Bảo tàng góp phần thay đổi xã hội

Châu Á là châu lục lớn nhất và đông dân nhất thế giới, lịch sử chứng minh là nơi tập trung những nền văn minh nổi tiếng bên lưu vực các con sông lớn: Lưỡng Hà, sông Ấn, sông Hằng, Hoàng Hà, Trường Giang, sông Hồng, sông Mekong… đã tạo cho châu lục này nguồn di sản văn hóa vô cùng phong phú. Ngoài những nền văn minh sớm nhất, người châu Á cũng phát triển đa dạng về ngôn ngữ, phong tục và cuộc sống thường nhật của con người từ thời Tiền sử đến hiện đại ở mỗi vùng miền. Tất cả những yếu tố đó đều thể hiện giá trị trên những hiện vật tại các phòng trưng bày của bảo tàng. Tuy những căn phòng trưng bày nhỏ bé đó chưa đủ để có thể giới thiệu một cách tổng quát, toàn diện nhất lịch sử văn hóa châu Á, song những cổ vật đó đã góp phần làm giàu cho các bảo tàng ở châu Á, biến các viện bảo tàng thành những pho sử sách, kho lưu trữ giá trị của các nền văn minh, văn hóa nghệ thuật phong phú của châu Á.

Bảo tàng là nơi lưu giữ và phát huy những tinh hoa di sản văn hóa của mỗi quốc gia, hơn bao giờ hết, bảo tàng quốc gia có một vai trò vô cùng quan trọng trong một xã hội năng động ngày nay. Nhiều bảo tàng quốc gia đã có lịch sử lâu đời, song bên cạnh đó còn có những bảo tàng quốc gia mới được thành lập và đang hòa nhập xu hướng phát triển. Để có thể tự tin hướng tới tương lai, các bảo tàng ngày càng tăng cường giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ những bảo tàng bạn, đặc biệt là từ những bài học tốt để rút kinh nghiệm cho mình. Nhiều hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp đã được thành lập ở tầm cỡ quốc tế (như Hội đồng bảo tàng quốc tế ICOM), cấp khu vực (như Hiệp hội Bảo tàng châu Âu), cấp quốc gia (như Hiệp hội Bảo tàng Anh, Hoa Kỳ…). 

Orsay - bảo tàng nổi tiếng của Paris, Pháp

Ở châu Á, Hiệp hội các Bảo tàng quốc gia châu Á (ANMA) ra đời năm 2007 nhằm thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa các bảo tàng quốc gia trong khu vực. Hội nghị Hiệp hội các Bảo tàng quốc gia châu Á lần thứ 4 (ANMA 4) tại Hà Nội tháng 10-2013 đưa ra thông điệp “Bảo tàng góp phần thay đổi xã hội” gắn với chủ đề năm 2013 của Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM): “Bảo tàng (Ký ức + Sự sáng tạo) = Thay đổi xã hội”. Thông điệp của Hội nghị thể hiện ở các nội dung về Bảo tàng góp phần thay đổi nhận thức về bảo tồn và phát huy di sản; Bảo tàng với du lịch di sản; Vai trò giáo dục của bảo tàng.

Bảo tàng góp phần thay đổi nhận thức về bảo tồn và phát huy di sản: Trong tiến trình lịch sử, hoạt động bảo tồn di sản văn hóa xuất hiện ngay từ khi con người ý thức được giá trị của di sản văn hóa trong đời sống, đồng thời hiểu được mối nguy hại do tác động của thiên nhiên và chính con người gây ra. Cho đến những năm gần đây, cụm từ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đã trở thành mối quan tâm của các nhà chính trị, của nhiều giới khoa học và là điểm nóng chú ý của xã hội.

Việc nâng cao nhận thức coi di sản văn hóa không những là cội rễ của bản sắc văn hóa, mà việc bảo tồn và phát huy nó là giải pháp để xây dựng văn hóa của mỗi dân tộc, quốc gia, là công cụ tham gia vào toàn cầu hóa, là lợi thế có sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Nhận thức về công tác bảo tồn và phát huy di sản cần được tuyên truyền trong quảng đại quần chúng, và đó cũng là một phần nhiệm vụ của công tác bảo tàng. Bảo tàng là một thiết chế văn hóa, nên việc tác động đến xã hội, đưa nhận thức về bảo tồn và phát huy di sản đến người dân trong xã hội chính là nhiệm vụ của người làm bảo tàng.

