Bảo tàng Hồ Chí Minh với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ thiên tài và người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Người đã để lại cho chúng ta một gia tài vô cùng đồ sộ, một di sản hết sức quý báu, đó là: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Thời đại Hồ Chí Minh, và Tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ tổng kết sâu sắc thực tiễn cách mạng và từ quá trình phát triển nhận thức và tư duy lý luận trong những năm qua, Đảng ta đã khẳng định một cách chắc chắn: “Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho hoạt động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta”. Có thể hiểu một cách khác: Di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại chính là một bộ phận di sản quan trọng của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

Hơn 40 năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, sự giúp đỡ của các ngành, các cấp cùng với sự nỗ lực phấn đấu liên tục của các thế hệ cán bộ, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã không ngừng lớn mạnh, phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn và phát huy di sản Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. 20 năm xây dựng và hơn 20 năm mở cửa bảo tàng, quãng thời gian chưa phải là dài đối với một bảo tàng danh nhân, nhưng có thể khẳng định rằng, từ Bảo tàng Hồ Chí Minh, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lan toả và có ảnh hưởng đặc biệt đến nhận thức và hành động của Đảng ta, nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Kết quả đó được thực hiện qua các khâu công tác của bảo tàng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh.

1. Bảo tồn di sản văn hóa Hồ Chí Minh

Trong mỗi bảo tàng, công tác sưu tầm là một trong những hoạt động khoa học giữ vai trò quan trọng. Gắn với thực tế hình thành và phát triển của Bảo tàng Hồ Chí Minh, công tác sưu tầm được tiến hành sớm ngay từ những ngày đầu sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, bắt đầu từ việc sắp xếp, chọn lựa, thống kê để bảo quản lâu dài những kỷ vật, tài liệu của Bác kính yêu. Gần 25 năm hoạt động, trong điều kiện mới, cùng với việc ổn định, sắp xếp lại việc tổ chức sưu tầm, tiếp nhận tài liệu hiện vật trong nước, hoạt động sưu tầm đã bước đầu chủ động xây dựng và tổ chức những đợt sưu tầm độc lập hoặc phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các chuyến khảo sát, sưu tầm tài liệu, hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các trung tâm lưu trữ ở Liên bang Nga, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Pháp, Anh, Hồng Kông… với những kết quả rất đáng khích lệ. Bảo tàng tổ chức gặp gỡ và ghi hình, ghi hồi ký các nhân chứng đã từng gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, tìm hiểu và sưu tầm thêm tài liệu, hiện vật về hoạt động của Bác góp phần bổ sung thêm những tài liệu gốc quý cho Kho cơ sở. 

Đến hôm nay, Kho Cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh đang lưu giữ gần 17 vạn đầu tài liệu hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là tài sản vô giá của quốc gia, là di sản về tư tưởng, đạo đức và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người. Đó cũng là cơ sở vật chất quan trọng nhất để Bảo tàng Hồ Chí Minh hoạt động. Hệ thống Kho Cơ sở bao gồm 9 kho, bảo quản hiện vật thuộc 11 nhóm chất liệu, gồm đồ dùng sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồ dùng Người tiếp khách, bản thảo do Người viết, sách báo Người đã đọc; ảnh, băng ghi âm và các phim về hoạt động của Người; điện, thư và quà tặng của nhân dân Việt Nam và bè bạn quốc tế gửi tặng Người…

 Hiện công tác kiểm kê của kho ngày càng được hoàn thiện như thống kê số lượng và kiểm tra tình trạng hiện vật, đối chiếu và đưa các tài liệu, hiện vật về cùng sưu tập, ghi chép và vào sổ kiểm kê tài liệu hiện vật, bổ sung thông tin cho hồ sơ hiện vật. Công tác quản lý và khai thác hiện vật trong Kho Cơ sở được ứng dụng công nghệ tin học, đáp ứng công tác tra cứu, tìm kiếm nhanh thông tin về hiện vật.

