Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam: 60 năm xây dựng và phát triển (17/7/1956-17/7/2016)
Từ đó, ngày 17-7 trở thành ngày truyền thống của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam từng bước phát triển toàn diện, cả về tổ chức, đội ngũ cán bộ và chức năng, nhiệm vụ; từng bước phấn đấu thực hiện có hiệu quả vai trò của một thiết chế văn hoá, một bộ phận quan trọng trong hệ thống các cơ quan làm công tác Đảng, công tác chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Vào thời điểm mới thành lập, Ban Xây dựng Bảo tàng Quân đội mới có 13 người, với nhiệm vụ “Nghiên cứu sưu tầm các tài liệu hiện vật, di tích lịch sử thuộc về quân đội; tiến hành thu thập, sắp xếp các tài liệu, hiện vật cho có hệ thống; tổ chức bảo quản các tài liệu, hiện vật lịch sử; đồng thời liên hệ với các địa phương để hướng dẫn bảo quản những di tích lịch sử của quân đội ở địa phương; nghiên cứu kế hoạch và thực hiện trình bày, tổ chức nên Bảo tàng Quân đội”.
Ngay sau khi thành lập, Ban Xây dựng Bảo tàng Quân đội đã bắt tay vào soạn thảo các văn bản về công tác bảo tồn, bảo tàng giúp Tổng cục Chính trị chỉ đạo toàn quân sưu tầm tài liệu, hiện vật, vừa để xây dựng phòng truyền thống của đơn vị, vừa đóng góp hiện vật cho Bảo tàng Quân đội. Với tinh thần làm việc khẩn trương, được sự chỉ đạo sát sao của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, sau hơn 3 năm tiến hành xây dựng và trưng bày, ngày 21-12-1959, nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-1959), Bảo tàng chính thức mở cửa phục vụ khách tham quan. Tới duyệt nội dung trưng bày Bảo tàng trước khi mở cửa đón khách tham quan, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Bảo tàng Quân đội là một cuốn sử sống có tác dụng rất to lớn đến việc giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta cho người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Bảo tàng Quân đội còn giúp khách nước ngoài hiểu rõ về Việt Nam ta, về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Vì vậy Bảo tàng phải tạo điều kiện tốt nhất để cho khách đến tham quan”.
Thủ tướng Phạm Văn Ðồng khi tới dự Lễ khánh thành Bảo tàng đã ghi vào Sổ vàng lưu niệm: “Bảo tàng Quân đội nhắc lại lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam ta, Bảo tàng Quân đội là một trường học và là nguồn phấn khởi đối với người xem, đối với nhân dân ta và quân đội ta”.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là nơi sưu tầm, lưu giữ và trưng bày rất nhiều hiện vật quý về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Ảnh: internet
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và khai trương Bảo tàng, Ban Xây dựng Bảo tàng Quân đội chuyển thành Phòng Bảo tàng Quân đội trực thuộc Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, với nhiệm vụ “Ðón tiếp, hướng dẫn khách tham quan, bảo vệ, bảo quản hiện vật, kho tàng, tu bổ sửa chữa nhỏ hệ thống trưng bày”.
Sau gần 5 năm mở cửa, ngày 15-5-1964, Tổng cục Chính trị ra quyết định nâng cấp Phòng Bảo tàng Quân đội thành Viện Bảo tàng Quân đội trực thuộc Tổng cục Chính trị, với nhiệm vụ: “Nghiên cứu, sưu tầm hiện vật và tuyên truyền giáo dục truyền thống quân đội; thực hiện công tác nghiên cứu khoa học; giúp Tổng cục Chính trị chỉ đạo hoạt động bảo tàng, nhà truyền thống toàn quân”.
Ðây là một bước ngoặt đánh dấu sự trưởng thành của Bảo tàng Quân đội, nâng vị thế Bảo tàng lên một tầm cao mới.