Thông qua các đối tượng di sản văn hóa, các hiện vật trưng bày, là những vật chứng, chứng tích còn lưu lại và đang được trân trọng giữ gìn tại bảo tàng, là cơ sở để người dân hiểu sâu sắc hơn về tổ tiên, về cội nguồn, qua đó giúp người dân có ý thức coi trọng những giá trị truyền thống cũng như bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời ý thức được trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước, ý thức được việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Từ những bộ sưu tập, công tác bảo tàng sẽ thổi hồn cho những bộ sưu tập đó bằng những bài thuyết minh giới thiệu, qua phương tiện truyền thông, bằng kỹ thuật màn hình cảm ứng, bằng các phương pháp tạo hình dựng bối cảnh cho các hiện vật có sức sống sinh động, và chuyển tải tới công chúng thông qua các cuộc trưng bày tại bảo tàng.

Công tác bảo tồn và phát huy di sản của Bảo tàng Lịch sử quốc gia được thể hiện ở việc gia tăng số lượng các bộ sưu tập mỗi năm, trau dồi kinh nghiệm về công tác bảo quản hiện vật, trưng bày, truyền thông, quảng bá hình ảnh,… trong sự hợp tác với các bảo tàng trong nước cũng như ngoài nước.

Trước đây, khảo cổ học chỉ đơn thuần phục vụ cho công tác nghiên cứu, sưu tầm hiện vật bổ sung cho trưng bày của bảo tàng. Từ khi xã hội hóa, khảo cổ học bắt đầu phục vụ đắc lực cho những dự án của các địa phương trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích. Chính những dự án nảy sinh từ xã hội hóa kiểu này đã tạo công ăn việc làm cho hàng loạt sinh viên mới ra trường và trong quá trình hợp tác, có thể tuyển chọn những cán bộ trẻ tài năng cho bảo tàng.

Như vậy có thể thấy rõ công tác bảo tàng ảnh hưởng tích cực đến xã hội, đến ý thức của người dân đối với việc bảo tồn và phát huy di sản. Tuyên truyền trong quần chúng nhân dân để họ biết đến bảo tàng nơi lưu giữ các giá trị di sản văn hóa, tuyên truyền cho các cá nhân, tổ chức hiến tặng sưu tập cổ vật cho bảo tàng, tài trợ cho những chương trình nghiên cứu; Tạo ra những cơ hội quản lý tốt và có trách nhiệm cho các thành viên của cộng đồng, khách tham quan để họ trực tiếp thấy và hiểu được giá trị hiện vật; bảo đảm cho du khách cảm nhận được sự hưởng thụ thoải mái, thích thú qua những hiện vật trưng bày đầy sức sống, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn di sản, đề cao vai trò của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Tham quan triển lãm Di sản Hán Nôm qua tư liệu hiện vật câu đối trên đồ sứ ngự dụng triều Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Bảo tàng với du lịch di sản: Xu hướng du lịch văn hóa, du lịch sinh thái đang được phát triển mạnh mẽ. Du lịch văn hóa được kết nối với di sản văn hóa bởi sự hòa quyện của văn hóa, con người và cộng đồng. Sự kết nối đó có thể coi là duy nhất và đặc biệt để khai thác nguồn tài nguyên du lịch, trong đó, hệ thống bảo tàng, di tích - nơi lưu giữ những di sản văn hóa vô giá, đóng vai trò quan trọng bởi hệ thống bảo tàng cũng là điểm du lịch văn hóa, du lịch di sản. Nếu biết khai thác, phát huy một cách khoa học và đúng cách thì sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn.

Với việc nâng cao hiểu biết về những yếu tố hoàn toàn mới lạ và độc đáo, khách du lịch sẽ thích đi đến các bảo tàng, di tích nhiều hơn vì ở đó họ có thể tìm hiểu, trải nghiệm về lịch sử, văn hóa truyền thống của một địa phương, quốc gia mà họ đặt chân tới.