Kho Cơ sở là nơi cung cấp phần lớn tài liệu hiện vật cho các cuộc trưng bày và triển lãm của Bảo tàng; hệ thống các bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cơ quan, trường học, cá nhân trong nước và nước ngoài có nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những sản phẩm hiện vật phục chế phục vụ trưng bày ngày càng được nâng cao về chất lượng đáp ứng công tác trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và các cơ quan khác.  Kho Cơ sở còn cung cấp hàng nghìn bức ảnh chụp, hàng nghìn trang tài liệu bản thảo cho Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản đĩa CDROM Hồ Chí Minh Toàn tập và Viện Hồ Chí Minh xuất bản bổ sung bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập, Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử; thường xuyên tham gia đính chính, xác minh những sự kiện, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà các phương tiện thông tin đại chúng công bố chưa chính xác; giới thiệu hàng trăm hiện vật, tài liệu cho các đài phát thanh và truyền hình, các nhà xuất bản để xây dựng các bộ phim, xuất bản sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

2. Phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh

Vấn đề phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh gắn liền với hoạt động của công tác nghiên cứu khoa học, trưng bày và giáo dục của Bảo tàng Hồ Chí Minh. 

*/ Công tác nghiên cứu khoa học là hoạt động cơ bản, là mắt xích quan trọng trong hoạt động của Bảo tàng Hồ Chí Minh, tạo tiền đề cho nhiều khâu công tác khác của Bảo tàng. Các bộ phận công tác đều có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp cơ sở, triển khai đồng bộ và thu được nhiều kết quả. Những thành quả được ghi nhận là các đề tài nghiên cứu, hội nghị, hội thảo, ấn phẩm v.v… Bảo tàng đã chủ động nghiên cứu, biên soạn, xuất bản nhiều đầu sách với nguồn tài liệu tin cậy, biên soạn công phu, chất lượng. Nhiều cuốn sách đã được tái bản nhiều lần, được bạn đọc hoan nghênh, đánh giá cao.

Theo thiết kế, Bảo tàng Hồ Chí Minh có một Thư viện và một Kho Tư liệu lớn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng hai phòng đọc. Một trong những nét làm nên sự khác biệt và độc đáo của Bảo tàng Hồ Chí Minh so với một số bảo tàng quốc gia khác ở Việt Nam là bảo tàng có Kho Tư liệu với trên 12 nghìn đầu tài liệu, đó là các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tài liệu, báo, tạp chí liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người v.v.. được phân loại khoa học, sắp xếp theo khung phân loại và thời gian. Cơ sở dữ liệu thư mục tư liệu hiện đã được quản lý và phục vụ khai thác trên máy vi tính. Thư viện có có gần 7000 tên sách. Qua nhiều lần kiểm kê, Thư viện đã kịp thời bổ sung các loại sách còn thiếu, loại bớt số sách chưa thật sát mục tiêu phục vụ. Ngoài sách, thư viện còn có một số lượng báo và tạp chí khá lớn: Hơn 90 đầu báo, tạp chí Trung ương và điạ phương. Hàng tháng, Thư viện lên danh mục các bài viết về Bác đăng trên các báo, tạp chí. Từ năm 2008, các tin bài viết về Bác được scan và lưu đĩa DVD để phục vụ và bảo quản tiện lợi hơn. Cơ sở dữ liệu thư mục sách, thư mục các bài viết đều được quản lý và phục vụ tra cứu trên máy vi tính. Song song với công tác sưu tầm, bổ sung là việc phát huy tác dụng của Tư liệu - Thư viện qua công tác hướng dẫn, giới thiệu cho bạn đọc, cung cấp, xác minh tư liệu cho công tác trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh; cung cấp tư liệu cho nhiều cơ quan, các đài truyền hình Trung ương, địa phương, các trường đại học, các cá nhân,… giúp các địa phương, các ngành xuất bản sách về Bác; Cung cấp tư liệu cho nhiều công trình, đề tài nghiên cứu, phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh…Xuất bản Đặc san Thông tin tư liệu với nội dung phong phú, phục vụ thiết thực cho công tác nghiên cứu và tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

