Bảo tàng Lịch sử Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941-1945

Trong số hơn 2000 bảo tàng hiện đang tồn tại ở nước Nga có một bảo tàng ở Mát-xcơ-va được rất nhiều du khách trong và ngoài nước biết tới, đó là Bảo tàng Trung ương lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941-1945.

Toạ lạc trên đồi Poklonaya – một mảnh đất thiêng liêng của Mát-xcơ-va, nơi đã từng chứng kiến những sự kiện quan trọng liên quan đến số phận nước Nga trong cuộc chiến tranh ái quốc chống Na-pô-lê-ông năm 1812. Mặc dù ngay trong những năm tháng cam go, khốc liệt của cuộc chiến tranh chống phát xít Đức xâm lược, các nhà lãnh đạo Xô Viết đã có ý định xây dựng một bảo tàng về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô, nhưng đến năm 1958 mới chính thức đặt phiến đá lưu niệm ghi dấu tích nơi sẽ xây dựng Bảo tàng chiến tranh vệ quốc vĩ đại và đến năm 1985 nhân dân Nga chính thức khởi công xây dựng Bảo tàng Trung ương chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941-1945 trên đồi Poklonaya. Sau 10 năm xây dựng, ngày 9-5-1995, đúng ngày kỷ niệm 50 năm chiến thắng phát xít, Bảo tàng Trung ương lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941-1945 đã được khánh thành trọng thể với sự có mặt của 65 Nguyên thủ quốc gia.

 Bảo tàng Trung ương lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941-1945 nằm trong Khu Lưu niệm Poklonaya rộng hàng gần 30 hecta, bao gồm các công trình văn hoá: Công viên Thắng lợi; Quảng trường Những người chiến thắng; Các nhà thờ đạo chính thống…và công trình có qui mô lớn nhất là toà nhà Bảo tàng Trung ương Lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941-1945. Với toà nhà 3 tầng rộng hàng ngàn m2, phía trước nhà là một đài kỷ niệm hình tháp gắn các phù điêu bằng đồng đỏ cao 141,8m, tượng trưng cho thời gian 1.418 ngày đêm của cuộc chiến tranh. Hệ thống trưng bày thường trực của Bảo tàng rộng 9.543m2 giới thiệu hơn 4.000 hiện vật gốc và hàng vạn hình ảnh, tư liệu lịch sử về chặng đường đi tới chiến thắng, mà nhân dân Nga và các dân tộc anh em trên đất nước Liên Xô trước đây đã trải qua trong cuộc chiến tranh tàn khốc chống chủ nghĩa phát xít cứu loài người khỏi hoạ diệt chủng.

Mở đầu hệ thống trưng bày thường trực và cũng là nơi trang trọng nhất của Bảo tàng là phòng giới thiệu về các nguyên soái, các thống lĩnh, các danh tướng của quân đội Xô Viết, những người đã góp công to lớn trong thắng lợi của Chiến tranh vệ quốc vĩ đại: Giucôp, Vanhisepski, Timosenko… Tại phòng này, mỗi danh tướng được thể hiện bằng một tượng chân dung bán thân cao khoảng  gần 1m bằng đồng thau, đặt trên một bệ cao khoảng  1.5m và có một bản Tiểu sử tóm tắt về cuộc đời binh nghiệp của danh tướng đó.

Trong phần trưng bày thường trực tuyến thăm quan được giới thiệu song song cỏc trận chiến đấu ngoài chiến trường và tình hình hậu phương, cũng như các cuộc chiến của du kích trong lòng địch. Ngoài ra còn có 6 Điorama điện động rộng hàng trăm mét vuông giới thiệu về các chiến dịch quan trọng tạo bước ngoặt của cuộc chiến tranh: Trận phản công của quân đội Xô Viết tại ngoại ô Mát-xcơ-va; Trận chiến ở Stalingơrát, Phòng thủ Lêningơrát; Vòng cung Cuốcxơ; Vượt sông Đơ-nhép và Công phá Beclinh. Đồng thời, trong hệ thống trưng bày thường trực còn có hai phòng mang ý nghĩa tưởng niệm với tên gọi: Phòng Vinh quang và phòng Tưởng niệm.

