Bảo tàng Hồ Chí Minh và Du lịch Di sản Văn hóa

Trong hành trình của các tour du lịch, bảo tàng luôn là điểm dừng chân không thể thiếu của du khách, đặc biệt là đối với khách du lịch quốc tế. Bởi qua đó, họ hiểu rõ về lịch sử, văn hóa và phong tục, tập quán của vùng đất nơi mình đi qua. Với sự hiểu biết đầy đủ như thế, ý nghĩa của chuyến du lịch sẽ nhân lên rất nhiều. Du lịch sẽ không chỉ đơn thuần là thưởng ngoạn, ngắm cảnh nữa mà còn là dịp để du khách tìm tòi, khám phá, chiêm nghiệm, học tập, nghiên cứu và bổ sung kiến thức cho mình. Do vậy, nguồn tài nguyên nhân văn ở các bảo tàng, di tích sẽ trở thành một nguồn lực quan trọng nếu như chúng ta nhìn nhận một cách thấu đáo và có chiến lược đúng đắn để khơi dậy và phát huy hiệu quả tiềm năng của nó trong mối quan hệ hợp tác giữa bảo tàng và du lịch.

Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của du lịch trên toàn thế giới đã đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành văn hóa hiện nay. Thực tế cho thấy, du lịch di sản đang phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia. Bảo tàng Louvre (Pháp), Ermitazh (Nga), Viện bảo tàng Anh,...  mỗi ngày có hàng vạn lượt khách đến tham quan. Do đó, bên cạnh di sản thiên nhiên, di sản văn hóa ngày càng thu hút được nhiều khách du lịch thế giới. Và như thế, bảo tàng và du lịch đã được gắn bó với nhau trong mối quan hệ hữu cơ. Bảo tàng gắn với du lịch, phục vụ du lịch cũng là để phát triển mình; du lịch gắn với bảo tàng sẽ làm tăng thêm tính đa dạng, tính hấp dẫn đối với mỗi chuyến du lịch của du khách. Đây là phương thức hoạt động phổ biến ở hầu khắp các bảo tàng trên thế giới hiện nay và là một sự cộng sinh hữu hiệu, đem lại không chỉ giá trị về mặt tinh thần, hình ảnh cho đất nước mà còn là một kênh để mang lại lợi nhuận cho cả đôi bên. Sự hợp tác giữa các bảo tàng và du lịch với tiêu chí đôi bên cùng có lợi là một phần quan trọng của du lịch di sản. Chính điều này sẽ gia tăng dòng khách du lịch đến đất nước. Nói cách khác, ngành công nghiệp du lịch có thể tiếp tục hỗ trợ cho sự phát triển của bảo tàng để bảo tàng tiếp tục chức năng bảo tồn các bộ sưu tập và hậu đãi nhân viên.

Nhận thức rõ xu hướng gắn kết giữa bảo tàng và du lịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã sớm đổi mới về mặt nhận thức và nỗ lực tìm mọi giải pháp để thu hút khách du lịch đến với Bảo tàng, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Qua các hội nghị khách hàng, hội thảo và tọa đàm về khả năng thu hút khách du lịch giữa Bảo tàng Hồ Chí Minh và các công ty du lịch, Bảo tàng đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi cụ thể và thẳng thắn của đại diện các công ty du lịch.

Một số công ty cho rằng, trước tiên là sự gia tăng của các điểm tham quan, du lịch hiện nay buộc họ phải lựa chọn kỹ càng theo yêu cầu của khách. Nhiều hướng dẫn du lịch cho rằng trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh mang thiên hướng chính trị, hàn lâm, trừu tượng và là một khó khăn lớn cho các hướng dẫn viên du lịch khi đưa khách đến tham quan. Vì thế, một số công ty lữ hành còn e ngại và chưa lựa chọn Bảo tàng là điểm đến thường xuyên. Bên cạnh đó, do đội ngũ thuyết minh tiếng nước ngoài của Bảo tàng còn ít, chưa đáp ứng được hết yêu cầu của khách nên phần đông các hướng dẫn viên du lịch phải đảm nhiệm việc giới thiệu nội dung trưng bày. Kiến thức về bảo tàng, lịch sử còn hạn chế, các hướng dẫn viên du lịch không thể truyền tải được hết thông tin từ phía Bảo tàng đến với khách tham quan và điều đó làm giảm độ hấp dẫn của Bảo tàng Hồ Chí Minh trong mắt của khách nước ngoài, đặc biệt là với người Âu Mỹ vốn được xem là những công chúng khó tính. Các công ty lữ hành cũng chỉ ra rằng, các ấn phẩm của Bảo tàng như tờ rơi, sách hướng dẫn,… còn thiếu độ hấp dẫn với khách. Hơn nữa, thời gian mở cửa Bảo tàng theo giờ hành chính chưa phù hợp với lịch trình tour của khách châu Âu. Do vậy, nếu đóng cửa gần 3 giờ đồng hồ vào buổi trưa, Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ bỏ qua lượng khách du lịch này. Những hạn chế do các công ty du lịch chỉ ra tiếp tục là những bài toán khó cho Bảo tàng. Làm thế nào khắc phục những khó khăn trên để thu hút khách? Giải quyết vấn đề trên không đơn giản chỉ là hành động mà còn là sự thay đổi lớn về mặt nhận thức.