*/ Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện lưu giữ tại kho cơ sở gần 17 vạn tài liệu hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng mới chỉ giới thiệu được trên trưng bày hơn 2000 tài liệu hiện vật. Qua gần 25 năm mở cửa trưng bày, Bảo tàng Hồ Chí Minh vẫn được đánh giá cao về nội dung, chất lượng và giải pháp trưng bày hiện đại, trí tuệ. Tuy nhiên, với mục tiêu phục vụ công chúng ngày càng tốt hơn, Bảo tàng Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên tìm hiểu, lắng nghe ý kiến phản hồi của khách tham quan, tiếp thu ý kiến góp ý của các nhà khoa học, tiến hành nghiên cứu chỉnh lý và bổ sung kịp thời.

Hệ thống trưng bày luôn được thay thế hoặc bổ sung thêm tài liệu, ảnh và hiện vật trên đai trưng bày chính và hệ thống tuốcníckê để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách tham quan. Bảo tàng Hồ Chí Minh đã và đang áp dụng các thành tựu mới về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và mỹ thuật vào công tác trưng bày, như tăng cường hệ thống chiếu sáng, lắp đặt thêm các màn hình cảm ứng để trưng bày các chủ đề mang tính chuyên sâu, triển khai hoạt động tại không gian khám phá với chủ đề “Bác Hồ của chúng em” nhằm phục vụ cho đối tượng là học sinh phổ thông... Bên cạnh đó, từ năm 1990 đến nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức và phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức hàng trăm triển lãm chuyên đề, trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Hà Nội, ở các địa phương và một số quốc gia. Các triển lãm không chỉ bổ sung, làm sáng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh về nhiều vấn đề, làm rõ một số giai đoạn trong thời kỳ hoạt động bí mật của Người mà còn phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc…

Trong các khâu công tác bảo tàng, thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan là khâu cuối cùng, nhưng vô cùng quan trọng, trực tiếp liên quan đến công chúng. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thuyết minh luôn được chú trọng. Cán bộ thuyết minh được tạo điều kiện về mọi mặt, từ trau dồi nâng cao kiến thức trong trường, ngoài thực tế, tham quan học hỏi kinh nghiệm của một số bảo tàng nước ngoài đến trang bị cơ sở vật chất, điều kiện làm việc. Hàng năm đội ngũ cán bộ thuyết minh thường xuyên được bổ sung những cán bộ trẻ. Để nâng cao hơn nữa chất lượng thuyết minh, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu tìm hiểu của khách tham quan, Bảo tàng đã tổ chức việc tuyển chọn cán bộ thuyết minh theo những tiêu chí cụ thể và không ngừng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức nghề nghiệp và rèn luyện đạo đức.

 Mục tiêu tuyên truyền của Bảo tàng Hồ Chí Minh là hướng đến toàn bộ công chúng trong xã hội. Vì thế, qua thực tế, cán bộ thuyết minh đã xác định và xây dựng nội dung thuyết minh phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, đáp ứng nhu cầu tham quan là học tập tri thức, nghiên cứu khoa học, thưởng thức nghệ thuật trưng bày Bảo tàng hay đơn thuần chỉ là nghỉ ngơi, giải trí. Dù là đối tượng nào, nhu cầu gì, khi đến Bảo tàng họ cũng được cán bộ thuyết minh đón tiếp và hướng dẫn nhiệt tình.  Đối với khách nước ngoài, đồng thời với việc giới thiệu về tiểu sử, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ thuyết minh còn cung cấp những thông tin rộng hơn, phù hợp với các đối tượng là khách từ các châu lục, các nước khác nhau để góp phần tăng cường sự hiểu biết, tình hữu nghị, tình đoàn kết quốc tế… 

Quán triệt Chỉ thị 23- CT/TW, ngày 27-3-2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới, ngày 31-7-2003 Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ký Quyết định số 35/QĐ - BGD-DDT ban hành Đề cương môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh trình độ đại học và cao đẳng. Kể từ đó, Tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành môn học cơ bản trong chương trình giảng dạy chính khoá tại các trường đại học và cao đẳng trong cả nước. Bảo tàng Hồ Chí Minh trở thành địa điểm lý tưởng để giảng dạy, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh một cách thiết thực và hiệu quả.

