công tác bảo quản, quản lý hiện vật được Bảo tàng quan tâm đặc biệt và tập trung nhiều nguồn lực triển khai đồng bộ: Tổng kiểm kê, đánh giá toàn bộ tài liệu, hiện vật (hơn 200 ngàn) từ hai bảo tàng cũ được lưu giữ hơn 50 năm để phục vụ tốt cho việc triển khai các hoạt động của Bảo tàng Lịch sử quốc gia; Cải tạo, nâng cấp tổng thể hệ thống kho hiện vật khu vực số 01 Tràng Tiền và tầng 1 khu vực 25 Tông Đản đạt yêu cầu: hiện đại, tiêu chuẩn, hiệu quả; Xây dựng, thống nhất hệ thống sổ sách, biểu mẫu, phích phiếu từ hai hệ thống cũ; Xây dựng hàng chục hồ sơ và được Nhà nước công nhận 16 Bảo vật quốc gia; Tăng cường mở rộng sự hợp tác với các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ, Áo... tổ chức các chương trình tập huấn kỹ thuật bảo quản hiện vật nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia và nhiều bảo tàng trên cả nước.

Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong những trung tâm hàng đầu về bảo quản và là một trong những bảo tàng đầu tiên trên cả nước thực hiện chương trình số hóa trong trưng bày và quản lý hiện vật.

Lễ cắt băng khai mạc Trưng bày chuyên đề Mặt trận Việt Minh - Đại đoàn kết dân tộc (1941-1951), ngày 18-5-2016.

Trưng bày là ngôn ngữ, là sản phẩm riêng có và quan trọng nhất của bảo tàng, 5 năm qua, Bảo tàng đã đặc biệt quan tâm đầu tư, tổ chức mạnh mẽ. Hệ thống trưng bày thường trực thường xuyên được chỉnh lý, bổ sung, đầu tư trang thiết bị hiện đại (hệ thống chiếu sáng bằng đèn led, màn hình cảm ứng), cải tiến phương pháp trưng bày nhằm nâng cao chất lượng nội dung, hình thức. Trong đó, việc hoàn thành Phòng Trưng bày Văn hóa Óc Eo - Phù Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng, đã bổ sung, khắc phục sự thiếu hụt về nội dung, để đảm bảo tính xuyên suốt, toàn diện cho hệ thống trưng bày thường trực.

Khách quốc tế sử dụng dịch vụ Autoguide tham quan trưng bày BTLSQG

Trưng bày chuyên đề cũng là thế mạnh, thương hiệu của Bảo tàng LSQG nên được đầu tư, đẩy mạnh. Từ cuối năm 2011 đến nay, Bảo tàng LSGQ tổ chức nhiều trưng bày chuyên đề, trong đó có 21 trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng, tiêu biểu như “Di sản văn hóa Biển Việt Nam”; “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam”; “Văn hóa Đông Sơn”; “Linh vật Việt Nam”; “Báu vật Việt Nam – Kim sách Triều Nguyễn”; “Mặt trận Việt Minh – Đại đoàn kết dân tộc”...;

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức 17 trưng bày chuyên đề tại địa phương; 07 trưng bày chuyên đề tại nước ngoài: “Việt Nam - Câu chuyện vĩ đại” tại Bảo tàng quốc gia Kyushu (Nhật Bản); “Văn hóa Đông Sơn” tại Bảo tàng quốc gia Malaysia; “Buổi đầu nền văn hóa cổ Việt Nam” tại Hàn Quốc; “Rồng bay -Nghệ thuật cung đình Việt Nam” tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet, CH Pháp; “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” tại Cộng hòa Liên bang Đức…; Xây dựng 12 chủ đề đưa đi trưng bày lưu động tại hơn 50 địa điểm trên địa bàn cả nước. Trong đó có nhiều trưng bày chuyên đề có nội dung sâu sắc, hấp dẫn được công chúng ghi nhận, đánh giá cao, có hiệu ứng mạnh, tích cực trong xã hội. Với những nỗ lực đó, trong 5 năm qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã đón hàng triệu lượt khách tham quan trong nước và quốc tế.

Khai mạc trưng bày Bảo vật Hoàng cung- Kim sách Triều Nguyễn (1802-1945), ngày 31-3-2016

Công tác giáo dục, công chúng luôn chủ động, duy trì, thực hiện tốt. Bảo tàng còn đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng, tổ chức các chương trình giáo dục. Nổi bật nhất phải kể đến hoạt động của Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, “Giờ học lịch sử” tại Bảo tàng không ngừng được đổi mới, mở rộng đối tượng công chúng, phạm vi, quy mô tổ chức (từ 16 buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” năm 2011, năm 2015 đã tổ chức được 180 buổi Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, “Giờ học lịch sử”) với các chủ đề, nội dung phong phú, bổ ích, nhận được sự hưởng ứng tích cực và ghi nhận từ phía nhà trường, học sinh, phụ huynh học sinh cũng như các đơn vị phối hợp. Việc triển khai nghiên cứu, giới thiệu trưng bày bảo tàng qua hệ thống thuyết minh tự động (audio guide, bảo tàng ảo 3D) để phục vụ rộng rãi các đối tượng công chúng đã đưa Bảo tàng Lịch sử quốc gia trở thành bảo tàng đi đầu về ứng dụng công nghệ hiện đại trong giới thiệu trưng bày bảo tàng.

Sinh hoạt CLB Em yêu Lịch sử tại BTLSQG.

Công chúng tham gia hoạt động trải nghiệm têm trầu do BTLSQG tổ chức.