Lúc này, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang diễn ra ngày càng ác liệt, không chỉ ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã leo thang ra cả miền Bắc. Vì vậy, tổ chức biên chế, chức năng nhiệm vụ và hoạt động của Viện Bảo tàng Quân đội cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện cả nước có chiến tranh. Công tác trưng bày tập trung vào các cuộc triển lãm tại Bảo tàng và triển lãm lưu động tại các địa phương nhân các sự kiện lớn của dân tộc và của quân đội. Công tác tuyên truyền được duy trì đảm bảo cho nhân dân vào tham quan Bảo tàng trong điều kiện miền Bắc bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt. Thời kỳ này, công tác sưu tầm được chú trọng hơn. Bảo tàng đã tổ chức các đoàn đi sưu tầm ở Khu 5, Nam Bộ, Ðường 9 Nam Lào và các địa phương ở miền Bắc có nhiều thành tích trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Hàng vạn hiện vật đã được sưu tầm hoặc được các đoàn cán bộ chiến đấu ở miền Nam mang ra hiến tặng. Nhiều cán bộ Viện Bảo tàng Quân đội đã trực tiếp dấn thân vào cuộc chiến đấu, theo sát bộ đội trên các chiến trường để sưu tầm hiện vật, có đồng chí đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ như Liệt sĩ Dương Quang Chính. Ðể bảo vệ hiện vật, Bảo tàng đã dồn toàn lực để di chuyển hàng vạn hiện vật lên sơ tán ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Tây. Trong điều kiện khó khăn, dù ở trong hang đá ẩm thấp, hay dưới nhà kho nửa chìm, nửa nổi, hiện vật vẫn được bảo quản chu đáo không để mất mát, hư hỏng. Hiện vật trưng bày được đăng ký, kiểm kê, xây dựng thành các sưu tập theo tiêu chuẩn và quy trình khoa học. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống cho các thế hệ được bảo tàng chú trọng. Ngoài việc thường xuyên tổ chức trưng bày tại chỗ và triển lãm lưu động phục vụ bộ đội và nhân dân ở các vùng sâu, vùng xa, Bảo tàng còn phát hành các bộ ảnh với nhiều chủ đề khác nhau phục vụ các đơn vị chiến đấu và gửi đi tuyên truyền ở nước ngoài. Trong 10 năm, từ 1965 đến năm 1975, Bảo tàng đã phục vụ gần 2 triệu khách trong và ngoài nước thuộc hơn 80 quốc gia trên thế giới.
Sau khi đất nước thống nhất, cùng với sự hồi sinh, phát triển của đất nước, của quân đội, Viện Bảo tàng Quân đội cũng có bước trưởng thành mới. Tổ chức, biên chế và nhiệm vụ của Viện có bước phát triển. Nhiệm vụ chính của Bảo tàng sau chiến tranh là thu hồi hiện vật sơ tán ở các địa phương tập trung về Hà Nội, đồng thời tăng cường sưu tầm hiện vật ở các chiến trường; củng cố, nâng cấp, sửa chữa hệ thống trưng bày phục vụ khách tham quan. Vượt qua những khó khăn, thử thách của thời kỳ cả nước vừa khắc phục hậu quả chiến tranh vừa sản xuất, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm nghĩa vụ quốc tế… cán bộ, nhân viên của Viện Bảo tàng Quân đội vững vàng đi lên. Các khâu công tác nghiệp vụ từ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền đều có những tiến bộ. Ðịa bàn hoạt động không những mở rộng khắp cả nước, mà còn sang cả Lào, Campuchia. Viện liên tục tổ chức các đoàn đi sưu tầm hiện vật, kịp thời bổ sung những hiện vật trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây - Nam và biên giới phía Bắc. Công tác trưng bày, truyền truyền cũng có nhiều khởi sắc với việc nhiều lần củng cố nâng cấp, đổi mới hệ thống trưng bày, tổ chức hàng trăm cuộc triển lãm, thu hút hàng vạn khách tham quan.