Với mọi sự cố gắng của tất cả các khâu công tác, Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày càng trở thành một địa chỉ tin cậy của tất cả các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế mỗi khi có dịp về Hà Nội. Theo thống kê, nếu như những năm đầu mở cửa (trong thập niên 1990 - 2000), mỗi năm Bảo tàng chỉ đón được 80 đến 90 vạn khách tham quan, trong đó, có khoảng 4 đến 10 vạn khách nước ngoài; thì 5 năm trở lại đây (từ 2008 đến 2013), hằng năm, Bảo tàng đều đón khoảng từ 1,1 triệu đến 1,3 triệu khách tham quan. Trong đó, có khoảng 20 đến 25 vạn khách nước ngoài.

*/ Trải qua gần 40 năm xây dựng và phát triển, đến nay, hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm 15 đơn vị, với một bảo tàng đầu hệ ở Thủ đô Hà Nội và 14 bảo tàng và di tích ở các địa phương, trở thành tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta. Hiện các bảo tàng và di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đang lưu giữ hàng trăm ngàn tài liệu, hiện vật về Người. Những di tích lưu niệm về Bác Hồ trải dài trong cả nước theo dấu chân Người đã được giữ gìn, tôn tạo và trở thành những địa chỉ đỏ của đồng bào, đồng chí và không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, ngày càng làm tốt chức năng nghiên cứu, tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, tác phong và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đông đảo quần chúng nhân dân trong, ngoài nước và khách quốc tế, mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động văn hoá xã hội, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, các kế hoạch phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của địa phương, và giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Việt Nam.  Đó là những giá trị vĩnh hằng cho dù thế giới đã và sẽ còn đổi thay.

*/ Uy tín và ảnh hưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thời đại, tình cảm kính yêu vô hạn của nhân dân Việt Nam và bè bạn quốc tế đối với Người đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đối ngoại của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ngay từ khi mới thành lập, Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn chủ động tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác với Bảo tàng Trung ương Lênin (Nga), Bảo tàng quốc gia Đimitơrốp (Bungari) trước đây trong công tác xây dựng nội dung trưng bày, thiết kế mỹ thuật, đào tạo cán bộ… Sau này, tiếp tục mở rộng hợp tác với các bảo tàng trên thế giới như  Trung Quốc, Lào,  Pháp, Thái Lan... để phối hợp nghiên cứu và bảo tồn các di tích Bác Hồ đã từng sống và hoạt động cách mạng trước đây. Đặc biệt, Bảo tàng Hồ Chí Minh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng các tượng đài Bác Hồ ở nước ngoài với sự ủng hộ rất hiệu quả của các Đại sứ quán Việt Nam ở các nước. Hiện nay, tượng Bác Hồ đã được xây dựng ở Nga, Trung Quốc, Lào, Cu Ba, Hunggari, Mông Cổ, Singapore, Mexico, Argentina, Chile, Philippin, Srilanka, Madagascar, Anh, Pháp...

 Theo năm tháng, hoạt động đối ngoại của Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày càng được mở rộng, một mặt do sự phấn đấu nỗ lực của các cán bộ nhân viên Bảo tàng Hồ Chí Minh, mặt khác nhờ sự hợp tác với các cơ quan, các nhà khoa học, các tổ chức chính trị cùng với sự đóng góp, ủng hộ Bảo tàng của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Mở rộng và tăng cường đối ngoại là để trưởng thành, lớn mạnh xứng đáng với tầm vóc Bảo tàng lãnh tụ Hồ Chí Minh trong trái tim bạn bè quốc tế.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn thể dân tộc Việt Nam đang ra sức phát huy di sản Hồ Chí Minh, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, đưa đất nước phát triển theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội, dân chủ, công bằng văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong công cuộc này, cùng với Lăng Bác, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ là địa chỉ tin cậy, là điểm hẹn thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam, là điểm đến của du khách quốc tế khi về thăm Thủ đô Hà Nội.

ThS Nguyễn Thúy Đức

Top