Công tác truyền thông là một nét mới được Bảo tàng quan tâm, chú trọng và đã đạt được những thành tựu nổi bật: trung bình 1 năm có hơn 500 tin, bài viết về Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Câu lạc bộ Tình nguyện viên của Bảo tàng hoạt động sôi nổi, tích cực hỗ trợ cho các hoạt động chuyên môn của Bảo tàng. Trang Thông tin điện tử (website) của Bảo tàng từng bước nâng cao chất lượng nội dung, hình thức được kiện toàn với ba thứ tiếng: Anh, Pháp, Việt và trở thành một kênh quan trọng, hữu hiệu để Bảo tàng tiếp cận sâu rộng tới công chúng cũng như công tác quảng bá về lịch sử, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế hiệu quả hơn. Với những nỗ lực, đổi mới tích cực đó, website BTLSQG ngày càng hấp dẫn và thu hút lượng độc giả rất lớn, đến nay đã có hơn 27 triệu lượt độc giả truy cập (trung bình trên 500.000 lượt người truy cập/tháng). Trong đó, lượng truy cập vào trang Website tiếng nước ngoài (tiếng Anh, Pháp) chiếm khoảng 50%.

Họp báo chuyên đề Kim sách

Báo cáo kết quả phục chế tượng Phật A Di Đà.

Công tác Hợp tác quốc tế được Bảo tàng quan tâm, tổ chức hết sức mạnh mẽ, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác trưng bày, nghiên cứu khảo cổ học, đào tạo, bảo quản...Bảo tàng LSQG là thành viên có trách nhiệm và nhiều đóng góp cho ICOM (Hội đồng Bảo tàng quốc tế). Dấu ấn đậm nét nhất phải kể đến là Hội nghị thường niên Hiệp hội các bảo tàng quốc gia châu Á lần thứ 4 (ANMA 4) vào tháng 10-2013 do Bảo tàng Lịch sử quốc gia (với tư cách Chủ tịch nhiệm kỳ 2011-2013) đăng cai và tổ chức thành công, để lại những ấn tượng sâu sắc đối với các thành viên quốc tế tham dự Hội nghị.

Trong 5 năm, Bảo tàng đã hoàn tất thủ tục cử 63 đoàn công tác tại các nước trên tổng số 164 lượt cán bộ; Đón và làm việc với 88 đoàn vào với tổng số 347 lượt người làm việc trong lĩnh vực hợp tác trưng bày, nghiên cứu khảo cổ học, đào tạo, bảo quản... (Đặc biệt, các chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế của Bảo tàng Lịch sử quốc gia chủ yếu sử dụng từ nguồn kinh phí của các đối tác quốc tế đã góp phần tiết kiệm giảm chi ngân sách hàng năm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả). Đến nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thiết lập và có quan hệ hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức của 26 quốc gia trên thế giới.

Cán bộ BTLSQG làm việc cùng chuyên gia Nhật tu bổ, phục dựng hiện vật trong khuôn khổ dự án do Quỹ Sumitomo tài trợ.

Các phóng viên Đức đến BTLSQG tìm hiểu thông tin hiện vật trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” khai mạc tại Đức vào tháng 10-2016.

Bên cạnh công tác chuyên môn, nghiệp vụ, công tác Đảng, đoàn thể cũng được quan tâm, củng cố và đẩy mạnh. Đảng bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia với 81 đảng viên sinh hoạt tại 4 chi bộ trực thuộc, luôn giữ vững nề nếp sinh hoạt định kỳ, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trên các mặt công tác và luôn đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu của Đảng ủy Bộ VHTTDL. Công đoàn, Đoàn cơ sở Bảo tàng luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan, thực hiện tốt vai trò chức năng, nhiệm vụ, chủ động, tích cực tổ chức các chương trình, hoạt động thiết thực, bổ ích, hiệu quả và luôn dẫn đầu các phong trào thi đua của Bộ VHTTDL.

Ghi nhận những nỗ lực, cố gắng, những thành tựu nổi bật cũng như những đóng góp quan trọng của Bảo tàng LSQG trong 5 năm qua, Đảng, Nhà nước và các cơ quan cấp trên đã trao tặng cho tập thể, cá nhân của Bảo tàng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất (tập thể BTLSQG), hạng Nhì (03 cá nhân), hạng Ba (01 cá nhân); Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Công đoàn, Đoàn TNCSHCM cấp trên và các cơ quan, bộ ngành, địa phương trên cả nước.

Thay lời kết

Trong 5 năm vừa qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan, đối tác trong và ngoài nước, sự nỗ lực, đoàn kết của tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã không ngừng lớn mạnh trở thành một thiết chế văn hóa lớn, quan trọng và có nhiều đóng góp  nhất trong hệ thống bảo tàng Việt Nam.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là khởi đầu của một hành trình mới, tiềm năng của Bảo tàng LSQG còn rất lớn cần tiếp tục được đánh thức, khai thác, phát huy mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục có nhiều khó khăn, Việt Nam đang tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản nói chung, BTLSQG nói riêng sẽ có nhiều cơ hội song cũng phải đối mặt không ít thách thức.

Nhưng với bề dày truyền thống, trên đà những thành tựu đạt được trong những năm vừa qua, BTLSQG sẽ tiếp tục tăng cường, mở rộng quy mô, phạm vi, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để ngày càng khẳng định vị trí đầu hệ, vai trò trụ cột, đầu mối kết nối, góp phần quan trọng trong việc đổi mới, phát triển hệ thống bảo tàng Việt Nam, vươn lên trở thành một bảo tàng lớn, uy tín hàng đầu khu vực và thế giới.

TS Nguyễn Văn Cường

Top