Tượng đài tưởng nhớ chiến thắng trận Điện Biên Phủ trên không bằng xác của những chiếc máy bay B-52. Ảnh: internet
Bước vào thời kỳ đổi mới (1986), nhiệm vụ của Bảo tàng một lần nữa được mở rộng với việc thành lập Phân viện Ðiện Biên Phủ, trên cơ sở tiếp nhận Khu Di tích Ðiện Biên Phủ (1987) và sáp nhập Xưởng Mỹ thuật Quân đội vào Bảo tàng (1988). Tháng 7-1994, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận Viện Bảo tàng Quân đội là Bảo tàng cấp quốc gia. Cơ cấu tổ chức của Viện được điều chỉnh cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ mới.
Với việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức, các hoạt động nghiệp vụ từng bước được nâng cao. Công tác sưu tầm giai đoạn này tập trung vào sưu tầm hiện vật phản ánh hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây - Nam, biên giới phía Bắc và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Công tác hướng dẫn nghiệp vụ có những yêu cầu mới bởi nhiều bảo tàng quân khu, quân đoàn, quân binh chủng được thành lập. Công tác trưng bày, tuyên truyền có bước phát triển về chất với việc nâng cấp, đổi mới hệ thống trưng bày thường xuyên, tổ chức nhiều cuộc triển lãm chuyên đề. Công tác kiểm kê, bảo quản cũng dần đi vào nề nếp và có chiều sâu nghiệp vụ. Ðây là giai đoạn các kho hiện vật của Bảo tàng được kiện toàn, thu gọn và tập trung. Hàng chục tấn hiện vật được vận chuyển từ Ðiện Biên Phủ về kho Cột Cờ và từ kho Cột Cờ về kho Lai Xá. Năm 1994, lần đầu tiên Bảo tàng áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hiện vật và sử dụng công nghệ hoá vật liệu bền nhiệt đới vào bảo quản hiện vật ngoài trời.
Năm 1996, sau 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, cùng với cả nước, Viện Bảo tàng Quân đội cũng từng bước chuyển mình.
- Công tác kiểm kê, bảo quản có sự đổi mới về sổ đăng ký hiện vật, hồ sơ hoá hiện vật, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quản lý hiện vật, đặc biệt, năm 1996, Viện đã ban hành “Quy chế quản lý hiện vật”. Cuối năm 2000, Chính phủ phê duyệt Dự án xây dựng kho Lai Xá. Ðến năm 2002, cụm kho Lai Xá được khánh thành. Hàng vạn hiện vật được vận chuyển đưa vào kho lưu giữ, bảo quản an toàn.
- Công tác sưu tầm được tiến hành với nhiều hình thức như: trực tiếp tổ chức cán bộ đi sưu tầm vận động các tổ chức, cựu chiến binh, quần chúng nhân dân hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng… Nhờ đó, Bảo tàng sưu tầm và tiếp nhận được nhiều hiện vật quý. Năm 2000, lần đầu tiên Viện Bảo tàng Quân đội xây dựng Kế hoạch chiến lược sưu tầm hiện vật trong 10 năm (2000-2010). Cũng năm 2000, lần đầu tiên cán bộ sưu tầm có mặt ở Trường Sa để sưu tầm hiện vật khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Công tác trưng bày, tuyên truyền có sự đổi mới về nội dung, giải pháp và hình thức thể hiện, tạo sự hấp dẫn, gây ấn tượng với người xem. Thời gian này, Bảo tàng tổ chức nhiều cuộc triển lãm chuyên đề mang dấu ấn sâu sắc như: Triển lãm “Nghĩa tình đồng đội”, “Vũ khí do Quân giới Việt Nam sản xuất”, Triển lãm mỹ thuật đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng”, Triển lãm lưu động “Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc”, “Thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến”…
- Công tác nghiên cứu khoa học được chú trọng và đạt được kết quả khả quan. Nhiều đề tài khoa học từ cấp cơ sở đến cấp Bộ được nghiên cứu và đưa vào ứng dụng trong thực tế đạt hiệu quả cao. Tiêu biểu là đề tài cấp Bộ Quốc phòng “Ðổi mới nâng cao chất lượng hoạt động Bảo tàng trong quân đội” (1997), “Ðịnh hướng phát triển hệ thống bảo tàng trong quân đội đến 2010” (đề tài nhánh trong đề tài cấp Nhà nước do Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì); đề tài cấp cơ sở “Ứng dụng tin học quản lý và khai thác thông tin hiện vật bảo tàng”.