Với quyết tâm và mạnh dạn thay đổi, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thực hiện những bước đi mới. Trước tiên là sự ra đời của Tổ Marketing Bảo tàng với nhiệm vụ tăng cường nghiên cứu nhu cầu của khách du lịch cũng như của các công ty lữ hành, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp thực hiện. Nghiên cứu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu của Bảo tàng để thu hút khách du lịch cũng như thực hiện hiệu quả các hình thức khuyến mãi và hậu mãi. Tiếp đó là việc thiết kế, cho ra đời tờ gấp mới của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Công tác thiết kế mỹ thuật và hiệu đính thông tin cho tờ gấp được rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng và độ hấp dẫn của sản phẩm. Hiện tờ gấp của Bảo tàng đã được in bằng 6 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc. Tờ gấp không những được cung cấp cho khách tham quan ở Bảo tàng, mà còn được đặt ở một số nhà hàng và sân bay quốc tế nhằm quảng bá và cung cấp thông tin về Bảo tàng Hồ Chí Minh cho khách từ nhiều quốc gia trên thế giới tại điểm đến đầu tiên.

 Từ ngày 1-9-2013, một giải pháp quan trọng đã được Bảo tàng Hồ Chí Minh thực hiện trên cở sở yêu cầu của các công ty du lịch, đó là mở cửa thông tầm phục vụ khách tham quan (từ 8h00 đến 16h30). Toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động Bảo tàng, đặc biệt là những bộ phận làm nhiệm vụ trực tiếp đón khách, đã nỗ lực hết mình để thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ. Tuy nguồn kinh phí bồi dưỡng còn ít ỏi song các nhân viên Bảo tàng vẫn luôn nhiệt tình, chu đáo với khách tham quan. Đối với các đoàn khách du lịch có số lượng đông, nếu có yêu cầu và liên hệ trước, Bảo tàng luôn sẵn sàng mở cửa phục vụ ngoài giờ, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty lữ hành. Thời gian đầu khi mở cửa thông tầm, lượng khách còn rất ít. Nhưng sau 7 tháng thực hiện, số lượng khách đến vào thời điểm này tăng dần lên. Các công ty du lịch cũng dần sắp xếp lại lịch trình và đưa khách vào tham quan Bảo tàng trong khoảng thời gian này.

Ngoài ra, để làm mềm hoá tính hàn lâm của nội dung trưng bày, trong khi chưa thể thay đổi trưng bày cố định, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã và đang tiến hành xây dựng những nội dung thuyết minh ngắn gọn phục vụ mọi đối tượng khách tham quan khác nhau. Những nội dung đó được gửi đến các công ty lữ hành, góp phần hỗ trợ các hướng dẫn viên du lịch trong quá trình đưa du khách đến tham quan Bảo tàng.

Với mong muốn khách tham quan sẽ là những người đồng hành cùng với sự phát triển của bảo tàng, hiện không gian cảm tưởng của Bảo tàng Hồ Chí Minh đã được đổi mới và đi vào hoạt động. Qua đó, khách tham quan có thể chia sẻ cảm tưởng, để lại lời nhận xét của mình về Bảo tàng bằng cả hai cách: Viết vào sổ Cảm tưởng hoặc bình luận trên các trang thông tin du lịch qua máy tính đã được kết nối internet. Các ý kiến phản hồi của khách tham quan sẽ là cơ sở để Bảo tàng tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng phục vụ công chúng.

 Một vấn đề cũng đang được Bảo tàng Hồ Chí Minh quan tâm, đó là cửa hàng lưu niệm và vai trò của cửa hàng lưu niệm. Đây là nơi để Bảo tàng giới thiệu các sản phẩm có liên quan tới các hiện vật hay nội dung trưng bày. Cửa hàng lưu niệm không chỉ mang lại nguồn thu cho bảo tàng, mà những món quà lưu niệm có thương hiệu của Bảo tàng sẽ khiến khách tham quan quan tâm và luôn nhớ về bảo tàng mang tên Bác mà họ đã đến tham quan, thông qua đó còn tác động đến những người thân của họ. Bên cạnh các ấn phẩm hiện có: Tượng Bác, sách, bưu ảnh, băng đĩa phim về thân thế và sự nghiệp của Người… Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thiết kế và có kế hoạch đưa ra những mẫu đồ lưu niệm mới đáp ứng được các nhu cầu lưu niệm khác nhau của khách tham quan.

Qua gần một năm thực hiện các giải pháp tích cực trong thu hút khách tham quan, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả khả quan bước đầu. Nếu trong 4 tháng cuối năm 2012 lượng khách quốc tế đến bảo tàng là 89.061 người, thì 4 tháng cuối năm 2013, khi Bảo tàng thực hiện mở cửa thông tầm và đẩy mạnh các hoạt động marketing, con số đó là 109.120 người, vượt lên 20.059 khách. Mối quan hệ giữa Bảo tàng và các công ty du lịch đã có những tiến triển rõ rệt, nhiều công ty đã trở thành khách hàng quen thuộc, thường xuyên liên hệ và đưa khách đến tham quan. Kết quả trên dù vẫn còn ở mức khiêm tốn, song điều ghi nhận lớn nhất đó là Bảo tàng không tự hài lòng mà đã vượt lên chính mình để quyết tâm đổi mới. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp tục đạt được những thành quả mới trong những chặng đường tiếp theo.

Bảo tàng Hồ Chí Minh đang từng bước đổi mới cả về nội dung, hình thức, cũng như phương thức, dịch vụ phục vụ khách tham quan, đưa Bảo tàng trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Sự kết hợp giữa bảo tàng và du lịch là một xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Đó là một sự cộng sinh, một mối quan hệ đem lại lợi ích thiết thực để cùng nhau phát triển.

ThS Phạm Thị Thanh Mai

Top