Hiện nay, hệ thống bảo tàng của Việt Nam đang phát triển mạnh với 134 bảo tàng cấp quốc gia và cấp tỉnh, 3.165 di tích cấp quốc gia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy lượng khách du lịch đến Việt Nam ngày càng tăng nhưng lượng khách đến tham quan bảo tàng chưa nhiều. Bảo tàng chưa trở thành điểm đến, điểm dừng chân quen thuộc trong hành trình của khách và cũng chưa là địa chỉ quan trọng trong hệ thống tour của các công ty lữ hành. Vì vậy, đổi mới cả nội dung, hình thức cũng như các dịch vụ phục vụ khách du lịch của hệ thống bảo tàng, di tích trên cả nước hiện nay rất cấp thiết, nhằm đánh thức những tiềm năng vốn có của kho tàng di sản mà các bảo tàng, di tích đang lưu giữ.

Việc phát huy giá trị các di sản gắn kết với khai thác tiềm năng du lịch là cách làm tốt góp phần vào chiến lược phát triển văn hóa, kinh tế đất nước. Tuy nhiên, một thách thức đặt ra đối với các bảo tàng, di tích là sự tương tác giữa hoạt động du lịch với bảo vệ di sản. Du lịch làm sống dậy di sản nhưng cũng là mối nguy của di sản. Sự vắng khách của bảo tàng dẫn tới những hạn chế trong phát huy giá trị di sản nhưng sự quá tải về lượng khách tham quan ở một số bảo tàng, di tích cũng sẽ là thách thức đối với việc giữ gìn bảo vệ di sản.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia là nơi lưu giữ số lượng lớn các hiện vật quý. Tuy nhiên, do diện tích không gian trưng bày nhỏ hẹp, không đủ để có thể giới thiệu hết các hiện vật, bảo tàng đã tập trung tổ chức các đợt trưng bày chuyên đề, cũng vì vậy chỉ đông khách vào những thời gian này và chủ yếu là khách đi theo tour. Theo thống kê, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã đón nhiều lượt khách tham quan gồm cả khách nội địa lẫn khách quốc tế, trong đó khách nội địa đi theo tour chiếm 60%, khách quốc tế đi theo tour chiếm 70%, còn lại là khách tham quan tự do. Như vậy có thể thấy khách đi theo tour đến với Bảo tàng Lịch sử quốc gia chiếm một số lượng lớn trong tổng số khách tham quan tại đây.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng như các bảo tàng khác trong cả nước cần cấp thiết đổi mới diện mạo cả về nội dung, hình thức, cũng như phương thức, dịch vụ phục vụ du khách để đánh thức tiềm tăng vốn có của kho tàng di sản mà các bảo tàng đang lưu giữ. Bảo tàng cần đưa ra giải pháp về nâng cấp, chỉnh lý hệ thống trưng bày của bảo tàng; bổ sung đào tạo chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên bảo tàng và đội ngũ cán bộ phục vụ du khách và tăng cường sự phối hợp giữa bảo tàng với các công ty du lịch nhằm xây dựng những chương trình du lịch di sản phù hợp với nhu cầu khách tham quan chính là giải pháp đột phá để giúp bảo tàng thu hút khách.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Đổi mới trưng bày rất quan trọng và phải làm được như vậy mới thu hút được khách tham quan. Ví như người ta ăn mãi một món, dù có ngon, có quý đến mấy rồi cũng chán. Vì vậy, các nhà quản lý bảo tàng phải đổi mới cách suy nghĩ, cách làm để tiếp cận phương pháp trưng bày hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và những yêu cầu thời đại.

Vai trò giáo dục của bảo tàng: Bảo tàng ngoài chức năng là tổ chức lưu giữ trưng bày, phát huy giá trị thì nó còn là nơi để nghiên cứu, giám định cổ vật, phục dựng cổ vật; là nơi tuyên truyền giáo dục về lịch sử, văn hóa dân tộc; lại vừa là một công trình văn hóa lớn được sử dụng lâu dài. Bảo tàng còn được coi là một trung tâm thông tin, giáo dục tri thức khoa học về lịch sử, văn hóa; góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước, là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, góp phần thay đổi tích cực, phát triển kinh tế- xã hội.