Khẩu pháo đã triệt hạ pháo đài bay B-52. Ảnh: interne
Ngày 4 - 12 - 2002, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định đổi tên Viện Bảo tàng Quân đội thành Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ðây là bước ngoặt mang tính lịch sử, là định hướng chính trị, là cơ hội và cũng là thách thức lớn lao đối với cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Với việc đổi tên này, chức năng nhiệm vụ, phạm vi nội dung trưng bày của Bảo tàng được phát triển và mở rộng. Tổ chức biên chế của Bảo tàng vì vậy cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Thực hiện nhiệm vụ Bộ Quốc phòng giao phó, nhằm đáp ứng yêu cầu trưng bày mới do Bảo tàng đổi tên từ Viện Bảo tàng Quân đội thành Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, sưu tầm hiện vật là những trang bị, vũ khí từ thế kỷ 19 trở về trước được chú trọng. Trong hơn 10 năm, Bảo tàng đã sưu tầm gần 10.000 hiện vật; trong đó có hơn 2.000 là cổ vật. Ðặc biệt, Bảo tàng đã tham mưu cho Thủ trưởng Tổng cục Chính trị chỉ đạo triển khai cuộc vận động “Sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến”. Cuộc vận động đã thu được kết quả tốt đẹp với trên 10.000 hiện vật được tiếp nhận trong vòng 3 năm (2008-2010).
Hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng được củng cố và bổ sung mới. Năm 2004, Bảo tàng tổ chức trưng bày bổ sung chuyên đề “Thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến” và “Mẹ Việt Nam anh hùng”. Năm 2009 - 2010, Bảo tàng cải tạo nâng cấp phần trưng bày Lịch sử Quân sự Việt Nam từ thời Hùng Vương - An Dương Vương đến trước năm 1930, hoàn thiện trưng bày Lịch sử Quân sự Việt Nam sau năm 1975. Từ 2014-2015, Bảo tàng tiếp tục nâng cấp các phòng trưng bày “Chiến cuộc Ðông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch lịch sử Ðiện Biên Phủ”, cải tạo Phòng “Toàn thắng” thành Phòng trưng bày “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975”.
Nhiều cuộc triển lãm chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước và quân đội được tổ chức. Nổi bật là các cuộc triển lãm “Những trận đánh, chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam”; “Ðiện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử”, “Quân đội anh hùng - truyền thống vẻ vang”, “Ðại thắng Xuân 1975”.
Công tác kiểm kê có nhiều khởi sắc. Kho Lai Xá được củng cố thường xuyên để bảo đảm lưu giữ hiện vật lâu dài. Ðặc biệt, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong số ít bảo tàng trong hệ thống bảo tàng quân đội xây dựng hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận một số hiện vật của Bảo tàng là Bảo vật Quốc gia đợt đầu tiên (năm 2012). Ðến nay, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có 4 hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Hoạt động nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh. Từ 2002 đến nay, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã triển khai nghiên cứu 11 đề tài, trong đó có 2 đề tài cấp Bộ, xuất bản trên 20 đầu sách với hàng vạn bản góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho các tầng lớp nhân dân và định hướng hoạt động nghiệp vụ bảo tàng cho các đơn vị trong toàn quân.
Cuộc vận động sáng tác mỹ thuật đề tài “Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng” được triển khai rộng khắp và mang tầm quốc gia. Ðã có hàng trăm hoạ sĩ, nhà điêu khắc thường xuyên hưởng ứng sáng tác hàng nghìn tác phẩm hội hoạ, điêu khắc, trong đó nhiều tác phẩm có giá trị được Bộ Quốc phòng tặng giải thưởng.