 Phòng Vinh quang là phòng có hình tròn, ở giữa phòng là bức tượng Nguời lính chiến thắng bằng đồng đỏ, phía trước tượng, trong một tủ kính nằm sát nền nhà, trong tủ kính trưng bày một thanh kiếm do những người lính quân giới vùng Tula (quê hương có truyền thống rèn, đúc vũ khí lâu đời) chế tạo. Xung quanh tường ốp đá hoa cương màu tuyết trắng được khắc họ, tên của 11.800 anh hùng Xô Viết thời kỳ 1941-1945 cùng các biểu trưng Vinh quang của quân đội Xô Viết. Trên cao là các biểu trưng của 12 thành phố anh hùng và trên đỉnh nóc tròn là Huân chương Chiến thắng - Huân chương cao quí nhất của Quân đội Xô Viết trước đây.

Phòng Tưởng niệm với sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ hiện đại: âm thanh, ánh sáng là nơi tưởng nhớ vĩnh hằng 20 triệu 600 ngàn người dân Nga và các nước thuộc Liên bang Xô Viết đã hy sinh và mất tích trong chiến tranh. Mảng trung tâm của phòng Tưởng niệm là nhóm tượng Bi thương bằng đá cẩm thạch trắng - thể hiện nỗi đau bất tận của người mẹ bên thi thể người con trai vừa ngã xuống trên chiến trường. Trên trần nhà buông rủ xuống hàng triệu triệu dây hạt cườm pha lê trong suốt, được chiếu sáng, những hạt cườm pha lê tượng trưng cho những giọt nước mắt tiếc thương của những người đang sống. Sát tường ốp đá cẩm thạch màu đỏ sẫm có viền đen là các tủ kính bày các cuốn sổ ghi tên, địa chỉ của hàng triệu sỹ quan, binh lính và dân thường đã hy sinh hoặc mất tích trong chiến tranh. Bên ngoài, trên nền đá đỏ sẫm là tên và các phiên hiệu của tất cả các phương diện quân, các quân đoàn, sư đoàn, trung đoàn đã từng tham chiến trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Nhóm tượng đài cùng với những hiện vật bảo tàng và âm thanh, ánh sáng, màu sắc đã tạo nên nét bi hùng của phòng Tưởng niệm.

Trong hệ thống trưng bày của Bảo tàng còn có các phòng triển lãm nhất thời rộng tới 5.600m2. Tại đây hàng năm tổ chức hàng chục sự kiện giáo dục, như: triển lãm chuyên đề, gặp gỡ giao lưu với các cựu chiến binh, các hoạt động nghệ thuật…

Trong kho của Bảo tàng đang lưu giữ  219.472 hiện vật, hình ảnh, tài liệu trong đó có 169.337 hiện vật gốc. Với nhiều sưu tập hiện vật gốc đặc biệt quý hiếm, có giá trị kinh tế, giá trị lịch sử văn hóa cao, như: các loại báo chí, các tác phẩm nghệ thuật tạo hình, các truyền đơn, cờ trướng, các loại vũ khí, các trang sức bằng kim loại quý, đá quý….

Ngoài trời trong những không gian rộng lớn 15,3 hecta được trưng bày 260 loại vũ khí hạng nặng khác nhau đã từng tham chiến trong chiến tranh, như các loại xe pháo hạng nặng, các loại tàu chiến, các loại thủy phi cơ…

Mặc dù, ở Mátxcova có rất nhiều bảo tàng với nhiều loại hình khác nhau, nhiều khu vui chơi giải trí, nhưng Bảo tàng Trung ương Lịch sử Chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941-1945 vẫn luôn là một địa điểm tham quan lý tưởng. Hàng năm bảo tàng đón khoảng 531.200  khách tham quan từ mọi miền đất nước và du khách của nhiều quốc gia trên thế giới.

Triệu Hiền