Việc xây dựng bảo tàng là tạo lập nên một thiết chế văn hóa quan trọng xứng tầm với lịch sử dân tộc, nhằm lưu giữ và phát huy giá trị di sản lịch sử - văn hóa, giới thiệu toàn diện về lịch sử đất nước phát triển liên tục từ thời Tiền sử đến ngày nay, sự phong phú, đa dạng, đan xen của văn hóa các dân tộc Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy, phổ biến tri thức lịch sử, khoa học, văn hóa và hưởng thụ văn hóa của công chúng; đồng thời khắc phục được những hạn chế về nội dung trưng bày ở bảo tàng.

Trên thế giới, người ta quan niệm bảo tàng như một tổ hợp vui chơi - giải trí - thưởng ngoạn - học tập. Trong tổ hợp ấy, ngoài bảo tàng còn có những thư viện lớn, phòng chiếu phim, nơi biểu diễn ca nhạc... Nhờ đa dạng hóa hoạt động như vậy mà bảo tàng thu được nguồn kinh phí đáng kể. Mong muốn của người làm bảo tàng là đông khách nhưng vẫn phải khoa học với chất lượng phục vụ cao. Và bảo tàng vẫn phải là một trường học thứ hai của giáo dục. Chỉ cần đảm bảo được điều đó thì chúng ta có thể xác định, bảo tàng không chỉ là nơi đến để giải trí, vui chơi mà còn là nơi nghiên cứu học tập, thu hút và lưu giữ cảm xúc của khách.

Các bảo tàng ngay từ khi mới ra đời đã cố gắng thực hiện hai chức năng cơ bản là nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học. Ngày nay bảo tàng được bổ sung thêm một số chức năng xã hội như bảo tàng là một trung tâm thông tin, một phòng thí nghiệm hoặc một thiết chế có tính học đường đặc biệt và là nơi giải trí mang yếu tố tích cực cho công chúng. Suy cho cùng đều thuộc vào chức năng giáo dục khoa học, tức là đưa bảo tàng tới công chúng, để qua đó công chúng được bổ sung thêm các tri thức khoa học, các kinh nghiệm cuộc sống và nhận thức xã hội.

Các bảo tàng ở Việt Nam đã tập trung sửa sang nâng cấp hệ thống trưng bày thường trực, xuất bản công bố các sưu tập hiện vật gốc, tiến hành quảng bá bảo tàng qua các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường xã hội hóa các hoạt động của bảo tàng, tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề với nội dung mới lạ, hấp dẫn nhằm thu hút công chúng đến tham quan bảo tàng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và mở mang tri thức của công chúng. Người dân Việt Nam đã ý thức hơn về di sản văn hóa của đất nước. Ngày càng nhiều người dân Việt Nam chú ý đến bảo tàng, xem hiện vật trưng bày ở bảo tàng. Nơi đây không còn chỉ là một sản phẩm du lịch mà còn là một trung tâm quan trọng cho việc học tập, nghiên cứu.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đã có những hoạt động đóng vai trò quan trọng cho việc thúc đẩy và phát triển giáo dục xã hội và dịch vụ công trong những năm qua. Bảo tàng đã tổ chức nhiều cuộc hợp tác trưng bày trong nước cũng như nước ngoài, đem hiện vật sang trưng bày tại các bảo tàng lớn ở Pháp, Bỉ, Áo, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... nhằm giới thiệu quảng bá những hình ảnh đất nước, con người, lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam đến với công chúng thế giới. Bên cạnh đó, các ấn phẩm, thư mục kỷ yếu trưng bày và website bảo tàng đã thu hút hàng triệu người quan tâm và trở thành những công cụ hữu hiệu giúp bảo tàng thực hiện tốt vai trò giáo dục xã hội và dịch vụ công.

Bảo tàng Y Học Cổ Truyền Việt Nam

Bảo tàng cũng đã tổ chức các chương trình hoạt động có liên quan mật thiết với môi trường nhà trường, học sinh, tổ chức câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, tổ chức nhiều lớp thực tế cho sinh viên các trường đại học đến nghe các bài giảng về lịch sử dân tộc, tạo cho các em có điều kiện tiếp cận với các bộ sưu tập, tìm hiểu về lịch sử qua những hiện vật trực quan sinh động. Bảo tàng chính là một thư viện sống cung cấp một cái nhìn tổng quan thú vị về địa lý, cảnh quan và phong tục tập quán của người dân Việt Nam từ xa xưa đến nay.