Chiến xe tăng đã tiến vào Dinh Độc Lập mang về nền hòa bình cho đất nước. Ảnh: internet
Từ năm 2011, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch hệ thống bảo tàng đến năm 2020, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng có chủ trương xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại địa điểm mới. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Ðề cương chính trị, Ðề án, Ðề cương tổng quát nội dung trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trình Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt. Trên cơ sở Ðề án và Ðề cương tổng quát nội dung trưng bày đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tiếp tục triển khai xây dựng Ðề cương chi tiết nội dung trưng bày và 4 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Cùng với chuẩn bị nội dung, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần tham mưu cho Bộ Quốc phòng lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc công trình Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Là bảo tàng đầu ngành của hệ thống bảo tàng quân đội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam làm tốt chức năng hướng dẫn nghiệp vụ và thường xuyên giúp đỡ về mọi mặt nhằm nâng cao chất lượng và hiệu qủa hoạt động của các bảo tàng trong toàn quân. Nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn được tổ chức cùng với các tài liệu trao đổi hướng dẫn nghiệp vụ được in ấn xuất bản đã giúp cán bộ các bảo tàng định hướng đúng hoạt động, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam còn giúp quân đội các nước Lào, Campuchia, Cu Ba xây dựng và trưng bày bảo tàng, đồng thời không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin, kinh nghiệm hoạt động bảo tàng với các nước trên thế giới, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa trước đây và trong khu vực hiện nay.
Cùng với các hoạt động nghiệp vụ, công tác xây dựng cơ quan đơn vị, xây dựng Ðảng bộ trong sạch vững mạnh cũng được quan tâm và đạt được thành tựu đáng kể. Nhiều năm Bảo tàng đạt đơn vị Quyết thắng, Ðảng bộ Bảo tàng đạt danh hiệu Trong sạch vững mạnh.
Sự phát triển về tổ chức, sự mở rộng phạm vi nội dung trưng bày cùng với sự đa dạng, phong phú về hình thức hoạt động, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn với khách tham quan trong và ngoài nước. Tính từ ngày Bảo tàng mở cửa phục vụ công chúng đến nay, đã có gần 20 triệu lượt khách tham quan, trong đó có gần 3 triệu lượt khách quốc tế, hàng chục đoàn Nguyên thủ quốc gia trên thế giới đã đến tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong số bảo tàng có số lượng khách tham quan đông.
Với những kết quả đạt được trong 60 năm qua, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 1 Huân chương Quân công hạng Hai (1984), 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất (1970), 1 Huân chương Chiến công hạng Hai (1961), 2 Huân chương Chiến công hạng Ba (1985, 2004), 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (2010), 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (2015). Bảo tàng còn được Nhà nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào tặng Huân chương Lao động hạng Ba (2005), Huân chương Anh dũng hạng Hai (2008), được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Cờ (năm 2015).
Những năm tới, nhiệm vụ của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hết sức nặng nề. Bảo tàng vừa phải tiếp tục củng cố nâng cấp hệ thống trưng bày tại Cột Cờ phục vụ khách tham quan, vừa từng bước triển khai thực hiện Dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mới với quy mô lớn theo hướng hiện đại như chủ trương của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng: “Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một thiết chế đa năng tổng hợp, đặc biệt quan trọng, tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và quốc gia, phản ánh toàn diện, sâu sắc, có hệ thống, đa dạng, phong phú hài hòa và hấp dẫn Lịch sử Quân sự Việt Nam qua các thời đại”.
Ðể làm được việc này, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, không ngừng rèn luyện, học tập nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức trách được giao, xứng đáng là bảo tàng đầu hệ của hệ thống bảo tàng quân đội và là một trong 6 bảo tàng quốc gia.
Thiếu Tướng, TS Nguyễn Xuân Năng