Thông qua chương trình giáo dục của Bảo tàng đã thu hút rất nhiều các tình nguyện viên là sinh viên từ các trường đại học đến tham gia, những chương trình này đã nhận được nhiều phản ứng tốt từ quần chúng. Sinh viên, học sinh được làm quen với hiện vật, nhận thức được giá trị ý nghĩa của hiện vật. Giờ học lịch sử tại Bảo tàng tuy ngắn ngủi nhưng các em có cơ hội giao lưu học hỏi nhau, tìm hiểu giá trị di sản văn hóa qua những bài giảng, bài thuyết minh, các em tìm thấy những cảm hứng giải trí, đồng thời học sâu nhớ kỹ hơn về lịch sử.

Những cuộc trưng bày, những hoạt động xã hội hóa của các bảo tàng ở Việt Nam trong những năm qua không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng. Thông qua các hiện vật trưng bày, khách tham quan đặc biệt là các công chúng trẻ tuổi được tìm hiểu về nguồn cội lịch sử dân tộc, tiếp thu một cách tự giác về lòng yêu quê hương đất nước, truyền thống cha ông cũng như nền văn hóa giàu bản sắc của dân tộc Việt Nam, đồng thời được bổ sung thêm những tri thức mới về mọi mặt của đời sống xã hội.

Tương lai của bảo tàng phụ thuộc vào công chúng. Công chúng đến bảo tàng không chỉ với tư cách là khách thể, người tiêu thụ sản phẩm bảo tàng, người mua các dịch vụ bảo tàng mà còn với tư cách là những chủ thể sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Bảo tàng phải đáp ứng nhu cầu do xã hội đặt ra. Bảo tàng phải tự nâng cấp, tự phát triển, nghĩa là phải đổi mới để thích nghi với những điều kiện kinh tế-xã hội, qua đó bảo tàng đã góp phần làm thay đổi tích cực đến xã hội. Bảo tàng còn phải biết xây dựng các dự án nhằm thu hút sự ủng hộ bằng vật chất, kinh phí, trí tuệ của các giới, các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội, miễn là nội dung hoạt động thể hiện rõ ràng mục đích phục vụ lợi ích công.

Bảo tàng cần tập trung nhiều hơn cho việc nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học có liên quan phục vụ cho công tác bảo tàng; nghiên cứu nhằm phát hiện những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học trong các bộ sưu tập hiện vật gốc của bảo tàng; nghiên cứu những giải pháp kỹ thuật và mỹ thuật nhằm bảo quản, lưu giữ hiện vật và đặc biệt là tạo ra không gian cùng điều kiện tối ưu cho công chúng tiếp thu hàm lượng thông tin mà bảo tàng muốn chuyển tải.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia với mong muốn Hiệp hội ngày càng lớn mạnh, mang tầm ảnh hưởng không chỉ đối với các bảo tàng trong khu vực châu Á mà vươn xa ra toàn cầu. Còn rất nhiều hoạt động tích cực khác sẽ là ý tưởng đến từ mỗi bảo tàng thành viên ANMA để góp phần đưa Hiệp hội phát triển, trở thành diễn đàn để các bảo tàng quốc gia châu Á chia sẻ kinh nghiệm và thông tin về các sưu tập hiện vật, về công tác quản lý, bảo quản, tổ chức trưng bày, nghiên cứu, giáo dục, đào tạo,... đồng thời xây dựng những dự án hợp tác song phương và đa phương giữa các bảo tàng trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu, để ngành Bảo tàng cũng như công chúng trên thế giới biết đến một Hiệp hội đầy ưu điểm, biết đến những bộ sưu tập hiện vật, những nguồn di sản văn hóa vô cùng giá trị của đại lục châu Á, các Bảo tàng quốc gia  Châu Á luôn và sẽ tiếp tục tác động tích cực, góp phần thay đổi xã hội.

TS Nguyễn Văn Cường

Top